Trong nền văn hóa đa dạng của Việt Nam, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) trở thành một trách nhiệm quan trọng, đòi hỏi sự đồng lòng và nỗ lực từ cộng đồng, những người thực hành văn hóa và cơ quan quản lý. Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị, nhiều giá trị văn hóa DTTS được phục hồi, phát huy; đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cần có những giải pháp hữu hiệu và đồng bộ.
Lễ cúng rừng của người Hà Nhì đen, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai - Ảnh: Dương Quốc Toản
1. Môi trường sống truyền thống đang biến đổi
Bà Triệu Thị Thắm, người Dao (63 tuổi, Tuyên Quang) chia sẻ: Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào có điều kiện sống tốt hơn, di cư đến những vùng tái định cư, đường xá khang trang, nhà cửa kiên cố, tránh được nhiều rủi ro do thiên tai. Nhưng nhiều khi thấy nhớ những cánh rừng, những cây thuốc quý, tiếng suối chảy róc rách… bình yên và thân thuộc. Dần dần, con trẻ không còn đi rừng, nhiều loại rau rừng hay những cây thuốc quý không được biết đến, kinh nghiệm về mùa vụ cũng không được truyền lại. Hoạt động gắn với rừng không còn nhiều, dẫn đến sự thiêng hóa những cánh rừng của đồng bào cũng giảm đi, các nghi lễ liên quan đến rừng mai một, hoặc không còn được cộng đồng thực hiện nữa (1).
Khi môi trường tự nhiên ít dần sự tương trợ đối với sinh kế của đồng bào, các hoạt động tín ngưỡng liên quan đến văn hóa, tri thức dân gian trong sinh hoạt nói chung cũng suy giảm theo. Bên cạnh những chính sách di dân của Nhà nước, hiện nay, nhiều vùng cư trú của các cộng đồng DTTS đang phải đối mặt với những ảnh hưởng đáng kể từ môi trường.
Nước ta có 53 DTTS, chiếm khoảng 14% dân số cả nước, chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực biên giới, thường sống phụ thuộc vào tự nhiên để duy trì sinh kế và văn hóa. Có thể nói, thiên nhiên đã chở che cho đồng bào các dân tộc trong suốt quá trình lịch sử, từ thuở khai hoang lập làng, đến giai đoạn đất nước thống nhất, phát triển như hiện nay. Điều này trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu chính trong các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống.
Biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên và phát triển công nghiệp có thể gây ra sự phá hủy nghiêm trọng đối với môi trường sống nói chung. Các khu vực cư trú của đồng bào DTTS thường đối mặt với các rủi ro lớn từ biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất và cạn kiệt tài nguyên tự nhiên. Hơn nữa, vùng đất của đồng bào các DTTS thường chịu tác động nặng nề từ ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên không bền vững, gây ra sự suy giảm nghiêm trọng trong chất lượng môi trường sống. “Các tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, khu vực Tây Nguyên thường bị sạt lở đất do mưa kéo dài, mất nhiều diện tích đất sản xuất, chủ yếu là ruộng, vườn ven khe lạch. Tình trạng hạn hán kéo dài dẫn đến không có nước sinh hoạt, sản xuất. Tỉnh Ninh Thuận từng có thời điểm tới 16 tháng không có mưa. Ở Tây Nguyên, các hồ chứa, sông, suối, nước ngầm bị cạn kiệt. Rừng nguyên sinh bị suy giảm làm mất đa dạng sinh học. Rừng ở Buôn Đôn (Đắk Lắk), rừng ở Ba Tri (Phú Thọ), rừng Suối Tiên ở Cát Tiên (Lâm Đồng) bị thu hẹp, chim, thú mất dần” (2).
Trong các tài nguyên tự nhiên nói chung, rừng không chỉ là nơi cung cấp nguồn lương thực, nguyên liệu xây dựng, nguyên liệu cho một số nghề thủ công truyền thống, những cây thuốc quý… mà còn mang ý nghĩa tâm linh, văn hóa sâu sắc. Ví như người Tày, họ thường sống ở chân núi hoặc ven các con suối, tên bản cũng gắn với tên đồi núi, khúc sông. Đồng bào dân tộc Tày có tục thờ thần rừng, thần cây, nhiều làng lập miếu thờ và có hương ước bảo vệ rừng. Hằng năm, dân bản có lễ tạ, cảm ơn những vị thần đã bảo vệ, che chở, mang lại cuộc sống ấm no cho làng bản.
