Mùa trong vườn - cỏ cây, hoa lá và thế giới nội tâm của phụ nữ

Mùa trong vườn là tiêu đề triển lãm chuyên về tranh đồ họa của hai nữ giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc (1). Đây là hoạt động khoa học mở đầu năm 2022 của ngôi trường mỹ thuật luôn đóng vai trò đầu tàu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và sáng tác mỹ thuật của đất nước. Nguồn năng lượng sáng tác dồi dào của hai nữ giảng viên - họa sĩ trong suốt thời gian dài trước triển lãm cũng như không ít điều mới mẻ trong sáng tạo của họ được thể hiện ở triển lãm này, cho thấy giữa ảnh hưởng chung tiêu cực từ đại dịch COVID-19, mỹ thuật vẫn chứa đựng nhiều niềm vui, tín hiệu nghề nghiệp lạc quan.

Triển lãm Mùa trong vườn được trưng bày vào đúng ngày đầu tiên của năm 2022, tại Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, như một khởi đầu cho hy vọng mới vượt qua dịch bệnh kéo dài suốt hai năm qua. Triển lãm bao gồm gần 100 bức tranh, trong đó đa phần là các tác phẩm in độc bản từ nhiều chất liệu: khắc cao su, khắc gỗ, in độc bản, kết hợp chất liệu tổng hợp, bên cạnh một số ít tranh màu nước của riêng Nguyễn Mỹ Ngọc, được sáng tác trong suốt ba lần giãn cách vì đại dịch từ năm 2020 ở Hà Nội. Mỗi tác phẩm như một lời tự sự, một dấu ấn về khoảnh khắc sáng tạo, đa dạng mà nhất quán.

Nguyễn Mỹ Ngọc, Góc vườn 1, 25x30cm, khắc cao su, 2021

Trang Thanh Hiền tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (2) năm 1997, được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật cho đến nay. Năm 2017, chị được phong hàm Phó Giáo sư. Nhiều năm qua, song hành với nghiên cứu, giảng dạy về mỹ thuật cổ, chị vẫn sáng tác hội họa trên chất liệu mực nho và giấy dó. Chị đã có 3 triển lãm cá nhân cùng tên Đáy sóng ở Hà Nội, Huế và TP.HCM. Trang Thanh Hiền cũng tích cực tham gia nhiều triển lãm nhóm khác, tổ chức một số dự án sáng tạo đưa mỹ thuật đến gần hơn với thiếu nhi trên khắp cả nước. Đặc biệt, chị đã công bố ba nghiên cứu công phu: Hình tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở Việt Nam (Nxb Thế giới, 2005), Cửu phẩm Liên Hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam (Nxb Thế giới, 2007), Tranh Tết-nét tinh hoa truyền thống Việt (Nxb Mỹ thuật, 2016). Những ấn phẩm này của chị cùng nhiều bài viết nghiên cứu khoa học khác đã được trao giải thưởng quan trọng trong lĩnh vực xuất bản và nghiên cứu (3).

Nguyễn Mỹ Ngọc tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (4) năm 2006. Chị hiện là giảng viên khoa Đồ họa của trường, một trong những nữ họa sĩ đồ họa thực hành nghệ thuật với tranh khắc gỗ và in kẽm nổi bật hiện nay ở Hà Nội. Nghệ sĩ tham gia rất nhiều triển lãm nhóm về đồ họa tranh in trong và ngoài nước.

Sự gặp gỡ của hai nữ giảng viên-họa sĩ trong cuộc triển lãm lần này như một mối duyên hội họa đặc biệt. Giữa họ là sự tiếp sức lẫn nhau, học hỏi, chia sẻ, cùng đồng hành, cùng vỡ òa trong cảm xúc với nghệ thuật đồ họa tranh in. Những đợt giãn cách kéo dài, thú vị thay, lại tạo cảm hứng cho họ cùng miệt mài sáng tạo trong xưởng in của khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sự tạo điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường cùng với nỗ lực nghề nghiệp của mỗi cá nhân đã thúc đẩy họ cùng thể hiện khát vọng muốn vượt lên truyền thống hội họa đồ họa, để tạo ra những sáng tạo bay bổng, đầy chất thơ thấm đẫm cái tôi trữ tình của người làm nghệ thuật.

Như tiêu đề chung của triển lãm, các bức tranh đều giản dị, thể hiện hình ảnh cỏ cây, lá, hoa cùng cả dung nhan và tâm sự của những người đàn bà, tất cả ẩn hiện sau những đường khắc ngọt lịm, những chồng chéo màu in trên mặt tranh. Thực và hư trong nghệ thuật là ở đấy. Mùa trong vườn ấy là mùa của những người đàn bà gặp nhau, cùng kể về những khát vọng của riêng mình, trong khu vườn nghệ thuật lắm hoa thơm và đầy gai nhọn.

