Tri thức dân gian trong bảo vệ tài nguyên rừng của người Dao với phát triển bền vững (Khảo sát vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang)

Người Dao ở Việt Nam có một kho tàng tri thức phong phú trong sử dụng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung, tài nguyên rừng nói riêng. Sống gắn bó với rừng, nương tựa vào rừng để tồn tại, rừng trở thành một yếu tố không thể thiếu trong đời sống, văn hóa của người Dao. Hệ thống các tri thức liên quan đến khai thác và bảo vệ rừng của người Dao vì thế rất phong phú và có giá trị. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ tìm hiểu cách mà người Dao thực hành tri thức cũng như sử dụng các tri thức truyền thống trong khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng để ổn định cuộc sống tại một vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Vai trò của tri thức dân gian trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững cũng là nội dung mà được trao đổi trong bài viết.

1. Rừng trong đời sống của người Dao

Với người Dao, rừng như một phần của cơ thể. Rừng được người Dao ví như mái tóc trên đầu để bảo vệ con người, bảo vệ cộng đồng. Mỗi làng người Dao thường có nhiều loại rừng: kiềm cổ (rừng già), kiềm lủn (rừng non), kiềm guồn nhuần (rừng đầu nguồn), tùm choản kiềm (rừng cộng đồng). Mỗi loại rừng sẽ được người Dao khai thác, sử dụng và bảo vệ khác nhau. Đối với rừng thiêng và rừng cấm, cộng đồng sẽ có những quy định nghiêm ngặt về việc ra, vào và khai thác, bảo vệ. Đó thường là những khu rừng già, rừng nguyên sinh gắn với yếu tố tâm linh, là nơi diễn ra các nghi lễ thờ cúng chung cho cả cộng đồng. Các khu rừng khác cũng luôn có mối liên hệ mật thiết với đời sống của người Dao. Họ có thể khai thác gỗ, lấy củi, săn bắn, hái lượm thức ăn, cây thuốc, sản vật để bổ sung cho bữa ăn, đồ uống, chăm sóc sức khỏe gia đình… Chính vì vậy, người Dao thường chọn làm nhà ở gần rừng để thuận tiện cho việc khai thác. Tuy nhiên, các ngôi nhà vẫn có một khoảng cách nhất định với rừng để tránh những tai nạn rủi ro.

Có thể nói, rừng vừa cung cấp vật chất để duy trì sự sống, vừa che chở, bảo trợ về mặt tinh thần, tâm linh cho người Dao. Rừng mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này bao gồm cả núi đá, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng được giao khoán cho các hộ quản lý và gieo trồng.

2. Tri thức dân gian trong khai thác, sử dụng tài nguyên rừng

Tri thức dân gian (tri thức dân gian/ tri thức địa phương) với vấn đề sử dụng và bảo vệ rừng là toàn bộ những hiểu biết của tộc người về rừng. Những hiểu biết này được hình thành và tích lũy trong quá trình trải nghiệm, ứng xử lâu dài với núi rừng và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như tín ngưỡng, kinh nghiệm, luật tục… đồng thời, được lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng trí nhớ và thực hành xã hội (1). Gắn bó với rừng, nương tựa vào rừng để tồn tại và phát triển, người Dao đã tích lũy được một kho tàng tri thức phong phú trong khai thác và sử dụng tài nguyên rừng.