Phụ nữ Tà Ôi cần mẫn bên khung cửi - Ảnh: Tuấn Minh
Hay có thể kể đến tục lệ của người Dao Đỏ (Lào Cai), họ có lễ cúng rừng thiêng vào ngày mồng 2-2 (âm lịch) hằng năm. Đồng bào thực hiện các nghi lễ trang nghiêm và chu đáo, tập hợp được đông đảo dân bản tham gia. Người có uy tín, am hiểu về luật tục mới được chọn làm chủ lễ. Trong lễ cúng, họ bàn thảo những vấn đề liên quan đến đời sống của cộng đồng, nhưng hơn hết, đó là sự trao truyền trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng cho thế hệ sau.
Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đối với đồng bào DTTS, nhà làng truyền thống là thiết chế văn hóa truyền thống quan trọng và tiêu biểu nhất, là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Nhưng hiện nay, nguồn nguyên liệu khan hiếm (gỗ, tre/ nứa để dựng nhà, tranh/ lá để lợp mái) là một trong những lý do khiến việc khôi phục, sửa chữa nhà làng truyền thống của các dân tộc gặp nhiều khó khăn” (3).
Ý thức về bảo vệ rừng, nguồn nước… được nhiều đồng bào nhận thức rõ, nhưng trước nhiều tác động từ bên ngoài khó tránh việc thay đổi môi trường sống truyền thống, điều đó không chỉ gây ra sự mất mát vật chất mà còn gây ra sự mai một về văn hóa. Các địa điểm như núi đồi, suối nguồn, rừng sâu, thường được coi là nơi linh thiêng và là nơi thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng và văn hóa truyền thống. Mất rừng, đất đai và nguồn nước cũng đồng nghĩa với việc mất đi ý nghĩa tâm linh trong đời sống của đồng bào, mất nguồn cảm hứng cho nghệ thuật và văn hóa.
2. Ngôn ngữ và phong tục, tập quán: nguy cơ mai một
Ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng, làm nên bản sắc văn hóa của một dân tộc. Đó là phương tiện chính để truyền đạt kiến thức, giá trị và truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngôn ngữ thường mang trong mình những giá trị sâu sắc và biểu tượng của một dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách nhìn nhận thế giới và bản thân của mỗi thành viên trong cộng đồng.
Hiện nay, Việt Nam có 32/53 DTTS có chữ viết riêng (4), như: Tày, Thái, Hoa, Dao, Khmer, Nùng, Mông, Gia rai, Ê đê, Ba na, Xơ đăng, Chăm, Mnông… Có dân tộc sử dụng ngôn ngữ của mình trong giao tiếp, có dân tộc chỉ sử dụng trong các nghi lễ tâm linh, hoặc học để đọc, hiểu di sản của cha ông để lại, hoặc chỉ còn lại trong ký ức những bậc cao niên. Theo số liệu của thống kê năm 2019, một số DTTS có số tỷ lệ đồng bào biết đọc, biết viết chữ dân tộc mình không cao như: Tày - 5,1%; Thái - 4,3%; Mường - 5,8%; Dao - 7,8%; Ngái - 3,1%; Sán Chay - 7,1%; Sán Dìu - 5,3%; Hrê - 4,9%; Raglay - 2,3%... Tỷ lệ biết hát các bài hát truyền thống của dân tộc cũng rất thấp: Tày - 4,6%; Thái - 3,0%; Hoa - 5,5%; Khmer - 5,6%; Mường - 5,8%... (5).
