TÔI MƠ MỘT NHÀ HÁT CHÈO MANG TÍNH VIỆN

Thành lập từ năm 1951, đến nay Nhà hát Chèo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong cả lĩnh vực biểu diễn và nghiên cứu. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, chúng tôi có thực hiện cuộc phỏng vấn với GS NSND Trần Bảng, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Ông được biết đến là đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu nghệ thuật chèo nổi tiếng ở nước ta, những đóng góp của ông được nhà nước, công chúng nhiều thế hệ công nhận. Những chuyện nghề, chuyện nhà hát được ông chia sẻ đầy say sưa, nồng hậu.

Trần Minh Phượng: Kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam cũng chính là kỷ niệm cả một quãng đời làm nghề của GS với biết bao thăng trầm, vui có, buồn có, gian truân có, hạnh phúc có... Trong tình hình sân khấu dân tộc đang gặp khó khăn như hiện nay, theo GS, vấn đề cấp thiết nhất đặt ra cho Nhà hát Chèo Việt Nam là gì?

GS, NSND Trần Bảng: Nhanh thật, đã 65 năm rồi... Lại phỏng vấn hả (cười)! Trò này luôn đưa ra câu hỏi khó cho tôi... (GS trầm ngâm một chút rồi nói sôi nổi). Vấn đề quan trọng nhất là phải xác định rõ vị trí của mình. Vị trí của một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp phải được xác lập trên những tiêu chí cụ thể. Theo đó, xác định rõ vị trí để luôn nỗ lực phấn đấu, nhất là đối với Nhà hát Chèo Việt Nam - đơn vị luôn gánh trên vai sứ mệnh bảo tồn và phát huy vốn cổ dân tộc.

Vị trí đầu đàn đã được quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập với sự tham gia trực tiếp của các nghệ nhân chèo trên khắp mọi miền đất nước trong chương trình Khai thác và phục hồi truyền thống do Ban Nghiên cứu Chèo thực hiện từ 1951- 1963 với 4 đợt tại Hà Nội và Thái Bình. Những tích trò hay, trích đoạn tiêu biểu của các nghệ nhân tứ chiếng được trình diễn và ghi hình. Từ đây, những vấn đề lý luận xoay quanh việc khôi phục, phát triển chèo được nghiên cứu, đúc kết, biên tập và phổ biến hơn. Hàng trăm kịch bản, làn điệu chèo được thu thập, ghi nhạc, thu băng... nhiều cuốn sách về lịch sử chèo, hát chèo, múa chèo, hề chèo ra đời. Sự kết hợp của các cán bộ nghệ thuật, nhà nghiên cứu thời đó thực sự đã tạo nên sức mạnh cho công cuộc phục hưng nghệ thuật chèo truyền thống.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, quá trình hình thành nên những giá trị văn hóa chèo là một quá trình không ngừng sáng tạo. Chỉ có Nhà hát Chèo Việt Nam mới có đủ điều kiện để thực nghiệm nghệ thuật mẫu mực như thế. Ngoài ra, Nhà hát cũng đóng vai trò chính yếu trong các lĩnh vực đào tạo, giúp đỡ chuyên môn, góp phần không nhỏ cho sự ra đời của nhiều đoàn chèo chuyên nghiệp ở các địa phương, xây dựng phong trào chèo không chuyên, thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, xuất bản nhiều cuốn sách chuyên ngành. Trong tương lai, nhà hát sẽ hướng đến vị trí trung tâm, biến giấc mơ Nhà hát mang tính viện thành hiện thực.

 
 
 
GS, NSND Trần Bảng với các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh tư liệu 
 

Trần Minh Phượng: Nhà hát Chèo Việt Nam đã có một quá trình khởi động tịnh tiến vị trí từ Nhà hát biểu diễn đơn thuần tiến lên Nhà hát có tính viện, GS có thể giúp bạn đọc hình dung sự chuyển động này không?

GS, NSND Trần Bảng: Đây không phải là vấn đề bây giờ mới được đặt ra mà ngay từ năm 1970 tôi đã đề xuất với Đảng và Nhà nước về đề án Xây dựng Nhà hát Chèo mang tính viện. Nhà hát mang tính viện này sẽ là trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm bằng dàn kịch mục của mình - đường lối bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo của dân tộc, là trung tâm lưu trữ có tính quốc gia những di sản của chèo truyền thống. Đồng thời giới thiệu nghệ thuật truyền thống dân tộc độc đáo này ra thế giới, để chèo Việt Nam thực sự đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa nhân loại. Năm 2014, Phòng Nghệ thuật của Nhà hát cũng đã đưa cho tôi xem bản đề án khoa học Phát triển Nhà hát Chèo Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2025, theo đó, mục tiêu chung đến năm 2021 là Xây dựng và phát triển Nhà hát Chèo Việt Nam thành một Trung tâm Quốc gia Nghệ thuật Chèo và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam.

Như vậy, giấc mơ không còn là của riêng tôi mà là của tất cả mọi người trong Nhà hát. Tuy nhiên, hơn sáu thập kỷ trôi qua, do nhiều biến động của đất nước, những lý do khách quan và chủ quan, ước mơ đó dường như vẫn còn bỏ ngỏ (cười)... Và, ở đây tôi chỉ muốn lưu ý đến vị trí đầu đàn của ngành chèo trên cả nước mà tập thể lãnh đạo, cán bộ nghệ sĩ Nhà hát suốt 65 năm qua đã dày công vun đắp.