Được mệnh danh là “người ở rừng”, săn bắt hái lượm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh kế của người Dao. Các sản vật từ rừng vừa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu ăn, mặc, ở, đồng thời cũng đem lại nguồn thu cho mỗi gia đình người Dao. Rừng trước tiên là nơi cung cấp cho người Dao nhiều loại thức ăn và đồ uống. Vì lẽ sinh tồn, người Dao hiểu rất rõ về các giá trị dinh dưỡng cũng như tác dụng của mỗi loại cây, củ, quả từ rừng. Từ những kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế, những kiến thức này được người Dao truyền từ đời này sang đời khác bằng hình thức truyền miệng và nhận diện trực tiếp. Rừng thường khá xa nơi ở của người Dao, đường đi khó, vách đá cheo leo, nhiều nguy hiểm rình rập nhưng công việc hái lượm sản vật từ rừng lại chủ yếu do phụ nữ và trẻ em trong gia đình thực hiện. Thường là mẹ với con gái hoặc mẹ chồng với con dâu cùng đi rừng, trong quá trình hái lượm, con gái hoặc con dâu sẽ phụ giúp cho mẹ và từ đó nhận diện các loại lá, cây, củ, tác dụng của chúng, vị trí cũng như mùa vụ thu hái. Cũng có trường hợp, hai vợ chồng cùng đi để phụ giúp nhau. Trước khi di dân, sống trong vùng được thiên nhiên ưu đãi, nhiều núi đá, rừng đất và đồi thấp, người Dao hầu như không phải mua rau ăn, thậm chí còn có thể mang bán lấy tiền. Các điểm tái định cư mà chúng tôi khảo sát có rất ít hoặc không có núi đá, rừng ở xa hoặc không có rừng nên hoạt động săn bắt, hái lượm đã giảm nhiều, không đáp ứng đủ nhu cầu của cộng đồng. Xã Phúc Sơn (huyện Lâm Bình) là khu vực gần núi đá, có rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất nên hoạt động hái lượm của bà con diễn ra thường xuyên hơn. Chỉ cần có thời gian nông nhàn là những bà, những chị, những cô gái trẻ lại tranh thủ vào rừng thu hái các loại rau, măng, nấm, ốc sên núi… Trong khi đó, khu vực xã Tân Mỹ và xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa) rất ít đất rừng nên các hoạt động thu hái không thường xuyên và ít người tham gia hơn. Các loại rau, cây, củ, quả… sau khi mang về sẽ được những người phụ nữ chế biến thành các món ăn ngay hoặc bảo quản bằng cách ủ chua, phơi khô, treo gác bếp… để ăn dần (xem bảng 1).

Bảng 1. Một số loại cây, con phổ biến mà người Dao thu hái được tại vùng tái định cư (tư liệu điền dã)

Người Dao ở Việt Nam cũng được biết đến với rất nhiều tri thức về y học dân tộc. Việc thu hái các loại thảo dược để bảo vệ sức khỏe và chữa một số bệnh thông thường khá phổ biến trong cộng đồng người Dao tái định cư. Hầu như các gia đình đều biết lấy các loại lá tắm và thuốc uống cho phụ nữ sau sinh. Với dân tộc Dao, phụ nữ sinh xong sẽ được tắm và uống nước đun từ rất nhiều loại lá, cây rừng (có thể lên tới mấy chục loại lá, cây, rễ…). Nhờ có những bài thuốc này mà những người phụ nữ Dao hồi phục sức khỏe rất nhanh. Các gia đình cũng tự lấy lá thuốc đun nước uống hằng ngày để tốt cho sức khỏe hoặc tự chữa một số bệnh thông thường: đau bụng, tiêu chảy, ho, xương khớp. Một số gia đình có các bài thuốc gia truyền, chữa trị một số bệnh nặng hơn: bệnh dạ dày, bệnh tim, bệnh trĩ, chữa rắn cắn, chữa vô sinh… Mỗi một bài thuốc sẽ gồm nhiều vị (loại thảo dược) khác nhau. Bên cạnh một số loại cây cỏ quanh vườn nhà, phần lớn các vị thuốc đều được thu hái từ rừng (xem bảng 2).

Bảng 2. Một số loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh (tư liệu điền dã)

 Một số loại thảo dược phổ biến mọc ở đường mòn, đồi đất. Một số khác chỉ có ở rừng già, rừng nguyên sinh hoặc trên núi đá cao. Một số quý hiếm, người Dao tái định cư phải về quê cũ mới tìm được. Hầu như trong bếp tất cả các hộ Dao đều có sẵn túi lá, cây thuốc để đun nước uống hằng ngày. Các loại thuốc tắm, thuốc chữa bệnh thì thường khi gia đình có nhu cầu hoặc có người nhờ (người đặt hàng) thì họ mới đi lấy. Bà Phùng Thị Nái (64 tuổi, thôn Phiêng Tạ) chia sẻ: “Ngày xưa bà thường đi theo mẹ chồng vào rừng lấy thuốc, đi nhiều thành quen, tự nhớ các loại cây thuốc, các bài thuốc. Giờ có loại cây không nhớ tên, không biết gọi là gì, chỉ biết tác dụng của nó. Một tháng bà thường đi rừng 2-3 lần. Hiện, bà chưa truyền nghề cho ai, thi thoảng có loại cây khó lấy, mọc trên vách đá thì bảo đứa cháu đi cùng nó lấy giúp, sau này già, các con đi theo cùng, đứa nào biết lấy thì khắc lấy”.

