Học sinh được nhận lì xì đầu năm mới - Ảnh: Hồng Vân
Lì xì, đó là một từ đã rất quen thuộc và được nhắc đến nhiều mỗi khi vào dịp Tết đến Xuân về. Ít ai biết rằng, từ này cũng mới chỉ xuất hiện (và ngày càng trở nên đắc dụng với tần số cao tới mức đáng ngạc nhiên) trong giao tiếp tiếng Việt vào khoảng vài chục năm trở lại đây mà thôi (được thống kê và đưa vào Từ điển Từ mới tiếng Việt, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2002). Bây giờ, mỗi khi có khách đến nhà, ai chúc Tết là bọn trẻ lại mỏi mắt chờ đợi “tiết mục” lì xì. Chúng háo hức đến mức bỏ ăn, bỏ chơi, chỉ mong sao khách đừng lơ đãng mà “quên” mình. Mà khách thì quên sao được nhiệm vụ trọng đại này? Chưa rút ví “phát chẩn” thì coi như chưa thể yên tâm chào gia chủ ra về được. Đây là một “tiết mục” phụ nhưng giữ vai trò quan trọng trong mọi cuộc gặp gỡ đầu xuân.
Nhưng mà đâu chỉ có bọn trẻ, ngay cả người lớn chúng ta cũng rất muốn được “lì xì” như bọn con nít vậy. Có một sức hút nào làm cho từ này (với hai âm tiết nghe rất kỳ, rất lạ) lại có sức hấp dẫn đến thế? Suốt mọi nơi, từ Nam chí Bắc, từ nông thôn đến thị thành, lì xì thưởng lộc đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nghe thì vui nhưng đâu phải ai cũng vui khi nhắc đến lì xì. Bởi xét trong mối quan hệ cho và nhận thì người nhận mừng như… bắt được tiền còn nhiều khi người cho lại lo đến mất ăn, mất ngủ. Bởi việc cho ở đây nhiều khi đã vượt ra ngoài cái ngưỡng của sự cho - nhận thông thường trong cuộc sống.
Vậy từ lì xì có từ đâu? Bởi trước đây, đó chỉ là một tính từ, chỉ ai đó có tính cách lầm lì, kém hoạt bát. Ví dụ: Nó cứ ngồi lì xì cả ngày như vậy chẳng nói năng câu nào; Trông mặt nó lì xì, sau này lớn lên chắc nó đần (Nam Cao). Dĩ nhiên, lì xì ta đang nói ở đây có tư cách là một từ mới xuất hiện trong kho từ vựng của tiếng Việt toàn dân (trong vòng hơn hai chục năm, kể từ khi đổi mới (khoảng từ năm 1990) tiếng Việt đã bổ sung chừng hơn 2.000 từ mới). Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Nxb Từ điển Bách khoa, 2010) vẫn coi lì xì xuất xứ từ phương ngữ, với nghĩa là “mừng tuổi (bằng tiền)”. Có lẽ do ban đầu từ này chỉ thấy xuất hiện ở miền Nam (chủ yếu ở vùng Chợ Lớn, Sài Gòn), sau này mới lan dần ra toàn quốc. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Chợ Lớn là trung tâm buôn bán có nhiều người Hoa sinh sống.
“Lì xì” là từ gốc Hán: 利市. Từ này phiên âm kiểu pinyin, đọc theo âm Quảng Đông là lì shì, âm Hán Việt là lợi thị, có ba nghĩa: 1. số tiền lời thu được (do mua bán mà ra); 2. tốt lành, có lợi; 3. vận tốt, vận may.
Tương truyền là từ đời Đường bên Trung Quốc (từ năm 618 đến năm 907), nhà vua khi nhận lễ vật của khách bốn phương cúng tiến, thường bớt một chút quà đó tặng lại khách (như tục lại quả trong đám ăn hỏi ở ta vậy) gọi là lộc vua. Thói quen đó lan rộng ra các gia đình quan lại, quyền quý, khá giả. Nhưng việc bớt lại lễ vật nhiều khi cũng bất tiện. Bởi có phải lễ vật nào (như trâu gà dê lợn, vàng bạc, ngà voi...) cũng “xẻo” ra một chút được đâu. Vả lại lễ vật cũng nhiêu khê, cồng kềnh, khó gói, khó mang. Nên người ta liền “cải tiến”, cho một chút tiền vào “phong bao” tặng lại. Một cách đáp lễ tiện cả đôi đường. Rồi thói quen này trở thành phong tục dân gian nhân lễ tết nói chung.