Trang Thanh Hiền mang đến triển lãm những tác phẩm lấy cảm hứng từ các loài hoa với chất liệu khắc gỗ. Hoa là sự bắt đầu cho những khám phá kỹ thuật khắc gỗ mới đối với chị, đặc biệt là hoa sen, phần nào thể hiện ảnh hưởng từ những họa tiết trong vốn mỹ thuật cổ mà chị đã nghiên cứu suốt nhiều năm qua. Nền tảng nghiên cứu đôi khi lại thúc đẩy ý tưởng trong thực hành nghệ thuật của chị, từng ngày bồi đắp, chồng lớp thú vị. Họa sĩ đưa nhiều cảm hứng cá nhân vào trong khám phá kỹ thuật đồ họa, từ in đơn sắc đến khắc gỗ phá bản đa sắc. Tiếp cận thực hành kỹ thuật và chất liệu khác với việc vẽ trên giấy thủ công và mực nho, có phần không theo trình tự cơ bản, đã làm nảy sinh những cách thức sáng tạo khác, như in chồng các bản khắc khác nhau, in nối bản, ghép bản, in phối hợp cùng thủ ấn họa, mang tính gợi mở cho thực hành nghệ thuật tranh in vượt qua những lối mòn quy tắc. Chị cho rằng, số lượng bản tranh in không quan trọng bằng số lượng các bản hoàn thiện sau in thông qua những thể nghiệm đa dạng (5), vì vậy, tranh bộ và tranh ghép cũng là một phần quan trọng của triển lãm lần này.

Trong nghệ thuật đồ họa, tranh khắc gỗ vốn là một thể loại có truyền thống lâu đời ở Việt Nam, như các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Việc sử dụng ván gỗ vốn là một phương tiện để nhân bản tạo ra những tác phẩm giống nhau về hình thức. Tuy nhiên, với nghệ thuật hiện đại và đương đại, tính độc bản của mỗi tác phẩm mới là điều quan trọng để ghi dấu ấn cho những khoảnh khắc sáng tạo khác nhau của mỗi nghệ sĩ. Tranh bộ và tranh ghép của Trang Thanh Hiền, với các chủ đề như sen, lá, thiền, đã tạo nên một sắc thái thú vị trong triển lãm lần này. Chúng dường như truyền tải những xúc cảm vừa riêng biệt, vừa thực vừa hư của chị qua những lần sáng tạo khác nhau và đầy cá tính.

Trang Thanh Hiền, Thanh âm mùa hạ, khắc gỗ, in độc bản, 30x40cm, 2021

Trang Thanh Hiền sáng tác tranh khắc gỗ từ những năm 2000, kết hợp giữa vẽ tay trên giấy dó và in bản gỗ những chi tiết. Tuy nhiên, công việc nghiên cứu mải miết dường như đã kéo chị ra khỏi thế giới sáng tạo cá nhân với thể loại tranh này. Có thể nói, người khơi lại nguồn cho cảm hứng đó trở lại như một mạch ngầm chính là họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc. “Tôi đã bị em cuốn hút bởi những bức tranh khắc trên chất liệu cao su đầy nữ tính, khiến cho cảm xúc mãnh liệt muốn trở lại với dao, với gỗ và những bản in trong tôi như bừng tỉnh. Mùa trong vườn với tôi là một cảm hứng tràn trề, một nguồn năng lượng mới, cảm xúc mới để thoát ra những quen thuộc với mực nho và giấy dó, để tìm đến gỗ và dao khắc sau rất nhiều năm. Các nét khắc sắc lẹm của dao đặt trên gỗ như đem lại cho tôi một cảm xúc mạnh đến nỗi ban đầu chỉ định khắc một vài bức tranh nhằm thay đổi cảm hứng sáng tác, tôi như bị nghệ thuật đồ họa dẫn dụ vào mê cung của nó. Và để rồi hàng chục bản khắc, hàng trăm bức tranh đã ra đời như thế... Đôi lúc, tôi nghĩ rằng, có lẽ không phải tôi tìm đến đồ họa, mà đồ họa hiện đại đã tìm tôi, nó giúp tôi hoàn thiện phần sáng tạo nằm trong khả năng khám phá nghệ thuật của bản thân từ sâu thẳm trái tim mình” (6).