Nếu việc thu hái rau, măng và thảo dược là việc của phụ nữ, thì việc săn bắt là dành cho những người đàn ông. Trước đây, các loại động vật mà người Dao sắn bắt khá đa dạng như: rắn, sóc, chuột, don, dúi, cầy, khỉ, lợn rừng, gấu, hươu nai… Các thợ săn thường biết rất rõ vị trí, thời điểm và cách thức đánh bắt từng loài thú riêng. Họ chọn đi săn vào lúc nông nhàn hoặc khi mùa vụ sắp đến ngày thu hoạch. Vị trí săn mồi là những chỗ gần nguồn nước, nơi có thức ăn cho động vật (hoa, quả, hạt…). Hiện nay, các loại thú rừng đã suy giảm, luật bảo vệ rừng cũng nghiêm cấm việc săn bắt thú nên trong các thôn bản, chỉ có số ít người còn đi rừng săn bắt sóc, dúi, cầy. Nếu săn được nhiều, họ cũng mang bán cho các nhà hàng để lấy tiền. Ngoài săn thú, người Dao trước kia còn có các kinh nghiệm đánh bắt cá trên sông, suối. Tuy nhiên, các điểm tái định cư chúng tôi khảo sát đều không gần sông, chỉ có suối nhỏ nên hoạt động đánh bắt cá không còn diễn ra nữa.

Gắn với rừng, người Dao còn có rất nhiều tri thức trong khai thác, sử dụng các sản phẩm gỗ. Gỗ là vật liệu chính để người Dao làm nhà ở, đóng giường, tủ, bàn ghế, làm chuồng trại, chất đốt… Nhìn vào ngôi nhà của người Dao có thể dễ dàng nhận thấy toàn bộ các nguyên vật liệu đều là của rừng. Yếu tố rừng thể hiện đậm nét trong từng chi tiết, cấu trúc của nhà cửa (2). Mỗi chi tiết, bộ phận của ngôi nhà là một loại vật liệu khác nhau được lựa chọn phù hợp với công năng sử dụng. Những kiến thức về khai thác và sử dụng các nguyên vật liệu đã giúp người Dao có những ngôi nhà bền chắc và thoáng đẹp. Trước đây, gỗ quý ở rừng còn nhiều, công tác quản lý chưa chặt chẽ nên việc khai thác của người Dao diễn ra thường xuyên và không quá vất vả. Thời gian khai thác gỗ là khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 theo lịch âm. Đây là mùa khô, thuận lợi cho việc đi rừng dài ngày, đồng thời cũng là thời kỳ thân cây ít nước, ít bị mối mọt. Đi lấy gỗ phải là những người đàn ông, có kinh nghiệm trong việc phân biệt các loại cây, chọn cây gỗ tốt cũng như kinh nghiệm chặt và vận chuyển. Chẳng hạn, người Dao sẽ không chọn những cây gỗ cụt ngọn, thân rỗng hoặc thân cây có nhiều dây leo quấn quanh, vì đó là những cây gỗ không chắc, dễ bị mục và cũng không đem lại may mắn cho gia đình. Trước khi chặt một cây gỗ lớn, người Dao sẽ quan sát xem cây đổ về hướng nào cho dễ thu gom và vận chuyển đồng thời cũng không ảnh hưởng đến các cây con khác. Người Dao cũng hiểu rõ thuộc tính của từng loại gỗ. Mỗi loại gỗ sẽ được chọn tương ứng với mục đích sử dụng. Để làm cột chính của ngôi nhà, người Dao sẽ chọn các loại gỗ chắc: nghiến, trai, đinh. Vách nhà làm bằng các loại gỗ tạp: xoan, sồi hoặc tận dụng luôn gỗ thừa từ cột chính. Bàn ghế, giường tủ sẽ dùng loại gỗ vừa bền, vừa có vân đẹp: lát hoa, lát chun…

Khoảng 5 năm đầu ở nơi tái định cư, người Dao khai thác rất nhiều gỗ nghiến trong các khu rừng già của khu vực. Một phần họ dùng để làm nhà, một phần bán lấy tiền để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, nguồn gỗ nghiến cạn kiệt, công tác quản lý gỗ rừng của Nhà nước cũng nghiêm ngặt hơn, hoạt động khai thác gỗ của người Dao cũng gần như dừng lại. Một phần do không có gỗ, một phần do thay đổi nhận thức, hiện những ngôi nhà mới của người Dao đều được xây bằng vật liệu công nghiệp. Đồ gỗ trong nhà thì được người dân mua sẵn từ các vùng lân cận. Nhiều vật dụng trong nhà cũng được thay thế bằng vật liệu mới.

