Đề tài trang trí trong nghệ thuật điêu khắc làng Lâu Thượng

Trong nghệ thuật trang trí đình làng Lâu Thượng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, có thể nói rằng điêu khắc được xem là phần độc đáo nhất. Phần lớn các mảng chạm và tượng trang trí được phân bố dày đặc ở khu vực trung tâm và hai bên gian chái đình, trên các ván gió, cốn cùng một số vị trí khác như đầu bảy, đầu hồi… Trên đó, người ta chạm trổ công phu các đề tài trang trí mang tính biểu trưng cao. Đề tài xuyên suốt trong nghệ thuật trang trí ở đình làng Lâu Thượng là những cặp rồng ổ, rồng đàn, điểm xuyết một vài hoạt cảnh của con người xen kẽ là các loài thú nhỏ và các đề tài về hoa lá.

    Khái quát về Đình Lâu Thượng

   Đình Lâu Thượng (1) tọa lạc trên một quả đồi thấp, thuộc xóm Mai, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đình trông về hướng Nam. Trước đình là vườn cây, sau đình là miếu Vật, hai bên đình là trường cấp I, phía Đông cách sông Lô khoảng 1km, phía Bắc cách thành phố Việt Trì khoảng 4km.

   Đình Lâu Thượng được làm từ lâu, xong rất tiếc không có niên đại xây dựng, không có bia ký, bút tịch. Người già trong làng kể lại rằng: một người thợ mộc đến đây làm đình, lấy vợ sinh con, ăn mít trồng hột, mít ra quả, đình mới làm xong (không rõ mấy đời). Theo dữ liệu này cho thấy ngôi đình được các hiệp thợ từ nơi khác đến làm.

    Đình thờ bốn vị: Cao Sơn Quý Minh báo quốc đại vương; Ả nương Công chủ đại vương; Bình Khôi công chủ đại vương (vị thứ hai và vị thứ ba chính là hai vị thần Trưng nữ vương - tức Hai Bà Trưng); Như Tuy đại vương (thày đồ dạy học).

     Đề tài trang trí trong nghệ thuật điêu khắc đình làng lâu Thượng

    Đề tài linh thú

   Đề tài linh thú ở đình Lâu Thượng là một trong những dạng đề tài phổ biến và được thể hiện tràn ngập trên các bức chạm khắc. Trong đó, rồng ổ là đề tài nổi bật nhất, được thể hiện rất nhiều trên các ván nong. Rồng ổ là hình ảnh ẩn dụ của tình mẫu tử thiêng liêng. Hầu hết trong số 28 bức chạm đều là cảnh rồng ổ hay gia đình nhà rồng, với các cách thể hiện vừa sinh động, vừa phong phú. Rồng được thể hiện theo nhiều lối tạo hình khác nhau; con thì có vảy, con để trơn, con lại có sừng. Rồng mẹ được chạm lớn nhất, đang nô đùa cùng đàn rồng con. Những con rồng nhỏ đa dạng về tư thế; con nhìn thẳng, con nhìn nghiêng, con thì lao cổ vươn ra phía trước, con thì oằn mình trườn bò trên tay rồng mẹ, con nũng nịu quẩn quanh không chịu xa rời. Tất cả những cử chỉ, hành động mang tính nhân văn sâu sắc đó đã tạo nên cái tình rất lớn, ẩn dụ về một cuộc sống của con người tình cảm và chân thực.

    Một số hình tượng rồng chủ đạo là rồng mặt ngắn, tai to, mắt lồi, miệng rộng, răng thưa đều, môi rất dày và cong hình dấu ớ (^), không có răng nanh và trên đầu không có sừng… Những tạo hình rồng như vậy là biểu hiện cho con rồng cái. Những con rồng đực có tạo hình mặt choắt lại, trên đầu có cặp sừng nhú vừa độ, miệng há lớn hình mõm thú, có răng nanh sắc nhọn, dáng mặt dài nhô hẳn ra phía trước, thân rồng nổi khối, uốn khúc mạnh mẽ. Trên thân rồng còn lộ rõ đặc điểm thân rắn và một số có vảy, tai khum như vỏ sò nhỏ và có hình dáng hơi tròn, đao mác tủa ra từ mang tai. Một điểm rất thú vị và dễ dàng nhận thấy là phần lớn chúng đều có bàn tay giống như tay người với những móng sắc nhọn, một số con có tai giống như tai lợn, trán rồng được trang trí bởi những cụm mây xoắn tròn. Các con rồng nhỏ mang dáng trơn, không vảy, giống như loài rắn nước, cũng được phân định giới đực, cái khá rõ ràng.

