Bảo tàng tỉnh, thành phố (bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh) là thiết chế văn hóa được xác định có nhiệm vụ giáo dục tại địa phương. Thời gian gần đây, diễn giải lịch sử, văn hóa trên cơ sở các hiện vật - di sản văn hóa tiêu biểu, được bảo tàng tỉnh, thành phố chú ý nhiều hơn để có thể phản ánh, giới thiệu một cách dễ hiểu, hấp dẫn những thông điệp, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho quá trình nhận thức, tìm hiểu về địa phương của các đối tượng khách tham quan mỗi khi đến với thiết chế văn hóa này. Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết, các hình thức chủ yếu và tác dụng của diễn giải như một hướng tiếp cận lịch sử, văn hóa địa phương thiết thực của các bảo tàng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ở Việt Nam (từ đây gọi tắt là bảo tàng tỉnh, thành phố).
Du khách nghe thuyết minh về các hiện vật trong Bảo tàng Đắk Lắk - Ảnh: baodaklak.vn
1. Diễn giải lịch sử, văn hóa địa phương - sự cần thiết đối với bảo tàng ở các tỉnh, thành phố
Tiếp cận diễn giải cho Khoa học xã hội, đặc biệt cho những nghiên cứu về tôn giáo được nhà Nhân học người Hoa Kỳ - Clifford Geertz (1926-2006) đề xuất, nhằm nắm bắt ý nghĩa trong các mối quan hệ xã hội bằng phương pháp mô tả sâu. Quan điểm diễn giải gắn liền sự giải thích với nguyên nhân và sự diễn giải với ý nghĩa. Khác với mô tả nông (bề ngoài), mô tả sâu, không chỉ cho thấy cái gì đang xảy ra mà còn thể hiện cả ý hướng (ý nghĩa) của sự việc. Xuất phát từ khía cạnh văn hóa và khoa học của Bảo tàng học, diễn giải đề cập đến tổng thể hoạt động được thực hiện nhằm xây dựng cầu nối giữa những gì được trưng bày (nhìn thấy) và ý nghĩa mà những hiện vật hay di sản chứa đựng (kiến thức), cung cấp cho khách tham quan phương tiện để nhận thức dễ dàng, hiệu quả hơn. Diễn giải cũng bao hàm việc chia sẻ kinh nghiệm và tương tác xã hội với khách tham quan, bảo tàng sẽ đóng vai trò trung gian giữa di sản và công chúng.
Quan điểm về diễn giải hiện vật - di sản đã được nhiều nhà nghiên cứu như Freeman Tilden, Peter Howard… quan tâm. Freeman Tilden tiên phong đưa ra các nguyên tắc về diễn giải di sản trong các bảo tàng, công viên, khu du lịch, bao gồm “đặt chân vào giày” của khách tham quan (nhân viên giáo dục di sản đặt mình vào vị trí của khách tham quan), tập trung vào thông điệp chính, kể chuyện, sử dụng hiện vật thật, liên kết thông tin với cảm xúc và đề xuất hành động. Theo Peter Howard, gắn liền với diễn giải, di sản thể hiện bản sắc theo nhiều cấp độ, bao gồm di sản gia đình, địa phương cũng như các khía cạnh quốc gia và quốc tế. Theo Gary Edson và David Dean, các thông điệp về lịch sử, nhân chủng học, nghệ thuật, khoa học sẽ được gửi/ truyền đạt từ bảo tàng đến khách tham quan qua các kênh/ hình thức diễn giải như trưng bày, tài liệu, thiết bị nghe - nhìn, hướng dẫn và các chương trình hoạt động. Các tác giả: André Desvallées, François Mairesse cũng khẳng định việc thêm thuật ngữ diễn giải thể hiện sự phát triển đầy đủ của giáo dục bảo tàng trong vài thập kỷ qua. Như vậy, đối với bảo tàng, diễn giải là đưa ra cách giải thích, hoặc trình bày các hiện vật, di vật và kiến thức dưới dạng một ngôn ngữ mà khách tham quan có thể hiểu được.
