1. Điêu khắc tượng gỗ Lý - Trần
Như chúng ta đã biết, thời Lý - Trần nghệ thuật điêu khắc đã đạt được những dấu son chói ngời, chỉ tiếc rằng đất nước binh biến, tạo hóa khôn lường cùng nhiều lý do khác, ngày nay những di sản nghệ thuật của hai thời kỳ này còn lại rất ít, chủ yếu còn trong ghi chép lại của một số tài liệu, sử sách, mà ngay cả những ghi chép này cũng không nhiều. Thể loại tượng gỗ thuộc hai thời kỳ này hiện chưa phát hiện được một tác phẩm nào còn tồn tại, chính vì thế mà bí mật về nghệ thuật điêu khắc tượng phật chất liệu gỗ Lý - Trần vẫn là ẩn số với các nhà nghiên cứu. Thông qua một số di vật chạm khắc dạng phù điêu trang trí kiến trúc bằng gỗ ít ỏi còn lại của hai thời kỳ này cơ bản chúng ta thấy nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng đã đạt tới đỉnh cao giống như nghệ thuật điêu khắc đá (lá đề gỗ trang trí hình đầu rồng thời Lý khai quật trong hoàng thành Thăng Long, ngai thờ hình lá đề thời Trần chùa Dâu - Bắc Ninh, phù điêu trang trí cửa chùa Phổ Minh - Nam Định là những ví dụ tiêu biểu).
Nếu như sự trống vắng cả về số lượng cũng như thể loại trong điêu khắc đá và gỗ thời Lý - Trần là một khoảng lặng mênh mông trong lịch sử nghệ thuật nước nhà thì sang đến thời Lê, nghệ thuật điêu khắc gỗ giống như một mảnh đất màu mỡ dành cho các nghệ sĩ xưa thỏa sức thể hiện. Có lẽ mùa xuân độc lập sau hơn 10 năm đất nước bị quân xâm lược phương Bắc giày xéo được dịp nở hoa kết trái, là thời kỳ điêu khắc gỗ phát triển rực rỡ nhất kể từ khi hai nhà Lý - Trần suy vong. Nằm trong dòng chảy chung của đất nước Kinh Bắc cũng bước vào thời kỳ chấn hưng và dần ổn định. Thời điểm này Kinh Bắc vẫn là trung tâm Phật giáo của đất nước, hàng loạt chùa chiền bị phá hủy, hư hỏng nay được hưng công, trùng tu, tôn tạo, ngoài việc được chính quyền trung ương phong kiến tài trợ thì sự đóng góp của nhân dân là rất đáng kể. Đặc biệt giai đoạn này cũng là giai đoạn chấn hưng Phật giáo được đẩy mạnh (dù Phật giáo không còn giữ vai trò độc tôn), bằng chứng là thời kỳ này có nhiều vị tăng, sư tu hành đắc đạo, thu hút được các cao tăng từ Trung Quốc sang hoằng pháp, tu hành, xây dựng lại chùa, cho đúc tượng Phật... (chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Dạm, chùa Vĩnh Nghiêm... đều được tái thiết trong giai đoạn này). Đây là thời điểm mà trong Phật điện đã đông đảo tượng hơn các thế kỷ trước, nhiều thể loại tượng mới đã lần đầu tiên xuất hiện trong Phật điện như tượng tổ, tượng hậu, tượng chân dung, tượng quan hầu, kim đồng, ngọc nữ... Nhưng sự xuất hiện của tượng đá, đặc biệt là tượng phật, thời kỳ này là rất hiếm. Chất liệu đá chủ yếu được dùng cho điêu khắc ngoài trời và trong trang trí kiến trúc (chùa Bút Tháp, Bắc Ninh; chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang thông qua các phát hiện khảo cổ học tại nền chùa là ví dụ điển hình).
