Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu văn hóa nhân loại là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới, được Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Thông qua hoạt động hội nhập, tiếp thu về văn hóa sẽ góp phần bổ sung, phát triển nền văn hóa dân tộc, giao lưu, quảng bá nền văn hóa Việt Nam ra cộng đồng khu vực và thế giới. Đồng thời, khẳng định những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc là nguồn gốc giúp đất nước trường tồn, phát triển, động lực để con người Việt Nam không ngừng nỗ lực giữ gìn, trân trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Do vậy, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cần được quán triệt sâu rộng trong toàn xã hội để phát huy cao độ tiềm năng về văn hóa của dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là yêu cầu khách quan, nhằm làm “giàu có” và phong phú văn hóa dân tộc. Quan điểm của Đảng là tiếp thu có chọn lọc, đón nhận cơ hội, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa trong quá trình hội nhập. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là quan điểm định hướng nhận thức và hoạt động cho toàn Đảng, toàn dân trong lĩnh vực văn hóa. Vấn đề đặt ra là tiếp thu, học tập những gì và như thế nào. Cần tiếp thu đa dạng các nền văn hóa khác nhau, nhưng phải là chủ động tiếp thu cái tiến bộ, nét đặc sắc. Đảng ta đã chỉ rõ: “Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ” (1).
Để chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu lên những biện pháp quan trọng, đòi hỏi phải được quán triệt và thực hiện tốt trong thực tiễn:
Một là, chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chủ động hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhờ đó sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đã dành được nhiều tình cảm và nhận được sự đoàn kết, ủng hộ cả về vật chất, tinh thần của đông đảo nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Các hoạt động hợp tác về văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới diễn ra trong những năm gần đây cho thấy xu hướng hợp tác về văn hóa đã đi vào chiều sâu, không đơn thuần chỉ là những hoạt động giao lưu, tham quan, tìm hiểu về văn hóa mà đó còn là sự giúp đỡ, định hướng xây dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa có tác dụng gắn kết cộng đồng, giáo dục con người, khẳng định sức sống mãnh liệt con người Việt Nam từ truyền thống cho đến hiện đại. Những hoạt động văn hóa ở nước ta bao giờ cũng mang tính nhân dân sâu sắc, thấm được giá trị nhân văn vì con người, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia không chỉ tìm về với cội nguồn dân tộc mà còn giáo dục, nhắc nhở thế hệ mai sau không bao giờ được phép lãng quên truyền thống dân tộc.
Vì vậy, Đảng, Nhà nước và các cơ quan, ban ngành có liên quan cần tăng cường các hoạt động quản lý về văn hóa, khuyến khích, động viên con người sáng tạo văn hóa chân chính, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Những hoạt động không đúng với thuần phong mỹ tục dân tộc, phản cảm cần phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; có cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý, hiệu quả đối với từng hoạt động, loại hình văn hóa; đầu tư, tu bổ, xây dựng các di tích lịch sử văn hóa để nâng tầm quốc tế trong hội nhập văn hóa, không để những hiện tượng văn hóa tầm thường, thiếu tính xây dựng ảnh hưởng đến quá trình hợp tác văn hóa với các nước trên thế giới hiện nay. Quy định chặt chẽ, cụ thể cho các tổ chức, cá nhân, lực lượng khi tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa phải đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích của quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh những cái hay, cái tiến bộ, vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.
Hai là, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc
V.I.Lênin đã từng nói: “Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và giữa những khung cửa sổ luôn bịt chặt. Tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi tất cả ngọn gió nào”.
Nền văn hóa Việt Nam đã không khép kín, bị động mà luôn tiếp biến, giao lưu, hợp tác với nền văn hóa tiến bộ của các nước trong khu vực và trên thế giới, để làm phong phú, đa dạng nền văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc. Nhiều nền văn hóa thế giới đã du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, hình thức khác nhau, được dân tộc ta gạn đục, khơi trong, kế thừa những gì tinh túy nhất, tốt đẹp nhất để bổ sung, làm giàu thêm những đặc trưng, đặc tính của văn hóa, con người Việt Nam. Trải qua bao năm đô hộ của các thế lực ngoại bang, nhưng dân tộc ta vẫn không bị đồng hóa, không đánh mất đi sắc thái, văn hóa riêng có. Điều đó đã chứng minh cho sự thích ứng linh hoạt của con người Việt Nam với những vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn ở mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử cụ thể.