Theo PGS, TS Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội: “Thực trạng hiện nay cho thấy không ít cư dân đã quên tiếng nói của mình hoặc nếu có nhớ thì chỉ là trí nhớ của một số người già còn lưu lại, khi dân tộc đó chưa từng có chữ viết. Hơn nữa, ngôn ngữ thường dùng của một dân tộc hay nhóm địa phương không phải là bất biến, do cuộc sống cộng cư, đan xen và đặc biệt là hôn nhân đa tộc người ngày càng phổ biến” (6). Rất nhiều dân tộc hiện nay chỉ có người già nói được tiếng mẹ đẻ, người trung niên nói ít hơn, còn thanh niên, trẻ em thì hầu như không nói hoặc chỉ nói trong hoàn cảnh hạn chế. Nếu việc sử dụng ngôn ngữ không đồng đều ở các nhóm tuổi và có xu hướng giảm dần giữa các thế hệ thì ngôn ngữ dân tộc ấy có nguy cơ biến mất rất cao. Như vậy, nhiều ngôn ngữ DTTS đang có nguy cơ mai một, mất dần, đặc biệt nếu giới trẻ không lưu giữ. Và đây là một xu thế rất khó ngăn cản được.
Ở Việt Nam hiện nay, có nhiều ngôn ngữ DTTS đang ở mức suy yếu, có nguy cơ bị mất dần ở thế hệ trẻ, hiện chỉ còn khoảng trên dưới 1000 người sử dụng, phần lớn là người già như tiếng dân tộc Mảng, Kháng, Xinh Mun…; nhiều ngôn ngữ ở mức nguy cấp, ít được sử dụng, chỉ được dùng trong gia đình nhưng không được thế hệ trẻ sử dụng nhiều như: tiếng dân tộc Pu Péo, La Chí, La Ha…; một số ngôn ngữ hầu như chỉ còn trong ký ức như người Tu Dí chỉ nói tiếng Hoa, người Ơ Đu chỉ nói tiếng Thái, người Sán Chỉ chỉ biết nói tiếng Hoa và tiếng Việt, người Cơ Lao (Đỏ) đã chuyển sang nói tiếng Hoa và tiếng Tày.
Một trong những lý do khiến việc bảo tồn ngôn ngữ truyền thống của các DTTS gặp nhiều khó khăn, đó là việc đối diện với áp lực từ ngôn ngữ chính thống (hơn 85% dân số là người Kinh) cũng như quá trình phổ cập giáo dục (phần lớn dạy học bằng tiếng phổ thông - tiếng Việt) đã khiến cho ngôn ngữ truyền thống của các dân tộc ít được sử dụng và truyền đạt trong cộng đồng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Các DTTS có kho tàng văn hóa dân gian rất độc đáo, 53 DTTS là 53 mảng màu văn hóa khác nhau, họ lưu giữ được đến ngày nay hầu hết bằng phương thức truyền miệng, hoặc ghi chép lại. Trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng… kinh nghiệm dân gian của đồng bào được thế hệ sau gìn giữ, tích lũy, làm dày thêm. Theo đó, sự mai một ngôn ngữ truyền thống có thể dẫn các tri thức dân gian, phong tục tập quán của nhiều dân tộc khi trao truyền đến thế hệ sau không còn vẹn nguyên ý nghĩa và được thực hiện đúng cách. Sự thay đổi trong phong tục tập quán có thể dẫn đến suy giảm nhận thức và liên kết với văn hóa truyền thống của dân tộc. Có thể nói, sự mất mát ngôn ngữ và phong tục tập quán của các DTTS không chỉ là sự mất mát văn hóa mà còn là mất mát của một phần quan trọng danh tính và tự hào của dân tộc.
3. Thách thức từ quá trình toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu, đã mở ra cơ hội cho việc tích hợp các yếu tố văn hóa dân tộc vào xã hội rộng lớn hơn, đồng thời giúp các cộng đồng DTTS tăng cường nhận thức về giá trị văn hóa riêng của họ thông qua việc kết nối với cộng đồng toàn cầu. Điều này đã khuyến khích sự tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức bảo tồn văn hóa của mỗi tộc người. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, internet… đã góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh dân tộc, đất nước, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, kinh tế du lịch.
Trong quá trình hội nhập, người ta hay nhắc đến một mệnh đề về văn hóa, đó là: “hòa nhập nhưng không hòa tan”, thể hiện sự tôn trọng và ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, nhóm dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với nền văn hóa khác. Đó cũng là chủ trương của Đảng ta nhiều năm qua khi nhắc tới những chính sách, giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, cũng cần nhìn nhận lại những thách thức mà quá trình toàn cầu hóa đặt ra đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS.
