Ngay từ khi mới thành lập, Tổ Chèo (trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương), rồi Đoàn Chèo nhân dân Trung ương, tiền thân của Nhà hát Chèo Việt Nam, đã hội tụ được hầu hết các nghệ nhân tài ba của ngành chèo cả nước như các cụ: Năm Ngũ, Dịu Hương, Trần Thị Hảo, Trùm Thịnh, Trịnh Thị Lan (Cả Tam), Lý Mầm, Hồng Lô, Minh Lý, Thanh Hảo, Khúc Văn Đẩu, Minh Phương. Phạm Thị Lừng (Phẩm), Lệ Hiền, Nguyễn Quang Mai, Lê Văn Ly, Nguyễn Thị Định, Vũ Khắc Bảy, Hoàng Văn Tắc, Nguyễn Phú Quang, Mai Văn Đá... và một lực lượng khá phong phú những cán bộ nghệ thuật những nghệ sĩ chèo trẻ tuổi: các nhà thơ Thế Lữ, Lưu Quang Thuận, Tú Mỡ, Trần Huyền Trân, nhà văn Trần Vượng, các đạo diễn Đặng Đình Hưng, NSND Trần Bảng, Chu Ngọc, Phạm Văn Khoa, Trần Hoạt, các nhạc sĩ Hoàng Kiều, Bùi Đức Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, các NSND Chu Văn Thức, Mạnh Tuấn, Bạch Tuyết, Bùi Trọng Đang, Diễm Lộc, các NSƯT Thúy Lan, Ngô Bích, Thanh Chức...
Chính đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú này đã trực tiếp làm nên những điều kỳ diệu là những vở chèo nổi tiếng từ trong chiến khu Việt Bắc như Tát nước cấy chiêm, chị Trầm, chị Tấm anh Điền... và khi hòa bình lập lại (tháng 1 - 1955) Tổ chèo được chuyển thành Đoàn Chèo Nhân dân Trung ương. Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Trần Bảng (Trưởng đoàn đồng thời kiêm Trưởng ban Nghiên cứu chèo), cùng với nhiệm vụ xây dựng các tiết mục chèo đề tài mới là nhiệm vụ sưu tầm nghiên cứu và khai thác truyền thống.
Với phương châm phục hồi, phát triển nghệ thuật truyền thống phải nhằm phục vụ cho cuộc sống đương thời, năm 1956, trong hàng chục viên ngọc của kho tàng truyền thống, Đoàn và Ban Nghiên cứu chèo đã tiến hành lựa chọn để phục hồi lần đầu tiên 3 vở chèo cổ: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ và Súy Vân theo các tiêu chuẩn cơ bản: Là những trò diễn nổi tiếng được nhân dân xưa nay ưa chuộng; thuộc dạng thực nghiệm trên ba lĩnh vực: chỉnh lý, cải biên, viết lại. Và đặc biệt phải có trò diễn phong phú, mô hình nhân vật đa dạng.
1. Chỉnh lý
Quan Âm Thị Kính là vở diễn đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ... Tác giả Trần Huyền Trân được giao nhiệm vụ chỉnh lý kịch bản, cùng cộng tác còn có nhạc sĩ Ngọc Chung, các họa sĩ Nguyễn Đình Hàm, Sĩ Ngọc, Quang Phòng... Tất cả các nghệ nhân (Trùm Thịnh, Cả Tam, Minh Lý, Nguyễn Thị Lừng, Trần Văn Linh, Lệ Hiền...) đều vừa nhớ lại vừa sắm vai và truyền nghề cho các diễn viên trẻ. Ê kíp sáng tạo không chỉ làm một việc là ổn định các lớp lang trước hoặc sau cho lôgic; đối chiếu chỉnh đốn các từ các câu trại bẹ hoặc làm sáng tỏ các đoạn lời trò về mặt tình ý cho phù hợp với người xem hôm nay. Mà thực sự là một cuộc đi tìm, khám phá ra những bí ẩn của nghệ thuật bởi những trái tim nghệ nhân nhân hậu và những nghệ sĩ tài năng trẻ đầy tâm huyết với nghề. Sự phân chia màn, lớp một cách logich, sân khấu bừng sáng với cảnh trí ước lệ và phục trang vừa tinh tế vừa rực rỡ và nghệ thuật biểu diễn xuất thần của các diễn viên đã tạo nên một vở diễn chèo (cổ) thành công đến bất ngờ. Vở diễn không phải là kết quả của việc phục hồi, tái tạo đơn giản mà còn là sự sáng tạo của tất cả các thành phần tham dự...
