Năm 1986, phong trào đồ ăn chậm ra đời do nhiều người dân ở thủ đô Rome (Ý) không đồng ý với sự xuất hiện của cửa hàng Mc Donalds. Cửa hàng này rất nổi tiếng ở Mỹ về các món ăn nhanh, phong cách phục vụ hiện đại, giá cả hợp lý. Cửa hàng được đặt gần quảng trường Spanish Steps, một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của thành phố. Ý là một quốc gia rất coi trọng văn hóa ẩm thực truyền thống, chính vì vậy, nhiều người dân Ý không muốn một cửa hàng đồ ăn nhanh lại nằm tại một địa điểm lịch sử đẹp như vậy. Tất cả đã đứng bên ngoài cửa hiệu Mc Donalds và cùng phản đối: Chúng tôi không muốn thức ăn nhanh, chúng tôi muốn thức ăn chậm.
Sự kiện này không phải là yếu tố duy nhất để dấy lên phong trào đồ ăn chậm trên toàn thế giới. Carlo Petrini (sinh năm 1949, ở thị trấn Bra - Ý) cũng trong đám đông tại quảng trường Spanish Steps. Một lần, ông tới cửa hàng để ăn món peperpnata truyền thống (một món ăn Ý có rau, hạt tiêu xào cùng tỏi và hành). Nhưng khi ăn món này, ông cảm thấy vị của nó không giống như những gì ông biết. Ông hỏi chủ tiệm và được biết nhà hàng sử dụng một loại hạt tiêu chỉ có ở Hà Lan. Hạt tiêu được cho vào những chiếc hộp và vận chuyển tới Ý với giá cả rất thấp. Từ đó, nhiều người nông dân Ý đã ngừng việc trồng tiêu. Họ không thể cạnh tranh với loại hạt tiêu Hà Lan. Song hương vị của loại hạt tiêu Hà Lan không thể hấp dẫn bằng hương vị của hạt tiêu Ý.
Carlo cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến thức ăn gây ảnh hưởng tới văn hóa ẩm thực địa phương. Những người nông dân không trồng loại hạt tiêu Ý và cũng không sử dụng khi nấu món ăn truyền thống. Đó là một sự thay đổi đang xảy ra ở rất nhiều địa phương. Carlo muốn mọi người hãy quan tâm hơn đến nguồn gốc thức ăn. Ông muốn tất cả hiểu rằng thức ăn là một trong những thành tố tạo nên đặc trưng văn hóa vùng miền.
Phong trào đồ ăn chậm đã mở rộng vượt biên giới nước Ý. Trên khắp thế giới, nhiều nhóm thành viên đã tổ chức các sự kiện ủng hộ phong trào này. Ở Palestine, lương thực nhập khẩu rất dễ mua với giá cả thấp nên nhiều người không sử dụng thực phẩm được trồng tại nông trại địa phương. Do đó, nhiều thức ăn truyền thống của người Palestine dần bị quên lãng. Một số nhóm phụ nữ đã tổ chức sự kiện Quay trở lại khu bếp cũ ở dải Gaza và bờ phía Tây. Ở dải Gaza, phụ nữ chuẩn bị bữa ăn truyền thống, sử dụng các loại rau được trồng ở ngay khu vườn địa phương. Ở bờ phía Tây, đây là cơ hội để những người phụ nữ có tuổi dạy người trẻ cách nấu các món ăn truyền thống. Sự kiện này giúp mọi người gần nhau hơn và có thể tổ chức các sự kiện văn hóa thông qua những món ăn.
Phong trào đồ ăn chậm ngày càng phát triển rộng rãi trên nhiều quốc gia với biểu tượng là hình con sên, thể hiện sự di chuyển chậm rãi và ăn uống từ tốn. Sên cũng là món ăn đặc sản ở thị trấn Bra, khu vực phía Bắc nước Ý, nơi ra đời phong trào thức ăn chậm. Các hoạt động của phong trào đồ ăn chậm vẫn diễn ra thường xuyên trên khắp thế giới, nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất, những người trồng lương thực, thực phẩm, cũng như người tiêu dùng hãy quan tâm đến môi trường và sức khỏe của con người. Đồng thời, phong trào này cũng là cơ hội để giao lưu và thắt chặt mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
(Tổng hợp)
Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013
Tác giả : Nguyễn Liên Hương