Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta đã và đang đặt ra nhiều nội dung quan trọng và cấp thiết. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn có ý thức thượng tôn pháp luật, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là nội dung quan trọng hàng đầu. Vì vậy, nâng cao văn hóa pháp luật (VHPL) của cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn là một vấn đề cấp bách và có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn là những người trực tiếp chăm lo, tiếp nhận, giải quyết các vấn đề trong đời sống của nhân dân dựa trên cơ sở của pháp luật, là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân. Thực hiện phương cách đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn không những là người nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, có sự am hiểu sâu sắc về pháp luật của Nhà nước, mà còn phải là tấm gương mẫu mực về thực hiện hành vi, thói quen, lối sống theo pháp luật để nhân dân tin tưởng và làm theo.
Trong những năm qua, thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền và chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thời kỳ mới, vấn đề nâng cao VHPL đã được chú trọng và đạt những kết quả quan trọng. Kết quả tích cực đó được hiện thực hóa thông qua sự phát triển ổn định về chính trị, kinh tế, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các xã, phường, thị trấn luôn được giữ vững.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới, những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường chưa được khắc phục triệt để. Sự chống phá của các thế lực thù địch, cùng với sự xâm nhập tràn lan của các hiện tượng phản văn hóa, lối sống buông thả, vô tổ chức, coi thường pháp luật trong xu thế toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, trình độ VHPL của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn còn tồn tại những bất cập, hạn chế. Một số cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn chưa nắm vững những kiến thức về nhà nước và pháp luật, dẫn đến việc chăm lo, tiếp nhận và giải quyết một số vấn đề trong đời sống của nhân dân chưa thỏa đáng. Một bộ phận cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn suy thoái về phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng chức vụ cố ý làm trái các quy định của pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. Một số cán bộ, công chức chưa tự giác thực hiện lối sống theo pháp luật, làm gương cho nhân dân, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Để nâng cao VHPL của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn đối với việc nâng cao VHPL của cán bộ, công chức.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng đối với việc nâng cao VHPL của cán bộ, công chức. Để thực hiện tốt giải pháp này, cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn cần tuyên truyền, giáo dục cho các tổ chức, lực lượng có nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò nâng cao VHPL của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn cần có nhận thức đúng về vị trí của vấn đề nâng cao VHPL của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn là một nội dung quan trọng hàng đầu để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vai trò nâng cao VHPL là góp phần hoàn thiện nhân cách người cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân, có ý thức, hành vi pháp luật tự giác, lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Đồng thời, giúp họ vận dụng pháp luật có hiệu quả trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình ở các xã, phường, thị trấn đối với việc chăm lo, tiếp nhận, giải quyết các vấn đề trong đời sống của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Nhà nước, chính quyền địa phương với nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn cần nâng cao trách nhiệm trong tham gia các hoạt động nâng cao VHPL của cán bộ, công chức. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở xã, phường, thị trấn cần thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực thi công vụ theo pháp luật của cán bộ, công chức trong chăm lo, tiếp nhận, giải quyết các vấn đề trong đời sống của nhân dân.
Hai là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng áp dụng pháp luật cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Thực hiện giải pháp này, cấp ủy, chính quyền ở các xã, phường, thị trấn và cấp trên cần làm tốt việc xây dựng, lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng áp dụng pháp luật phù hợp với từng đối tượng, trình độ của cán bộ, công chức.
Đối với cán bộ, công chức nói chung, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng áp dụng pháp luật cần tập trung vào kiến thức cơ bản về nhà nước, pháp luật; hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng và thực hiện pháp luật; các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các trình tự, thủ tục pháp luật quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân; một số lĩnh vực pháp luật thực định liên quan đến hoạt động của cán bộ, công chức như: Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Lao động; luật Đất đai, luật Khiếu nại, tố cáo; luật Hôn nhân và gia đình, luật An ninh mạng...