 

Nghi môn đình Lâu Thượng nhìn từ ngoài vào trong - Ảnh: Cao Thị Vân

    Khi quan sát kỹ hơn, ta sẽ thấy rất nhiều các con vật khác được chạm lẫn trong các mảng chạm ở ván nong, như chuột, thằn lằn, rắn, hổ, voi, ngựa, phượng, cá, hay trên các bộ vì vốn là tập hợp các vật linh, như rồng, lân, phượng, nghê. Một số con đang trong tư thế leo trèo. Số khác có tạo hình khá ngộ nghĩnh, như một chú chuột đang cầm đuôi của mình. Tất cả những loài thú nhỏ này ít nhiều làm tăng chất hóm hỉnh, dân dã nơi thôn quê, vừa đủ để khiến người ta thấy sự hợp lý theo cách nhìn phương Đông mà xuề xòa chấp nhận những bất hợp lý theo lối nhìn khoa học phương Tây.

    Một bức chạm phượng hoàng tung cánh, mỏ ngậm dây buộc cuốn thư trên mình được chạm bộ lông vũ mềm mại với những hình uốn lượn cầu kỳ mang vẻ đẹp thanh cao, đậm chất trang trí, được thể hiện ở trên kẻ, phía mặt trong bên gian trái, ngay sát khu cửa ra vào ở tòa đại đình. Phượng hàm thư là một dạng đề tài mang nặng tính chất nho giáo đã cho thấy sự khác biệt với các hoạt cảnh nhà rồng dân dã được thể hiện phổ biến ở xung quanh. Có lẽ bức chạm được thêm vào trong các giai đoạn sau này. Với khối gỗ không dày, kỹ thuật chạm cũng có phần khác biệt, phượng không mang tính dân gian như những mảng chạm về rồng tiên trên ván nong ở TK XVII, cũng không có tính chất rườm rà, rối rắm nhiều chi tiết vụn vặt như tạo hình TK XIX. Phượng ở đây được trang trí với nhiều họa tiết sắc sảo, mang tính diễm lệ và rất chau chuốt về tạo hình, ước chừng có niên đại khoảng cuối TK XVIII đầu TK XIX.

    Đề tài sinh hoạt thường nhật

    Hình tượng con người ít được chạm khắc ở đình Lâu Thượng, chủ yếu được chạm lẫn trong các mảng chạm rồng ổ với tỷ lệ khiêm tốn so với tổng thể bức chạm. Ở đây không có các bức chạm người với bố cục riêng rẽ, làm đề tài chính. Tất cả có 5 bức chạm chứa đựng hình ảnh con người trong nhiều tư thế. Bức chạm thứ nhất có 1 người cưỡi ngựa, được chạm khắc trên cốn phía trong cùng ở gian trái, mặt hướng ra ngoài. Bức chạm thứ hai có 1 người cưỡi hổ, trên cốn phía trong cùng gian trái, mặt hướng vào trong. Bức chạm thứ ba có 1 tiên đồng đang quỳ lạy, chạm khắc trên cốn ở gian phải, mặt hướng vào trong. Bức chạm thứ tư có 1 ngọc nữ trong tư thế chắp tay, trên ván ở gian trái, mặt hướng vào trong. Bức chạm thứ năm gồm cảnh 2 nhóm người với hai hoạt động riêng rẽ, gồm 2 người cưỡi voi hướng mặt ra phía ngoài, trong cùng góc cốn, kế bên đó là 2 người bắt rắn với kích thước lớn hơn và tất cả được chạm chung trên một bức cốn ở gian phải, mặt hướng ra ngoài.

    Trong số các đề tài có hình tượng con người, nổi lên đáng chú ý có một vài bức thể hiện đề tài thuần phục các loài thú. Thuần phục rồng là một dạng đề tài trang trí quen thuộc trong đình làng. Bức chạm người thuần phục rồng (hoặc chế ngự rồng) là một cách ví von, ẩn dụ trong biểu tượng trị thủy của người dân miền Bắc mà hình ảnh là cảnh đi săn của một người đàn ông được chạm trong tư thế săn rồng. Người đàn ông cao lớn với bộ râu tóc rất dài, ăn vận giản dị, mình cưỡi ngựa hồng, hai tay cầm đao lớn đang kè cổ một con rồng mạnh mẽ trong dáng nhoài cổ vươn ra ngoài mảng chạm, đầu rồng cách nền cỡ 30 cm khiến không gian bức chạm trở nên thay đổi nhiều chiều, sự vật lộn cũng vì thế mà căng thẳng hơn. Một vài ý kiến cho rằng đây là cảnh Vua Hùng đi săn. Đáng tiếc là gần đây, tháng 8 - 2018, bức chạm đã bị đánh cắp.

