Lễ hội là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể gắn với cộng đồng, sự biến đổi của lễ hội qua thời gian là một quy luật tất yếu. Trong bối cảnh ở Bắc Ninh hiện nay, sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, sự chuyển giao lễ hội từ thế hệ này sang thế hệ khác, nối tiếp từ thế hệ tạo dựng văn hóa sang thế hệ duy trì và bảo tồn văn hóa cần có phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả hơn.
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn) - Ảnh: bacninh.gov.vn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 500 lễ hội diễn ra vào các mùa trong năm, phân bố ở các huyện, thị xã, thành phố, cụ thể: thị xã Thuận Thành (86 lễ hội), huyện Lương Tài (80 lễ hội), thị xã Quế Võ (73 lễ hội), huyện Gia Bình (36 lễ hội), thành phố Bắc Ninh (84 lễ hội), huyện Yên Phong (63 lễ hội), huyện Tiên Du (63 lễ hội) và thành phố Từ Sơn (50 lễ hội).
Trên toàn tỉnh có 3 địa phương không có lễ hội đó là: thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình); phường Vệ An và Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh). 3 địa phương này được thành lập mới trên cơ sở một phần đất và dân cư của các xã, phường khác nhau. Có 5 xã, phường chỉ có 1 lễ hội là: phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) có lễ hội Đọ Xá; phường Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn) có lễ hội Đồng Kỵ; phường Yên Phụ (huyện Yên Phong) có lễ hội Yên Phong; thị trấn Lim (huyện Tiên Du) có lễ hội Lim vốn là hội chung của 3 làng Lũng Giang, Lũng Sơn và Duệ Đông; xã Phật Tích (huyện Tiên Du) mặc dù có 5 thôn (Cổ Miếu, Ngô Xá, Phật Tích, Phúc Nghiêm, Vĩnh Phú) nhưng hiện nay chỉ có 1 lễ hội là hội chùa Phật Tích. 3 xã có nhiều lễ hội nhất là xã Phú Hòa (huyện Lương Tài) với 13 lễ hội; xã Xuân Lai (huyện Gia Bình) có 11 lễ hội; xã Trung Chính (huyện Lương Tài) có 18 đơn vị thôn/ làng khác nhau, hiện có 10 lễ hội (1). Những số liệu dẫn ra trên đây từ góc nhìn quản lý văn hóa cụ thể hơn là quản lý lễ hội, vấn đề về nguồn lực trong đó bao gồm nguồn nhân lực, tài lực và vật lực cần phải cân đối phù hợp, hợp lý các điều kiện để đáp ứng nhu cầu và phấn đấu hiệu quả của từng đơn vị, từng cấp quản lý.
Bắc Ninh trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa hiện nay
Bắc Ninh nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Những yếu tố thuận lợi về địa lý, những nỗ lực của tỉnh trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo cơ chế hỗ trợ đặc thù, đã giúp Bắc Ninh trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử và phụ trợ điện tử hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Foxconn, Fushan Technology… Cùng với đó, tại các làng nghề cũng tiến hành quy hoạch khu công nghiệp làng nghề. Tại các khu/ cụm công nghiệp làng nghề, người dân đã dần tách nơi sản xuất, tiêu thụ/ bán sản phẩm ra khỏi nơi ăn ở, sinh hoạt tạo ra một diện mạo mới cho các làng nghề ở Bắc Ninh trong những năm gần đây. Thực tế hiện nay, công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế nói chung. Chính hiệu quả từ thực tiễn đã đưa Bắc Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp thu hút nguồn vốn và các đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 4-2020, Bắc Ninh thu hút 1.566 dự án đầu tư FDI với tổng số đăng ký hơn 19 tỷ USD (2).
Bên cạnh sự phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn diễn ra trên nhiều phương diện, ngành nghề khác nhau. Ở Bắc Ninh cũng đồng thời diễn ra quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và hiện đại hóa nông thôn. Trong định hướng phát triển, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Bắc Ninh tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng: tăng cường liên kết, tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, nâng cấp và đầu tư mới hạ tầng phục vụ sản xuất. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác.
Bên cạnh đó, đô thị hóa ở nước ta thực sự phát triển mạnh mẽ từ sau thời kỳ Đổi mới (1986), là yếu tố trung tâm trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. “Đô thị là nơi có nhịp độ phát triển nhanh nhất, năng động, văn minh của đất nước nhưng cũng chứa đựng những vấn đề phức tạp” (3). Quá trình đô thị hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh trong 10-15 năm nữa. Từ năm 2020-2025 dự kiến 50% dân số Việt Nam sẽ sống ở thành thị (4).
