PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ CÁCH MẠNG Ở NGHỆ AN

Di tích lịch sử cách mạng là một bộ phận cấu thành hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, nơi lưu trữ những dấu ấn truyền thống cách mạng vẻ vang của đất nước và con người Việt Nam; thể hiện một cách sinh động nhân cách, vai trò, công lao to lớn của các nhà cách mạng yêu nước; góp phần tô điểm truyền thống yêu nước, đấu tranh vì độc lâp, tự do của nhân dân Việt Nam. Di tích lịch sử cách mạng gắn liền với những sự kiện cách mạng, hoạt động của các danh nhân cách mạng.

Nghệ An là địa bàn có số di tích lịch sử cách mạng lớn trong cả nước, tập trung nhiều ở thành phố Vinh, các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hòa. Khu di tích Kim Liên là nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật vô giá gắn liền với cuộc sống thời ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình. Tổng quan quần thể khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gồm: cụm di tích Hoàng Trù - nơi sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm di tích Làng Sen - nơi Bác Hồ đã sống với gia đình từ năm 1901 - 1906, khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, các di tích gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kỷ niệm trong hai lần Người về thăm quê (tháng 6 - 1957 và tháng 12 - 1961). Qua nhiều lần tôn tạo, tu bổ khu di tích vẫn giữ được tính lịch sử, trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong  tại làng Đông, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Lê Hồng Phong tên thật là Lê Duy Doãn (1902 - 1942). Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Năm 1938, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt, chịu mọi cực khổ của lao tù và anh dũng hy sinh vào năm 1942. Khu nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong có diện tích 2.600 m2, ngôi nhà được ông Cửu Soạn (thân sinh của Lê Hồng Phong) làm trước năm 1900, ngoảnh ra hướng đông nam. Khu nhà được chia thành 2 phần, ngôi nhà lớn và nhà ngang (nhà bếp). Ngôi nhà xưa là địa điểm tổ chức hội họp của các tổ chức cách mạng ở Vinh và Trung Kỳ. Thời kỳ 1938 - 1939, ngôi nhà là nơi các vị lãnh đạo gặp gỡ dưới các hình thức khác nhau để che mắt địch. Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

 Khu di tích Ngã ba Bến Thủy: nơi diễn ra cuộc đấu tranh ngày 1 - 5 - 1930. Di tích Ngã ba Bến Thủy nằm dưới chân núi Dũng Quyết; cách trung tâm thành phố Vinh 5 km về phía đông nam. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh bộ lâm thời Vinh - Bến Thủy đã tiến hành phát động quần chúng đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1 - 5. Rạng ngày 1 - 5, hơn 1.200 nông dân các làng Ân Hậu, Tân Hợp, Đức Hậu (huyện Nghi Lộc), Lộc Đa, Đức Thịnh, Yên Dũng thượng (phủ Hưng Nguyên)... kéo về phía nhà máy Trường Thi. Trước sức mạnh của cuộc đấu tranh, thực dân Pháp và tay sai đã đàn áp dã man cuộc biểu tình làm 6 người chết, 18 người bị thương và bắt hơn 100 người về Sở Mật thám. Cuộc biểu tình ngày 1 - 5 tại Ngã ba Bến Thủy là điểm mốc quan trọng mở đầu Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

 Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã trở thành địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Tại Truông Bồn đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt góp phần làm nên huyền thoại Truông Bồn. Tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sĩ Đại đội 317 - N 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước; những đại diện tiêu biểu cho 4,3 vạn TNXP tỉnh Nghệ An và hàng chục vạn TNXP trong cả nước. Năm 1994, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã khánh thành Nhà bia mộ, quy tập hài cốt các liệt sĩ về đây để chăm sóc và tưởng niệm. Năm 1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận di tích lịch sử Truông Bồn (Mộ các liệt sĩ TNXP hy sinh ngày 31 - 10 - 1968) xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ngày 19 - 4 - 2010 UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1591/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Cùng với tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo khu di tích. Ngày 16 - 4 - 2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1520/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ, Truông Bồn đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 Khu di tích nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu ở thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành (Yên Thành). Những năm 1954 -1955, gia đình Phan Đăng Lưu bị quy sai, ngôi nhà này bị tịch thu chia cho các hộ nông dân. Sau năm 1975, Nhà nước ta đã chuộc lại ngôi nhà, khu vườn và từng bước trùng tu, phục chế lại ngôi nhà gần như nguyên trạng. Năm 1990, Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Từ đó, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An xem đây là một địa chỉ đỏ, nơi gìn giữ những kỷ vật, kỷ niệm về Phan Đăng Lưu người cộng sản lỗi lạc, người con ưu tú của quê hương Yên Thành. Ngôi nhà này trở thành kỷ vật vô giá, là niềm tự hào, nơi giáo dục truyền thống về một chiến sĩ cách mạng, một nhân cách đã làm rạng danh quê hương.

Mỗi di tích lịch sử cách mạng đều ghi đậm dấu ấn và công sức của nhân dân, các nhà cách mạng yêu nước qua các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Các di tích có giá trị to lớn và chúng ta cần bảo tồn và phát huy nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Nghệ An không chỉ giúp chúng ta có nhận thức đúng đắn về lịch sử cách mạng của dân tộc và địa phương, mà còn góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp uống nước nhớ nguồn truyền thống yêu nước, đấu tranh bảo vệ tổ quốc.

Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng; đưa những giá trị này đến với đông đảo quần chúng nhân dân, đáp ứng nhu cầu của xã hội về hưởng thụ văn hóa. Hoạt động phát huy giá trị phổ biến nhất hiện nay tại các di tích lịch sử cách mạng là tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng với phát triển kinh tế du lịch, tổ chức các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu, học tập, tưởng niệm, tri ân nhân dịp các ngày lễ của đất nước, các ngày thành lập Đảng 3 - 2, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19 - 5, Xô Viết Nghệ Tĩnh 12 - 9, ngày sinh của các danh nhân cách mạng… Các đoàn thể, tổ chức và đặc biệt là Trường Đại học Vinh, các trường phổ thông trong tỉnh (nơi có di tích) đã tổ chức cho sinh viên, học sinh đến tham quan, nghiên cứu, học tập, tưởng niệm, tổ chức sinh hoạt truyền thống về các sự kiện cách mạng tại các di tích. Qua hoạt động này, các thế hệ nhân dân Nghệ An và cả nước cũng như du khách nước ngoài được ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương, tri ân những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh làm nên những thắng lợi của phong trào cách mạng. Công tác giáo dục truyền thống thông qua sử dụng các di tích lịch sử cách mạng có nội dung gắn với môn học lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương trong các nhà trường. Vì vậy, việc đưa học sinh, sinh viên, học viên đến tham quan, học tập tại di tích là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực.

Tuy nhiên việc phát huy giá trị này mới chỉ được thực hiện tốt ở một số di tích trọng điểm, những di tích được tu bổ đầy đủ, còn các di tích lịch sử cách mạng khác, việc phát huy giá trị còn hạn chế. Nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, có di tích đã bị biến dạng do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu và sự xâm hại của các hoạt động kinh tế, xã hội. Để khắc phục những hạn chế, phát huy hơn nữa giá trị của các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử cách mạng. Đảng bộ, UBND tỉnh Nghệ An cần có sự đánh giá, tổng thể về vị thế và tình hình quản lý các di tích. Sở VHTTDL, Ban Quản lý di tích - danh thắng Nghệ An cần có những đề xuất cụ thể về biện pháp quản lý phù hợp đối với từng di tích. Xây dựng cơ chế quản lý phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành với cộng đồng cư dân nơi di tích tồn tại. Đặc biệt chú ý đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích; đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm, xâm hại đối với các di tích lịch sử cách mạng.

 Thứ hai, làm tốt công tác rà soát, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ khoa học - pháp lý cho các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung thông tin cho các hồ sơ này, sưu tầm các di vật, hiện vật có liên quan trực tiếp đến di tích để làm tăng thêm tính hấp dẫn đối với công chúng. Đối với những di tích đã bị thay đổi hoàn toàn, hay phế tích thì phải tiến hành tư liệu hóa dưới dạng ghi chép thành văn bản, ghi âm, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn các nhân chứng hoặc người quản lý trực tiếp… để hoàn thiện thông tin hồ sơ cho di tích.

 Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt chú ý tới các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động quảng bá du lịch. Hiện nay, trên Đài phát thanh và truyền hình Nghệ An, báo Nghệ An, một số website… đã giới thiệu các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của tỉnh và được độc giả quan tâm, hưởng ứng. Bên cạnh đó, ngay tại các di tích cũng cần được giới thiệu thông qua đồ lưu niệm, các ấn phẩm xuất bản như sách, tờ rơi, băng, đĩa...

Thứ tư, sử dụng các biện pháp và hình thức tuyên truyền cũng như quảng bá hình ảnh, giá trị di tích một cách phù hợp nhằm tạo sự hấp dẫn cho các di tích lịch sử cách mạng như: hoàn thiện việc đặt bia, biển chỉ dẫn ở các di tích lịch sử cách mạng để cho nhân dân biết và tham quan di tích. Cần chú ý hơn nữa tới cảnh quan môi trường xung quanh di tích. Nghiên cứu và xây dựng một không gian, cảnh quan phù hợp vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật để tăng giá trị của di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng khi đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu. Nội dung trưng bày của di tích cách mạng phải bảo đảm tính hấp dẫn đối với công chúng. Có xây dựng được nội dung trưng bày, thuyết minh sinh động thì các di tích lịch sử cách mạng mới không bị rơi vào quên lãng, từ đó có thể tái hiện các phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ An. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ khách tham quan của đội ngũ cán bộ quản lý di tích, nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại các điểm di tích.

Thứ năm, tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng tại di tích, trước hết là thế hệ trẻ. Số lượng học sinh, sinh viên đang học tập, nghiên cứu trên địa bàn tỉnh sẽ là nguồn công chúng tiềm năng để có thể khai thác phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng trong việc giảng dạy, giáo dục truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể phối hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị di tích với giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn Nghệ An thông qua hệ thống các di tích lịch sử cách mạng.

Thứ sáu, kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong và ngoài tỉnh trong xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với cách di tích lịch sử cách mạng, thực hiên tốt nội dung liên kết vùng trong phát triển du lịch. Gắn các di tích lịch sử cách mạng vào các tour du lịch này để cho du khách không chỉ biết tới Nghệ An với những di tích lịch sử văn hóa, mà còn là mảnh đất kiên trung, anh hùng, bất khuất trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ tổ quốc thông qua các di tích lịch sử cách mạng. Đây chính là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc phát huy giá trị của di tích lịch sử cách mạng trong phát triển kinh tế du lịch của tỉnh. Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn là thái độ, hành động tưởng nhớ, tri ân của nhân dân địa phương đối với các thế hệ đi trước.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : HOÀNG VĂN VÂN

;