Biểu tượng hổ phù trong lăng mộ thời Lê trung hưng

Trong kiến trúc, điêu khắc và đồ thờ lăng mộ thời Lê Trung Hưng, các hoa văn trang trí chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Đề tài linh thú chiếm một vị trí lớn trong hệ thống hoa văn. Đặc biệt, biểu tượng hổ phù (1) là một hoa văn, họa tiết được sử dụng với tần suất khá lớn. Sự biểu hiện phong phú, đa dạng của biểu tượng này trên các hiện vật cổ đã tạo nên sự hấp dẫn cho đồ thờ, đặc biệt là các hương án đá nói riêng và cho các tác phẩm nghệ thuật trong lăng mộ thời Lê Trung Hưng nói chung.

     Lăng mộ là một loại hình kiến trúc đặc biệt xuất phát từ quan niệm của người xưa về cái chết. Lăng mộ của các quan lại thuộc giai đoạn Lê Trung Hưng nằm rải rác ở các tỉnh của Bắc Bộ và Thanh Hóa, với khoảng hơn 80 di tích cùng hàng trăm hiện vật có giá trị nghệ thuật cao. Kiến trúc và điêu khắc lăng mộ là sản phẩm vật chất cũng như tinh thần của làng xã Việt TK XVII, XVIII, phát triển mạnh mẽ bên cạnh kiến trúc, điêu khắc đình, đền, chùa. Ở đó, tập trung mọi tâm thức, tinh hoa nghệ thuật nhằm biểu hiện ý tưởng hết sức sáng tạo, độc đáo của người Việt về thế giới của con người sau khi chết. Đồng thời, chúng cũng là nơi lưu giữ những hiện vật quý giá, cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về bối cảnh văn hóa, quan niệm sống của con người qua các thời kỳ lịch sử.

  Bằng nghệ thuật cách điệu, tượng trưng hóa các đối tượng như thiên nhiên, cây cỏ, động vật… thành các biểu tượng, nghệ nhân xưa đã sáng tạo, tiếp thu và sử dụng khá nhiều môtip trang trí trên hiện vật trong lăng mộ có khả năng biểu hiện tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ của cả một cộng đồng, dân tộc. Các tác phẩm này còn ẩn chứa nhiều lớp nghĩa phong phú. Vì vậy, việc tìm hiểu và giải mã chúng cho phép chúng ta hiểu hơn về tư duy, quan niệm và thẩm mỹ của người xưa. Trong diễn trình lịch sử, các lớp văn hóa chồng lấp và phủ lên các biểu tượng văn hóa một bức màn huyền ảo. Do đó, việc giải mã các biểu tượng trở nên một thách đố đầy khó khăn và thú vị, đòi hỏi cách tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau.

     Trong bài viết này, biểu tượng hổ phù chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ mỹ thuật học với phạm vi chạm khắc trên đồ thờ trong lăng mộ, đặc biệt ở các hương án đá, để thấy được tính đa dạng trong tạo hình của nó ở mỗi hiện vật và sự phong phú của kỹ thuật chạm khắc ở mỗi vị trí mà biểu tượng này được sử dụng.

     Hổ phù là một linh vật thường được nghệ nhân Việt xưa thể hiện chỉ có phần đầu và hai chân phía trước, được chạm nổi khối trên bề mặt đồ thờ với các bộ phận hằn khối, biểu hiện sự hung dữ và sức mạnh. Linh vật này có hai chân bành ra hai bên, thường được tạo hình đang bám chặt vào những đám mây hoặc một kết cấu nào đó. Trong các sinh từ và lăng mộ thời Lê Trung Hưng, biểu tượng hổ phù được chạm ở nhiều vị trí, bộ phận của kiến trúc như ở mái các nhà bia, tòa thờ, tháp mộ, bình phong, cổng lăng; hoặc cũng được chạm khắc trang trí trên các tác phẩm điêu khắc như trang trí cho phần yên cương ngựa, trên đai, vai áo, vạt áo, hộ tâm của võ quan… Với đồ thờ, vị trí thường xuyên của mặt hổ phù là ở trung tâm của bố cục trang trí các hương án, đẳng thờ, ngai thờ hoặc được chạm nổi trên chân sập thờ, làm đẹp cho các góc sập trong các di tích lăng mộ. Hổ phù luôn được thể hiện ở hướng chính diện, có mắt quỷ tròn, mũi sư tử, miệng nhe răng lớn sắc nhọn, tóc xoắn, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm mở rộng ngậm mặt trăng hay chữ Thọ, cũng có khi phun ra bông hoa.