Sau lần dựng thứ 3 năm (1980) vở diễn Quan Âm Thị Kính đã được nâng cao chất lượng nghệ thuật từ xây dựng chủ đề, chủ đề tư tưởng đến việc đi tìm hình tượng trò diễn, hình tượng các nhân vật... Những mảng diễn hay và độc đáo đã được bảo tồn, phục hồi một cách nguyên vẹn nhất. Thành công của Đạo diễn và ê kíp sáng tạo là biết nhấn mạnh vào số phận, vào lòng nhân ái, từ bi hỉ xả của Thị Kính, không còn là một Thị Kính sướt mướt buồn thảm trong suốt vở diễn. Cũng từ nỗi đau tột cùng khi mất hết hạnh phúc gia đình đã khiến Thị Kính vào chùa giác ngộ nhanh chóng đạo lý nhà Phật. Thị Kính bình thản trở lại và đối xử với người đời bằng tấm lòng từ bi hỷ xả. Đến lần thứ ba dựng lại thì hình tượng nhân vật Thị Kính mới trở nên hoàn chỉnh: Thị Kính không những không thù hận mà còn tự nguyện nuôi dưỡng hạt máu rơi của Thị Màu thành con người. Thị Kính chịu trận đòn oan của làng và rời chùa ra ở mái tam quan không một lời cầu xin than khóc.
Còn về mặt nghệ thuật: vở diễn trở lại lối diễn sân đình của chèo cổ, đưa dàn đế và dàn nhạc cùng biểu diễn trên sân khấu, sử dụng lối ra trò sinh động của truyền thống, lối giao lưu đầy ngẫu hứng với dàn đế, dàn nhạc tạo nên không khí vui chơi hội hè đã đem lại cho vở diễn một hình tượng nghệ thuật bất diệt: Thị Kính từ đám bùn đen vươn lên một bông hoa ngát hương, bùn đen biểu tượng cho một xã hội phong kiến suy đồi đầy rấy những tàn bạo công.
Tấm lòng từ bi hỷ xả của Thị Kính ngời sáng lên giữa một xã hội phong kiến suy tàn, đầy bất công và oan trái. Những nhân vật điển hình cho từng lớp người trong xã hội phong kiến xưa đều được miêu tả rất sống động, rất thực bằng phương tiện diễn tả hát múa của chèo, bằng những hình tượng, những mảnh trò ước lệ cao mang tính biểu trưng và ẩn dụ. Mỗi lớp trò là một khuôn mẫu trong nghệ thuật chèo cổ.
Có thể nói vở Quan Âm Thị Kính qua bàn tay của đạo diễn Trần Bảng và ê kíp sáng tạo đã trở thành một trò diễn mẫu mực nhất. Vở diễn có giá trị không những như một cổ vật còn nguyên vẹn mà nó còn là một trò diễn hay mang tính kinh điển về nghệ thuật chèo. Trở thành một vở diễn truyền thống của nhiều Nhà hát và các đoàn chèo trong cả nước, vở Quan Âm Thị Kính đã được đi biểu diễn trọn vẹn cả vở ở nhiều nước trên thế giới.
2. Cải biên chèo cổ
Là những vở diễn lấy từ tích chèo cổ nhưng được cải biên, thay đổi hẳn lại chủ đề. Tiêu biêu nhất cho khuynh hướng này là vở Súy Vân (năm 1962).
Được cải biên từ vở chèo cổ Kim Nham, vở Súy Vân ngợi ca sức sống mãnh liệt của người phụ nữ dám đứng lên chống lại sức mạnh của dư luận, của tập quán phong kiến về chế độ đa thê, coi thường người phụ nữ.
Lấy Kim Nham chưa được bao lâu thì Kim Nham lên Kinh thành thi cử, Súy Vân vừa tần tảo lo mọi công việc nhà chồng,vừa mong ngóng chờ đợi chồng trở về. Khi Kim Nham thi đỗ trở về, niềm vui hạnh phúc vừa bừng nở thì Kim Nham hé lộ ra muốn cưới vợ lẽ. Súy Vân vì luôn khao khát hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn, nên kiên quyết không chịu, nàng hết lòng khuyên can chồng, nhưng Kim Nham và mẹ chồng một mực không nghe. Thất vọng, nàng lên chùa cầu cứu Phật Bà thì gặp Trần Phương - một gã phong tình trăng gió - đã âm mưu cùng bà mối lừa Súy Vân. Súy Vân giả dại về đòi li dị với Kim Nham. Khi được tự do, nàng ra bến sông- nơi Trần Phương đã hẹn, nhưng chờ mãi, cuối cùng chú Hề mang thư của Trần Phương đến, Trần Phương đã phụ tình nàng. Uất hận, nàng trẫm mình xuống dòng sông.