3. Tri thức dân gian trong quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng

Rừng - một phần của môi trường tự nhiên, là yếu tố không thể thiếu trong đời sống, văn hóa của người Dao. Đồng bào quan niệm, rừng có một vị thần cai quản núi non, động vật và cây cối. Khi muốn săn bắt, hái lượm… phải xin phép và tạ ơn. Là sở hữu chung của cộng đồng nên việc khai thác và bảo vệ rừng được quy định và giám sát chặt chẽ. Do đó, để đảm bảo cho rừng luôn phát triển bền vững, có thể cung cấp các loại sản vật cần thiết cho cộng đồng, họ đã tích lũy cho mình những kinh nghiệm trong việc nhận biết về quá trình sinh trưởng, nơi sinh trưởng và thời gian thu hoạch các loại sản vật đó để phục vụ cuộc sống. Khi thu hái, người Dao thường chỉ thu hái phần ngọn, lá, cành, dây… giữ lại phần gốc để cây tiếp tục sinh trưởng. Với những loại dùng củ, rễ, bà con chỉ lấy cây già, giữ lại cây non để cho những lần thu hoạch sau. Đặc biệt, người Dao rất ý thức trong việc giữ gìn nguồn giống cây thuốc. Một số cây được bà con mang về trồng, nhân giống quanh vườn nhà.

Ngoài luật và quy định của Nhà nước về việc khai thác, bảo vệ rừng, người Dao có những tri thức, quy định riêng trong việc khai thác và quản lý với từng loại rừng. Rừng đầu nguồn - những khu rừng giữ nước sẽ thuộc sở hữu chung, được quản lý bởi cộng đồng. Với những khu rừng này, người Dao vẫn được thu hái rau, măng, cây thuốc nhưng không được khai phá, đốt nương làm rẫy, không chăn thả gia súc, không được làm bẩn nguồn nước. Các thôn người Dao cũng thường có các khu rừng cấm, rừng thiêng hoặc rừng ma. Một trong những biện pháp bảo vệ rừng của người Dao là cơ chế “thiêng hóa” các khu rừng. Trong quan niệm của người Dao, mọi vật đều có linh hồn, mọi nơi đều có các vị thần cai quản. Các khu rừng thiêng, rừng cấm thường gắn với các yếu tố tâm linh, nơi có các vị thần hoặc các loại ma trú ngụ. Bên cạnh gắn với các yếu tố tâm linh, rừng thiêng, rừng cấm cũng là nơi thực hành các nghi lễ chung của thôn bản. Những nghi lễ này diễn ra hằng năm hoặc khi cộng đồng gặp vận hạn với mong muốn đảm bảo sự bảo trợ của các vị thần đối với dân làng. Đối với những khu rừng này, mọi thành viên của cộng đồng đều phải chấp hành các quy định nghiêm ngặt. Nếu không được phép của cộng đồng thì sẽ không được tự ý ra vào hoặc xâm phạm các tài nguyên rừng. Những người không chấp hành quy định sẽ bị các vị thần quở trách, các loại ma làm hại, cũng bị dân làng phạt vạ. Với việc thiêng hóa các khu rừng, người Dao đã cùng nhau xây dựng nên những quy định hướng mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, ở các điểm tái định cư, người Dao là cư dân đến sau, vấn đề sở hữu đất đai khiến họ nghĩ rừng và các vị thần cai quản ở đó là của cư dân sở tại. Họ không có các khu rừng cấm, rừng thiêng để thực hiện các nghi lễ thờ phụng. Trong khoảng 5 năm đầu, người Dao không thực hiện bất kỳ nghi lễ thờ cúng nào liên quan đến rừng. Phải đến khi, có những vận hạn xảy đến liên tiếp trong cộng đồng, người Dao mới tìm đến các vị thần. Ở thôn Phiêng Tạ (xã Phúc Sơn), từ khi tái định cư, trong thôn có một số người chết không bình thường như đuối nước, ngã núi, tai nạn giao thông, tự tử, ốm đau... Người Dao nghĩ rằng, nguyên nhân của những tai họa này là do nhiều người chặt phá rừng, phạm vào thần linh, thổ thần. Năm 2012, người Dao ở Phiêng Tạ đã tổ chức một lễ cúng lớn để cầu mong thần linh, thổ thần phù hộ cho cộng đồng yên ổn làm ăn. Địa điểm thực hiện lễ cúng là một nơi vắng vẻ, có cây to trong núi. Lễ cúng diễn ra bí mật, người không có nhiệm vụ thì không được biết. Hiện nay, việc thờ cúng này do dòng họ hoặc nhóm các gia đình làm theo nhu cầu. Những điểm tái định cư khác, việc thờ cúng thổ thần, cúng bản gần như không được thực hiện.