Trần Minh Phượng: Trong hàng trăm vở chèo cổ, Nhà hát lựa chọn Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Súy Vân… để đưa lên sàn diễn, tất nhiên phải dựa vào những tiêu chí nhất định, phải không thưa GS?

GS, NSND Trần Bảng: Đúng vậy, Nhà hát phải có các tiêu chí cụ thể. Trong lựa chọn kịch bản thì tiêu chí đầu tiên là những trò diễn đã được khán giả nhiều thế hệ yêu thích. Hai là, có thể cho phép làm thực nghiệm trên ba lĩnh vực: chỉnh lý (Quan Âm Thị Kính), cải biên (Súy Vân), viết lại (Lưu Bình Dương Lễ); với những mô hình tự sự khác nhau: mang đậm tính kịch, chất trữ tình… Nội dung của việc chỉnh lý, cải biên là tước bỏ đi những yếu tố lạc hậu trong trò diễn cổ, phát huy yếu tố dân chủ, tiến bộ, chỉnh sửa các bài hát, làn điệu, tổ chức lại các vở diễn, cách thức biểu diễn cho phù hợp với yêu cầu thẩm mỹ của thời đại... Đó là một khoảng thời gian thực nghiệm nghệ thuật vô cùng công phu với sự tham gia trực tiếp của các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ tài năng, cán bộ nghệ thuật, nhà nghiên cứu.

Trần Minh Phượng: GS từng nói với các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát: “Hãy sống với ngọn lửa của giấc mơ nghệ thuật, càng khổ thì càng phải mơ”. Phải chăng con đường thực hiện ước mơ để trở thành vị trí trung tâm của Nhà hát Chèo Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu mới cao hơn và khó hơn?

GS, NSND Trần Bảng: Ngôi đền có thiêng là nhờ thần thánh. Nhà hát Chèo Việt Nam phải là nơi có dàn kịch mục chèo truyền thống thật sự vững vàng, những tiết mục chèo hiện đại đã được thể nghiệm. Dàn kịch mục hiện nay của Nhà hát phải gánh cả nội dung của 65 năm phát triển, phải được xây dựng, nâng lên mức kinh điển. Các nghệ sĩ, diễn viên nhiều thế hệ phải chuyên tâm, vững vàng với những vai diễn cổ. Nếu vở Súy Vân, kinh điển đồ sộ của tuổi trẻ thì vở Nàng Thiệt Thê là sự già dặn đầy kinh nghiệm, giản nhưng rất chèo. Dàn kịch mục cổ bắt buộc phải có 5 vở: Quan Âm Thị Kính, Súy Vân, Lưu Bình Dương Lễ, Từ Thức, Nàng Thiệt Thê. Đó không chỉ là bộ mặt của Nhà hát mà còn là chất lượng nghệ sĩ. Cùng với đó, cần phải xây dựng một đội ngũ cán bộ nghệ thuật có chuyên môn sâu, có tầm văn hóa cao, giàu tâm huyết với nghề.

Tôi luôn cho rằng, làm nghệ thuật vinh quang lắm, đạo diễn thành công được một vở, sung sướng vô cùng. Tôi cũng biết, các em làm nghệ thuật bây giờ rất khó khăn, có ai để ý đến đâu. Ngày xưa, sau khi xem vở Chị Trầm, Bác Hồ còn mời đạo diễn lên ăn cơm, khích lệ, lúc đó tôi mới 27 tuổi. Bây giờ có ai xem. Tuy vậy, vẫn phải yêu lấy nghề, đây chỉ là khó khăn tạm thời thôi. Chèo sẽ sống mãi. Khi còn ở chiến khu, tôi mơ được diễn trên sân khấu Nhà hát lớn, rồi tôi lại mơ chèo có mặt trên thế giới. Đêm biểu diễn ở Berlin tôi đã khóc, những giọt nước mắt khi thấy chèo được đăng quang trên trường quốc tế.

Thật sự, tôi luôn luôn muốn gieo cho các bạn trẻ hôm nay, thế hệ nghệ sĩ chèo TK XXI những giấc mơ. Nếu các bạn không biết vươn lên, cứ luẩn quẩn với cơm áo hàng ngày thì sẽ còn khổ, sẽ thật sự bị trói buộc. Hãy xác định rõ vị trí của mình, biết sống với ngọn lửa của giấc mơ nghệ thuật, càng khổ thì càng phải mơ. Và tin tưởng là những giấc mơ sẽ thành…

Trần Minh Phượng: Giống như cô bé Axôn trong Cánh buồm đỏ thắm của nhà văn Nga Alexander Grin, nhìn những con sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa mà mơ về một con tàu màu trắng với những cánh buồm đỏ thắm đầy hy vọng... Thật vui khi được trò chuyện với GS về nghề chèo, về tương lai của Nhà hát. Xin trân trọng cảm ơn GS về cuộc nói chuyện thú vị này.                

Trần Minh Phượng thực hiện

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : TRẦN BẢNG

;