Để bảo tồn được những độc đáo của vở Kim Nham cổ, đạo diễn Trần Bảng và đồng nghiệp trước hết tập trung vào vào trích đoạn Vân Dại nổi tiếng, nghiên cứu từng động tác, từng loài hát để tìm ra tính cách và động tác chủ đạo của Súy Vân làm cơ sở cho sự xây dựng các mảng diễn khác. Súy Vân là một tâm hồn mãnh liệt, yêu cuộc sống sôi nổi dám đứng lên chống lại với sức mạnh của dư luận, của tập quán phong kiến. Súy Vân là người con gái mà xã hội phong kiến xếp vào hàng nghịch nữ nhưng trước con mắt của đương thời thì là một tính cách hiếm có, nó như một ngọn đuốc bùng lên trong đêm tối mịt mù của xã hội cũ. Vở diễn đã gìn giữ và phát huy được nhiều mảng trò và làn điệu chèo hay cũng như nhiều loại vai diễn mẫu mực của vở chèo cổ.
Sau hơn nửa thế kỷ, vở Súy Vân (chèo cổ cải biên) vẫn tồn tại và trở thành một trong những tiết mục truyền thống trên sàn diễn Nhà hát Chèo Việt Nam và nhiều Nhà hát, nhiều đoàn Chèo địa phương trong cả nước.
3. Viết lại chèo cổ
Từ tích cổ Lưu Bình Dương Lễ, nhà văn Hàn Thế Du đã viết vở Châu long dệt gấm (sau đổi là Lưu Bình Dương Lễ) đạo diễn Chu Ngọc đã tạo nên một vở diễn trữ tình lãng mạn, giàu chất thơ về một tình bạn cao cả, nhấn mạnh đến vai trò của nàng Châu Long.
Viết lại từ tích chèo cổ Trương Viên, nhấn mạnh đến vai trò của viên ngọc gia bảo, tác giả Vinh Mậu năm 1989 cũng viết lại vở cổ với tên Đôi ngọc truyền kỳ, khai thác thêm sự thủy chung của nhân vật Trương Viên bằng cách để cho Trương Viên sau khi thắng trận trở về được Nhà vua tin dùng và được công chúa yêu tha thiết. Lúc Trương Viên dao động, tình cảm hơi ngả về công chúa… viên ngọc chàng mang theo bỗng nhiên mờ đi. Cứ lòng xấu là viên ngọc tối dần. Chính nhờ viên ngọc ấy mà Trương Viên thức tỉnh, nhớ lại tất cả, quyết từ bỏ mọi vinh hoa để trở về tìm mẹ và vợ. Giáo sư,đạo diễn NSND Trần Bảng đã dàn dựng kịch bản này rất thành công trên sân khấu Nhà hát Chèo Việt Nam với một dàn diễn viên cựu phách: NSƯT Thúy Ngần vai Thị Phương; NSƯT Đức Nghiêu vai Trương Viên, NSƯT Thanh Bình vai mẹ Trương Viên… Và mùa thu tháng 9 - 2012, Nhà hát Chèo lại ra mắt vở diễn Trương Viên do đạo diễn Vũ Ngọc Minh dàn dựng với một dàn diễn viên tài năng hát hay, múa đẹp: NSƯT Thùy Dung vai Thị Phương, NSƯT Thanh Mạn vai mẹ Trương Viên, NSTài năng Tuấn Tài vai Trương Viên, NS Ngọc Hưng vai Thừa tướng, NS Trần Hải vai Thổ địa, NS Thúy Hạnh vai Quỷ cái; NS Hương Dịu vai Tiên Mẫu… cũng là các vở diễn lấy nguyên kịch bản chèo cổ chỉ qua chỉnh lý. Đạo diễn đã thành công khi giữ được cho vở diễn một cấu trúc kể chuyện mạch lạc.
Mỗi một êkip sáng tạo ở những thời điểm khác nhau đều có những chủ ý riêng của mình. Tuy nhiên, trong tích hát (kịch bản) câu chuyện về “nàng dâu nuôi mẹ thế gian mấy người” đã là một câu chuyện lạ, cảm động và chan chứa tình yêu thương. Cái sự “lạ” của vở diễn không phải chỉ vì xuất hiện những nhân vật Hổ dữ, Quỷ, Thần linh đầy mầu sắc huyền thoại mà chính là ở những hành động “quên mình” của nhân vật chính. Nó chứng minh điều ngược lại không mấy hay về mối quan hệ “mẹ chồng - nàng dâu” vốn tồn tại dai dẳng từ ngàn xưa. Lòng hiếu thảo lạ lùng của Thị Phương không chỉ là một phẩm chất đạo đức mà còn một nét đẹp Việt nam - sự bình dị, nét đẹp ấy toát lên từ ở tâm hồn, ở tấm lòng của nhân vật. Nó không chỉ làm cảm động được khán giả - những người “trần” bình thường mà còn chinh phục, cảm hóa được cả thần linh
Các nhân vật khác trong vở cũng rất lạ: một quan Thừa tướng vừa oai nghiêm, vừa nhân hậu và có tư tưởng rất tiến bộ về hôn nhân. Ông trao cho con gái và con rể viên ngọc gia bảo như trao biểu tượng của truyền thống yêu thương, thủy chung. Mẹ Trương Viên, một nhân vật lạ không kém. Đó là bà lão nông dân hài hước, rất dân gian, dí dỏm và chan chứa lòng yêu thương mộc mạc chân thành, giống nhưng cũng khác hẳn với trăm nghìn bà mẹ nông dân khác. Nhân vật Quỷ cũng lạ, quỷ hát bài hát của tiên. Nhân vật Hổ hung dữ cũng bỗng hiền từ nhân hậu khi thấy hai mẹ con tranh nhau cái chết về mình. Ông tiên cũng là ông tiên với bầu rượu túi thơ chơi mây chơi gió… sự hài hước giữa các tính cách nhân vật vốn đã tinh túy trong các tích cổ làm cơ sở tạo nên được những lớp diễn lạ, độc đáo.
