NGÀY SÁCH VIỆT NAM

Trong dòng chảy lịch sử nhân loại từ bao thế kỷ nay, ở nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách báo trong các tầng lớp nhân dân. Lịch sử của ngày hội đọc sách được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh George (23-4). Mọi người tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng, bất cứ ai mua sách vào ngày này cũng được tặng một bông hoa hồng. Nét đẹp văn hóa này được người Tây Ban Nha phát triển thành ngày hội đọc sách trên các đường phố, sau đó lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: tuần lễ đọc sách, ngày sách, tuần lễ thư viện… Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23-4 là Ngày sách và bản quyền thế giới (có một sự trùng lặp đáng nhớ, bởi đó cũng là ngày mất của hai đại văn hào nổi tiếng tiếng giới: W. Shakespeare và M. Cervantes). Ngày này đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn, thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều người. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tổ chức ngày đọc sách càng góp phần khẳng định vai trò của sách và văn hóa đọc.

Ở Việt Nam, gần 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới, Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN) tổ chức, phát động Ngày hội sách và văn hóa đọc. Từ đó đến nay, Ngày hội sách và văn hóa đọc đã dần trở thành nếp sống đẹp, có sức lan tỏa từ trung ương tới khắp các địa phương, 63 tỉnh, thành và nhiều huyện, thị trong cả nước, chất lượng đọc cũng ngày càng nâng cao.

Với mục đích cao cả, không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức và văn hóa nhân loại, khẳng định vị thế xã hội, tầm quan trọng của việc đọc sách báo, Ngày hội sách và Văn hóa đọc còn mang một ý nghĩa nhân văn. Hoạt động này tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến lâu đời của dân tộc, hình thành những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu giữa các nhà văn với bạn đọc, tọa đàm, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách..., ngày hội còn huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả về vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc. Công tác xã hội hóa thư viện bằng hình thức này đã, đang thu được nhiều kết quả to lớn. Chỉ tính riêng ở TVQGVN, ngày hội sách này đã nhận được sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước với hàng chục nghìn cuốn sách, trang thiết bị. Riêng 3 năm 2011, 2012 và 2013, Ngày hội sách và văn hóa đọc do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội, đã nhận được hàng ngàn cuốn sách từ các nhà xuất bản, các tổ chức xã hội (với tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng). Đây cũng là cơ sở để giúp đỡ các thư viện, tủ sách ở các địa phương còn nhiều khó khăn như: Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai... Vào ngày này, thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) TP.HCM đã thu hút được sự quan tâm chú ý của hàng ngàn, hàng vạn độc độc giả, cấp được hàng ngàn thẻ đọc mới. Đồng thời, ban tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ của Nxb Kim Đồng, Nxb Trẻ, nhà sách Thăng Long... trị giá trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt 5 năm trở lại đây, hàng năm cứ vào dịp tết dương lịch, để tổ chức đón mừng xuân mới, UBND TP.HCM đã có sáng kiến tổ chức Đường hoa-Đường sách trên đường Nguyễn Huệ dài gần 1km. Hàng trăm đơn vị, tổ chức tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trong đó có quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sách, đọc sách báo với nhiều chủ đề khác nhau. Sách báo quyên góp được thông qua những ngày hội đọc sách ở các tỉnh, thành và khu vực trong cả nước đã được đưa tới các điểm đọc, tủ sách, thư viện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi đang thiếu sách báo, khát khao tri thức.

Điều hết sức vui mừng là những mong mỏi và nỗ lực đề nghị của các cơ quan, ban ngành về việc lấy một ngày trong năm để tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc đã được đáp ứng. Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Quyết định nêu rõ, Ngày sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày sách Việt Nam là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Ngày sách Việt Nam hàng năm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014

Tác giả : Nguyễn Hữu Giới

;