PHƯƠNG PHÁP DIỄN TẤU MỘT SỐ TÁC PHẨM GUITAR VIỆT NAM

Một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá sự phát triển của nghệ thuật guitar đó là khả năng biểu diễn, trình tấu tác phẩm của nghệ sĩ. Sự thống nhất về cấu trúc, hình thức, nội dung nghệ thuật trong ý đồ của tác giả và cảm nhận riêng của nghệ sĩ biễu diễn, sẽ làm cho bản nhạc trở thành bức tranh âm thanh sống động. Với nhịp điệu, tiết tấu chính xác, uyển chuyển, hòa âm, điệu tính mạch lạc, nghệ sĩ đưa người nghe vào thế giới âm nhạc đầy cuốn hút, tạo nên tình yêu và khao khát cống hiến nghệ thuật trong mỗi người.


Trong những năm gần đây, tác phẩm Việt Nam ít được các nghệ sĩ guitar trẻ quan tâm, lựa chọn biểu diễn. Bởi, cấu trúc các bản nhạc Việt Nam thường đơn giản, trong khi đa số nghệ sĩ trẻ thường thích khám phá, thể hiện những tác phẩm phức tạp hơn; kỹ thuật trong toàn tác phẩm không khó, nhưng đôi lúc xuất hiện những đoạn phức tạp, khiến cho người nghệ sĩ dù tập luyện trong thời gian dài cũng khó thể hiện thành công, dẫn đến sự nản chí; một số tác phẩm sáng tác không theo chuẩn mực, thiếu các bản nhạc viết trực tiếp cho guitar; chưa tìm ra cách thể hiện mới cho tác phẩm; chưa có sự thống nhất giữa bản nhạc và ý đồ của tác giả. Bài viết này đưa ra một số mô hình cơ bản trong việc luyện tập, nhằm giúp người học khai thác tốt kỹ thuật, sáng tạo cách thể hiện guitar cổ điển vào các tác phẩm Việt Nam, khắc phục nhược điểm về tư duy, cảm nhận tác phẩm, tìm ra cách thể hiện phù hợp, dần tiến đến sự thống nhất, chuyên nghiệp hơn trong trình tấu tác phẩm.

Tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc

Tiêu biểu cho nhóm tác phẩm này phải kể đến Người Hà Nội. Đây là tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, do nghệ sĩ Văn Vượng chuyển soạn cho guitar độc tấu.

 Phần mở đầu gồm có 9 ô nhịp, ở dòng nhạc đầu tiên, tác giả sử dụng kỹ thuật chơi bồi âm để mô phỏng tiếng chuông đồng hồ của Bưu điện Hà Nội. Có hai cách thể hiện đoạn nhạc này:

Thứ nhất, sử dụng âm bồi tự nhiên, âm thanh được tạo ra có độ sâu, hút, thể hiện rõ nét tiếng vọng từ xa xưa. Tuy nhiên, với cách thực hiện này thì các bồi âm la, mi ở phím đàn số III (tính từ đầu cần đàn) sẽ phải bấm trên dây số 4 (rê) và số 5 (la). Theo kỹ thuật guitar phương Tây, người tập đàn cần tuân thủ nghiêm khắc theo bản nhạc, nhưng trong một số trường hợp, nếu đánh đúng cách viết được in trên bản nhạc thì không đủ nốt, gây lúng túng cho người tập.

Thứ hai, sử dụng âm bồi nhân tạo, nghĩa là thực hiện các bồi âm ở dây số 1 (mi). Chất lượng âm thanh tuy không tạo được hiệu quả vang vọng như âm bồi tự nhiên nhưng có độ vang, sáng nhất định, phần nào thể hiện tính chất âm nhạc hào hùng. Hai dây trầm la, rê lúc này không phải dành để thực hiện bồi âm nên có thể sử dụng để thể hiện bè bass giống như trong bản in của tác phẩm. Đan xen vào các bồi âm mô phỏng tiếng chuông đồng hồ, là âm thanh ồn ào, leng keng của tàu điện đường phố thông qua các âm thanh bass la, rê, gợi cho người nghe liên tưởng đến một Hà Nội đầy hoài niệm. Tuy nhiên, nếu để vang cả hai âm trầm la, rê, sẽ ảnh hưởng đến các bồi âm vốn có âm lượng nhỏ, xuất hiện ở giai điệu chính. Vì vậy, người học có thể sử dụng bồi âm nhân tạo kết hợp với gảy âm trầm có kiểm soát để bè bass và bè giai điệu phối hợp tốt hơn, khắc họa được phần nào hình ảnh Hà Nội cổ với những âm thanh vang vọng.