Với việc bảo tồn các mẫu vật/ hiện vật có giá trị, chứa đựng thông tin về địa phương, bảo tàng tỉnh, thành phố (bảo tàng tổng hợp cấp tỉnh) có điều kiện thuận lợi trong việc giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương cho công chúng. Năm 2014, Quyết định 208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, xác định nhiệm vụ giáo dục về lịch sử văn hóa địa phương của các bảo tàng cấp tỉnh. Năm 2022, Quyết định 1520/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030, khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ của các bảo tàng Việt Nam là xây dựng và triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân. Do đó, nội dung lịch sử văn hóa địa phương vẫn tiếp tục được bảo tàng tỉnh, thành phố chú trọng, bởi sự phù hợp với khả năng của thiết chế văn hóa này. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chủ yếu sử dụng hiện vật để minh họa, tuyên truyền, giáo dục trực quan về địa phương trên cơ sở “mô típ giống nhau: thiên về khảo cổ học, nội dung dàn trải suốt các thời kỳ hàng ngàn năm chẳng khác gì một cuốn thông sử” (1), “thiếu vắng nội dung lịch sử xã hội, đô thị, đời sống con người đặc biệt là về văn hóa phi vật thể” (2), bảo tàng ở nhiều tỉnh, thành phố dường như đã tạo nên một ấn tượng có phần nhàm chán với khách tham quan. Gần đây, trên cơ sở nghiên cứu, chọn lọc, sắp xếp một cách khoa học, lịch sử văn hóa địa phương đã được bảo tàng tỉnh, thành phố chú ý diễn giải, gắn kết nhiều hơn với di sản địa phương, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng; qua đó có thể hỗ trợ tích cực cho quá trình học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.
2. Các hình thức diễn giải lịch sử văn hóa địa phương của bảo tàng tỉnh, thành phố
Qua thực tế hoạt động của một số bảo tàng tỉnh, thành phố tiêu biểu ở Việt Nam, có thể nhận diện và gọi tên các hình thức diễn giải chủ yếu về lịch sử văn hóa địa phương, cụ thể:
Diễn giải thông qua các tổ hợp hiện vật lịch sử văn hóa và bối cảnh trưng bày
Bảo tàng tỉnh, thành phố chủ yếu sử dụng cách tiếp cận lịch sử, trưng bày, giới thiệu hiện vật/ mẫu vật theo quá trình phát triển. Đây là những vật chứng trung thực của các hiện tượng, sự kiện diễn ra trong tự nhiên và xã hội ở địa phương; đồng thời, hàm chứa lượng thông tin khoa học, chính xác, chân thực về các sự kiện, hiện tượng mà chúng là minh chứng, cũng như kiến thức, kinh nghiệm sống được tích lũy trong hoạt động văn hóa của con người. Tuy nhiên, hiện vật/ mẫu vật mới là các “ký tự” và “chất liệu”, cần được tổ hợp theo chủ đề để phản ánh nội dung. Do đó, bảo tàng tỉnh, thành phố có sự lựa chọn, sắp xếp và giới thiệu hiện vật/ mẫu vật cùng với các tài liệu trưng bày, phản ánh các chủ đề về lịch sử văn hóa địa phương. Ví dụ như, phần trưng bày thời Trần tại Bảo tàng tỉnh Nam Định (chủ đề quan trọng của địa phương vốn là đất “phát tích, dựng nghiệp” của Vương triều), hiện vật ấn tượng là hai cánh cửa chùa Phổ Minh và mô hình kiến trúc đất nung thời Trần, được giới thiệu với các sưu tập vật liệu kiến trúc (gỗ, đất nung), đồ dùng sinh hoạt (đồ gốm, đồ sành); kết hợp cùng với ảnh tư liệu, sơ đồ phả hệ…; phần trưng bày về cây cà phê tại Bảo tàng Đắk Lắk (loại cây công nghiệp tiêu biểu nhất, mang thương hiệu của địa phương) sử dụng mẫu vật cành cà phê, hạt cà phê các loại, các hương liệu sao tẩm, giới thiệu cùng với ảnh tư liệu, bài viết hàm súc…; phần trưng bày về văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ (nền văn hóa có nguồn gốc bản địa mà địa phương là một trong số các địa bàn phân bố chính) tập trung vào các loại hình đồ thờ, vật dụng sinh hoạt, dụng cụ chế tác - sản xuất của cư dân Óc Eo, tôn vinh các bảo vật quốc gia được khai quật, phát hiện tại di chỉ Nhơn Thành (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), nổi bật nhất là bộ khuôn đúc Nhơn Thành, cùng với đó là ảnh tư liệu, bản đồ, bài viết…