    Cảnh người thuần phục hổ là dạng đề tài quen thuộc trong dân gian, được sử dụng hai lần liên tiếp trong hình thức chạm khắc và tượng trang trí ở đình Lâu Thượng, trong đó có bức chạm người đàn ông ngồi trên lưng hổ với dáng ngồi oai phong và một bức chạm khắc trên cốn ở gian trái (mặt hướng vào trong), tả cảnh một người đàn ông với lối ăn mặc dân dã, trong tư thế cưỡi trên lưng hổ, người đàn ông đó một tay ổm cổ hổ, một tay giơ cao như đang tri hô điều khiển để loài thú dữ này tiến về phía trước. Đây là một dạng đề tài với chất liệu dân gian được sử dụng khá nhiều trong các ngôi đình làng Việt, như đả hổ ở đình Hùng Lô; đấu hổ, điều voi đả hổ ở đình Chảy (Hà Nam)…

    Cảnh thuần phục rắn được thể hiện thông qua động tác người bắt rắn, chạm trên cốn gian phải, mặt hướng ra phía ngoài đình. Người đi trước tóm lấy đầu rắn, người đi sau vui thích với biểu hiện mặt cười hoan hỉ, phía dưới chân là hình một đầu con rùa ngó ra nhìn cảnh bắt rắn, được tạc trong khung cảnh đầm sen với việc mô phỏng một bông sen vươn cao lên tới đầu người. Tuy nhiên chính chi tiết này lại gây cho người nghiên cứu sự ngờ vực nhất định bởi tạo hình thân rắn lại khá giống với tạo hình thân hoa sen, liệu có khả năng bông hoa sen đã bị gẫy mất nên chỉ còn lại thân sen hay không? Và đề tài cũng vì thế mà thay đổi có thể sang chiều hướng người hái hoa sen? Nhưng theo như quan sát, nhiều khả năng đây là một bức chạm hoàn chỉnh với cách chạm khá dẹt, không nổi khối cuồn cuộn như những con rồng ở đây nên khó gây ra sự gẫy vỡ, phong cách tạo hình cũng khá đồng nhất với hai người cưỡi voi ở ngay phía trước và cũng không có dấu hiệu đầu gỗ bị xơ. Theo như bố cục chung của bức cốn, cảnh tượng này đã tạo nên một góc nhọn hợp lý cho bức chạm, để tạo thành hình tam giác vuông, vì thế, sự có mặt của hình chạm người ở đây tăng thêm sự hoàn chỉnh cho bố cục.

    Cảnh thuần phục voi được mô tả với hành động người cưỡi voi, được thể hiện chung ngay phía trước cảnh bắt rắn (mà tác giả đã mô tả ở trên). Cảnh thuần phục voi là một trong những đề tài trang trí khá phổ biến ở những ngôi đình khác như cảnh điều voi đấu rồng, điều voi đả hổ ở đình Chảy (Hà Nam); tượng người cưỡi voi trên cột cái ở đình Ngọc Than; tượng người và voi ở đình Phùng (Hà Nội),… Tuy nhiên, sự đặc biệt ở đây chính là hình ảnh hai người cùng cưỡi trên một lưng voi, có chiếc kiệu được trang trí cầu kỳ và thần thái của hai người cưỡi voi khá hùng dũng. Nếu chiếu theo lý lịch về di tích được ghi chép lại thì bức chạm là cách kể chuyện khéo léo về tích Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Nhận định này thêm phần rõ nét hơn khi Hai Bà cũng là hai trong số bốn vị thành hoàng làng được thờ chính ở nơi đây.

    Cảnh các Tiên đồng Ngọc nữ cũng là một đề tài được nhấn mạnh. Các Tiên đồng (mang hình hài người con trai) và Ngọc nữ (mang hình hài người con gái) được biểu đạt phần lớn trong tư thế tôn nghiêm. Người thì quỳ, hai tay chắp trên đầu vái lạy với dáng vẻ tôn kính, người thì chắp tay trước ngực dáng như tuân lệnh phục tùng. Tiên đồng, Ngọc nữ, còn gọi là “tay quỳnh, tay quế”, thường ở bên hầu hạ các đức thánh mà ta thường thấy trong các buổi hầu đồng. Phần lớn các Tiên đồng đều ăn vận giản đơn, chỉ với áo quần trơn nhưng Ngọc nữ được mặc những bộ cánh bắt mắt hơn, với đầu tóc gọn gàng, có mũ đội trang trí hai bên tai và cả trang sức như vòng tay, ve áo được diễn tả cầu kỳ đẹp mắt. Các nhân vật này được chạm xen kẽ bên cạnh các mảng chạm rồng, vừa như điểm xuyết cho bức chạm thêm phần thay đổi vừa tăng tính chất thiêng liêng cho các vị thánh thần nơi thời tự. Theo như quan sát, các nhân vật trong bức chạm có phong cách giản lược nhưng vẫn tạo ra được vẻ hoa mỹ của phong cách chạm TK XVII. Thêm nữa, những vị trí đặt hình trang trí có nhân vật này đều được tính toán có chủ đích, hiển nhiên là một phần của bức chạm chứ không phải là sản phẩm được thêm vào của thời kỳ trùng tu sau này.