Đô thị hóa sẽ dẫn đến những thay đổi rõ rệt cụ thể như: cuộc di cư từ nông thôn ra thành phố diễn ra khá mạnh mẽ, dẫn đến mật độ dân cư/ dân số tăng nhanh rõ rệt và nguyên nhân thúc đẩy sự di cư này là do kinh tế. Hầu hết các nhà kinh tế học, xã hội học đều cho rằng hiện tượng di cư từ nông thôn ra thành thị không chỉ bởi lực đẩy quen thuộc từ nơi xuất cư - thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, thu nhập thấp mà còn bởi lực hút từ những nơi nhập cư - cơ hội việc làm có tính ổn định, thu nhập cao hơn so với nơi cũ.
Đô thị hóa sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số. Cơ cấu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng xét về việc làm có thể nhận rõ các thành phần tham gia vào các loại hình kinh tế khác nhau. Nhìn tổng thể cho thấy số lượng dân cư trong lĩnh vực nông nghiệp giảm đi đáng kể và tăng số lượng công nhân trong các khu công nghiệp và các ngành nghề khác trong đó có dịch vụ công cộng.
Bắc Ninh đang trong quá trình đô thị hóa, xây dựng các yếu tố nền tảng tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội Đại biểu Đảng Bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định rõ nhiệm vụ: 1) Quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; 2) Công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành Trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp, công nghệ cao của cả nước; 3) Thương mại dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại thu hẹp khoảng cách giữa thị trường khu vực, thành thị và nông thôn; 4) Nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với đẩy mạnh nông thôn mới; 5) Hoạt động hợp tác, xúc tiến thu hút đầu tư được quan tâm chú trọng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức kinh doanh; 6) Đầu tư quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai đồng bộ, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, gắn với công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh hiện đại, gắn kết đồng bộ giữa thành thị và nông thôn để đẩy mạnh quá trình đô thị hóa gắn công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh hiện đại, gắn kết đồng bộ giữa thành thị và nông thôn để đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. Trên thực tế hiện nay, về cơ cấu hành chính tỉnh Bắc Ninh đã có những thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây Bắc Ninh có 1 thành phố và 7 huyện đến nay Bắc Ninh đã có 2 thành phố là thành phố Bắc Ninh và thành phố Từ Sơn và 2 thị xã là thị xã Quế Võ và Thuận Thành, chỉ còn 4 huyện (Yên Phong, Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du) (5).
Quá trình đô thị hóa diễn ra thông qua việc mở rộng thành phố Bắc Ninh, sáp nhập nhiều đơn vị cấp xã của các huyện lân cận, mở rộng địa giới một số thị trấn huyện lỵ. Quá trình đô thị hóa còn diễn ra thông qua việc đổi cấp quản lý hành chính nông thôn từ huyện thành thị xã rồi thành thành phố (như trường hợp Từ Sơn)... Quá trình hiện đại hóa nông thôn khiến nông thôn Bắc Ninh từng bước tiệm cận với đô thị. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư nâng cấp theo phương châm xã hội hóa. Nhà nước và nhân dân cùng làm, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt tiêu chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi khá mạnh mẽ diện mạo của các vùng nông thôn về kết cấu hạ tầng cơ sở, về cung cách sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Các hoạt động văn hóa hướng tới việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân được phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những thay đổi trong lễ hội truyền thống ở Bắc Ninh
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến các mặt kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Ninh, trong đó lễ hội truyền thống.
Thứ nhất, nội dung phản ánh tín ngưỡng và đời sống sản xuất của cư dân nông nghiệp trong lễ hội có sự thay đổi. Lễ hội truyền thống vốn có nguồn gốc xuất phát từ đời sống cư dân nông nghiệp, nội dung ít nhiều phản ánh quá trình sản xuất, ước vọng của người nông dân với những nghi thức như cầu mùa, cầu mưa... Những lớp tín ngưỡng trong lễ hội phản ánh đời sống tâm linh của người nông dân với việc phụng thờ các vị thần Thành hoàng gắn với sản xuất nông nghiệp. Quá trình công nghiệp hóa đã làm thay đổi cấu trúc sản xuất kinh tế của địa phương với những ngành nghề mới không gắn với sản xuất nông nghiệp. Vai trò phản ánh tín ngưỡng trong lễ hội phai nhạt dần do quá trình chuyển đổi sản xuất. Những nội dung cầu mùa, nghi thức như rước nước với ý nghĩa gắn với sản xuất nông nghiệp dần dần mờ nhạt. Các tập tục, lễ hội vẫn được duy trì, nhưng ý nghĩa của các nghi thức không còn được người dân hiểu biết cặn kẽ như trước. Từ đó, nhiều nghi thức bị giản lược hay cắt bỏ và thay thế bằng các nghi thức mới. Hầu hết lễ hội truyền thống ngày nay đều xuất hiện các nghi thức mang tính hành chính như giới thiệu đại biểu tham dự là đại diện chính quyền, nghi thức đọc diễn văn...