Bối cảnh cũng là yếu tố quan trọng đối với diễn giải lịch sử văn hóa địa phương, có sự liên quan, giúp ích nhiều cho quá trình giới thiệu cũng như cảm nhận về di sản của địa phương qua trạng thái mô phỏng thực tế tồn tại vốn có. Tiêu biểu như không gian bếp Việt truyền thống của Bảo tàng tỉnh Nam Định với khuôn viên nhà bếp cùng với các hiện vật là đồ dùng, dụng cụ chế biến, nấu ăn bình dị, mang phong cách của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức các hoạt động xay lúa, giã gạo, thổi cơm bằng niêu đất, làm cơm nắm muối vừng… trở nên có ý nghĩa hơn. Bảo tàng Đắk Lắk cũng có một không gian rộng, kết nối các phòng trưng bày thường trực với hiện vật ghế K’pan, gợi liên tưởng về không gian Gah (phòng khách) của người Ê Đê. Đây cũng là nơi để chủ thể văn hóa trình diễn nghề thủ công của các dân tộc tại chỗ như nghề dệt chiếu, đan lát, dệt thổ cẩm, làm gốm, chế tác nhạc cụ và một số loại hình văn nghệ dân gian… Tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, bối cảnh góp phần sinh động hóa nội dung phản ánh trong một số trưng bày chuyên đề. Đặc biệt, trong chương trình Sắc Xuân miệt vườn, bối cảnh gắn liền với di sản văn hóa của các cộng đồng người Việt, Hoa, Khmer được tái hiện, tạo dựng nên không gian chợ Tết vùng sông nước miệt vườn.
Diễn giải bằng hình thức kể chuyện và sử dụng trang phục của hướng dẫn viên chuyên nghiệp
Kể chuyện (Storytelling) là một phương pháp phổ biến trong hướng dẫn tham quan, nhân viên thuyết minh lựa chọn những câu chuyện liên quan với nội dung trưng bày của bảo tàng, kết hợp với nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, làm tăng thêm hiệu quả trong quá trình giới thiệu. Kể chuyện cũng là một biểu hiện của diễn giải lịch sử văn hóa địa phương tại bảo tàng tỉnh, thành phố. Câu chuyện về hiện vật - di sản địa phương được giới thiệu chi tiết, tạo cảm xúc trong quá trình tiếp nhận cũng như kích thích trí tò mò của đối tượng tiếp nhận. Ví dụ: các câu chuyện về hiện vật - di sản mà nhân viên Bảo tàng Đắk Lắk thường xuyên chia sẻ với khách tham quan trong quá trình tiếp xúc như: Nồi đồng tiếp tế lương thực, Chiếc bẫy và thắt lưng - câu chuyện của sự mưu trí và dũng cảm, Tục chia của trong tang lễ của cư dân tại chỗ Đắk Lắk… Mặc dù nhiều video clip về câu chuyện hiện vật được đăng tải, giới thiệu rộng rãi trên các kênh truyền thông Website, Facebook Fanpage, YouTube, nhưng cơ hội lắng nghe trực tiếp cùng với việc chiêm ngưỡng các hiện vật, phần trưng bày cụ thể, cũng như sự thể hiện đầy cảm xúc của nhân viên bảo tàng có sức cuốn hút riêng.
Nhân viên bảo tàng, đặc biệt là nữ giới còn có thể tạo kết nối với những đặc điểm tiêu biểu của địa phương thông qua trang phục hướng dẫn (guide cos tume). Khoác lên mình bộ trang phục “đặc biệt”, ở trạng thái nguyên bản hoặc cách tân, thực hiện công việc hướng dẫn khách tham quan, nhân viên bảo tàng góp phần thể hiện thông điệp lịch sử văn hóa. Cách thể hiện này vừa hợp bối cảnh, vừa dễ đi vào lòng người. Tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, nhân viên bảo tàng có thể mặc áo bà ba, áo tơ lụa sắc màu rực rỡ kết hợp với kiểu váy cuốn xà-rông của phụ nữ Khmer khi giới thiệu văn hóa, lễ hội của các dân tộc ở Cần Thơ. Ngoài ra, trang phục áo dài truyền thống, may từ khăn rằn đặc trưng của người Nam Bộ, rất phù hợp với các nội dung về văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. Cách sử dụng trang phục của nhân viên Bảo tàng Đắk Lắk cũng có điểm tương đồng, điển hình là váy của dân tộc Ê Đê, hoặc điểm xuyết họa tiết hoa văn thổ cẩm, tạo điểm nhấn thu hút trên bộ áo dài.