2. Đặc trưng nghệ thuật điêu khắc tượng tròn chất liệu gỗ thời Lê
Thời Lê, châu thổ Bắc Bộ nói chung, xứ Kinh Bắc nói riêng, không có nhiều các tác phẩm điêu khắc đá, đặc biệt là tượng phật. Nhưng tượng gỗ thời kỳ này lại rất hưng thịnh, bằng chứng là Phật điện ở thời kỳ này có nhiều các bức tượng được tạo tác bằng chất liệu gỗ, còn lại chỉ một số ít là bằng đất. Đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc gỗ thời kỳ này phải là pho tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp (tạc năm 1656). Tiếp đến là pho tượng ở chùa Cảm Ứng, làng Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, cuối TK XVII. Tượng Phật bà Quan Âm chùa Hạ, thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc có giá trị riêng của một thác bản cổ nhất thuộc loại tượng phật bà trong nền điêu khắc tượng phật ở Việt Nam. Các tác phẩm điêu khắc gỗ này đều là báu vật của mỹ thuật cổ Việt Nam, là cơ sở, nền tảng để nghệ thuật điêu khắc gỗ Phật giáo phát triển, thống trị và thay thế cơ bản các loại hình điêu khắc trên các chất liệu khác sau này.
Chùa Dâu còn nhóm tượng thuộc TK XVII rất nổi tiếng. Đó là nhóm tượng phật Tứ pháp, là các tác phẩm điêu khắc khá khác biệt với so với nhóm tượng phật bà nghìn mắt nghìn tay. Các pho tượng phật tứ pháp chùa Dâu có phong cách khá khoáng đạt, dung dị, hình khối và trang trí trên tượng không cầu kỳ, phục trang gắn liền với phục trang của cư dân Việt, nhân tướng của các pho tượng thể hiện là những phụ nữ Việt. Cách thức tạo tác các pho tượng này cũng thuộc loại phá chuẩn, thậm chí các chi tiết trên tác phẩm không thực tinh tế, một số bộ phận như bắp tay, bàn tay, ngón tay không thanh thoát như các pho tượng phật có tính quy chuẩn khác, nhưng lại thấm đẫm chất dân gian, tính hồn hậu của cư dân Việt. Điều này trái ngược với các phép tạc tượng phật vốn có. Chính vì vậy, không lấy gì làm lạ khi các pho tượng phật bà ở chùa Bút Tháp, chùa Tam Sơn, chùa Hạ được khẳng định ở vẻ đẹp mang tính quy chuẩn, đúng với phép dựng tượng Phật giáo. Ngoài ra đây cũng là những tác phẩm mang dấu ấn Phật giáo Trung Quốc nên tính quy lát trong phép tạc tượng là không tránh khỏi.
Trong nghệ thuật tạo hình tượng phật thời kỳ này, khuynh hướng nhân văn khá rõ, khuynh hướng ấy được thể hiện qua nội dung “nhân thể” trong các pho tượng phật Tuyết Sơn. Tại chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh còn một pho tượng phật Tuyết Sơn TK XVII, ở pho tượng này, bản chất phật đã chiến thắng sức cám dỗ của vật chất. Nhìn từ nghệ thuật điêu khắc thì đây là sự đánh dấu quan trọng của một thủ pháp điêu khắc mới, góp phần làm đa dạng loại hình tượng phật trong Phật điện truyền thống.
Phật điện thời Lê còn xuất hiện hàng loạt các tác phẩm điêu khắc lần đầu tiên có mặt trong Phật điện chùa Việt đó là tượng phật Thích Ca sơ sinh (Cửu Long), tượng phật Thích Ca thành đạo (tạc theo hai tư thế: đứng và ngồi), tượng phật Thích Ca thuyết pháp, Thích Ca nhập Niết Bàn, Di Lặc, Tam Bảo, Quan Âm tọa sơn, Quan Âm tống tử (Quan Âm Thị Kính), các loại tượng chân dung, tượng tổ, Giám Trai, Thập điện Diêm Vương, La Hán... Sự đa dạng và phong phú của các loại tượng thờ chất liệu gỗ đã khẳng định sự thống trị trong thể loại và chất liệu của loại hình nghệ thuật này. Tiêu biểu cho các tác phẩm điêu khắc gỗ thể loại này là pho tượng sư Khâu Đà La chùa Dâu. Đây là sự ghi nhận việc các vị tổ có công khai hóa Phật pháp, được nhà chùa tạc tượng và đưa vào trong Phật điện thờ cúng. Mặc dù không thuộc dạng tiêu biểu về kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật nhưng lại mang dấu ấn đặc biệt về nhân chủng học thông qua nhận dạng, đặc biệt là phần chân dung với nhân tướng Ấn Độ rất đặc trưng.
