Nhật Bản là một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến, gồm cả nội chiến tranh giành quyền lực lẫn kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Triều đình Nhật Bản, trong đó có những sứ quân, đã liên tục dựng nên các thành trì để bảo vệ chính quyền và nhân dân khỏi các thế lực thù địch. Đến thời bình, kế thừa truyền thống xây dựng những công trình nguy nga, vững chãi, nhằm bảo tồn di sản và hấp dẫn du lịch, nhiều địa phương vẫn xây dựng nhà cửa, khách sạn mang dáng vẻ các lầu đài, thành cổ.
Mỗi thành quách Nhật Bản đều có tuổi đời khoảng vài trăm năm. Cá biệt, có công trình đã nghìn tuổi như thành Taga ở bắc Honshu với vai trò trấn giữ biên ải, hay thành Mizuki và Ito của Kyushu nhằm chống lại những cuộc xâm lược của nhà Đường - Trung Quốc và Tân La - Triều Tiên.
Nhìn chung, có ba loại thành ở Nhật Bản là: sơn thành (yama-jiro) nằm trên núi, bình thành (hira-jiro) trên vùng đất bằng phẳng và bình sơn thành (hirayma-jiro) trên những quả đồi thấp có đồng cỏ bao quanh. Thành quách thường có nhiều tường bao, tạo thành các vòng thành, bên trên dựng các chòi canh quay về bốn hướng. Chính giữa, ở nơi cao nhất trong thành, là một ngọn tháp lớn nhiều tầng. Đây vừa là nơi ở, vừa là nơi chỉ huy quân sự của các vị tướng, là biểu tượng về quyền uy và pháp luật của một vùng. Quanh tháp có khá nhiều vòng bảo vệ với các khu quân sự (doanh trại). Khu lớn nhất chứa tháp chính là bản doanh, nơi tướng lĩnh họp bàn và truyền đi các mệnh lệnh. Kế đó là nhị doanh, nơi sinh hoạt của các lãnh chúa và tam doanh, ngoài cùng gần cổng là nơi tập trung nhiều binh lính hộ thành được xếp sắp theo hình trôn ốc quanh bản doanh.
Tòa tháp và nhiều ngôi nhà trong thành đều được làm bằng gỗ bách đen, thứ gỗ đặc hữu của Nhật Bản nổi tiếng với đặc tính dai, cứng, chịu lửa. Để gia cố, người ta còn đắp thêm ngoài vách một lớp vữa trắng có tác dụng chống hỏa. Mái nhà được lợp ngói màu xanh đậm, đầu nóc ngậm hai viên ngói shachihoko màu vàng (cá chép hóa rồng) thể hiện cho sự phát triển thịnh vượng và hòa nhập. Tường thành được xếp từ đá tảng, với mỗi viên cao ngợp đầu người rất nặng và to, khó công phá, càng lên cao tường càng dốc, được dựng theo kỹ thuật dốc nghiêng hình cánh quạt, cho phép thả đá lăn một cách dễ dàng từ trên cao xuống. Những lỗ châu mai hình vuông, tròn, chữ nhật hoặc đa giác dùng để đặt súng hỏa châu, đạn pháo, tên lửa từ trong bắn ra đánh phá quân địch. Cổng vào tháp chính cũng rất kiên cố với cửa bọc sắt, ô nhìn chằng lưới thép và các lỗ bí mật phóng lao. Lối đi trong thành thường được bố trí như thiên la, địa võng làm kẻ địch rối trí, dễ sa cạm bẫy. Ngoài thành luôn có ba hào nước, vừa sâu, vừa rộng có tác dụng ngăn cản quân xâm lược, khiến kẻ địch phải chật vật mới bơi qua nổi.