Diễn giải với sự thể hiện trực tiếp của nhân tố con người - chủ thể văn hóa/ nhân chứng lịch sử
Di sản văn hóa phi vật thể cũng trở thành phương tiện diễn giải của bảo tàng tỉnh, thành phố. Tiêu biểu như nghệ thuật dân gian; tín ngưỡng; nếp sống, phong tục tập quán; văn hóa ẩm thực; nghề thủ công truyền thống được lựa chọn và giới thiệu cho khách tham quan như: tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng; múa rối nước ở Bảo tàng tỉnh Nam Định; nghề thủ công đan lát, làm gốm, dân ca, tấu cồng chiêng ở Bảo tàng Đắk Lắk; đờn ca tài tử Nam Bộ, phong tục sinh hoạt của người Kinh, Hoa, Khmer ở Bảo tàng thành phố Cần Thơ… Hệ quả là sự xuất hiện của chủ thể văn hóa trong các sự kiện của bảo tàng - một hình thức diễn giải lịch sử, văn hóa sử dụng con người, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sinh động và hấp dẫn bằng “tiếng nói” trực tiếp của chủ thể văn hóa.
Tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cũng là một hoạt động quan trọng của bảo tàng tỉnh, thành phố trong việc diễn giải lịch sử, văn hóa địa phương. Bảo tàng Đắk Lắk thường xuyên tổ chức Nói chuyện chuyên đề, giao lưu với nhân chứng chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột ngày 1-3-1975 cho học sinh vào dịp kỷ niệm hằng năm. Bảo tàng thành phố Cần Thơ triển khai tích hợp, trên cơ sở nội dung trưng bày chuyên đề, như 50 năm - Nhớ mãi mùa Xuân năm 1968 (2017), ôn lại sự kiện trọng đại - cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, mà quân dân địa phương đã góp sức với Lộ Vòng Cung… Tuy nhiên, hình thức trình diễn của chủ thể văn hóa có tính phổ biến hơn hoạt động gặp gỡ nhân chứng lịch sử, mặc dù có điểm chung là việc khai thác “tiếng nói” của người trong cuộc.
3. Tác dụng của diễn giải lịch sử, văn hóa địa phương tại các bảo tàng tỉnh, thành phố
Lịch sử, văn hóa địa phương có thể được diễn giải với nhiều hình thức, phụ thuộc vào khả năng triển khai nội dung trưng bày, giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố. Diễn giải hữu ích vì kết hợp được các cách giới thiệu, giải thích, phát huy được đặc trưng vốn có - hiện vật, di sản địa phương đang được lưu giữ, bảo tồn, kết hợp linh hoạt, hợp lý với các yếu tố, nhân tố có liên quan. Thông qua các tổ hợp trưng bày mẫu vật/ hiện vật, vai trò hướng dẫn, gợi mở của nhân viên bảo tàng, vai trò thể hiện, trình diễn di sản/ tái hiện ký ức của chủ thể văn hóa, nhân chứng lịch sử… khách tham quan có cơ hội, điều kiện cảm nhận trực tiếp về lịch sử, văn hóa địa phương trong mối quan hệ tương tác.
Ý nghĩa của trưng bày đối với việc phản ánh thực tế, thể hiện nội dung, cũng như thực hiện vai trò giáo dục của bảo tàng nói chung luôn được khẳng định; trưng bày là ngôn ngữ đặc trưng của bảo tàng, dựa vào đó mà hoạt động giáo dục của bảo tàng được thực hiện. Diễn giải trong trưng bày của bảo tàng tỉnh, thành phố hình thành nên các nội dung trực quan cơ bản với sự hiện hữu và mối quan hệ của các hiện vật, sưu tập. Đặc điểm lịch sử, văn hóa nổi bật của địa phương được thể hiện rõ nét thông qua các tổ hợp mẫu vật, hiện vật (khảo cổ, lịch sử, cách mạng - kháng chiến, văn hóa tộc người) theo chủ đề, cùng với đó là giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; hiện thực hóa một môi trường sinh động, chân thực cho việc chuyển tải các nội dung liên quan. Trong đó, các đặc điểm vốn có về tự nhiên, sự kiện lịch sử, biểu hiện văn hóa (vật chất, tinh thần) của địa phương đã được “chưng cất” những gì tinh túy, tiêu biểu nhất, sẵn sàng giới thiệu cho khách tham quan dưới dạng những kiến thức phổ thông, cụ thể, dễ tiếp cận, không phải là những khái niệm, vấn đề mang tính chất trừu tượng, hàn lâm.
