Biennale nguyên ngốc tiếng Ý có nghĩa là định kỳ 2 năm/lần cho một sự kiện/hoạt động nào đó, nhưng riêng với lĩnh vực mỹ thuật, nhờ có Venice Biennale, mà từ này trở thành một thuật ngữ chỉ các liên hoan nghệ thuật có quy mô quốc tế với những tiêu chuẩn nhất định về cách thức tổ chức, các hoạt động bên lề triển lãm chính… Yêu cầu tối thiểu của một biennale là phải có chủ đề xuyên suốt. Nhiều biennale có lịch sử lên đến cả trăm năm, thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật toàn thế giới, trở thành các sự kiện văn hóa lớn, kết hợp với quảng bá du lịch cho địa phương hoặc nước sở tại.
10 năm trước, Biennale Mỹ thuật trẻ thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã được Hội Mỹ thuật TP. HCM thành lập nhằm mục đích tập hợp, nâng đỡ, phát hiện, phát triển những tài năng trẻ có nhiều khát vọng, khám phá sáng tạo, phát huy phong cách cá nhân, có ý tưởng, cách nhìn mới lạ trong lĩnh vực mỹ thuật.
Biennale Mỹ thuật Trẻ TP.HCM 2009 là cuộc hội ngộ của nhiều tài năng trẻ. Với phương châm trẻ trung, sáng tạo, phong phú, độc đáo, thẩm mỹ trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chỉ dành riêng cho giới trẻ. Ban tổ chức xác định rằng, sự kiện này là một hoạt động sáng tạo nghiêm túc chứ không phải là “sân chơi” theo quan niệm thông thường. Triển lãm diễn ra tại khuôn viên Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, gồm 127 tác phẩm, đa dạng về ngôn ngữ, chất liệu, như hội họa, điêu khắc, digital art, nghệ thuật sắp đặt…
Nếu theo mô hình thông thường của một biennale nghệ thuật, nhà tổ chức sẽ mời curator (tạm dịch: giám tuyển), hoặc nhóm curator chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật của triển lãm: đưa ra chủ đề cụ thể và lựa chọn nghệ sĩ, tác phẩm phù hợp để trưng bày, lên kế hoạch cho các hoạt động vệ tinh như giáo dục công chúng, hướng dẫn tham quan, thưởng thức tác phẩm, các cuộc hội thảo, trò chuyện nghệ thuật… Nhưng Biennale Mỹ thuật trẻ TP.HCM không đi theo mô hình này mà vẫn thuận theo cách làm cố hữu của các triển lãm tập thể do cơ quan hội mỹ thuật tổ chức: hội đồng giám khảo gồm 11 thành viên xét duyệt tác phẩm để trưng bày và trao giải thưởng. Cách làm quen thuộc này căn cứ vào chất lượng nghệ thuật cụ thể cũng như cảm nhận về “sự mới mẻ” của tác phẩm từ Ban giám khảo. Đề tài của các tác phẩm trong Biennale 2009 khá đa dạng, từ tình yêu, gia đình, công trường, lễ hội cho đến những vấn đề được quan tâm nhiều trong xã hội hiện đại như vấn nạn ô nhiễm môi trường, hủy hoại thiên nhiên, chất độc da cam, tác hại của thuốc lá…
Sự đồng đều về tác phẩm, ấn tượng tươi mới, nhiệt huyết muốn bứt phá của tuổi trẻ, đem tới cảm nhận về sự thay đổi ở các triển lãm tập thể do Hội Mỹ thuật tổ chức. Mặc dù kỹ thuật xử lý chất liệu chưa có sự bứt phá, vẫn lối mòn như bài học trong trường mỹ thuật nhưng dù sao, Biennale 2009 cũng tạo sự khích lệ sáng tác của các nghệ sĩ trẻ, làm động lực để sáng tác nhiều hơn.
Biennale Mỹ thuật trẻ 2011 tiếp tục được diễn ra tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM với 121 tác phẩm được chọn trưng bày. Như lần 1, các tác phẩm hội họa vẫn áp đảo, trong đó riêng chất liệu sơn dầu là 52 tác phẩm. Giải Nhất được chọn trao cho tác phẩm hội họa Góc khuất 1 (sơn dầu) của Trần Quốc Tuấn. Biennale Mỹ thuật trẻ lần 2 tuy đã lọc bớt những tác phẩm mang tính bài tập so với lần 1 nhưng vẫn thiếu sức hấp dẫn, lan tỏa tới công chúng rộng rãi, tương tự như lần 1. Dù là lần 2 nhưng những hạn chế từ lần 1 vẫn chưa được khắc phục mà còn có phần nghiêm trọng hơn.