Tiếp theo là kỹ thuật tremolo, tác giả muốn thông qua kỹ thuật này để mô phỏng hình ảnh sóng nước. Trong phong cách cổ điển, thứ tự ngón là p, a, m, i, trong khi đó tác giả lại lựa chọn thứ tự i, m, a, tương đối khó với người học. Hơn nữa, kỹ thuật tremolo chẵn nốt không thuận ngón, các tác giả quốc tế thường dùng tiết tấu lẻ. Để sử dụng tác phẩm dễ dàng hơn, người chơi có thể giữ nguyên phạm vi tremolo trên cả ba dây, nhưng chuyển 4 nốt kép sang thành 6 nốt móc tam. Như vậy người tập dễ kiểm soát, thao tác ngón tự tin, biểu diễn đoạn nhạc này hay hơn. Về tính chất nghệ thuật, việc tremolo 6 nốt móc tam trên 3 dây vẫn tạo được cảm nhận về hình ảnh sóng nước lăn tăn. Tuy âm nhạc ít bồng bềnh, nhưng cách chuyển đổi mang lại âm vang liền mạch, tương tự âm thanh dội vào vách núi, vẫn giữ được tính chất âm nhạc hào hùng. Sau khi người học trưởng thành trong nghề nghiệp, kiểm soát ngón đàn điêu luyện thì có thể trở lại tập luyện giống như kỹ thuật tác giả đã sử dụng trong tác phẩm.

Phần chính của tác phẩm được tác giả thể hiện bằng kỹ thuật gảy hai ngón i, m tốc độ nhanh. Cách ứng dụng kỹ thuật tremolo như vậy chưa thực sự phù hợp cho học sinh, sinh viên, thậm chí cả nghệ sĩ. Tác phẩm sử dụng tiết tấu móc tam, cho thấy đoạn nhạc này phải chạy bằng hai ngón rất nhanh, gồm bảy ô nhịp. Như vậy, người tập sẽ phải chạy ngón i, m với tốc độ cao, liên tục 224 nốt móc tam. Khi phải tập trung thực hiện kỹ thuật, tính nghệ thuật của giai điệu sẽ bị sao nhãng, dẫn đến việc trình tấu tác phẩm có những thiếu sót. Cách luyện tập hợp lý hơn chính là chuyển từ hai ngón sang ba ngón gảy a, m, i, đồng thời tăng cường nốt giai điệu.

Chuyển đổi không làm mất đi tính liên tục của giai điệu, mà được xem như cách thực hiện khác của kỹ thuật tremolo. Tremolo bằng ngón p, a, m, i là một trong những cách thực hiện kỹ thuật cơ bản mà người học đều được tiếp cận, nên sẽ rút ngắn thời gian tập luyện, mà lại đạt tốc độ cao do số lượng ngón gảy được tăng lên. Để thực hiện 224 nốt của đoạn nhạc, nếu sử dụng hai ngón, mỗi ngón phải gảy 112 nốt, còn sử dụng 3 ngón thì mỗi ngón gảy khoảng 75 nốt. Sự giảm tải này có lợi cho sự dẻo dai, làm tăng hiệu quả diễn tấu gấp nhiều lần. Do kỹ thuật đơn giản hơn, người chơi có thể quan tâm nhiều đến việc thể hiện nghệ thuật của giai điệu như: điều chỉnh cường độ, tốc độ uyển chuyển nhịp nhàng để mô phỏng chân thực giọng hát.