Gắn kết với trưng bày, giáo dục bảo tàng cũng có tác dụng hữu ích để thứ ngôn ngữ ấy không phải là “ngoại ngữ” mà trở nên gần gũi hơn với “tiếng mẹ đẻ” trong sự tiếp nhận của khách tham quan. Trưng bày có thể mang tính đại chúng, nhưng giáo dục bảo tàng lại phù hợp với khả năng tiếp nhận của từng cá nhân. Cách hiểu về giáo dục bảo tàng hiện đại bao gồm cả diễn giải, làm sao để có thể gợi mở, dẫn dắt dễ hiểu và hiệu quả, cung cấp cho khách tham quan những thông tin, tri thức một cách có hệ thống để bổ sung kiến thức hoặc mang đến cho họ những nhận thức mới. Diễn giải trong giáo dục tại bảo tàng tỉnh, thành phố tập trung chủ yếu vào nhân tố tham gia và cách thức triển khai hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương. Trong đó, nhân viên giáo dục là nhân tố cơ hữu, hướng dẫn, hỗ trợ tích cực, cầu nối trung gian cho quá trình nhận thức của khách tham quan; chia sẻ vai trò với chủ thể văn hóa/ nhân chứng lịch sử, kết nối họ với khách tham quan. Chủ thể văn hóa/ nhân chứng lịch sử, đặc biệt là chủ thể văn hóa, có thể coi là nhân tố “mới”, xuất hiện để di sản phi vật thể/ ký ức được biểu hiện/ tái hiện chân thực; họ cũng hợp tác với nhân viên bảo tàng trong quá trình tổ chức hoạt động, tương tác với khách tham quan qua quan hệ tiếp xúc, trao đổi. Vì vậy, khách tham quan không chỉ nhận thức dễ dàng mà còn có thể thay đổi thái độ, vị thế trên phương diện tham gia, chủ động và tích cực hơn trong cảm nhận và lĩnh hội.
Kết luận
Diễn giải lịch sử, văn hóa địa phương với sự tồn tại sinh động của hiện vật - di sản, các yếu tố phụ trợ cần thiết và sự tham gia tích cực của các nhân tố liên quan cho phép nhìn nhận về trưng bày, giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố trong mối quan hệ với khách tham quan như một sự trao truyền kiến thức bổ ích về địa phương, kết nối các thành viên trong cộng đồng. Đây có thể xem là một hướng tiếp cận, triển khai phù hợp với nhiệm vụ của thiết chế văn hóa này trên phương diện giao tiếp với công chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan trong hành trình tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương, đáp ứng nhu cầu của xã hội đương đại.
______________________
1. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Mục tiêu phát triển bền vững - Những chuyển đổi bảo tàng sáng tạo, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế, Hà Nội, 2021, tr.7.
2. Cục Di sản văn hóa, Những vấn đề đặt ra trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Tài liệu Tập huấn và Hội thảo khoa học, Mộc Châu, 2020, tr.46.
Tài liệu tham khảo
1. André Desvallées & François Mairesse (Nguyễn Thị Thu Hương dịch, Phạm Lan Hương hiệu đính), Những khái niệm cơ bản về Bảo tàng học, Cục Di sản văn hóa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2021, tr.44.
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, 2014.
3. Thủ tướng Chính phủ , Quyết định 1520/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030, Hà Nội, 2022.
4. Gary Edson, David Dean (Lê Thị Thúy Hoàn dịch), Cẩm nang bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr.405.
5. Peter Horward, Heritage: Mangement, Interpretation, Identity (Di sản: Quản lý, Diễn giải và Bản sắc), Continuum, London - New York, 2003.
6. Freeman Tilden, Interpreting Our Heritage (Diễn giải di sản của chúng ta), Nxb Đại học Bắc Carolina, Raleigh, 2008.
TS PHẠM THU HẰNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024