Thời kỳ này cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của dòng nghệ thuật dân gian trong đời sống tâm linh của cư dân Bắc Bộ nói chung và cư dân vùng Kinh Bắc nói riêng, đó là sự tự tôn, thần thánh hóa những nhân vật có công với nhân dân, với nhà chùa có thật trong đời sống, bằng việc tạc tượng họ và đặt để phù hợp trong không gian Phật điện. Tiêu biểu như các tượng chân dung của chùa Dâu như tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; chùa Bút Tháp có tượng chân dung Thánh Mẫu, Hoàng Thân, vua Lê Thần Tông, cung phi, hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc... đều được tạc vào TK XVII. Chùa Dạm có tượng chân dung bà vương phi Ỷ Lan.
Nhìn chung nghệ thuật điêu khắc tượng tròn chất liệu gỗ thời Lê ở Kinh Bắc đã đạt được những thành tựu khá rõ nét, khẳng định được dấu ấn nghệ thuật của một thời kỳ lịch sử của dân tộc và của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo. Tượng thờ trong Phật điện thời Lê đa dạng, phong cách điêu khắc có nhiều nét ảnh hưởng của hình mẫu Phật giáo Trung Quốc. Điêu khắc gỗ thời kỳ này cũng xuất hiện những nhóm tác phẩm mang đậm tính dân gian, được lý tưởng hóa (Phật hóa) như nhóm tượng Tứ pháp chùa Dâu. Cá biệt trong những pho tượng thờ thời Lê mang tính độc nhất không theo khuôn mẫu có sẵn như pho tượng tổ Tì ni da lưu chi, với phong cách tạo tác đậm chất dân gian, ở đâu đó còn phảng phất tính hồn nhiên, sự thiếu chau chuốt nhưng lại thành công trong lối mô tả rất hiện thực, khắc họa nổi bật đặc điểm nhân dạng của một nhà sư người Ấn Độ.
Trong các phẩm điêu khắc gỗ thời Lê nổi bật hơn cả là bức tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (chùa Bút Tháp), được các chuyên gia cho là pho tượng đẹp nhất trong số các pho tượng quan âm cổ ở Việt Nam. Đây là tượng Phật với 42 tay lớn và 952 tay nhỏ tọa lạc trên tòa sen cao 2m (cả bệ cao 3,7m). Tượng được Trương Tiên Sinh thể hiện bằng nghệ thuật điêu luyện, kỹ thuật tinh xảo, mô tả vẻ đẹp tự nhiên thanh thoát, cách sắp đặt các tư thế của các cánh tay được tác giả tính toán thấu đáo không trùng lặp tạo ra sự sống động nhưng vẫn nằm trong tổng thể của sự tĩnh tại tôn nghiêm. Tượng thể hiện tư thế thiền định, tổng thể bố cục với các cánh tay đưa lên trông như bông hoa sen đang nở, vòng ngoài là những tay nhỏ, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt tạo thành vòng hào quang tỏa sáng xung quanh pho tượng. Toàn bộ tượng là một thể thống nhất trong cách diễn tả đường nét và hình khối, điều này làm cho tác phẩm có sức hấp dẫn đặc biệt về mặt bố cục và nghệ thuật tạo hình, thoát khỏi sự đơn điệu thường thấy của phần lớn các pho tượng Phật.