Thực tế, Hội Mỹ thuật TP.HCM luôn quan tâm đến việc tìm mọi biện pháp để tập hợp lực lượng trẻ vào không gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Giới mỹ thuật trẻ của thành phố được quy tụ trong CLB Họa sĩ trẻ của hội này, bên cạnh đó là một lực lượng các nhà điêu khắc trẻ, các bạn vừa mới tốt nghiệp hoặc đang học năm cuối các trường mỹ thuật. Sự kiện Biennale Mỹ thuật trẻ như một điểm gặp gỡ có tính chất định kỳ, góp phần khuyến khích người trẻ tìm kiếm những hướng đi mới trong nghệ thuật. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của hội được cấp từ ngân sách nên chắc chắn có những giới hạn. Năm 2013, Hội Mỹ thuật thành phố phải cố gắng để vận động các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ của các doanh nghiệp, nghệ sĩ tiếp tục thực hiện Biennale Mỹ thuật trẻ lần thứ ba.
Phồn hoa - Nguyễn Phương Quyên
Giải Khuyến khích Biennale năm 2019
Biennale năm 2015 không được tổ chức do nơi hỗ trợ địa điểm trưng bày là Đại học Mỹ thuật TP.HCM đang xây dựng mới. Sang đến năm 2017, Hội Mỹ thuật quyết định chào mừng Kỷ niệm 42 năm - ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước bằng Biennale Mỹ thuật Trẻ lần thứ tư. Chủ trì là Hội Mỹ thuật TP.HCM, phối kết hợp cùng các đơn vị như Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam, và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Kinh phí tổ chức Biennale hoàn toàn đến từ các nguồn xã hội hóa, tức là kêu gọi tài trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân. Ban tổ chức (BTC) cũng quyết định mở rộng đối tượng tham gia là nghệ sĩ trẻ đến từ toàn quốc. Thông điệp của Biennale lần này là: Trẻ - Sáng tạo - Hội nhập. Như thông lệ, lĩnh vực hội họa và đồ họa sáng tác vẫn chiếm ưu thế với các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, lụa tổng hợp, acrylic, màu nước, bút chì trên vải, giấy dó, tổng hợp, in khắc kẽm, in khắc gỗ, in độc bản… Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục hiện diện các thể nghiệm với điêu khắc, nghệ thuật video, sắp đặt. Biennale 2017 được hỗ trợ trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Sau câu chuyện Biennale 2015 không thể tổ chức vì không có địa điểm trưng bày miễn phí tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM như ba kỳ biennale trước, đến phiên Biennale 2017, một vấn đề nổi cộm trong trưng bày cho triển lãm này là thiếu không gian và điều kiện phụ trợ cho trưng bày các tác phẩm sắp đặt, video art... Mỹ thuật đương đại đã không còn bó gọn trong phạm vi hội họa hay điêu khắc mà mở rộng sang hình thức nghệ thuật mới. Để đáp ứng cho những phương thức thể hiện đó, không gian trình hiện dành cho chúng phải đủ rộng và có các phương tiện âm thanh, ánh sáng, màn hình. Tuy nhiên, những yêu cầu này đều không thể được đáp ứng ngay tại một bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Nhìn rộng ra, không chỉ riêng bảo tàng này mà hầu hết các bảo tàng chuyên ngành mỹ thuật tại Việt Nam hiện nay đều thiếu không gian trưng bày cho những loại hình mới. Có thể vì thế mà những tác phẩm đó không hoặc ít được gửi đến để tham dự trong những sự kiện như thế này.
Một ví dụ chứng minh chính là tác phẩm Chim bồ câu - tác phẩm có thể mở cánh để mọi người bước vào bên trong, tương tác với chính nó, nhưng thực tế, nó phải nằm khép nép ở một góc phòng triển lãm vướng những bức tường, cửa và cột kèo của bảo tàng. Nếu có một không gian phù hợp, Chim bồ câu có thể sải cánh kiêu hãnh, được chiếu sáng hoặc kết hợp với âm thanh để đạt hiệu quả thể hiện cao nhất. Tương tự, hai tác phẩm video art Câu chuyện đàn bà I của Lê Quốc Hoàn và Thế hệ mới của Võ Việt Dũng, đáng lẽ ra phải được chiếu trên hai màn hình riêng biệt, vì là hai tác phẩm không liên quan đến nhau, song thực tế lại được chiếu lần lượt trên một màn hình và tất cả đều không có âm thanh, như một cuốn phim câm.