Thứ hai, thời gian diễn ra lễ hội bị tác động mạnh mẽ. Lễ hội truyền thống có thời gian tổ chức gắn với thời gian lao động sản xuất của người nông dân trong các làng quê Việt Nam, thường được tổ chức vào dịp nông nhàn. Chu trình sản xuất công nghiệp với chuỗi sản xuất dây chuyền khép kín khiến cho công nhân ít có thời gian rỗi để tham gia hội làng. Thêm nữa, hội làng truyền thống được tổ chức cố định theo âm lịch. Ngày lễ hội rất ít khi trùng vào ngày nghỉ của công nhân, vì vậy, hội làng không còn thu hút được đông đảo sự tham gia của dân làng như trước.
Thứ ba, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đã làm thay đổi chủ thể tổ chức lễ hội từ người cư trú tại các làng xã thành các thị dân cư trú trong các đô thị mới. Những thay đổi về hình thức nhóm cộng đồng cư trú kéo theo thay đổi trong phong tục tập quán tốt đẹp (tình làng, nghĩa xóm; quan hệ trong họ ngoài làng...). Ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng vốn đề cao tính đoàn kết thay vào đó là một quan hệ xã hội rộng hơn, phức tạp hơn, phù hợp với xã hội mở cửa hiện nay. Sự thay đổi cơ cấu dân cư trong các làng quê ở Bắc Ninh tác động đến cộng đồng chủ thể lễ hội, quá trình công nghiệp hóa đòi hỏi số lượng người lao động đông đảo, riêng tỉnh Bắc Ninh không thể đáp ứng được mà còn có lao động từ các tỉnh khác tới. Theo số liệu của ngành Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, riêng Bắc Giang đã có tới 250.000 lao động đến làm việc tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh. Số lượng khá đông công nhân ở trọ nhà dân xung quanh các khu công nghiệp, sinh sống cùng với gia đình của người dân, tham gia vào các hoạt động chung về văn hóa. Trong các lễ hội gần khu công nghiệp, thành phần tham dự lễ hội có khá nhiều công nhân, họ là những người ở độ tuổi còn trẻ, tham gia lễ hội, thực hành các nghi lễ để bày tỏ lời cầu xin với thần linh. Có thể ở một góc độ nào đó, khi đến ở một nơi mới, công nhân các khu công nghiệp trước hết muốn bày tỏ lòng thành kính với vị thần mà cộng đồng địa phương tôn thờ, mặt khác họ cũng bày tỏ lời cầu mong được làm ăn thuận lợi và luôn được bình an. Tuy nhiên, nhóm cộng đồng dân cư mới này khi tham dự lễ hội không phải với ý thức chủ động, họ không hoàn toàn hiểu biết về những nghi lễ, truyền thống của lễ hội.
Thứ tư, thay đổi không gian tổ chức lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống xưa kia diễn ra trong không gian làng xã với trung tâm là di tích lịch sử văn hóa. Không gian làng với đường làng, ngõ xóm dù nhỏ, hẹp nhưng luôn thông thoáng cho các hoạt động lễ hội, trong đó có những đám rước. Cổng làng, bến nước, sân đình là những địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa gắn với lễ hội. Quá trình đô thị hóa làm xuất hiện những thiết chế đô thị mới như nhà văn hóa, vỉa hè, đèn đường... rất cần thiết cho sinh hoạt hiện đại. Nhưng đồng thời, nhiều khoảng không gian công cộng trong làng, vốn là nơi tổ chức lễ hội nay bị thu hẹp: bến nước, giếng làng bị san lấp để lấy địa điểm xây dựng, cây cối cổ thụ trong làng bị chặt phá để nhường chỗ cho nhà cao tầng, đường làng có nơi được mở rộng thông thoáng hơn nhưng hầu hết là bị thu hẹp lại do quá trình xây dựng người dân tận dụng hết mọi khoảng không gian thậm chí còn tình trạng lấn chiếm không gian công cộng. Tất cả điều này đã thu hẹp không gian tổ chức lễ hội, gây cản trở cho các nghi thức truyền thống.
Một số vấn đề cần quan tâm trong tổ chức và quản lý lễ hội ở Bắc Ninh hiện nay
Một là, cần thực hiện quy hoạch không gian bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa và không gian tổ chức lễ hội. Di tích chính là không gian thiêng diễn ra lễ hội, là nơi thực hành các nghi thức của cộng đồng cư dân đối với thần linh đã được tôn thờ trong lịch sử. Tuy nhiên, đối với lễ hội, không chỉ có không gian thiêng mà còn có không gian tự nhiên nơi diễn ra các trò chơi, trò diễn, diễn xướng dân gian, nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Ngoài ra, khi tổ chức lễ hội cần có không gian phục vụ các dịch vụ, cụ thể như nơi gửi xe, nơi quy hoạch bày bán các sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp, nơi tổ chức các dịch vụ ăn uống, y tế… Chính vì vậy, quy hoạch cho di tích và lễ hội phải được quan tâm, hoặc đi trước, hoặc đi cùng với quy hoạch đô thị, điều đó sẽ đáp ứng đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững về không gian cảnh quan cho di tích và lễ hội.
Hai là, xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để nghiên cứu từng lễ hội, xác định mô hình tổ chức trên cơ sở xác định lễ hội ở cấp độ quản lý nào, cần có kế hoạch lập hồ sơ khoa học đề nghị nhà nước công nhận là di sản phi vật thể quốc gia (trường hợp ở Bắc Ninh hiện đang làm hồ sơ lễ hội Lim). Theo ý kiến của cơ quan quản lý văn hóa, trong tương lai sẽ có kế hoạch làm hồ sơ cho các lễ hội như lễ hội Phật Tích, đền Đô…
Ba là, thành phần dân cư tham dự lễ hội ngày càng đông, nhiều thành phần, cần phải có phương án cho công tác quản lý lễ hội. Các cơ quan quản lý cùng cộng đồng cần phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể ở các nội dung như:
Kế hoạch quản lý nguồn nhân lực trong lễ hội, khách tham dự, tham quan lễ hội (trong nước và quốc tế), vấn đề này nhận thấy rõ ở lễ hội Lim, hội làng Diềm…
Kế hoạch tổ chức đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội diễn ra đúng với phong tục tập quán của người dân địa phương.
Kế hoạch tổ chức đảm bảo tốt các hoạt động dịch vụ trong lễ hội. Trong đó bao gồm các dịch vụ ăn uống, trông giữ xe, phân luồng giao thông, dịch vụ y tế… Cũng cần có số lượng khách tham dự lễ hội theo dự báo của Ban Tổ chức để các hoạt động dịch vụ phù hợp với số lượng khách dự lễ hội.
Kế hoạch cụ thể về các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các hoạt động diễn xướng dân gian cần được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên, cũng có thể lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ hiện đại có ý nghĩa phù hợp với giới trẻ hiện nay.
Trong xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội cần thiết lồng ghép quảng bá các sản phẩm nông nghiệp riêng có của tỉnh Bắc Ninh tiêu biểu như bánh phu thê, bánh tẻ, bánh khúc, giò chả…; các sản phẩm thủ công nghiệp như đồ gỗ (Phù Khê, Kim Thiều); gốm Phù Lãng, giấy Châu Khê, tranh Đông Hồ (Thuận Thành); đồ đồng làng nghề Đại Bái… để quảng bá, phát triển thương mại góp phần phát triển kinh tế cho cộng đồng. Nếu như trước đây các sản phẩm của địa phương còn ít người biết đến, cho tới nay thành phần và khách dự lễ hội đông lên rất nhiều, sức mua và sự quảng bá sẽ có hiệu quả rõ rệt. Sự gắn kết giữa văn hóa và kinh tế sẽ đảm bảo được tính bền vững về kinh tế cho người dân địa phương và xã hội. Trên đây là những suy nghĩ bước đầu của chúng tôi về những vấn đề cần quan tâm trong tổ chức, quản lý lễ hội ở Bắc Ninh hiện nay. Sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đến lễ hội đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng cần có sự phối hợp trên nhiều phương diện để tổ chức và quản lý lễ hội đạt được hiệu quả cao.
______________
1. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo kết quả điều tra khảo sát di sản văn hóa lễ hội truyền thống tỉnh Bắc Ninh năm 2020.
2. Hiệu quả thu hút FDI ở Bắc Ninh, skhdt.bacninh.gov.vn, 18-5-2020.
3. Phạm Quỳnh Chinh, Văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng hiện nay, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021, tr.15.
4. Vũ Hiệp, Đô thị hóa góc nhìn từ những nơi chốn, Nxb Xây dựng, 2016, tr.3.
5. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025.
Ths NGÔ THỊ BÍCH KHUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024