QUÁ TRÌNH GIAO THOA, BIẾN ĐỔI CỦA MÚA TRONG NGHỆ THUẬT CHÈO

Thực dân Pháp xâm chiếm, đô hộ Việt Nam mang theo lối sống phương Tây, văn hóa Pháp tới Việt Nam. Văn học nghệ thuật Việt Nam cuối TK XIX đầu TK XX chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Pháp trên các lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, âm nhạc và sân khấu. Ảnh hưởng văn hóa Pháp rất phổ biến, ngày càng gia tăng, nhất là ở thành thị, nơi có người Pháp sinh sống. Phong tục, tập quán theo xu hướng Âu hóa đã hình thành cùng với sự phát triển công nghiệp khai thác và thương mại ở xứ Đông Dương thuộc Pháp. Múa trong nghệ thuật chèo cũng có những giao thoa và biến đổi theo sự ảnh hưởng đó.

Cùng với sự ra đời của kịch nói, một hình thức sân khấu được tiếp nhận từ kịch cổ điển Pháp và sân khấu ca kịch cải lương (sự kết hợp của kịch và đàn ca tài tử Nam Bộ), chèo cổ vào thành thị học theo lối trình diễn trên sân khấu hộp trở thành chèo văn minh rồi sau đó là phong trào chèo cách tân theo kịch Thái Tây gọi là chèo cải lương. Múa chèo bị lược bỏ khá nhiều, hầu như chỉ còn giữ lại trong một số vở cổ. Những vở mới của Nguyễn Đình Nghị và các nghệ sĩ chèo cải lương đồng sáng tạo đã không sử dụng ngôn ngữ múa thực sự. Một số động tác cách điệu trên cơ sở tả thực chưa đủ gọi là ngôn ngữ múa. Những động tác lấy chất liệu từ những hành vi ứng xử của người đương thời nhằm khắc họa tính cách nhân vật nhưng chưa được cách điệu, ước lệ cao thành múa. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực trong văn học đương đại, với lối tả thực theo chủ trương của Nguyễn Đình Nghị, múa trong chèo đã không được kế thừa, phát triển. Ông nhấn mạnh tiếng cười, khuyến khích những ai làm trò ngoại tích, cốt để người xem hả hê. Nguyễn Đình Nghị bắt chước kịch Thái Tây, đưa chèo vào tả chân, loại bỏ lối ước lệ, loại bỏ hình thức múa và du nhập các thể loại dân ca, bài hát ngoài. Điều này khiến chèo mất đi cái hay của chèo truyền thống, đưa chèo đến gần thể loại cải lương. Tiêu biểu là các vở với chủ đề: tôn giáo (Alêxừ, Tam tổ thánh hiền...), tâm lý xã hội (Già kén kẹn hom, Đáng đời cô ả...), chuyển thể truyện Nôm (Kiều bán mình, Tống Trân - Cúc Hoa, Oan Thị Kính...).

Môi trường văn hóa đầu TK XX ở thành thị trong sự tiếp biến văn hóa chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp làm cho múa chèo chững lại, có nguy cơ bật ra khỏi sân khấu chèo. Dòng chèo dân gian ở nông thôn Bắc Bộ tuy còn tồn tại nhưng sống thoi thóp, không phát triển. Vở diễn mới không được sáng tạo thêm. Múa chèo cũng chỉ tồn tại trong các vở cổ mà một số gánh chèo còn lưu diễn trong dịp hội hè ở làng quê. Mặc dù múa không phải là yếu tố quyết định đặc trưng của nghệ thuật chèo, nhưng trong một chỉnh thể nguyên hợp, múa là thành phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm chèo, góp phần xây dựng nên tính cách, hình tượng nhân vật. Bởi vậy, nghệ thuật múa cũng biến đổi cùng với thăng trầm của các tác phẩm chèo mới.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam giúp cho sân khấu chèo được phục hưng, nhất là trong giai đoạn 1954 - 1975. Qua nhiều vất váp trong quá trình thử nghiệm chèo mới, các nghệ sĩ chèo đã cố gắng tiếp thu các yếu tố tích cực, phù hợp từ văn hóa phương Tây và Nga - Xô Viết, loại bỏ các yếu tố ngoại lai tiêu cực từng làm mất đi đặc trưng ngôn ngữ của chèo. Trong xu hướng tiếp thu có chọn lọc, múa chèo đã tiếp nhận một số nét của múa ba lê cổ điển, làm phong phú thêm ngôn ngữ múa thể hiện trong chèo như: vở Những vần thơ thép, Chuyện tình trên bến Nam Xang, Người chiến sĩ năm xưa...

Bước vào thời kỳ đổi mới, (từ 1986) mở cửa hội nhập với thế giới, sự tiếp biến văn hóa gia tăng dẫn tới trào lưu Âu Mỹ hóa. Những yếu tố trong văn hóa Âu Mỹ xâm nhập vào đời sống văn hóa của nước ta, bắt đầu từ thành phố lớn rồi lan tỏa tới nông thôn.