4. Tri thức dân gian trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên rừng với phát triển bền vững

Tính ứng dụng và những vấn đề đặt ra với tri thức dân gian của người Dao

Nhiều thế hệ gắn bó với rừng núi, người Dao đỏ đã có sự am hiểu sâu sắc về các loại cây, củ, quả rừng, đặc điểm mùa vụ, giá trị dinh dưỡng cũng như khả năng chữa bệnh của chúng đối với con người. Những hiểu biết này đã góp phần không nhỏ giúp người Dao vượt qua những khó khăn ban đầu, ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư. Bằng kinh nghiệm vốn có, những sản vật thu hái từ rừng vừa giúp đồng bào không bị thiếu đói, vừa đảm bảo cho mọi người luôn khỏe mạnh. Người Dao cũng khá linh hoạt trong việc kết hợp tri thức truyền thống với những kinh nghiệm mới để duy trì và phát triển cuộc sống. Chẳng hạn, tri thức làm men lá (men để ủ rượu được làm bằng nhiều thứ lá rừng) để nấu rượu ngô được vận dụng để nấu rượu gạo. Đây là một mặt hàng được những người dân tộc khác rất ưa chuộng. Rượu cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho các hộ gia đình. Số măng rừng do một người phụ nữ đi lấy trong một buổi bán được 200-300 nghìn đồng. Một gói thuốc tắm (dùng được 1 tháng) có thể bán 150-200 nghìn đồng… Ốc sên núi sau khi nhặt về cũng có người đặt mua ngay với giá 25-30 nghìn đồng/ kg. Người Dao hiện nay đã chủ động hơn trong việc lao động, sản xuất ra các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày nhưng họ vẫn luôn duy trì các hình thức hái lượm như một thói quen, một tập tục. Các tri thức liên quan đến hái lượm vẫn được chắt lọc, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao.

Bên cạnh những tri thức vẫn được thực hành, không ít các tri thức trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên rừng cũng đang mất dần vai trò và vị trí trong cuộc sống của người Dao. Một mặt, với tâm lý là người đến sau, người Dao đã có những thay đổi trong nhận thức về vấn đề sở hữu đối với rừng và môi trường tự nhiên. Theo họ, tất cả rừng, núi, nguồn nước, bãi chăn thả… đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và dân sở tại. Khi không được sở hữu, không được khai thác đồng nghĩa với việc người Dao không được hưởng lợi và cũng không có nghĩa vụ bảo vệ những thứ không thuộc về mình. Nhận thức này sẽ phần nào khiến cho các hành vi ứng xử với rừng của người Dao thay đổi. Điều này cũng khiến cho mối quan hệ giữa người Dao với rừng giảm đi sự mật thiết. Những tri thức trong khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng của người Dao vì thế cũng có nhiều thay đổi và mai một. Bên cạnh đó, cùng với công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên cả nước, điều kiện sống của người dân ngày một được nâng cao. Các loại lương thực, thực phẩm mới cùng với hoạt động giao thương phát triển đã làm cho một phần tri thức về săn bắt hái lượm của người Dao dần bị mai một. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều người trẻ tuổi (nam, nữ từ dưới 30 tuổi) rất ít khi đi rừng. Vì vậy, họ không nhận biết được một số loại rau rừng, cây thuốc, các loại nấm, không biết các kinh nghiệm về mùa vụ và địa điểm thu hoạch các loại sản vật. Vấn đề quan trọng hơn, sự thay đổi, mai một của tri thức dân gian đang làm cho nhận thức về rừng, về tự nhiên ở lớp người trẻ tuổi ngày càng hạn chế. Vùng tái định cư không có các khu rừng cấm, rừng thiêng nên niềm tin của họ vào sự linh thiêng của các khu rừng đang mất dần. Ý thức bảo vệ rừng vì thế cũng suy giảm đi nhiều. Một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng người Dao đỏ có những nhận thức không đầy đủ về rừng và vai trò của rừng. Nhận thức về tầm quan trọng của rừng suy giảm, dẫn đến quá trình khai thác và bảo vệ rừng cũng không theo tri thức truyền thống. Vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính bền vững của rừng nói riêng, môi trường tự nhiên nói chung.

