Chiều ngày 30-9-2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Ninh Thuận tại Hà Nội.
Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch, dịch vụ của tỉnh Ninh Thuận tới các nhà đầu tư du lịch, doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Hà Nội. Qua đó, đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với thị trường trọng điểm thành phố Hà Nội; đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận; thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị
Ninh Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế khác biệt về du lịch như: nằm trên giao điểm của các trục giao thông quốc gia, có Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam đi qua; khí hậu ít mưa, nhiều nắng, với hơn 105km bờ biển dài và đẹp cùng tuyến đường ven biển thuận lợi trong việc kết nối các điểm đến thuộc dải ven biển của tỉnh. Ninh Thuận là địa phương có bức tranh văn hóa nhiều màu sắc, đặc biệt có những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo và nổi tiếng. Đó là nghệ thuật văn hóa Chăm, các làng nghề truyền thống và những phong tục tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 239 di tích, di sản văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Tháp Pôklông Garai và Tháp Hòa Lai), 18 di sản cấp quốc gia và 46 di tích, di sản cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, về tài nguyên du lịch, Ninh Thuận có hai vườn quốc gia là Phước Bình và Núi Chúa, trong đó Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ninh Thuận cũng có nhiều vùng vịnh và danh lam thắng cảnh phù hợp cho phát triển du lịch, trong đó có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, có hệ sinh thái biển, rừng, rạn san hô đa dạng phong phú với cảnh vật thiên nhiên hoang dã, thơ mộng.
Với khí hậu nắng ấm quanh năm, là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như: măng tây xanh, táo, tỏi, dê, cừu; đặc biệt Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” cây nho của cả nước. Bên cạnh đó, con người Ninh Thuận cũng rất hiền hòa, thân thiện và mến khách.
Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường để thu hút đầu tư vào Ninh Thuận, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi về đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh tại Ninh Thuận. Tỉnh cũng quan tâm chú trọng công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch.
Tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có tính chuyên nghiệp; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu. Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành Du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh. Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu ngành Du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành Du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Ninh Thuận nói riêng. Để phục hồi và phát triển du lịch tỉnh nhà tương xứng với tiềm năng và phát triển bền vững, tỉnh Ninh Thuận cũng định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc trưng, tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính. Cụ thể, nhóm sản phẩm đặc thù bao gồm: du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa. Nhóm sản phẩm mới lạ: Du lịch khám phá và vui chơi giải trí Cát - Muối; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Nhóm sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; Thương mại du lịch.
Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận còn ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển…
Hội nghị đã mời PGS, TS Phạm Trung Lương, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn Quy hoạch quốc gia phân tích và làm rõ những điểm đến du lịch xanh và khác biệt tại Ninh Thuận, từ đó giúp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch hiểu sâu hơn về du lịch tỉnh Ninh Thuận.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao du lịch Ninh Thuận, đã chủ động kết nối, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của địa phương tới doanh nghiệp và khách du lịch Thủ đô Hà Nội. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị Ninh Thuận cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực, với Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất, có sự tham gia của cơ quan quản lý với vai trò dẫn dắt, định hướng; tham gia của doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; tham gia của các đơn vị, hãng thông tấn, truyền thông để hợp tác giới thiệu quảng bá du lịch, tiếp cận thị trường quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch. Ninh Thuận nên ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19 như: du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe...
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất tăng cường liên kết du lịch giữa Hà Nội với Ninh Thuận để xây dựng sản phẩm, dịch vụ liên tuyến giữa hai địa phương với các vùng, nhằm tận dụng tiềm năng du lịch hiện có của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cần thường xuyên trao đổi, xúc tiến và quảng bá để đẩy nhanh tiến độ phục hồi du lịch; đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước nâng cao sức cạnh tranh du lịch của các địa phương.
Hội nghị cũng lắng nghe các ý kiến chia sẻ từ phía các doanh nghiệp du lịch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Thuận. Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay chia sẻ các mô hình du lịch của Crystal Bay, đồng thời, chỉ ra các điểm thuận lợi của du lịch Ninh Thuận, lý giải lý do tại sao Crystal Bay chọn Ninh Thuận để đầu tư dự án du lịch lớn. Theo ông Nguyễn Đức Chi, Ninh Thuận hội tụ nhiều tài nguyên đa dạng, đặc biệt về quy hoạch, Ninh Thuận đã đi trước các tỉnh khác, quy hoạch du lịch được định hình từ rất sớm. Ông Nguyễn Minh Hiếu - Giám đốc Khu du lịch Hoàn Mỹ Ninh Thuận có bài phát biểu giới thiệu về các sản phẩm du lịch Ninh Thuận, với mong muốn và kỳ vọng Ninh Thuận sẽ là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư du lịch.
Quang cảnh Hội nghị
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội và các địa phương; ký kết chương trình hợp tác giữa Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận và Hội Doanh nhân trẻ TP Hà Nội về hợp tác phát triển du lịch và quảng bá sản phẩm du lịch; ký kết chương trình hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận với Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam, Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Pegas Việt Nam về khai thác thị trường khách Nga tới Ninh Thuận năm 2023.
Nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch Ninh Thuận đến với người dân Thủ đô Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế, từ ngày 30-9 đến 2-10-2022, tại khu vực tượng đài Quyết tử để Tổ quốc Quyết sinh, phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận. Các sự kiện bao gồm: hoạt động biểu diễn nghệ thuật hát, múa, giới thiệu nhạc cụ đàn Chapi, thổi khèn bầu và giao lưu, hướng dẫn múa truyền thống; trình diễn, hướng dẫn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; trưng bày ảnh đẹp về du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó còn có 51 gian hàng trưng bày, giới thiệu về sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, ẩm thực của tỉnh Ninh Thuận.
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG