NGHỀ CƠ KHÍ VÀ MỘC DÂN DỤNG VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI LÀNG XÃ

Trong các dạng chuyển đổi phương thức mưu sinh của các cộng đồng cư dân bị mất đất sản xuất, có hiện tượng du nhập nghề mới và phát triển thành các khu sản xuất tập trung, hình thành các công ty, doanh nghiệp với đội ngũ các giám đốc; đã tác động rất lớn đến kết cấu kinh tế, đời sống xã hội của các làng, đang đặt ta nhiều vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. Theo quy luật thông thường, sự thay đổi về kinh tế ắt kéo theo những thay đổi về mặt xã hội. Việc du nhập nghề cơ khí và mộc dân dụng tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế cho làng Đại Tự xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội dẫn đến những thay đổi về xã hội.

1. Sự hình thành đội ngũ giám đốc các doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất

Tính đến tháng 12 - 2013, trên địa bàn thôn Đại Tự có 27 công ty hoạt động kinh doanh (gồm 13 công ty sản xuất cơ khí và 14 công ty sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khác, 21 hộ kinh doanh cá thể. Với một làng quê chỉ có 1.750 dân mà đã có tới hơn 48 chủ doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương đã làm cho Đại Tự trở thành một trong những làng có nhiều doanh nghiệp nhất của huyện Hoài Đức.

Gắn với sự ra đời của các công ty, doanh nghiệp là sự ra đời và trưởng thành của đội ngũ giám đốc, các chủ cơ sở sản xuất. Họ rất đa dạng về nguồn gốc xuất thân. Có người trước đây được học qua trường lớp, qua quá trình làm nhiều loại nghề khác nhau để kiếm sống khi nghề buôn sơn, dệt vải ở làng không duy trì phát triển được. Cũng có người được học qua một trường lớp, song lại hoàn toàn trái với nghề mộc. Một số xuất thân từ những người thợ kỹ thuật. Trong quá trình làm thuê, bản thân tự tích lũy kinh nghiệm tay nghề, vừa học hỏi cung cách quản lý, điều hành, chuẩn bị những điều kiện tối thiểu để thành lập xưởng riêng. Song phần lớn các chủ doanh nghiệp không qua một trường lớp nào cả, chỉ buôn bán và từ quá trình mưu sinh bằng đủ thứ nghề mà nhận ra được hướng sản xuất, kinh doanh có lợi. Cũng có một số ít chủ doanh nghiệp trưởng thành từ người thợ. Họ mở xưởng chỉ với mong muốn không phải đi làm thuê hoặc phải nay đây mai đó vì buôn bán.

Theo ông Dương Văn Tính, Phó Trưởng thôn Đại Tự, trong gần 50 giám đốc hay chủ doanh nghiệp, chỉ có 2 người có bằng đại học, số còn lại đa phần trong độ tuổi từ 30 - 40 tuổi, đều xuất phát từ nông dân, trình độ chưa hết phổ thông trung học. Trong khi đó, hệ thống quản trị cho doanh nghiệp phải thuê người như kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, kế toán, đều có trình độ từ cao đẳng đến đại học trở lên, do vậy nảy sinh một mâu thuẫn là nông dân lãnh đạo những người có trình độ cao đẳng, đại học. Vì có sự chênh lệch về trình độ, nên quản trị trong mỗi doanh nghiệp không dễ. Tại không ít doanh nghiệp, nhiều nhân lực giỏi sau một thời gian làm việc do mâu thuẫn trình độ nên đã bỏ đi làm chỗ khác, lực lượng chất xám mất nhiều. Tuy nhiên, những vị giám đốc nông dân ở đây cũng hết sức năng động, ham học hỏi. Nhiều người đã tự bỏ tiền để theo học những lớp đào tạo ngắn hạn về quản trị kinh doanh để nâng cao khả năng quản lý điều hành công việc của chính mình.