Bên cạnh đó, sự đơn giản hóa đoạn nhạc giúp cho người tập dù ở trình độ trung bình cũng có thể tiếp cận, tăng tính phổ biến cho tác phẩm.

Sau phần tremolo, từ ô nhịp 21 - 25 là khúc nhạc được chuyển soạn, thể hiện sự am hiểu tác phẩm gốc cũng như kiểm soát độ ngân vang ở bè bass của người chuyển soạn.

Bắt đầu bằng việc duy trì các âm bass vang lên liên tục tạo âm hưởng hào hùng:

 

         Ngay sau đó, ngắt âm bass mi, thể hiện sự chuyển biến tính chất âm nhạc quả quyết, mạnh mẽ:

 

Với một tác phẩm âm nhạc có sự chuyển đổi tính chất, nhịp điệu nhiều và nhanh như Người Hà Nội, thì việc kiểm soát bè trầm lúc ngắt, lúc ngân vang rất quan trọng, có tác dụng thể hiện rõ nội dung nghệ thuật tác phẩm.

Đoạn nhạc từ ô nhịp 29 - 34, âm nhạc chuyển từ điệu thức A dur sang a moll, đây là sự nối tiếp từ tính chất hào hùng, mạnh mẽ sang mềm mại, ngân nga, chỉ ngắn gọn trong 6 ô nhịp nhưng đòi hỏi kỹ thuật bấm cũng như khả năng xử lý âm nhạc tinh tế.

Trước tiên, vị trí tay gảy phải tạo những âm thanh mềm, tròn, tương phản với tính chất hào hùng trước đó, nhất là ngón a - ngón đảm nhận chủ yếu các nốt giai điệu trong đoạn nhạc. Để có thể thay đổi tính chất nhanh, đột ngột như vậy, người chơi phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, tập luyện nhằm kiểm soát các ngón gảy. Nếu sử dụng guitar dây nylon, có thể chuyển vị trí gảy trên dây đàn một cách dễ dàng, thể hiện được tính chất của khúc nhạc này.

Bên cạnh đó, đoạn nhạc có sự đan xen ngân nghỉ giữa bè giai điệu và bè đệm nên việc giữ hay thả ngón bấm cần được kiểm soát chặt chẽ, bởi những nốt nhạc này nằm ở vị trí phím XII, có phạm vi bấm hẹp, độ căng dây cao.

Việc bấm mạnh hay nhẹ các nốt giai điệu đều có ảnh hưởng đến độ tròn của nốt nhạc, người thể hiện cần kiểm soát tốt tay trái, tạo ra lực bấm hợp lý, sự nối tiếp của chuyển động ngón bàn tay trái phải liền mạch, dựa trên cảm nhận của bản thân và hiệu quả âm thanh.

Đoạn nhạc từ ô nhịp 37 - 49 mang tính chất nhảy múa, nhộn nhịp. Để thể hiện rõ hơn nữa những tính chất này, dù trong bản nhạc không có ký hiệu, nhưng cần bổ sung thêm những yếu tố nhấn đảo phách. Cụ thể, ứng dụng nhấn đảo phách trong tác phẩm Người Hà Nội ở ô nhịp số 38, 39, 42, 43, 44; ngắt âm bè bass ở các ô nhịp số 45, 46, 47. Các phần còn lại cho đến kết, bản nhạc giữ nguyên cách thể hiện của tác giả.