Hổ phù trên hương án lăng Phạm Mẫn Trực - Ảnh: Nguyễn Xuân Giáp

     Hình tượng này được tập trung ở các bố cục trang trí đồ thờ nói chung, ở các hương án đá nói riêng, có số lượng khá nhiều và đa dạng trong cách thể hiện. Nếu ở ngai thờ, ví dụ như ngai thờ của lăng Quận Vân (Hà Nội), lăng họ Vũ (Nam Định), mặt hổ phù thường được chạm ở lòng ngai theo hướng chính diện, ở vị trí trung tâm nhất, thì trong hệ thống hương án, biểu tượng này được chạm khắc phong phú hơn cả về tỷ lệ, vị trí và kỹ thuật chạm khắc. Ở hương án đá của mỗi lăng, biểu tượng này được chạm khắc với một phong cách khác nhau, được trang trí với mức độ dày, thưa khác nhau trên hiện vật. Nếu trên các hương án lăng Phú Đa (Vĩnh Phúc), biểu tượng này được trang trí dày đặc, phủ kín các hiện vật thì ở lăng Nguyễn Diễn (Bắc Ninh), mức độ này giảm đi một chút; ở lăng Phạm Mẫn Trực (Hà Nội), biểu tượng này được chạm với tỷ lệ nhỏ hơn nữa và ở lăng Quận Vân (Hà Nội), lăng họ Đặng, họ Đỗ (Bắc Ninh), biểu tượng hổ phù chỉ là một họa tiết mang tính chất điểm xuyết…

     Ở lăng Phú Đa, hổ phù là biểu tượng duy nhất xuất hiện trên toàn bộ các hương án và đẳng thờ, có đến 12 mặt hổ phù được nghệ nhân đều dành cho diện tích khá lớn trên bề mặt trang trí, chiếm cả bốn mặt của từng đồ thờ. Trên hương án, bốn mặt hổ phù được cách điệu theo hướng vân hóa. Mũi được tạo hình mây khánh rất cân đối, hai tai, hai râu, hai sừng đều được biểu hiện thành hình mây với các kiểu dáng khác nhau, xung quanh mặt hổ phù này cũng được bao phủ bởi những đám mây lớn. Nghệ nhân xưa đã lựa chọn kỹ thuật chạm nông trong tổng thể các chi tiết trang trí hương án. Tuy nhiên, riêng ở biểu tượng hổ phù, họ đã dùng thủ pháp nhấn mạnh ở một số bộ phận trên khuôn mặt, tạo cho các khối nổi cao hẳn lên như bức phù điêu, đặc biệt gồ lên ở mũi và trán, tạo cảm giác về sự dữ dằn như muốn trấn áp người đối diện. Râu của hổ phù được chạm uốn cong, kéo dài, quấn vào những đường kỷ hà được chạm theo chiều dọc và ngang của hương án, có chỗ râu biến thành lá cúc, có vị trí, râu biến thành mây. Hai chân hổ phù được chạm bành ra hai bên, bám chặt vào những đường kỷ hà trên mặt hương án. Chỉ với một hoa văn hổ phù mà nghệ nhân đã chạm khắc trang trí tràn hết mặt phía trước của hương án. Cùng phong cách này, biểu tượng hổ phù được lặp lại ở các mặt sau và mặt bên của hương án.

     Bên cạnh hương án chính, có đến tám mặt hổ phù được chạm ở hai đẳng thờ. Đẳng thờ thường đi theo cặp, là hai bàn thờ thường đặt hai bên hương án, có tỷ lệ nhỏ hơn hương án chính, thường được đặt quay dọc, dùng để đặt lễ vật. Biểu tượng hổ phù chạm khắc trên đẳng thờ lăng Phú Đa lại được cách điệu theo xu hướng biến thành hoa lá, phần mũi và trán được cách điệu thành những bông hoa nhiều cánh, tai cách điệu thành hình lá, còn râu và sừng biến thành hoa dây. Trường hợp mặt hổ phù hóa thành hoa lá này có thể tìm thấy hiện tượng tương tự ở lăng Nguyễn Diễn. Còn ở lăng Quận Vân, lăng Phạm Mẫn Trực, mặt hổ phù chỉ có diện tích khá khiêm tốn và là một họa tiết trang trí điểm xuyết nhỏ xinh trong tổng thể bố cục trang trí của hương án.

