Sáng 16-4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Nxb Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị và các cơ quan, đơn vị, các cộng tác viên trong và ngoài quân đội, đặc biệt là phối hợp với VIETNAMBOOK, đã hoàn thành và ra mắt bạn đọc bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024). Bộ sách với hơn 30 cuốn, trong đó liên kết xuất bản với VIETNAMBOOK 17 cuốn, có thể chia thành các bộ loại chính như:
Những hồi ký, hồi ức của các tướng lĩnh nổi tiếng đã từng trực tiếp tham gia chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước, là những cuốn sách được tái bản (nhiều lần), nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và sức hút lớn bởi đây là những cuốn sách kinh điển được viết bằng tư duy và tầm nhìn của nhiều nhà chiến lược quân sự mà tên tuổi của họ gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: “Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Đại tướng Lê Trọng Tấn với Chiến dịch Điện Biên Phủ”,…
Toản cảnh buổi ra mắt bộ sách
Những nghiên cứu tổng kết, phân tích làm sáng tỏ đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Bác Hồ; vai trò chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch, nổi bật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nghệ thuật quân sự Việt Nam qua tác chiến chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, những thống kê, con số, sự kiện, nhận định đánh giá cả ở trong nước và ngoài nước, sự ủng hộ to lớn của các nước anh em và bạn bè trên thế giới, như: “Chiến dịch Điện Biên Phủ - Thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam”, “Sức mạnh Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - Đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam”, “Chiến dịch Điện Biên Phủ: Sự kiện - Con số”, “Võ Đại tướng với Điện Biên Phủ”, “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 dưới góc nhìn của người nước ngoài”…
Những ký sự, câu chuyện gắn liền với kỷ vật, ký ức của các cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu; hay những sáng tác văn học (thơ, văn xuôi) góp phần tái hiện thông qua chi tiết và xây dựng hình tượng nhân vật bằng ngôn ngữ chân thực, sinh động, giản dị, dễ hiểu, nêu bật những chiến công, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta để có được chiến thắng vẻ vang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Ký sự” (2 tập), “Chuyện kể chiến thắng Điện Biên Phủ” (2 tập)”, “Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên”, “Điện Biên Phủ không thể nào quên”, “Lũ mường”…
Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nxb Quân đội nhân dân phát biểu tại buổi ra mắt bộ sách
Phát biểu tại buổi ra mắt bộ sách, Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nxb Quân đội nhân dân cho biết, quá trình tổ chức xuất bản Bộ sách về Chiến thắng Điện Biên Phủ lần này nhằm kế thừa, tiếp nối, phát triển các bộ sách đã xuất bản ở những lần kỷ niệm trước. Nxb Quân đội nhân dân đã đặc biệt chú trọng việc chọn lựa kỹ lưỡng để tái bản những cuốn sách có giá trị cao, trong đó, dành nhiều công sức, trí tuệ để đối chiếu, tra cứu, biên tập, chỉnh sửa một số câu từ cho phù hợp và chuẩn xác hơn. Quá trình biên tập, Nxb Quân đội nhân dân cũng phát hiện những sự trùng lặp ngay trong một cuốn sách, hay nội dung chưa thống nhất giữa các sách đã xuất bản, và cả trong bản thảo mới, nhất là về một số mốc thời gian, tên nhân vật, diễn tiến sự kiện, do trí nhớ mỗi người, hoặc tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Bộ sách xuất bản lần này đã góp phần chuẩn hóa nhiều tư liệu quý và chính xác hơn, có phần chú thích, dẫn giải thêm cho người đọc dễ hiểu khi có những tư liệu còn khác nhau (phần chú thích độc lập với phần nội dung nên không ảnh hưởng đến nội dung).
Theo Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Nxb Quân đội nhân dân đã chủ động, tích cực mời các cộng tác viên tâm huyết, trách nhiệm, nhất là những chuyên gia, nhà văn, nhà báo ở cả trong và ngoài quân đội để có được những công trình nghiên cứu mới, sáng tác mới sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, khách quan hơn do có “độ lùi” về mặt thời gian. Cho nên có thể nói, đây là một bộ sách đồ sộ không chỉ về số lượng lớn mà cả về sự phong phú về bộ loại, đa dạng về nội dung, cùng với đó là tổ chức lực lượng cộng tác viên đông đảo, tổ chức biên tập xuất bản công phu, nghiêm túc và đồng thời được Thư viện Quân đội phát hành toàn quân, Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) phát hành trên toàn quốc nhanh, sớm nhất từ trước đến nay...
Ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên cán bộ Trung đoàn 102- Sư đoàn 308, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ kỷ niệm về trận chiến tại Điện Biên Phủ
Kể về những ký ức trong cuộc chiến đấu ác liệt để dành từng tấc đất, từng đoạn hào diễn ra trên đồi A1, ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên cán bộ Trung đoàn 102- Sư đoàn 308, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ, “trung đội do tôi chỉ huy được điều lên chiến đấu trên đồi A1 với quân số có 16 người, được trang bị 2 khẩu trung liên, 4 khẩu tiểu liên, súng trường, lựu đạn... Thời gian này, trung đội tôi đã chiến đấu nhiều trận chiến ác liệt, do tiếng pháo bắn tại trận chiến, nên tai của chúng tôi hoàn toàn bị điếc, sau các trận chiến, trung đoàn còn lại 5 người. Sau mỗi trận đánh, chúng tôi lại củng cố công sự, công sự nào tốt nhất để dành cho các đồng chí thương binh và các liệt sĩ vì chưa chuyển về hậu phương được. Đến khoảng 17 giờ, đợt pháo kích bắt đầu, do quân số chỉ còn 5 người, nên các thương binh nhẹ cũng lại tiếp tục cầm súng chiến đấu. Pháo binh của ta bắn rất mãnh liệt và chính xác vào đội quân của quân địch, vì thế quân địch đã phải tháo chạy. Sau trận chiến đấu này, một khẩu trung liên của trung đội bị hỏng, đạn và lựu đạn cũng gần hết, nước uống, lương khô cũng bị hết. Trận chiến đấu cuối cùng, chiến sĩ thông tin cũng hy sinh và máy thông tin cũng hỏng. Trung đội của tôi bị mất liên lạc hoàn toàn với sở chỉ huy, chúng tôi đã bàn với nhau sẽ tiếp tục đánh giáp lá cà, sẵn sàng hy sinh. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 30 phút, chúng tôi đã vui sướng khi có một đoàn các đồng chí chỉ huy đã đến với trung đoàn chúng tôi...”.
Nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Nxb Quân đội nhân dân ra mắt bộ sách quý về Chiến thắng Điện Biên Phủ càng trở nên có ý nghĩa thiết thực, càng khẳng định và tự hào rằng, Điện Biên Phủ mãi mãi là một chiến công hiển hách, khơi dậy khát vọng và niềm tin vào sức mạnh của cuộc đấu tranh chính nghĩa, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức vùng lên phá tan xiềng xích, giải phóng dân tộc trên thế giới.
NGỌC BÍCH - Ảnh: NGUYỄN TRUNG