Với việc thành lập các công ty, tính chất sản xuất truyền thống theo quy mô gia đình hay là nền công nghiệp gia đình mà Pièrre Gourou nhận xét, đã bị phá vỡ. Trước kia, một cơ sở sản xuất thường chỉ bó hẹp trong từng gia đình, chủ nhà cũng là chủ xưởng và đồng thời là thợ cả điều hành việc sản xuất, chỉ đạo kỹ thuật; vài thợ giúp việc có thể là người trong họ hoặc người làng. Ngày nay, mỗi công ty tập hợp ít nhất chục thợ, nhiều nhất 30 - 40 thợ, không chỉ người khác làng mà còn có nhiều người ở các tỉnh xa. Tuy nhiên, vì bảo đảm sự kiểm soát về lợi nhuận nên tính chất gia đình trong các công ty, xưởng sản xuất vẫn còn đậm nét. Các chức danh giám đốc (hoặc phó giám đốc), kế toán trưởng đều là những người trong gia đình hay quan hệ quen biết thân thích. Giám đốc công ty là chủ nhà, cũng có thể kiêm luôn người thiết kế sản phẩm, những người khác chỉ đảm đương các vai phụ, việc phụ hay thợ. Vợ của các giám đốc hay chủ cơ sở sản xuất như là người thư ký của chủ, do nắm chắc, nhớ các tình tiết công việc hơn.

Con đường đi lên từ khi hình thành và phát triển của hầu hết các doanh nghiệp làng Đại Tự là tích tiểu thành đại. Ban đầu, các doanh nghiệp từ các xưởng sản xuất, sau đó qua quá trình tích lũy về vốn, kinh nghiệm quản lý, mở rộng quy mô diện tích mặt bằng, số lượng nhân công… mới thành lập các công ty.

Vốn ban đầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có giá trị thế chấp để vay được nhiều vốn sản xuất mà ngân hàng chỉ cho vay tín chấp qua chính quyền xã (chỉ từ 20 - 50 triệu), do sổ đỏ của đất ở chưa được cấp. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải huy động vốn nhàn rỗi của những người thân. Con đường để mở rộng xưởng sản xuất, khả năng tích lũy vốn ban đầu và cách tuyển thợ của mỗi xưởng sản xuất có những điểm riêng.

Trong các yếu tố tạo ra sự thành công hay thất bại của các cơ sở sản xuất, các chủ doanh nghiệp, có hai yếu tố quan trọng là lòng yêu nghề và sự mạo hiểm. Lòng yêu nghề tạo ra sự say mê, sáng tạo, chịu tìm và dám tìm cái mới, cái độc đáo hay những yếu tố bất ngờ trong sản xuất và kinh doanh; khi gặp khó khăn hoặc thất bại không nản chí, lúc gặp thuận lợi hay thành công có thái độ bình thản.

Sở dĩ ngày nay tầng lớp doanh nhân hình thành được trong làng xã vì điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội đã có những thay đổi cơ bản so với xã hội phong kiến. Cách đây gần 80 năm, Pièrre Gourou đã chỉ ra sự du nhập một nghề vào một làng Việt. Đó là, do một sự kiện nào đó, khi một công nghiệp mới được một người lập nên trong làng thì những người cùng làng bắt chước; nếu người đó thành công, những làng lân cận sẽ sốt sắng làm theo ngay khi họ phát hiện được lợi ích của nghề mới và cách thức chế tạo. Như vậy là một làng hay một nhóm làng chuyên nghiệp được hình thành (1). Tuy nhiên, sau khi nghề được xác lập, điều kiện kinh tế, xã hội nói chung làm cho người thợ thủ công “không chịu bỏ thói quen. Họ làm như cha ông đã làm và không tìm cách đổi mới. Muốn biến cải nó, cần phải có sáng kiến ở bên ngoài, hoạt động của một nhân cách đặc biệt năng động. Tiếc thay, những trí tuệ sắc sảo nhất lại rời bỏ đồng quê đi kiếm tìm học vấn và bước vào con đường hành chính; đối với làng quê, họ không còn tồn tại, họ không quan tâm tới và có trở về thì cũng đầy mặc cảm. Những người có tài năng lập kế hoạch và đổi mới lại tự ngăn mình hoàn thành vai trò đó của mình”(2). Ngày nay, ai cũng được tạo điều kiện để làm giàu, làm chủ. Người nào có năng lực biết phát huy các lợi thế của mình sẽ vươn lên thành ông chủ thật sự. Họ tập hợp được các nguồn lực (về nhân lực, vật lực, các tiến bộ khoa học và công nghệ…) để phát triển nghề. Bên cạnh sự thành công đó, còn có sự trợ giúp của nhân tố truyền thống gia đình, sự yêu nghề, sáng tạo và cả chút mạo hiểm của cá nhân.