Tráng lệ nhất, lớn nhất, nguyên vẹn nhất là thành Himeji, di sản văn hóa thế giới ở Nhật Bản (từ năm 1993). Thành nằm trên quả đồi Hime-yama ở tỉnh Hyogo, miền tây nước này, có dáng vẻ như một con chim trắng đang bay lên, thành còn có tên gọi khác là Thành Hạc trắng. Được xây dựng vào TK XIV, tường phía đông dài 950m, phía tây 1.600m, phía bắc 900m và phía nam 1.700m. Tường thành bao bọc xung quanh 83 công trình kiến trúc, trong đó 74 công trình được xếp hạng di sản văn hóa quốc gia, gồm các cổng, lũy, tháp pháo, nhà kho và cao nhất là tòa tháp chính cao đến 46,4m có sáu tầng, một hầm. Tầng thứ nhất có diện tích 554m² được gọi vạn chiếu đường. Trên tường treo đầy vũ khí với khoảng 280 súng, 90 lê để các võ sĩ có thể chụp lấy khi khẩn cấp. Các tầng có những lỗ dưới cửa sổ cho phép bắn tên hoặc ném đá từ trên cao xuống quân địch. Có khoảng 1000 cái lỗ với chức năng khác nhau như teppo-zama - lỗ tròn hoặc vuông để bắn súng hỏa châu; ya-zama - lỗ hình chữ nhật mỏng bắn tên và ishi otoshi - lỗ dài mỏng ở các góc tường để ném đá, dội dầu sôi. Cùng tòa tháp này còn có ba tòa tháp nhỏ hợp thành liên đài. Bảo vệ thành có ba con hào rộng từ 20m đến 35m, sâu 3m và Tam quốc hồ với diện tích 2.500m² trữ nước dập lửa. Có 33 cái giếng, cái sâu nhất đến 33m nhằm phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra có rất nhiều nhà kho chứa lương thảo và một tháp trữ muối (shioyagura) với khoảng 3.000 bao tải muối lớn. Thành có tới 84 cổng, song hiện nay chỉ còn lại 21 cổng, được đặt tên theo âm tiết tiếng Nhật như i, ro, ha, ni, ho, he, to... Trong đó tối quan trọng là Kim cương môn bảo vệ tháp chính, được làm bằng thép cứng như đá. Các tường thành, cổng và nhà cửa hợp thành những lối đi hết sức phức tạp dẫn tới những ngõ cụt. Thành Himeji đã đi vào nhiều tác phẩm văn chương, nhạc họa và điện ảnh.
Từ cuối TK XVI đầu TK XVII, thời kỳ vàng son của các lâu đài, cũng có nhiều tòa thành đẹp hút hồn mà đầu tiên phải kể đến thành cổ Osaka ở tỉnh Osaka. Đây là một tòa thành lớn, đóng vai trò quan trọng nhất trong lịch sử thống nhất Nhật Bản sau nhiều năm nội chiến. Thành được ra đời năm 1585 dưới thời Azuchi Momoyama và phải mất hai năm với sức lực của 30 nghìn thợ xây làm việc không ngừng nghỉ mới hoàn thiện. Khi dựng tường thành, người ta đã phải dùng đến những khối đá to, có những tảng đá như tảng tako ishi nằm ở cổng Sakura mon của bản doanh, cao 6m và rộng 14m. Toàn bộ thành nằm trên diện tích 1km², trong đó tòa tháp chính ở chính giữa với tám tầng nội, năm tầng ngoại. Xung quanh tháp có 13 hạng mục đã được Chính phủ xếp loại di sản văn hóa quan trọng, đặc biệt có đền thờ lãnh chúa Toyotomi Hideyoshi. Chính ông đã xây nên tòa thành từ nền móng của ngôi chùa Hongan với ý định làm tổng hành dinh cai trị nước Nhật thống nhất dưới quyền mình. Thế nhưng sau khi ông mất, vào năm 1615 quân Tokugawa đã tấn công và thiêu rụi kinh thành. Ít lâu sau, thành được xây dựng lại, nhưng đến năm 1665 tòa tháp chính lại bị sét đánh đổ. Tòa tháp hiện nay là một công trình đã được bê tông hóa vào năm 1931. Nhờ được tu bổ nhiều lần, thành cổ Osaka vẫn giữ được vẻ đẹp kiêu sa thuở nào, vừa cổ kính vừa hiện đại, bên trong trưng bày nhiều cổ vật.
Thành Edo hay Hoàng cung ở thủ đô Tokyo cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch. Ra đời năm 1457, từ một pháo đài, đã được lãnh chúa Mạc Phủ (Tokugawa Ieyasu) mở rộng thành lâu đài và làm trung tâm quyền lực chính trị Nhật Bản cho tới khi chế độ Mạc Phủ sụp đổ năm 1868, trở thành Hoàng cung Nhật Bản khi Nhật Hoàng Minh Trị dời đô từ Kyoto đến đây sau cuộc cải cách Minh Trị. Toàn bộ thành có diện tích đến 1.000.000m², nay là một trong những tòa thành rộng nhất thế giới.
Người Nhật mỗi năm đều đến các thành cổ để hồi tưởng quá khứ, lịch sử oai hùng của dân tộc. Cũng có người đến đây để chiêm ngưỡng cảnh đẹp và tìm hiểu kiến thức về kỹ thuật quân sự thời xưa.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014
Tác giả : Chu Mạnh Cường