Thế rồi, phong tục tặng phong bao bằng giấy điều trong đó có tiền trở nên phổ biến. Theo tiếng Quan Thoại (官話; Guânhuà, một nhóm các ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Hán được nói khắp miền Bắc và Tây Nam Trung Quốc), tục này được gọi là 紅包 (hồng bao, bao màu đỏ). Ở Trung Quốc và các cộng đồng người Hoa, tục lệ lì xì bằng hồng bao không chỉ có trong Tết Nguyên Ðán mà còn trong nhiều dịp khác (mừng nhà mới, mừng thọ, mừng đám cưới…) và cũng không chỉ dành cho trẻ em. Chẳng hạn trong phong tục cưới hỏi, gia chủ thýờng tặng lì xì cho đội bưng quả (bê tráp), hoặc trong ngày khai trương, sinh nhật... chủ nhân cũng tặng lì xì cho khách đến dự.
Theo quan niệm dân gian, tiền lì xì được coi là thứ tiền đem lại cái hên, điều may mắn tốt lành cho trẻ em dịp đầu xuân.
Ở Việt Nam, tục mừng tuổi cũng có từ lâu. Thường thì nhân dịp Tết Nguyên Đán, ông bà, cha mẹ hay tụ tập con cháu nhân sáng mồng một Tết, chúc tụng và mừng tuổi cho mỗi người một chút tiền (tiền chinh, bằng kim loại, trước đó được gói chung trong túi vải điều và đặt trên bàn thờ, thắp hương). Đó là một cử chỉ lấy “khước” cho con cháu khỏe mạnh, học hành giỏi giang, làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào. Âu cũng là một phong tục đẹp trong dân gian.
Nhưng giờ đây chuyện lì xì, mừng tuổi đã biến tướng đi khá nhiều. Tất cả các hình thức phong bao (mừng tuổi, mừng thọ, mừng nhà mới, mừng lên chức, lên lương, mừng sinh nhật...) người ta đều lì xì hết (và rõ ràng, nếu dùng từ mừng tuổi sẽ hẹp hơn nhiều về phạm vi sử dụng). Tiền lẻ (một, hai ngàn) hầu như cũng không dùng. Chí ít cũng từ năm, mười, hai mươi ngàn trở lên. Với nhiều trường hợp (như lì xì cho bọn trẻ), người ta vẫn có thói quen “đưa thẳng”. Người cho, người nhận, chủ và khách công khai chứng kiến số tiền rút ví. Nhưng nhiều trường hợp, để cho sang cho đẹp, và cũng để tế nhị, người ta lại cho trước vào các bao lì xì in sẵn (sau khi đã cân nhắc kỹ là nên đặt bao nhiêu cho phải). Độ dày mỏng của phong bao cũng tỷ lệ thuận với nhu cầu thực tế quan hệ và tính quan trọng của “vấn đề”. Lì xì bằng VND (đồng, đơn vị tiền Việt Nam) và bằng ngoại tệ, đều có cả. Lì xì năm, vài chục ngàn VND cũng có, trăm ngàn cũng có. Nhưng có lẽ cũng chẳng hiếm bao lì xì “cõng” tới vài trăm hay cả ngàn USD. Khi đó, bao lì xì đã biến tướng thành một món quà “lót tay” với mục đích khác...
Vì vậy, bao lì xì đỏ chói, in hình ông Phúc, ông Thọ hay chú hài đồng bằng nhũ vàng kia theo thời gian đã mất dần ý nghĩa nhân văn thiêng liêng của nó. Và trẻ con bây giờ cũng chả kém cạnh gì. Chúng nhanh chóng xếp hàng chào khách (không thiếu một ai) và sau đó nhanh chóng lui về chỗ khuất để “kiểm kê” tài sản tại trận. Ý nghĩa nào chưa biết, chỉ biết rằng tự nhiên chúng được hưởng một khoản tiền “kếch xù” (chúng có biết đâu nếu không vì bố mẹ chúng thì vị khách sộp kia không bao giờ “chơi đẹp” đến vậy). Còn bao lì xì xinh xinh tội nghiệp kia thì ngay lập tức bị quẳng vào xó nhà rồi lặng lẽ nằm chung với lá bánh chưng, vỏ hộp kẹo, nút chai... trong sọt rác.
Lì xì là một từ đã có cuộc sống riêng, đã có những biến đổi theo hành trình lịch sử. Chúng ta cần trân trọng, giữ lại những nét đẹp của phong tục dân gian đã có từ ngàn xưa. Nếu không, những biến tướng (như vừa nói) sẽ làm giảm đi giá trị văn hóa, nhân văn vốn có của tục lệ này.
PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024