Sự “lạ” ấy còn được thể hiện trong văn chương, trong ngôn ngữ đối thoại thuần túy dân tộc với đặc tính nôm na, mộc mạc giàu âm điệu hàm chứa ý nghĩa thâm thúy. Dù là chỉnh lý hay viết lại thì hình tượng nhân vật Thị Phương đều đã được khắc họa một cách rõ nét thông qua các trò diễn Gặp Hổ, gặp Quỷ, Sơn thần khoét mắt… Và đặc biệt chú ý đến vai trò của viên ngọc gia bảo, viên ngọc tác động vào sự phát triển của vở diễn.
Một vở nữa khá thành công là vở Nàng Thiệt Thê viết lại từ tích chèo cổ Chu Mãi Thần. Tác giả Lương Tử Đức đã dụng công xây dựng nhân vật Chu Mãi Thần như là hiện thân của một nhân vật nho sinh đẹp nhất trong chèo cổ, quyết vượt lên mọi khó khăn để đạt được mục đích của mình về sự học, Chu Mãi Thần còn xử sự “đúng như một người quân tử” theo cách nói của giáo sư Vũ Khiêu. Bát thuốc ân tình mà chàng sắc cho Thiệt Thê sau lần gặp lại đã khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Nhân vật Thiệt Thê trong vở diễn được khắc họa một cách hồn nhiên, có nét gì đó giống hình tượng một con bướm, nhởn nhơ khoe sắc không biết nghĩ xa xôi gì về tương lai...
Và đó cũng chính là thông điệp mà các tác giả muốn gửi đến khá giả, bài học về một lối sống không có lý tưởng, chỉ vì những ham muốn vật chất tầm thường trước mắt, một cái giá phải trả cho những sai lầm nông nổi lúc tuổi trẻ. Hình tượng Thiệt Thê bỗng đẹp hẳn lên, hằn sâu trong tâm trí người xem - một số phận Thiệt Thê rất Chèo nhưng đầy âm hưởng hiện đại.
Từ thực tế khai thác vở diễn theo khuynh hướng chỉnh lý, cải biên hoặc viết lại các vở chèo cổ, từ góc nhìn văn hóa, những người làm chèo bỗng nhận ra mọt vấn đề lý luận, đó là vấn đề tiến tới cổ điển hóa nghệ thuật chèo cổ. Đây chính là quá trình đưa nghệ thuật chèo (cổ) bấy lâu vẫn được xác định là sân khấu dân gian lên sân khấu bác học, từ không chuyên lên chuyên nghiệp, từ bình diện dân tộc lên bình diện quốc gia, quốc tế. Con đường này các bậc tiền bối của Nhà hát Chèo Việt Nam đã bước đầu sáng tạo trong từng vở diễn cụ thể, để đạt tới sự hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật, sự mẫu mực về thẩm mỹ,trên cơ sở phát huy được những tinh hoa vốn có của nghệ thuật chèo cổ.
Như thế, trong chặng đường sáng tạo của Nhà hát Chèo Việt Nam 65 năm qua có một điểm nổi bật đó chính là hành trình đi đến cổ điển hóa nghệ thuật chèo (cổ). Những vở diễn mẫu mực được khai thác từ chèo cổ trên không chỉ là niềm tự hào của Nhà hát mà đã giúp cho các thế hệ của Nhà hát có một vốn nghề phong phú, để làm điểm tựa cho những sáng tạo mới luôn đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Nghệ sĩ Nhà hát Chèo hôm nay hãy biết gìn giữ và phát huy kho báu này để xứng đáng là một đơn vị nghệ thuật đứng đầu ngành chèo cả nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016
Tác giả : TRẦN MINH PHƯỢNG