Vai trò của tri thức dân gian trong bảo vệ và phát triển bền vững rừng

Phát triển bền vững về môi trường sinh thái rừng có nghĩa là phải bảo vệ được khả năng tái sinh của hệ sinh thái rừng, đảm bảo nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng phải thấp hơn khả năng tái sinh của rừng. Việc khai thác phải đi cùng với bảo vệ, có như vậy mới đảm bảo tính bền vững của rừng (3). Về quan điểm phát triển bền vững, theo báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và phát triển thế giới - WCED thì “phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” (4). Vậy để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng tái định cư nói riêng, bên cạnh những đầu tư về kinh tế, xã hội và công nghệ, cần chú trọng đến vấn đề sử dụng và quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên thiên nhiên nói chung. Đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống ở các vị trí trọng yếu về môi trường (gần rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn…). Nơi mà ý thức và tri thức của họ có thể gây ra hoặc ngăn cản những thiên tai nguy hiểm, đe dọa sự sống của cộng đồng và toàn thế giới. Việc duy trì, phát huy những tri thức phù hợp của đồng bào có một vai trò quan trọng không chỉ trong đời sống mà còn góp phần duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học cho từng địa phương nói riêng, giữ ổn định môi trường sinh thái, môi trường năng lượng cho quốc gia nói chung.

Tri thức dân gian về khai thác và bảo vệ rừng là toàn bộ những hiểu biết, những kinh nghiệm được người Dao đúc kết ra trong quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên. Những tri thức ấy đảm bảo việc khai thác luôn đi liền với việc bảo vệ rừng, bảo vệ tự nhiên. Suốt bao đời nay, người Dao luôn hết sức coi trọng rừng, luôn có những ứng xử hài hòa và bình đẳng với rừng, tạo cho rừng một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội chung của mỗi thôn bản. Đó chính là một phần quan trọng của phát triển bền vững.

Kết luận

Qua việc tìm hiểu tri thức sử dụng và bảo vệ tài nguyên rừng của người Dao, có thể thấy người Dao đã thiết lập mối quan hệ bình đẳng, hài hòa và mật thiết với môi trường tự nhiên. Như một quy ước ngầm, khi cộng đồng hưởng lợi từ tự nhiên đồng nghĩa với việc họ phải tôn trọng và bảo vệ tự nhiên. Trong bối cảnh tái định cư, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, mối quan hệ hài hòa vốn có đã có phần thay đổi. Điều này đặt ra vấn đề, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn đến yếu tố văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số khi thực hiện các chương trình di dân. Bên cạnh đó, tri thức dân gian của người Dao hoặc của các dân tộc thiểu số khác cũng là vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, phân tích và ứng dụng trong thực tiễn để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng góp sức, chung tay bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

_______________________

1. Nguyễn Ngọc Thanh, Tri thức dân gian của dân tộc Dao trong sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.177.

2, 4. Trần Hữu Sơn, Ứng xử với môi trường tự nhiên của người Dao vùng Tây Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2017, tr.285, 518.

3. Dương Tuấn Nghĩa, Tri thức dân gian trong khai thác và bảo vệ rừng của người Hà Nhì Đen ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Hà Nội, 2017, tr.130.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nxb Văn hóa - Thông tin, Công ty văn hóa Trí Tuệ Việt, Hà Nội, 2006.

2. Lê Hải Đăng, Phạm Thị Thu Hà, Tri thức địa phương của người Dao đỏ trong sử dụng và quản lý tài nguyên rừng, Tạp chí Dân tộc học, số 6-2014.

3. Vũ Thị Trang, Tri thức địa phương trong hoạt động hái lượm của người Dao đỏ: nghiên cứu trường hợp tại Sa Pa và Bát Xát, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2-2014.

Ths ĐỖ THỊ KIỀU NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 557, tháng 1-2024

;