     Ở lăng Nguyễn Diễn, hình hổ phù được chạm với diện tích lớn, phủ gần kín mặt phía trước hương án và chạm ở mặt bên với cùng phong cách nhưng trên diện tích hẹp hơn. Ở các mặt trước và mặt bên của hương án, biểu tượng hổ phù được khắc với xu hướng kết hợp giữa hình ảnh linh thú này với hoa cúc. Nhìn từ xa, phần râu, tóc và sừng của hổ phù như những cánh hoa cúc vươn lên, phần mũi và chữ Thọ giống như phần cuống lá của bông hoa, nhưng khi nhìn ngắm ở vị trí gần hơn, người xem sẽ thấy, đây là hình hổ phù ngậm chữ Thọ. Nếu ở lăng Phú Đa, hổ phù được chạm khắc với sự mạch lạc, mạnh mẽ, thì ở lăng Nguyễn Diễn, hổ phù lại được chạm với sự tinh tế, mềm mại, uyển chuyển. Những cánh hoa cúc được cách điệu uốn cong, đặt cạnh nhau, xếp tầng tầng lớp lớp ở phía trên đầu của hổ phù. Hai sợi râu được kéo dài, quấn lấy phần chân được cách điệu hình lá cúc ở hai bên. Kỹ thuật chạm nông với độ cao vừa phải của khối đều nhau ở toàn bộ họa tiết là một sự lựa chọn khá phù hợp với phong cách chạm mềm mại này.

     Trong các lăng mộ đá thời Lê Trung Hưng, thường chữ Thọ là một minh văn được dùng nhiều hơn so với các chữ khác và có hình thức rất đa dạng trong cách điệu trang trí. Họa tiết Song Thọ, bên trong có hai chữ thọ, còn có một thể biểu khác gọi là Vạn Thọ: bên trong một vòng tròn có hồi văn xoắn ốc chữ Vạn và ở một vòng khác có chữ Thọ cách điệu. Đây được coi là biểu tượng của trường sinh, của phúc đức, được thể hiện ngập tràn trong hình tượng hổ phù ngậm chữ Thọ ở lăng Phú Đa và lăng Nguyễn Diễn.

     Ở lăng Phạm Mẫn Trực, biểu tượng hổ phù được chạm khắc với tỷ lệ nhỏ trên hương án, nhưng khi được xếp hàng ngang, lặp lại ba lần trên hương án, lại tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ. Đây là một thủ pháp độc đáo của nghệ nhân trong nghệ thuật chạm khắc với bố cục hàng lối, tạo nên sức mạnh của tập thể, như có sự xuất hiện của đội ngũ binh tướng trong quân đội. Khác với hình tượng hổ phù thường thấy, không có phần hàm phía dưới, ba mặt hổ phù trên hương án này rất khác biệt. Nghệ nhân đã không chỉ chạm rõ miệng hổ phù, có đủ hàm dưới đang bạnh ra mà còn chạm đủ cả hai hàm răng. Phần râu tóc được cách điệu với biểu tượng sóng nước và mây. Riêng đôi mắt được đầu tư về tạo hình với ba hình tròn đồng tâm, nhấn mạnh phần lông mày cách điệu thành biểu tượng của ngọn lửa, tạo nên sự dữ dằn, choáng ngợp cho người đối diện. Nghệ nhân đẩy toàn bộ khối của ba mặt hổ phù nổi cao lên so với bề mặt của hương án, nhưng lại chỉ nhấn nhẹ nhàng các chi tiết trên khuôn mặt. Với lối tạo hình như vậy, các họa tiết trên hương án, dù nhỏ, cũng không tạo cảm giác bị nát mà các chi tiết nhỏ được cộng hưởng tạo thành một khối lớn hơn, các khối này kết hợp với các khối khác, được lặp đi lặp lại, tạo thành một chỉnh thể hệ thống hoa văn.

     Ngoài ra, biểu tượng hổ phù còn được sử dụng như một họa tiết, hoa văn trang trí cho hình đồ vật chạm khắc trên mặt trước của hương án lăng Quận Vân. Trong bố cục tròn hình thân của lư hương, ta không thấy ở đây sự hung dữ, biểu hiện của sức mạnh thường thấy của hổ phù, nhờ nghệ nhân chủ động nhấn mạnh vành môi cong kết hợp với hai răng cửa của hổ phù tạo nên tiếng cười hài hước, vui tươi trên khuôn mặt tròn trịa, nhấn vài xoắn tóc. Nụ cười này vô cùng ăn ý với miệng cười lộ hai răng của đôi nghê chầu vào lư hương, như muốn xóa tan không khi thê lương bằng hình ảnh hổ phù ngộ nghĩnh.