So với các kỳ biennale trước, số lượng tác phẩm sắp đặt, video art, trình diễn… tham dự tại phiên 2017 ít hơn hẳn, có lẽ do thiếu không gian trưng bày. Dù là một cuộc hội tụ “thuần trẻ” song có rất ít các loại hình nghệ thuật đương đại tại Biennale này, thay vào đó, hội họa giá vẽ vẫn chiếm số lượng lớn. Trong khi các sự kiện mỹ thuật trẻ ở nhiều quốc gia gần với chúng ta như Thái Lan, Indonesia, luôn rất phong phú các tác phẩm đương đại.
Những ngày đầu năm 2019, khi các bạn trẻ đang háo hức với tác phẩm, ý tưởng hướng đến việc tham gia Biennale Mỹ thuật Trẻ 2019 thì BTC sự kiện phải liên hệ khắp mọi nơi để xin tài trợ. Theo chia sẻ của một thành viên của BTC, hầu như các thành viên của ban này đều cố tận dụng các mối quan hệ cá nhân để xin tiền hỗ trợ cho giải thưởng. Ở những lần tổ chức trước, chương trình còn có một vài nhà tài trợ quen thuộc, nhưng năm nay, vì nhiều lý do, hầu hết Mạnh Thường Quân đều rút lui. Bởi vậy, tiếng là Biennale Mỹ thuật trẻ có quy mô toàn quốc hoành tráng nhưng trị giá giải thưởng chỉ mang tính động viên, khích lệ là chính. Phải chăng, những cuộc triển lãm với hình thức mới nhưng thực ra là “bình mới, rượu cũ” như thế này đã không thu hút những người thực sự quan tâm đến nghệ thuật nữa?
Biennale Mỹ thuật trẻ 2019 diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, từ ngày 20 đến 30-4-2019. Triển lãm lần này hội tụ 163 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc và sắp đặt… của 129 tác giả và 2 nhóm tác giả trẻ từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với thông điệp Tinh thần mới!, BTC và các nghệ sĩ trẻ hướng đến một diễn đàn mỹ thuật trẻ độc lập, giàu sức sáng tạo nhưng cuối cùng thì có rất ít những tác phẩm mang hơi hướng của làn gió mới, vắng bóng hẳn những tác phẩm nghệ thuật đương đại như những phiên 1, phiên 2.
Trải qua năm kỳ nhưng dường như Biennale Mỹ thuật trẻ vẫn chỉ ở giai đoạn mở đầu, khi mà chưa ai trong BTC dám đặt ra vấn đề thành quả của nó. Nói như họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Biennale 2019, thành quả của nó chỉ có thể đến trong vòng 10 năm nữa. Đây thực sự là một thách thức đối với nhà tổ chức sự kiện này. Đã đến lúc, Biennale Mỹ thuật trẻ TP.HCM phải có những phương án thay đổi mô hình tổ chức hoặc đổi tên cho những lần tổ chức tiếp theo. Qua theo dõi các trưng bày tại 5 phiên của sự kiện, người viết cho rằng, triển lãm ngày càng không có gì mới; cái tên “Trẻ”, “Đương đại” gần như không còn phù hợp với hầu hết những tác phẩm trong triển lãm, có chăng chỉ là giới hạn độ tuổi nghệ sĩ tham gia mà thôi.
Dù sao, qua năm kỳ triển lãm, Biennale Mỹ thuật trẻ cũng có một vài nghệ sĩ thành danh sau khi tham gia và có những công việc, cuộc triển lãm cá nhân thành công sau này như Trần Thanh Cảnh (họa sĩ tham gia các phiên 1, 2, 3 và là giám khảo ở phiên 4), Ngô Đình Bảo Châu, Võ Thị Trân Châu, Phương Quốc Trí, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Thảo Nguyên, Nguyễn Thành Nhân… Hy vọng rằng, với sự cố gắng của BTC, tương lai của biennale này sẽ tiếp tục là xôm tụ của các nghệ sĩ thực sự trẻ trung trong tinh thần sáng tạo, đóng góp những tác phẩm tốt cho sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Loan
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019