Tác phẩm chuyển soạn từ dân ca

Lới lơ là tác phẩm tiêu biểu trong phương thức chuyển soạn từ dân ca, được nhiều người học lựa chọn, đưa vào chương trình thi, biểu diễn. Từ am hiểu về âm điệu gốc của bản chèo cổ Lới lơ, nghệ sĩ Hải Thoại đã kết hợp với tính năng guitar, tạo nên tác phẩm độc tấu, có cách diễn tấu mới, thể hiện ở việc lựa chọn tốc độ diễn tấu cho toàn bộ tác phẩm. Nếu như tempo của bản gốc tương đối nhanh thì ở bản chuyển soạn, tác giả sử dụng tốc độ moderato (vừa phải), đây là nhịp độ hợp lý để thao tác tốt các kỹ thuật trong toàn bộ tác phẩm. Rất nhiều loại kỹ thuật điển hình của guitar được đưa vào tác phẩm chuyển soạn như: luyến, hoa mỹ, bồi âm, rải âm, pizzicato, tremolo, glissando…

Phần mở đầu gồm 13 nhịp, giới thiệu nhịp điệu sử dụng trong nội dung chính của tác phẩm. Khác với cách thể hiện nhanh, tự do thường gặp của các nghệ sĩ, người học cần thể hiện đúng nhịp, tốc độ vừa phải. Cách thể hiện này không quá khó, nên đa phần họ thực hiện tốt.

Trong phần mở đầu, cách lựa chọn vị trí bấm các nốt nhạc của tác giả khá độc đáo:

 

 Thông thường, người học sẽ lựa chọn cách thể hiện nốt si trên dây 5, rê dây buông, mi và fa trên dây số 4. Tuy nhiên, tác giả đã sử dụng nốt si trên dây số 6, rê và mi trên dây số 5, tạo cho giai điệu sự liền mạch, âm thanh có độ sâu hơn.

Từ ô nhịp 14 - 25 mô phỏng gần như nguyên bản giai điệu với tính chất âm nhạc dịu dàng, mềm mại. Còn ô nhịp từ 26 - 31 là đoạn nhạc có thể diễn tấu tự do. Tuy nhiên, người học nên thực hiện đúng nhịp, để những đoạn nhạc có kỹ thuật glissando thể hiện rõ được tính chất âm nhạc.

Từ ô nhịp 32 - 38, giai điệu phần mở đầu được nhắc lại cao hơn ban đầu một quãng 8 bằng kỹ thuật pizzicato:

 

Từ ô nhịp 43 - 54, tác giả sự dụng kỹ thuật tremolo với tiết tấu móc tam. Tuy nhiên, kí hiệu hướng dẫn a tempo lại xuất hiện ngay đầu đoạn nhạc, tốc độ chỉ nhanh vừa. Tác giả là người nghiên cứu rất sâu về kỹ thuật tremolo trên đàn guitar, đây là kỹ thuật thường được ký hiệu tiết tấu móc tam trong các bản nhạc, nhằm tránh nhầm lẫn với chạy hai ngón trong ký hiệu móc kép. Điểm đặc sắc trong kỹ thuật tremolo không phải ở tốc độ mà ở sự đều đặn về khoảng cách cũng như âm thanh của tất cả các ngón gảy. Tốc độ diễn tấu vừa phải là sự thuận lợi để thực hiện những điểm nêu trên và giúp người nghe cảm nhận đường nét giai điệu rõ nét hơn. Chính vì vậy, trong đoạn nhạc này, để diễn tấu hay thì nên thực hiện kỹ thuật tremolo các nốt móc tam ở tiết tấu nhanh vừa.

Từ ô nhịp 67 - 79 nhắc lại phần mở đầu, còn từ ô nhịp 80 - 93, người nghệ sĩ có thể tự do lựa chọn cách diễn tấu. Cũng có thể coi đây là đoạn cadenza, nhưng không phô diễn kỹ thuật như âm nhạc cổ điển, mà thể hiện cảm xúc của người diễn tấu. Tác giả đã không đề cadenza mà lựa chọn thuật ngữ ad lib để người biểu diễn trình tấu tự do theo cảm xúc của bản thân. Khi đó, nghệ sĩ có thể bộc lộ sự am hiểu, cách thể hiện tính chất âm nhạc dân tộc riêng khiến cho tác phẩm luôn mới. Bên cạnh đó, tác giả đưa vào những kỹ thuật guitar cổ điển trình độ cao, đó là tremolo một ngón trên ba dây. Tác giả lựa chọn kết tác phẩm bằng cách thể hiện giai điệu nhỏ dần, rồi ngừng lại:

 

Lới lơ thể hiện tính nghệ thuật cao, là một tác phẩm không thể thiếu trong “vốn” bài của các nghệ sĩ guitar Viêt Nam.

Hiện nay, rất ít nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam sáng tác hay chuyển soạn cho guitar mà chủ yếu là những nghệ sĩ guitar tự sáng tác. Họ  gắn bó nhiều năm nên rất am hiểu về cây đàn và có trình độ diễn tấu, nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng các nguyên tắc sáng tác. Cách chuyển soạn phổ biến là tự lắp ghép giai điệu với hòa âm để tạo thành tác phẩm, tạo nên một số đặc điểm thường gặp như:

Một là, tính ngẫu hứng, mang đến sự tự do cho trí tưởng tượng, ít bị hạn chế bởi các quy tắc âm nhạc. Đây là thế mạnh của nghệ sĩ Việt Nam, họ ít được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực sáng tác nên gặp khó khăn khi sử dụng các thủ pháp, quy luật phát triển âm nhạc, nhưng với tình cảm và sự am hiểu nhạc cụ sâu sắc, các nghệ sĩ có thể chuyển hóa tất cả ý tưởng thành âm nhạc, thông qua sự tự do ở thể loại ngẫu hứng, phóng tác.

Hai là, hình thức biến tấu. Đây là cách chuyển soạn, sáng tác giúp khai thác, phô diễn mọi góc cạnh của kỹ thuật trên một chủ đề được lựa chọn. Với tâm lý yêu thích và kinh nghiệm trong nghiên cứu kỹ thuật, các nghệ sĩ guitar Việt Nam sẽ phát huy được thế mạnh này, tạo nên những tác phẩm có chất lượng cao về chuyên môn.

Ba là, kết hợp cảm xúc, tư duy của bản thân với kỹ thuật và cách thể hiện trên đàn guitar. Nhiều tác phẩm có thể chưa vận dụng tốt các thủ pháp sáng tác, nhưng lại đạt hiệu quả cao trong diễn tấu cũng như thể hiện giá trị nghệ thuật.

Bốn là, luôn duy trì việc sử dụng hòa âm cổ điển phương Tây, kết hợp với âm nhạc ngũ cung trong mỗi tác phẩm. Do đàn guitar vốn là nhạc cụ phương Tây, nên đa phần các tính năng đều được tạo nên dựa trên hòa âm cổ điển phương Tây. Nghệ sĩ guitar Việt Nam đều thể hiện rất nhiều các tác phẩm âm nhạc châu Âu, nên trong chuyển soạn, dù là sử dụng ngũ cung Việt Nam nhưng vẫn luôn có hòa âm cổ điển. Dựa trên thành tựu của âm nhạc thế giới về hòa âm, các nhạc sĩ Việt Nam lĩnh hội, kết hợp với những độc đáo riêng trong âm nhạc dân tộc, tạo nên sự đặc sắc trong các tác phẩm viết cho guitar.

Năm là, lựa chọn những nét giai điệu hợp với khoảng cao độ trên đàn guitar để dễ phát triển, tránh việc dùng liên tục nhiều nốt cao như: rê, mi, fa, sol của thế tay IX… Nếu giai điệu trong bản nhạc liên tục lên cao thì các phương án chuyển soạn sẽ bị hạn chế, giai điệu không được tiếp nối liền mạch do phải chuyển xuống thấp hơn một quãng 8 so với giai điệu gốc, vị trí các nốt nhạc nhỏ rất khó bấm, lựa chọn hòa âm không nhiều.

Tóm lại, một số mô hình chuyển đổi trên đã có sự chuẩn hóa, tương đối phù hợp với người học, đồng thời cũng tập trung vào cách thể hiện nội dung nghệ thuật của từng câu, từng đoạn, giúp người học dễ dàng hơn trong việc thể hiện tác phẩm ở trình độ nghệ thuật cao.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ HÀ

;