     Lăng họ Đặng nổi tiếng là một di tích có nhiều hương án đẹp, mỗi hương án được tạo dáng với nhiều tầng, kết hợp trang trí nhiều loại họa tiết, hoa văn. Các đồ thờ trong lăng mộ này hầu hết đều hàm chứa ước vọng về việc thi cử, đỗ đạt trong chốn quan trường, như chạm khắc hình chim tước, cá và tôm hóa rồng… Hương án của lăng họ Đặng được đầu tư công phu nhiều tầng với phần chân theo kiểu chân quỳ dạ cá (2), phủ đầy biểu tượng hổ phù. Đây là một phần được đầu tư chạm khắc công phu trong tổng thể của cả hương án. Với kiểu dáng chân quỳ dạ cá, phần bệ của hương án không được đục rỗng mà vẫn để nguyên khối đặc, chỉ chạm phần chân nổi lên để tạo sự vững chắc. Phần võng dạ cá nối giữa hai chân với nhau là một đồ án trang trí rất đẹp: nhìn xa là hình mây đao mác, phần đầu uốn mềm mại, phần sau thẳng, nhọn, chĩa ra hai phía khá mạnh mẽ. Từ hoa văn này, hai đường gấp khúc chạy về hai hướng, tạo ra một khuôn hình giống như cánh gà sân khấu. Nơi trung tâm kẹp giữa hai đường gấp khúc tạo ra được trang trí hình sóng nước với nhiều nhịp sóng cao thấp khác nhau. ở mặt bên của sập thờ cũng được trang trí với đồ án và họa tiết có bố cục tương tự mặt trước của hiện vật. Tuy nhiên, khi lại gần, quan sát kỹ, người xem đều có thể thấy các vân mây, sóng nước đó đều là biểu tượng hổ phù. Nói cách khác, hình tượng hổ phù ở đây được chạm ở thể hóa mây, sóng nước và lửa. Mặt trước và sau của các hương án đều được chạm bảy hình hổ phù có tỷ lệ nhỏ xinh, tạo nên điểm nhấn ở từng vị trí điểm dừng của những đường cong nối nhau trang trí viền của phần dạ cá.

     Cũng chỉ là một hoa văn được điểm xuyết trang trí cho hiện vật nhưng biểu tượng hổ phù trên hương án lăng họ Đỗ có lẽ là sự riêng biệt về phong cách với kỹ thuật cách điệu từ những đường kỷ hà. Từ những hoa văn hoa lá chuyển biến dạng kỷ hà khúc chiết và biến thành một khuôn mặt hổ phù, hai khuôn mặt hổ phù tạo nên điểm nhấn đầy ấn tượng ở hai góc trên của hương án. Các họa tiết kỷ hà được lặp đi lặp lại với một môtip và chạy viền theo rìa hương án tạo lên sự quay vòng của họa tiết, nối nhau, dừng lại ở đôi mắt hổ phù như nhìn xoáy, muốn thấu tâm can người đối diện. Phía dưới mặt hổ phù, các yếu tố kỷ hà biến chuyển thành dáng tay đang vòng chầu trong tư thế cung kính, dành cho những nhân cách đáng được trân quý…

     Trong các mối quan hệ nghệ thuật, trang trí luôn là thành phần phụ trợ với các chức năng bổ sung, tạo thêm hiệu ứng, đóng vai trò trang hoàng, làm đẹp. Với nghệ thuật thời Lê Trung Hưng, chạm khắc trang trí biểu tượng hổ phù luôn xuất hiện một cách rộng rãi trên kiến trúc, điêu khắc cùng hiện vật thờ trong các lăng đá, theo những nguyên tắc nhất định, làm cho công trình trở nên gần gũi hơn với con người. Bởi những công phu của nghệ nhân trong việc thể hiện những đồ án hoa văn và môtip trang trí, những biểu tượng nghệ thuật thể hiện trên các đồ thờ đá trong các lăng mộ, đặc biệt là hình tượng hổ phù trên hương án, dù xuất hiện từ thời xa xưa nhưng vẫn luôn hấp dẫn con người thời hiện tại.

_____________

1. Sự tích về hổ phù được nhắc tới trong câu chuyện “khuấy biển sữa” thuộc sử thi Ramayana: Khi các thần đang uống thuốc trường sinh dưới đáy biển thì có một con quỷ đã đứng lẫn vào hàng ngũ thần, nó vừa uống xong một ngụm thì thần mặt trời, mặt trăng phát hiện, mách với thần Vishnu. Thần Vishnu rút kiếm chặt quỷ làm đôi. Do đã uống được thuốc trường sinh nên quỷ không chết, các thần phải cho quỷ lên trời thành sao hổ phù và kế đô. Biểu tượng này đã được Việt hóa thành linh vật chỉ có đầu và hai chân, được sử dụng trang trí trên nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

2. Chân quỳ dạ cá mô tả phần tạo dáng phía dưới chân của các hương thờ, sập thờ. Chân quỳ: phần chân được cách điệu từ tư thế quỳ, tượng trưng cho sự vững chắc, trường tồn; phần võng dạ cá (mô tả phần nối giữa hai chân trước) được biến tấu từ hình tượng đuôi cá chép. Trong thuật phong thủy, cá chép là biểu tượng của may mắn về tài lộc và học hành thi cử. Chân quỳ dạ cá còn gợi sự liên tưởng hình tượng cá chép hóa rồng, biểu trưng cho sự can đảm, may mắn, thành công, đỗ đạt.

Tác giả: Quách Thị Ngọc An

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

;