Quá trình toàn cầu hóa có thể dẫn đến sự đồng nhất hóa văn hóa, khiến cho các nền văn hóa trở nên giống nhau. Điều này có thể dẫn đến suy giảm đa dạng văn hóa, làm mất đi sự phong phú và đặc sắc của các nền văn hóa DTTS. Sự lan tỏa nhanh chóng của văn hóa thông qua phương tiện truyền thông và công nghệ thông tin, có thể dẫn đến sự tiêu biến các yếu tố văn hóa truyền thống của các DTTS khi phải đối mặt với áp lực từ văn hóa đại chúng. Các nét đặc trưng như ngôn ngữ, trang phục truyền thống, nghệ thuật và tín ngưỡng dễ trở nên mờ nhạt. Các giá trị và phong cách sống mới, có thể gây mâu thuẫn hoặc xâm lấn vào văn hóa truyền thống, dẫn đến sự thay đổi lớn trong lối sống và nhu cầu tiêu dùng của các cộng đồng DTTS.
Chia sẻ với chúng tôi về thực trạng duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, bà Lò Thị Tóm cho rằng: “Để tạo ra những tấm thổ cẩm hoàn toàn thủ công bền và đẹp mất rất nhiều thời gian, nên sản phẩm tạo ra không được nhiều. Bên cạnh đó, các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều ngành nghề, có người biết dệt có người không, đó cũng là một trong những lý do khiến nghề đang dần mai một” (7).
Cô Phùng Thị Kiều (dân tộc Dao quần chẹt ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay: “Ngoài các ngày lễ, Tết hay đám cưới, chúng tôi mặc quần áo hằng ngày như người Kinh để tiện lao động. Hơn nữa, thời tiết bây giờ quá nóng để mặc trang phục truyền thống”. Cô chia sẻ thêm: “Thanh niên trong bản nói chung dù được cha mẹ may cho quần áo truyền thống nhưng cũng ít mặc, phần lớn không biết cách mặc” (8).
Nhìn chung, đời sống của đồng bào DTTS nước ta còn gặp nhiều khó khăn, quá trình toàn cầu hóa, phát triển kinh tế diễn ra nhanh chóng, nhưng ở không ít nơi, nhiều dân tộc cảm thấy xa lạ với công nghệ tiên tiến, chưa theo kịp, dẫn đến khoảng cách ngày càng xa. TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng: Đứng trước cách mạng 4.0 chúng ta đang có những thời cơ rất tốt. Đối với đồng bào DTTS, người dân ở những vùng kinh tế du lịch phát triển, hay vùng buôn bán cửa khẩu… đều tích cực trong công tác chuyển đổi, họ coi đây là thời cơ với hạ tầng cơ sở về kinh tế số đã có (đặc biệt là sự phủ rộng của mạng internet). Bất cứ làng bản nào có du lịch, có buôn bán, thì người DTTS đều tham gia, gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt lớp trẻ luôn đi tiên phong. Họ đã xây dựng được những trang Fanpage, YouTube của nói về văn hóa, đời sống của đồng bào DTTS thu hút được hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Tuy nhiên, do đời sống kinh tế còn khó khăn, cùng nhận thức chưa đồng đều giữa các cộng đồng dân tộc, mà ở nhiều vùng sâu, vùng xa, một số tộc người chưa chú trọng đến vấn đề này, dẫn đến chưa khai thác hết giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc (9).
(Còn nữa)
_________________
1, 7, 8. Phỏng vấn các nghệ nhân, người dân là người DTTS tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
2. Tiến Lực, Vùng dân tộc thiểu số, miền núi tổn thất nặng nề vì biến đổi khí hậu, dangcongsan.vn, 12-11-2021.
3. Phỏng vấn ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam.
4. Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, 2020.
5. Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, Đặc trưng cơ bản của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, 2020.
6. Phỏng vấn PGS, TS Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội 9. Phỏng vấn TS Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng.
Ths VÂN ANH - TS LIÊN HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024