Khai thác chất liệu, phản ánh hiện thực đời sống, ngôn ngữ múa trong chèo hiện đại nhằm diễn tả cuộc sống, xã hội, tính cách con người Việt Nam đương đại. Điều này đòi hỏi vừa kế thừa những nguyên tắc đặc trưng của múa chèo truyền thống, vừa diễn tả đúng và điển hình hóa những vấn đề xã hội, những tính cách con người. Trong mối quan hệ giữa kế thừa và biến đổi, phải lấy kế thừa làm gốc là cơ sở để tiếp nhận cái mới, tạo nên sự hài hòa giữa cái mới với đặc trưng truyền thống. Muốn vậy, trước hết cần am hiểu văn hóa truyền thống, sử dụng tối đa vốn múa trong chèo truyền thống để chuyển hóa các mô hình cũ, xây dựng mô hình mới. Múa trong chèo ngày nay sẽ thực sự mang dấu ấn văn hóa trên tiến trình tiếp biến trong cuộc hội nhập với cộng đồng thế giới đương đại.

Trên thực tế, sự tham gia của các biên đạo múa vào hầu hết các vở chèo trong các cuộc hội diễn từ những năm 65 trở lại đây đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của nhiều nhân vật cũng như vở chèo mới. Một số lớp diễn như: lớp Hồng Liên (vở Những cô gái mặt đường), lớp Sử Hoàn (vở Tấm vóc đại hồng), lớp Thúy Điệu (vở Những cô thợ dệt)... đã được nhiều nhà làm chèo đánh giá cao trong việc sử dụng hợp lý yếu tố múa kết hợp với hát, diễn, làm nổi bật hình tượng nhân vật.

Cố NSND Tào Mạt là một trong số các tác giả, đạo diễn nổi tiếng thời kỳ sau cách mạng. Vai hề hoạn trong tác phẩm Bộ ba Bài ca giữ nước đã được Tào Mạt kế thừa, cách tân, xây dựng thành nhân vật có số phận. Nhân vật hề già là sự sáng tạo thành công, phát triển vai hề trong nghệ thuật chèo truyền thống một cách độc đáo. Nếu ở chèo cổ, hề chỉ giữ vai trò dầu giấm thì hề hoạn - hề già đã được Tào Mạt xây dựng thành nhân vật có tâm trạng, có số phận. Tào Mạt phát triển thành công múa của nhân vật hề hoạn từ mô hình múa của Súy Vân trong lớp Vân dại.

Chèo không nói nhiều về những vấn đề quốc gia, đất nước. Trong chèo, nếu như Súy Vân giả điên vì tình thì trong tuồng, Phương Cơ giả điên vì nước. Hiện nay, các tác phẩm chèo mới cũng đã xây dựng được nhân vật có tính cách như: Hương Cúc (vở Hương Cúc), Ỷ Lan (Nhiếp chính Ỷ Lan), đến những tác phẩm mang đề tài hiện đại như: Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp... Những nhân vật này nếu tư duy, phát triển có lôgic trong ngôn ngữ múa sẽ tạo nên giá trị múa mới cho nghệ thuật chèo.

Mặc dù có những điểm trái ngược nhau trong quy trình thể hiện, song chèo vẫn sử dụng một số động tác múa tuồng. Các động tác này chủ yếu thiên về võ thuật, thể hiện những cảnh đối kháng như ra trận, chiến đấu. Thể hiện rõ ở các vở chèo hiện đại, mang tính chiến đấu như: bộ ba chèo của Tào Mạt: Lý Thánh Tông chọn người tài, Ỷ Lan coi việc nước, Lý Nhân Tông học làm vua. Vở Nam dược Thánh nhân của đoàn chèo Hải Dương, Chị Tâm bên Cốc (1960), Đường về trận địa (1965), Ánh sao đầu núi (1964), Đời luận anh hùng (2016)...

Trong cuộc cách mạng văn hóa và tư tưởng, vấn đề xây dựng con người mới là một trong những nhiệm vụ trung tâm của văn học, nghệ thuật nói chung, ngành sân khấu nói riêng. Hồ Chí Minh đã viết: “Muốn xây dựng thàng công chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người mới, xã hội chủ nghĩa”. Nhiệm vụ của sân khấu vừa phản ánh, ca ngợi, biểu dương những con người mới đã có, vừa tích cực giáo dục, xây dựng những con người yếu kém, lạc hậu vươn lên trở thành những con người mới. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới việc giáo dục tư tưởng và thị hiếu nghệ thuật cho quần chúng, thể hiện trong việc đề cao, khuyến khích các hình thức nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo... đồng thời ca ngợi, cổ vũ các tác phẩm sân khấu có nội dung xã hội chủ nghĩa, hình thức dân tộc.

Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, ngày nay, nghệ thuật chèo được các biên đạo Việt Nam tìm kiếm sáng tạo theo nhiều xu hướng khác nhau để cùng đến một đích là múa Việt Nam dân tộc - hiện đại. Có thể điểm qua một số xu hướng sáng tác như: phát triển từ chất liệu múa dân gian, kết hợp múa dân gian với những động tác sinh hoạt đương đại, kết hợp múa dân gian với múa nước ngoài (múa ba lê cổ điển và múa hiện đại phương Tây). Nghệ thuật chèo cũng đang có xu hướng cách tân, ngôn ngữ có sự pha trộn của tuồng, múa dân gian, đôi khi thêm ngôn ngữ hiện đại.

Ngày nay, múa chèo được phát triển trong sự ảnh hưởng của loại hình múa đương đại. Múa đương đại được biểu hiện trước hết qua những động tác, luật động mang phong cách tự do, phóng khoáng. Múa có tính kỹ thuật cao, kế thừa tinh hoa của múa dân gian và múa ba lê trong quá trình phát triển ngôn ngữ mới, làm tăng thêm những sắc màu khác lạ qua sự đa dạng của ngôn ngữ múa đương đại. Ngôn ngữ múa đương đại còn được tiếp thu luật động của một số loại hình nghệ thuật khác như múa tuồng, chèo. Những yếu tố múa lấy trong tuồng là những động tác mang tính võ thuật, những yếu tố lấy trong chèo là những động tác dân gian mang đầy chất chèo. Tác phẩm mới đây thể hiện rõ điều này, là tác phẩm kịch múa: Quan Âm Thị Kính, biên đạo Tuyết Minh, Hồng Phong đã sáng tác vở múa đương đại đầu tiên; một tích truyện nổi tiếng của sân khấu chèo, với các động tác của múa dân gian: Nguồn sáng, biên đạo Anh Phương, Hồng Phong; Khoảnh khắc đêm hè, biên đạo Bá Thái; Hứng dừa, biên đạo múa NSND Lê Ngọc Cường... Những tác phẩm này được lấy trên chất liệu múa chèo, vừa mang phong cách dân gian theo kiểu cơ bản, vừa mang phong cách hiện đại phóng khoáng.

Dù sáng tạo theo xu hướng nào thì thực tiễn đòi hỏi mỗi biên đạo múa phải nắm vững 2 yếu tố: dân tộc và hiện đại. Hai yếu tố này không thể tách rời trong một tác phẩm múa hiện nay. Dân tộc để không đánh rơi truyền thống, đánh mất chính mình, hiện đại để phù hợp với nhịp sống mới, hơi thở mới của thời đại.

Phải biết coi trọng vốn múa chèo, khai thác chọn lọc, phát triển chúng theo những quy luật thẩm mỹ của dân tộc. Đồng thời, biết vận dụng tiếp thu những ưu điểm từ hệ thống ngôn ngữ cùng phương pháp sáng tác của múa đương đại. Đó là sự linh hoạt, khoa học, có tính kỹ thuật, kỹ xảo của ngôn ngữ múa, cách kết cấu ngôn ngữ tổ hợp, câu, đoạn múa có tính phát triển, có cao trào trong tác phẩm, cấu trúc đề tài tác phẩm lôgic. Những phương pháp tư duy trừu tượng nhưng gợi mở, thể hiện thông qua tính tạo hình sâu sắc, giàu sức biểu cảm, kết hợp với tính phức điệu trong một bố cục không gian đa chiều của dòng múa hiện đại phương Tây. Sự tìm tòi mới lạ với những yếu tố bất ngờ lúc thuận, lúc nghịch, tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới, sức hấp dẫn cho múa chèo, tạo ra tính cách nhân vật trong chèo.

Những tác phẩm thành công trước hết nhờ những ý tưởng mới, cách cấu tứ độc đáo, diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ múa tiên tiến, nền tảng là tinh hoa trong múa dân gian dân tộc, lại mang đậm những tìm tòi, đổi mới. Vận dụng được cách nghĩ theo tâm lý dân tộc với tính triết lý thời đại để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của ngày nay. Quá trình gìn giữ bản sắc dân tộc không chỉ là quá trình phát huy những giá trị vốn có mà chủ yếu phải sáng tạo những đường nét, sắc thái mới của dân tộc dựa trên những đặc điểm múa dân gian Việt Nam và sự tiếp thu có sáng tạo tinh hoa nghệ thuật múa của các nước trên thế giới.

Bằng tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm múa trong chèo có giá trị nghệ thuật, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Những gì mà ngành chèo Việt Nam đạt được, cho phép chúng ta tin tưởng rằng: nghệ thuật chèo Việt Nam đã, đang và sẽ có những bước tiến dài hòa mình vào bước tiến của dân tộc, của thời đại.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 - 2018

Tác giả : NGUYỄN THÚY HƯỜNG

;