Đối với cán bộ, công chức chuyên trách, tùy theo vị trí đảm nhiệm, ngoài kiến thức pháp luật chung, nội dung phổ biến, giáo dục cần tập trung chuyên sâu hơn về kiến thức và kỹ năng áp dụng pháp luật theo chuyên ngành. Ngoài ra, cần phải kết hợp lồng ghép các giá trị tích cực của đạo đức, truyền thống, phong tục, tập quán của địa phương trong nội dung truyên truyền, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng áp dụng pháp luật cho cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kỹ năng áp dụng pháp luật cho cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn như: tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng những khóa học ngắn hạn; tổ chức các buổi tọa đàm về pháp luật, thành lập các loại hình câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng tủ sách pháp luật; tích cực vận dụng các hình thức có sử dụng trang bị kỹ thuật hiện đại; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống của địa phương lồng ghép các nội dung pháp luật…
Vận dụng linh hoạt các phương pháp tuyên truyền, giải thích pháp luật; phương pháp thông tin pháp luật (sử dụng các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, truyền thanh, tạp chí chuyên ngành pháp luật, các loại hình nghệ thuật như phim, ảnh, lễ hội, phong tục của địa phương để chuyển tải các nội dung, thông tin về thực hiện pháp luật); phương pháp nói chuyện, trao đổi về pháp luật, hướng dẫn trình tự, kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống pháp luật; phương pháp nêu gương điển hình về thực thi, bảo vệ, tôn trọng pháp luật, biểu dương tấm gương tốt; phê phán, lên án cái xấu...
Ba là, tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức vi phạm pháp luật nhà nước. Để thực hiện tốt giải pháp này, cấp ủy, chính quyền ở xã, phường, thị trấn phải quản lý toàn diện, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu của từng cán bộ, công chức, từ đó xác định biện pháp quản lý, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời. Việc quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, công chức phải được tiến hành thường xuyên, liên tục gắn với hiệu quả hoàn thành công việc. Kết hợp tốt giữa quản lý cán bộ, công chức làm việc, sinh hoạt tại cơ quan với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong cuộc sống đời thường tại địa phương. Thực hiện tốt việc kết hợp công tác quản lý, đánh giá cán bộ, công chức với đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên hằng năm để quản lý, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn.
Thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng mô hình khảo sát chất lượng phục vụ qua việc “bấm nút” của nhân dân đánh giá năng lực, thái độ làm việc của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản lý cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn như các phần mềm quản lý, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Twitter… Qua đó, công tác quản lý được tiến hành chặt chẽ, khoa học, kịp thời.
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn trong nâng cao VHPL.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (1). VHPL của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn cũng như các phẩm chất chính trị, đạo đức của họ không phải tự nhiên được nâng cao, mà là kết quả của quá trình giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện khoa học, công phu, bền bỉ, nghiêm túc dưới sự định hướng, hướng dẫn, uốn nắn của các tổ chức, các lực lượng và sự nỗ lực tích cực, tự nâng cao của mỗi cán bộ, công chức. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn cần có thái độ, động cơ, trách nhiệm đúng đắn đối với việc tự học tập, rèn luyện; tích cực, chủ động, tự giác nâng cao VHPL. Từ đó, căn cứ vào nhiệm vụ, chức trách, điểm mạnh, yếu, khả năng, sở trường của bản thân, lập kế hoạch tự học tập, rèn luyện, nâng cao VHPL cho phù hợp, cụ thể, thiết thực. Mỗi cán bộ, công chức cần nêu cao ý chí quyết tâm, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện kế hoạch tự học tập, rèn luyện, nâng cao VHPL đã đề ra. Gắn việc tự nâng cao VHPL của cán bộ, công chức bằng những nội dung thiết thực với đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở ở các xã, phường, thị trấn.
Nâng cao VHPL của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn không chỉ nhằm hình thành hành vi chấp hành theo mệnh lệnh hành chính mà điều cốt lõi phải tạo ra sự chuyển hóa ở hành vi tự giác, lối sống theo pháp luật và tính hiệu quả của việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Để nâng cao VHPL của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn cần vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, gắn với đặc điểm của từng đối tượng cán bộ, công chức và đặc điểm của từng địa phương.
_____________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.612.
Tác giả: Đoàn Nam Chung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11 - 2019