Núi Ngự Bình được các vị vua triều Nguyễn xem như là bức bình phong lớn, che chở cho kinh thành Huế. Đây cũng là nơi tham quan thưởng ngoạn của các vị vua đầu triều như: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức… Mỗi lần đăng cao, các vị vua đều có thơ đề lại. Năm Minh Mệnh thứ 3, Minh Mạng ngự giá lên chơi, xem xét hình thế, thấy hai bên tả, hữu, núi đất đứng đối nhau, nhân đấy gọi tên núi Tả Phụ và núi Hữu Bật. Năm Minh Mệnh thứ 19, gặp tiết Trùng dương, lại ngự giá lên chơi, cho bầy tôi theo hầu, ăn yến ở trên núi, nhân đó ngự chế bài thơ ghi lại việc này. Từ đó, cứ đến tiết Trùng cửu, vua lại lên núi chơi. Sau này vua Thiệu Trị cũng noi theo vua cha lên núi Ngự Bình và làm bài thơ Bình lĩnh đăng cao được liệt vào danh thắng thứ 12 trong Thần Kinh nhị thập cảnh.
Là nơi được các vua lựa chọn để thưởng lãm mỗi dịp đăng cao, trong ngày tiết Trùng cửu, ngoài vẻ đẹp về thiên nhiên cây cỏ, núi Ngự Bình còn là bức bình phong lớn, che chở cho kinh thành. Nơi đây, khí thiêng hun đúc, nguy nga chót vót, đáng là nơi thưởng ngoạn. Trong bài Ngự Bình sơn, vua Minh Mệnh ca ngợi cảnh đẹp cũng như chức năng của núi Ngự đối với việc bảo vệ kinh thành. Vẻ đẹp của ngọn núi này thật đặc sắc. Trên núi có hoa, thông mọc bạt ngàn, bên trong núi tích tụ bao mạch nước, bên ngoài có vẻ đẹp phong quang. Màu xanh trải khắp không gian ngọn núi cao như chống cả trời Nam.
Dịch nghĩa:
Núi Ngự Bình
Trước cửa cung cao vời vợi là núi Ngự Bình xanh biếc
Nơi chứa gió thu nước để bảo vệ chốn kinh thành
Hoa trên núi đẹp như nhuộm một bức tranh
Cây tùng cao vút cũng khó có bút nào vẽ nên được
Bên trong ôm ấp nhiều dòng sông khí tốt ngưng tụ
Bên ngoài núi nhỏ lớp lớp phô ánh hào quang
Sắc xanh bao phủ mãi mãi còn lại trên núi
Sững sững ở trời Nam tựa cột chống trời.
Ở Huế có nhiều núi, song núi Ngự Bình gần kinh thành hơn cả. Để đến núi này có thể đi theo đường bộ hoặc đường sông. Năm 1838, việc đăng cao nhân ngày tiết Trùng cửu bắt đầu được thiết lập. Vào dịp này, vua cùng bách quan lại lên núi Ngự Bình để cùng nhau thưởng ngoạn. Vua bảo thị thần rằng: “Triều nhà Thanh, tiết Trùng cửu, vua tôi cùng lên chỗ cao, thưởng thú uống rượu làm vui. Ở phía trước kinh thành, cách sông, có núi Ngự Bình hơi cao, nên khai thác một chỗ, trồng khắp hoa, cỏ, hằng năm đến ngày Trùng cửu, đặt bày bức màn vàng, để trẫm cùng các ngươi lên đấy, cùng thưởng tiết tốt cũng nên”. Trăm quan làm lễ khánh thọ, lễ xong, vào hầu yến. Vua đích thân rót rượu cúc ban cho hoàng tử, thân công, đại thần văn võ...
Nhân tiết Trùng cửu, vua đã cầu mong cho văn võ bá quan được giải trừ hết tai ách, lại ban cho rượu, bánh, táo, bùa trừ tà để các quan được sống thọ. Nhân dịp tiết Trùng cửu, đất nước yên ổn, công việc nhàn rỗi, vua cùng văn võ bá quan lên núi Ngự Bình. Nhân đó ban rượu chúc mừng, vua tôi cùng nhau chúc tụng, ca ngợi cảnh thanh bình của đất nước, khiến cho ai nấy đều vui hớn hở.
Đến đời vua Thiệu Trị, Ngự Bình vẫn là chỗ được nhà vua lui tới mỗi khi gặp tiết Trùng cửu. Trong một lần lên núi, vua đã nhớ đến việc xưa khi theo xa giá của vua cha lên núi chơi. Bài thơ một lần nữa ca ngợi vẻ đẹp của núi, bên cạnh đó còn đánh giá núi Ngự Bình sánh ngang với thế trận hiểm yếu, có thể đương đầu được với hàng vạn quân. Có thể nói, Ngự Bình là một tòa bảo tháp nguy nga, bảo vệ cho kinh thành.
Dịch nghĩa:
Lên núi Ngự Bình
Núi nguy nga như lô cốt che chở phía nam kinh thành
Gặp tiết trùng cửu tươi đẹp đề thơ để nhớ lại việc xưa
Theo xa giá đến nơi này đó là sự mở đầu cho việc đăng cao
Nâng chén nhảy múa trước tiên quan quân bắt chước hô ba lần vạn tuế
Núi này được nhờ ơn của vũ trụ mà còn mãi ngàn năm
Phóng tầm mắt xem khắp cảnh vật trong cõi trời đất
Núi sông hiểm trở càng làm tăng thêm sự vững chắc cho đất nước
Mây mù quang đãng trời tạnh ráo khí lành bốc lên trong núi.
Đăng cao thưởng lãm là đề tài quen thuộc trong thơ cổ, tuy vậy, đối với Minh Mệnh và Thiệu Trị việc lên núi Ngự Bình không những để thưởng cảnh thanh nhàn như những tao nhân mặc khách, hơn thế, đó là việc vua tôi cùng nhau xướng họa, cầu trừ tai ách cho văn võ bá quan và nhân dân bách tính được yên ổn. Đó là giá trị nhân văn mà một vị vua mong mỏi thực hiện nhân ngày gặp tiết lành. Ngự Bình sơn là ngọn núi thiêng, có vị trí quan trọng để bảo vệ kinh thành, việc cử hành lễ Trùng cửu nơi này lại mang thêm ý nghĩa đặc biệt, vì thế mà sau này các vị vua như Tự Đức cũng có thơ về ngọn núi này.
Chính vì ngọn núi quan trọng như vậy, đến năm 1836, khi đúc cửu đỉnh, hình tượng núi Ngự Bình đã được vua Minh Mệnh cho khắc vào nhân đỉnh. Ngày nay, núi Ngự Bình vẫn sững sững cùng với thời gian, là danh thắng của người dân xứ Huế:
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.
(Bùi Giáng).
Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015
Tác giả : NGUYỄN HUY KHUYẾN