Trong giai đoạn hiện nay, sự tiếp thu giữa các nền văn hóa với nhau diễn ra vô cùng mạnh mẽ dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vấn đề đặt ra ở đây, phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, đặc biệt là quần chúng nhân dân trong tham gia du lịch, tham quan, giao lưu với nền văn hóa khác nhau; tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa, bảo đảm cho các loại hình văn hóa đi đúng hướng, đúng mục đích của mình, không vì lợi nhuận đánh mất đi văn hóa dân tộc; định hướng cho các loại hình văn hóa biểu diễn hướng về tôn vinh, ca ngợi những tấm gương người tốt, việc tốt, những sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, ngợi ca Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu. Loại bỏ các loại hình văn hóa phẩm không lành mạnh của nước ngoài xâm nhập vào nước ta.
Ba là, chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc
Đảng ta đã khẳng định: Hội nhập là tất yếu khách quan đối với sự tồn tại, phát triển của nước ta trong giai đoạn hiện nay, vì thế, trong các hoạt động của mình, Đảng ta đã chủ động đón nhận thời cơ, có những bước đi thích hợp để từng bước đưa nền văn hóa Việt Nam hội nhập với văn hóa thế giới. Các hoạt động như: Tuần văn hóa Việt Nam tại nhiều nước: Nga, Pháp, Lào, Campuchia…; giao lưu văn hóa với nước ngoài tại Việt Nam… đó là những hoạt động giao lưu văn hóa bổ ích, thiết thực, để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời để quảng bá, giới thiệu nền văn hóa mỗi nước.
Quan điểm của Đại hội XII về giải pháp chủ động đón nhận thời cơ để phát triển văn hóa, vượt qua khó khăn, thách thức, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành có liên quan cần khơi dậy và phát huy hữu hiệu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường, mở rộng giao lưu văn hóa vùng miền và quốc tế; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để quần chúng nhân dân biết được ý nghĩa của từng loại hình văn hóa, giới thiệu đến quần chúng nhân dân về văn hóa vùng, miền gắn với những hoạt động sinh hoạt tập trung, biểu diễn, tái hiện thông qua hội làng, dịp lễ, tết, ngày truyền thống của địa phương, kỷ niệm các thành hoàng làng, các anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước.
Bốn là, hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa
Chưa bao giờ Việt Nam đứng trước cuộc “xâm lăng” về văn hóa diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt như trong giai đoạn hiện nay. Nhiều sản phẩm văn hóa tiêu cực, đi ngược với văn hóa truyền thống của dân tộc đã xâm nhập vào đời sống của nhân dân, nhất là giới trẻ. Chỉ thị 46 CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” đã khẳng định: Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã thâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt coi trọng công tác quản lý về mặt nhà nước đối với văn hóa, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở mỗi địa phương, đề cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, nắm bắt của từng thành viên trong gia đình, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân có biểu hiện tuyên truyền văn hóa không lành mạnh, trá hình ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam đã được bao thế hệ người Việt Nam tạo dựng, vun đắp; đó là thành quả sự hy sinh xương máu của ông cha trong lịch sử, trở thành biểu tượng sáng ngời cho khát vọng, phẩm giá của con người Việt Nam. Cho nên, nền văn hóa đó cần phải được giữ gìn, bảo tồn như “bảo bối” của quốc gia, dân tộc để đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động. Nhưng đồng thời, cũng phải thấy được sự vận động, biến đổi của thế giới, khu vực và trong nước là không ngừng. Văn hóa là cái phản ánh rất rõ sự biến đổi đó, nên, phải chủ động giao lưu, mở cửa hội nhập quốc tế về văn hóa để bổ sung vốn sống, kinh nghiệm cho nền văn hóa của quốc gia, dân tộc mình, đó là đích hướng tới của toàn cầu hóa về văn hóa hiện nay.
_____________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.
3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, số 33-NQ/TW, ngày 9 tháng 6 năm 2014, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triền bền vững đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
Tác giả: Nguyễn Hữu Hồi
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019