2. Các mối quan hệ xã hội trong quá trình làm nghề

Quan hệ chủ - thợ

Trong thời gian đầu khi nghề cơ khí được đưa vào làng, công nhân chủ yếu là người làng Đại Tự. Về sau, quy mô sản xuất ngày càng lớn nên người đến đây làm thuê không còn bó hẹp ở các làng lân cận mà ở nhiều tỉnh thành khác. Họ làm theo ngày công hoặc khoán sản phẩm tùy theo cơ sở sản xuất, công việc…, người thợ được chủ các cơ sở sản xuất tuyển trực tiếp. Nhiều chủ cơ sở sản xuất ở Đại Tự có tuổi đời khá trẻ, có trình độ, có quan niệm cởi mở hơn nên giữa họ với thợ không có sự ngăn cách quá lớn. Mối quan hệ giữa chủ với công nhân gắn bó, chia sẻ lẫn nhau. Một số doanh nghiệp do số lượng công nhân chỉ vào khoảng chục người nên chủ doanh nghiệp hiểu rất rõ gia cảnh của từng công nhân. Vì vậy, công nhân rất gắn bó với doanh nghiệp, có những công nhân gắn bó từ ngày đầu hình thành doanh nghiệp đến nay, chẳng hạn ở công ty TNHH sản xuất và thương mại kim khí Việt Mỹ (có công nhân gắn bó hơn 10 năm), xưởng mộc của ông Đinh Văn Chiêu (có công nhân gắn bó hơn 20 năm)… Có những công nhân, thời gian đầu chưa hòa hợp với chủ doanh nghiệp, đã có hành vi chống đối bằng cách thường xuyên nghỉ việc vào thời điểm doanh nghiệp đang vội việc, chủ doanh nghiệp đã phát hiện và cảm hóa bằng cái tâm của mình với công nhân. Chỉ một thời gian, công nhân cảm nhận được cái tình của chủ và gắn bó với doanh nghiệp.

Ở nhiều doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp bố trí cho ăn trưa, trả lương, bảo hiểm, nghỉ mát, chế độ thai sản. Nữ công nhân sinh nở được hưởng một tháng lương; hết hạn nghỉ sinh nếu có nhu cầu làm việc vẫn được thu nhận vào làm. Lái xe, đi giao hàng làm tốt, lúc nghỉ tết cũng được chủ thưởng thêm bằng một tháng thu nhập. Tùy theo người làm việc và tính chất công việc mà chủ có những ứng xử phù hợp.                

Chủ doanh nghiệp ở Đại Tự cũng quan tâm đến công nhân vào những ngày lễ 30 - 4 và 2 - 9… thưởng 100 ngàn đồng/công nhân, lâu lâu lại tổ chức liên hoan để gắn kết công nhân với nhau và với chủ doanh nghiệp.

Cuối năm, một số doanh nghiệp thưởng tết cho công nhân bằng cả tiền và hiện vật. Đầu năm, công ty đưa ra tiêu chí để được khen thưởng, công nhân nào muốn được thưởng nhiều phải thực hiện được đầy đủ các tiêu chí đó. Chẳng hạn, ở công ty TNHH sản xuất và thương mại kim khí Việt Mỹ năm 2014, công nhân nào được thưởng nhiều là hơn 1 triệu, thấp nhất từ 300 - 500 ngàn, còn được hiện vật (hoặc là bộ cốc chén hay đồng hồ in tên công ty) và thùng bia uống tết.

 Thông thường, khoảng 24 - 25 tháng Chạp, công nhân bắt đầu nghỉ Tết. Công ty tổ chức liên hoan, hôm sau, được trả lương; đồng thời, phát cho mỗi công nhân một bản hợp đồng công việc, nếu nhất trí thì công nhân ký vào hợp đồng để sang năm lại tiếp tục công việc. Đây chính là thỏa thuận hợp đồng mới trước khi nghỉ tết, đồng thời để hủy hợp đồng cũ.

Ở một số doanh nghiệp, công nhân nào làm được việc thì chủ quan tâm, tạo điều kiện phát huy hết khả năng. Trường hợp không làm được việc trong một khoảng thời gian, nếu không đáp ứng được sẽ cho nghỉ việc. Có thể chủ không đuổi trực tiếp nhưng công nhân tự thấy không đáp ứng yêu cầu công việc thì chủ động xin nghỉ. Cũng có trường hợp, công nhân chủ động xin nghỉ việc vì thu nhập không đáp ứng được yêu cầu của họ. Hiện nay, một số chủ doanh nghiệp không biết sử dụng, tận dụng được những người làm được việc. Một số công nhân làm được việc nhưng nóng tính, thẳng tính và nhiều lúc đòi hỏi quyền lợi hơn cho mình nên bị chủ không ưa. Ngược lại, một số chủ doanh nghiệp nóng tính nếu không hài lòng với công nhân, lập tức cho công nhân nghỉ việc. Chính những điều này cũng đã gây nhiều cản trở trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Quan hệ giữa những người thợ

Công nhân có thể là người làng (chiếm tỷ lệ nhỏ), người các làng lân cận hay người ở tỉnh xa họ đến với số lượng đông hơn, họ đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Công nhân ở xa họ phải ở trọ nếu công ty không có chỗ ở. Các gia đình (công ty) có điều kiện thì cho công nhân ở không lấy tiền, còn xưởng nhỏ thì công nhân phải tự túc chỗ ở. Về sinh hoạt, một số xưởng nấu cơm cho công nhân ăn tại nơi làm việc, những người ở gần thì về nhà ăn cơm, những công nhân thuê trọ thì ăn cơm bụi trong làng.

Ở một số xưởng nhiều thời điểm cũng xảy ra xích mích, cãi vã, to tiếng giữa công nhân với nhau, do tranh giành công việc. Các xưởng đều thực hiện chế độ khoán, nên công nhân tự nhận sản phẩm, không có sự phân chia sản phẩm hàng ngày cho từng công nhân.

Ngoài ra cũng có tình trạng giàu ghen khó ghét giữa công nhân với nhau. Các công nhân cũng có sự cạnh tranh trong khâu sửa chữa, bảo dưỡng bảo hành của các công ty. Những công nhân tinh ý, làm việc tốt thường được giám đốc cử đi sửa chữa bảo dưỡng, bảo hành cho khách hàng. Khi đó, các công nhân khác thấy làm nhẹ nhàng, báo giá cao cho công ty khi sửa chữa cho khách hàng nên thu nhập cao hơn nên nảy sinh tình trạng nhờ người quen tác động với công ty để được đi làm thay việc đó.

Quan hệ giữa các chủ cơ sở sản xuất

Trong cơ chế thị trường, tính cạnh tranh rất quyết liệt. Vì thế, quan hệ giữa các chủ doanh nghiệp là quan hệ mạnh ai nấy thắng, ai biết được ăn, sống khỏe, ngược lại không biết thì không được ăn, thậm chí chết. Tính cạnh tranh thể hiện rõ trong việc tìm nguồn nguyên liệu rẻ hơn, tìm nơi tiêu thụ tốt hơn và đặc biệt là lôi kéo công nhân, nhất là những người có tay nghề cao, làm ăn nghiêm chỉnh về cơ sở sản xuất của mình. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp đều là người cùng làng, nhiều người có quan hệ họ hàng, thông gia. Điều này chi phối một phần và làm giảm tính cạnh tranh giữa họ với nhau. Các chủ doanh nghiệp có một thỏa thuận ngầm là không can thiệp vào quá trình sản xuất, nơi tiêu thụ sản phẩm của người khác. Thời gian đầu khi chưa có hội doanh nghiệp làng nghề, các công ty, xưởng sản xuất ở đây đã cùng bàn bạc, hỗ trợ, phối hợp với nhau trong sản xuất cũng như cùng đồng thuận đề nghị, kiến nghị lên các cấp chính quyền trong việc sớm giải quyết mặt bằng sản xuất, quy hoạch khu làng nghề. Nhiều chủ doanh nghiệp đã cùng nhau bàn bạc về phương hướng và cách thức làm ăn, như cùng nhau xây dựng thương hiệu sản phẩm, trao đổi với nhau về tổ chức nhân sự, quản lý, điều hành doanh nghiệp hướng đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả…

Cuối năm 2013, Chi hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thôn Đại Tự được thành lập và đi vào hoạt động. Tôn chỉ hoạt động của chi hội là không vì lợi nhuận, giúp đỡ nhau để cùng phát triển, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các hội viên. Các công ty, xưởng sản xuất trong chi hội đã làm tốt công tác xã hội, đặc biệt quan tâm tới phong trào khuyến học của địa phương.

Ở làng còn có một hình thức khác, những chủ doanh nghiệp cùng trang lứa thường xuyên gặp gỡ nhau trong quá trình phát triển doanh nghiệp, bởi họ dễ đồng cảm, chia sẻ với nhau những khó khăn về nguồn nhân lực, tài chính, nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, hay mẫu mã mới cho sản phẩm. Đặc biệt, họ đồng thuận với nhau trong việc phân định tạo các sản phẩm mang tính riêng, gần như tạo ra tính độc quyền của từng doanh nghiệp. Họ cũng dễ cam kết cùng nhau thực hiện những vấn đề chung để đảm bảo cho mỗi doanh nghiệp phát triển, như không bán phá giá thị trường, giữ chữ tín, chữ tâm với khách hàng để hướng tới giữ thương hiệu của làng nghề.

Quan hệ chủ sản xuất - chủ đại lý

Các doanh nghiệp ở Đại Tự, phần lớn đều tiêu thụ các sản phẩm qua hệ thống đại lý phân phối từ Bắc vào Nam. Do vậy, các doanh nghiệp rất quan tâm tiếp thị, mở rộng các đại lý tiêu thụ sản phẩm và lắng nghe những ý kiến đóng góp về sản phẩm từ phía chủ đại lý. Mỗi doanh nghiệp lại có những cách thức khác nhau để tạo sự gắn kết giữa chủ doanh nghiệp và chủ đại lý tiêu thụ sản phẩm.

Qua nghiên cứu cộng đồng cư dân một làng Việt du nhập nghề mới, trường hợp làng Đại Tự với nghề cơ khí, mộc dân dụng, cho thấy, bản chất hành vi kinh tế của người nông dân ở phần lớn các làng Việt vốn là những người “tĩnh tại”, luôn tìm sự an toàn trong hoạt động kinh tế; song khi có điều kiện, vẫn nhanh chóng tiếp cận, đáp ứng được với nền sản xuất thị trường.

Có thể thấy, việc du nhập nghề cơ khí và mộc dân dụng đã tác động mạnh mẽ không chỉ đến các khía cạnh kinh tế mà còn cả khía cạnh xã hội. Đó là sự hình thành của đội ngũ giám đốc các doanh nghiệp, các công ty trưởng thành từ trường đời cùng các mối quan hệ xã hội mới xuất hiện trong quá trình làm nghề. Đây là điểm nổi bật nhất của làng nghề cơ khí - mộc dân dụng Đại Tự, chi phối các khía cạnh kinh tế và văn hóa.

______________

1, 2. Pierre Gourou, Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2003, tr. 477, 484.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH PHÚC

;