Trải qua gần ba thế kỷ tồn tại, lịch sử và mỹ thuật thời Lê có sự chuyển biến và phát triển theo một chiều hướng khác. Một mặt kế thừa những tinh hoa truyền thống trong mỹ thuật thời Lý - Trần. Mặt khác do sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, điêu khắc thời Lê mang một phong cách mới và riêng biệt. Một số tác phẩm điêu khắc từ thời vua Lê Thánh Tông trở về sau ảnh hưởng nhiều từ tinh thần Nho giáo và điêu khắc Phật giáo Trung Quốc, Kinh Bắc cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của xu thế này. Phong cách nghệ thuật thời Lê, đặc biệt là điêu khắc, ít nhiều ảnh hưởng của văn hóa, nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc nhưng cơ bản vẫn gắn liền với truyền thống dân tộc, gắn liền với đời sống nhân dân lao động, biểu đạt ước muốn tâm linh của họ. Chất dân gian đã thấm đẫm, thể hiện ở nội dung và đề tài, hình thức thể hiện bên ngoài dù có chỗ vay mượn, song chỉ làm phong phú thêm vốn tri thức nghệ thuật, phần cốt lõi vẫn mang nét chân thực, đơn giản, sống động của hồn Việt.
Mỹ thuật thời Lê nói chung, nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Lê ở Kinh Bắc nói riêng, đã viết lên một trang mới trong lịch sử nghệ thuật nước nhà, một mặt khơi thông, tiếp nối nguồn thẩm mỹ dân gian của thời Lý - Trần, mặt khác mở ra tiền đề cho một thời đại huy hoàng của nghệ thuật dân gian Việt Nam với những sáng tạo đặc sắc, kỳ diệu. Nghệ thuật điêu khắc tượng tròn chất liệu gỗ ở Kinh Bắc vừa mang nét riêng, lại vừa có nét chung so với điêu khắc tượng gỗ đồng bằng Bắc Bộ. Nét chung là vẫn giữ niêm luật cơ bản của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, nét riêng là đã được làm giàu thêm các tri thức văn hóa dân gian đặc thù của vùng đất Kinh Bắc mà không nơi nào có được.
Đây là một trang mới trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật nước nhà với một diện mạo thẩm mỹ mới, được chắt lọc từ nền tảng mỹ thuật Lý - Trần, tiếp thu có chọn lọc một phần của mỹ thuật Phật giáo Trung Quốc, hình thành nét đặc trưng của nghệ thuật tạo hình nói chung và nghệ thuật điêu khắc tượng tròn Phật giáo chất liệu gỗ nói riêng của thời kỳ này: sự phát triển đa dạng của các loại hình mẫu điêu khắc mới trong không gian Phật điện; dấu ấn đầu tiên của tư tưởng Đạo giáo và Nho giáo trong Phật điện chùa Việt ở Bắc Bộ. Và, đây cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ của tượng thờ Phật giáo chất liệu gỗ. Nhiều kiệt tác tượng phật bằng gỗ ra đời ở Kinh Bắc trong thời kỳ này. Song song với tính quy lát của tác phẩm điêu khắc Phật giáo truyền thống thì các tác phẩm tượng thờ mang đậm nét dân gian cũng là những dấu ấn khác biệt của nghệ thuật điêu khắc thời Lê so với nghệ thuật điêu khắc Lý - Trần.
Nghệ thuật sơn màu (sơn ta) được dùng trong trang trí và tạo tác các tác phẩm tượng thờ Phật giáo. Thời kỳ này cũng đánh dấu một sự nhường ngôi của chất liệu đá thay bằng chất liệu gỗ trong điêu khắc tượng thờ trong không gian nội thất Phật điện. Chất liệu đá được dành nhiều cho nhiệm vụ điêu khắc trang trí kiến trúc.
Nghệ thuật điêu khắc tượng thờ Phật giáo chất liệu gỗ vùng Kinh Bắc TK XVI - XVII đóng góp quan trọng cho mỹ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật điêu khắc nói riêng, nhiều tác phẩm được coi là biểu tượng, chuẩn mực cho mỹ thuật cổ nước nhà.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016
Tác giả : ĐÀO MẠNH ĐẠT