    Một chủ đề khác là hình tượng ông cai đình Lâu Thượng. Bức tượng trang trí là hình ảnh về những người đàn ông trong trang phục không quá cầu kỳ, hai người đàn ông trong hai tư thế đối lập nhau: một ông bên cột phải với nét mặt hiền hòa, dáng ngồi chân co chân khoanh, tượng mặc áo màu xanh lá mạ và quần mầu xanh thẫm, chân dung khá hiền từ, râu tóc dài của người miền rừng, tay trái đặt lên đùi trái, tay phải đặt ở đùi phải, tượng ngồi trong tư thế vai trùng, mắt nhìn thẳng và đầu hơi rướn về phía trước. Bức tượng thứ hai ở bên trái là hình tượng người đàn ông cưỡi hổ, mặc áo màu đỏ, đang phanh ra, quần màu xanh thẫm, chân đi giày, gương mặt khá dữ tợn với râu tóc ngắn, chân vắt lên nhau, phong thái oai hùng với ánh mắt nhìn trực diện, rất sắc sảo, ngồi trên lưng con hổ được trang trí bằng những vệt vằn vện, đầu ngoái ra phía trước, miệng gầm lớn. Rõ ràng văn hóa miền đồi, rừng nơi đây đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng diễn đạt chân dung của con người và các loài thú dữ. Thông qua cách miêu tả con người ngồi điềm tĩnh với phong thái tự tin bên cạnh con hổ như đang gầm thét, cho thấy khả năng chế ngự các loài thú dữ ở miền rừng và nêu lên ước vọng làm chủ thiên nhiên của người xưa.

    Theo lời kể của ông Lưu Công Lộ, người ở làng Lâu Thượng, quản lý ngôi đình từ đầu năm 2019, cũng như theo tài liệu ghi chép còn lại ở đình, tượng trang trí hai người đàn ông gắn trên cột cái đó chính là hình ảnh về những ông cai đình, tức là tạc lại chân dung người đã làm ra ngôi đình này.

    Đề tài về thực vật trong tự nhiên

    Ở đình Lâu Thượng, tuy thiên nhiên, cỏ cây hoa lá là dạng đề tài trang trí không được thể hiện nhiều, chỉ góp phần điểm xuyết xong nó đã ít nhiều tạo nên sự mềm mại trong một bố cục trang trí, làm tăng tính chất sinh động trong những hoạt cảnh cần có yếu tố nền mang cảnh sắc thiên nhiên.

    Tạo hình bông sen trên cột trốn ở khu vực trung đình, nối giữa lòng đình với hậu cung, là một bông hoa có thế úp ngược, với những cánh hoa mập múp, vừa giống như quả chuông lại vừa giống như đóa hoa sen cách điệu, khá giống với tạo hình cánh sen ở những pho tượng bồ tát tọa lạc trên đài sen nở, trong điêu khắc ở các ngôi chùa Việt. Vì chiếc cột nối với hậu cung nên phần trang trí này nhiều khả năng được ra đời trong giai đoạn cuối TK XVIII. Cũng tạo hình hoa sen, ở vị trí bức cốn thuộc gian phải, có tạo hình một bông hoa sen với thế vươn lên cao, phía dưới có tạo hình một chú rùa nhỏ chỉ thấy phần đầu, phía trước là cảnh người cưỡi voi, phía sau là hai người trong tư thế bắt rắn… Chính sự góp mặt của tạo hình bông sen đem lại cảm giác hợp lý cho hoạt cảnh hai người bắt rắn ở đầm sen chứ không phải là hoạt cảnh ở trên cạn.

    Nhìn chung, phần lớn đề tài trang trí trong nghệ thuật điêu khắc đình Lâu Thượng được khai thác từ những đề tài về linh thú, tiêu biểu nhất là các hoạt cảnh về rồng, bên cạnh đó được điểm xuyết bởi các hoạt cảnh của con người, đa số ở dạng thần tiên, số ít được thể hiện theo tích chuyện Hùng Vương, tích Hai Bà Trưng khởi nghĩa… Tất cả đã góp phần tạo nên một nét đặc trưng trong nghệ thuật trang trí của ngôi đình trên miền đất của các vua Hùng.

____________

1. Từ trước tới nay, người làng thường gọi là đình Ngoại, thuộc thôn Ngoại, xã Lâu Thượng trước đây. Xưa kia, xã Lâu Thượng còn gọi là Kẻ Sủ, thuộc huyện Phù Kháng, tỉnh Sơn Tây. Sau, Kẻ Sủ được đổi thành Ngọc Vũ và được chia thành thôn Nội và thôn Ngoại.

Tác giả: Cao Thị Vân

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

;