Trang Thanh Hiền đa dạng và biến hóa với nhiều môtip tạo hình đặc trưng: hình người rỗng trong tư thế của Đức Phật (giống tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt, chùa Bút Tháp) cùng hình cánh hoa phía dưới như bàn tay trong các thế thủ ấn, môtip mái tóc trên đầu nhân vật nữ là những loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng của Phật giáo như hoa cúc, hoa mẫu đơn hay hoa sen. Nhờ cảm xúc sáng tác mới mẻ hơn rất nhiều, trong triển lãm lần này, hình ảnh các loài hoa cỏ của đời sống được bổ sung, ẩn hiện trong bóng dáng tượng trưng cũ. Khi thể hiện các chế bản âm (hay còn gọi là khắc cao su), những hình tượng đó hiện lên xao xác hư ảo như một không gian đồng hiện giữa cũ và mới, giữa tâm linh và đời thực. Bên cạnh các âm bản, nghệ sĩ còn sáng tác những tác phẩm in độc bản với nhiều tông màu của hoa lá, hiệu ứng chồng màu, nối bản, thủ ấn… đem đến ảo ảnh mang hơi hướng Pop-art (các bộ tranh Môi hồng, Chân dung, Hạ đỏ, Hạ tím, Sắc Thiền…).

Nguyễn Mỹ Ngọc gắn bó với nghệ thuật đồ họa sáng tác từ khi là sinh viên mỹ thuật. Với vẻ ngoài nhẹ nhàng nhưng nội tâm vô cùng mạnh mẽ, chị đưa sự phóng túng, ngẫu hứng vào tranh in, mong làm mới nó, hướng đến tính cá biệt của mỗi sáng tác. Sau nhiều thử nghiệm, đi sâu vào các chất liệu tranh in truyền thống (khắc gỗ), khoảng 3 năm gần đây, chị chuyển hướng và tìm thấy cảm xúc thực sự với tranh khắc cao su kết hợp in độc bản và tranh màu nước khổ nhỏ, vẽ theo phương pháp ký họa nhanh. Cao su mềm mại cho phép khắc những nét khoáng hoạt, bay bổng. In độc bản là phương pháp thuận lợi cho thực hành tranh in ngẫu hứng. Sự kết hợp đa kỹ thuật và chất liệu của chị cũng rất hợp xu hướng tranh in đương đại. Đặc biệt nó thỏa mãn sự đam mê với hình thể và chồng lớp dựa trên cảm hứng nhất thời, giàu tính trực họa của họa sĩ. Sáng tác của Nguyễn Mỹ Ngọc đậm chất tự sự của một phụ nữ nhiều ẩn ức, với những dịu êm, khắc khoải về cả thân xác lẫn tinh thần. “Mùa thay bao nhiêu lá là bấy nhiêu thay đổi trong trạng thái tinh thần của người phụ nữ mà tôi đi tìm qua thân hình lúc thì trơ trọi cô đơn, lúc lại ẩn mình e ấp, khi thì mạnh mẽ căng tràn như nét dao khắc ngọt, khi lại mềm mại ẩn hiện dưới làn mực loang nhòe! Tôi đi tìm người phụ nữ đó như đi tìm tôi trong nghệ thuật đồ họa, một loại hình nghệ thuật vừa lý trí lại vừa giàu cảm xúc” (7).

Trong thời gian gần đây, khi cố gắng kết hợp các kỹ thuật đồ họa với nhau, mong muốn phá vỡ phần nào cảm giác cứng nhắc của các nét dao khắc, Mỹ Ngọc đã cố gắng kết hợp kỹ thuật khắc cao su với kỹ thuật in độc bản cộng với vẽ nét bằng tay. Chị hướng tới việc thể hiện được trọn vẹn cảm giác mơ màng, phóng túng cho các bức tranh khắc của mình, có gì đó thật mâu thuẫn nhưng thú vị “như là thế giới nội tâm của phụ nữ vậy” - Mỹ Ngọc bày tỏ.

Tranh khắc kẽm và cao su với hai tính chất trái ngược nhau đã đem đến cho họa sĩ thêm điều kiện khám phá về nội tâm trong thực hành nghệ thuật của mình. Tranh khắc kẽm đặc trưng với các nét dao khắc sắc lẹm trên kẽm cứng, được thực hiện với phương pháp in lõm (8). Trong khi đó, khắc cao su lại được thực hiện với phương pháp in nổi, các phần tử được in nằm nổi, cao hơn phần không cần in. Cao su mềm mại cho phép khắc những nét khoáng hoạt, bay bổng. In độc bản là phương pháp thuận lợi cho thực hành in ngẫu hứng. Yếu tố thẩm mỹ luôn hiện lên trong hầu hết toàn bộ tác phẩm của Mỹ Ngọc, với cách dùng mảng, nét gợi khối hoặc dùng mảng đi nét viền bao quanh hình thể nhân vật, cỏ cây, hoa lá tạo điểm nhấn hoàn hảo cho bức tranh in hoặc tranh màu nước, diễn đạt cảm xúc lãng mạn về các nhân vật nữ khỏa thân của tác giả. Màu sắc từ đen, trắng, xanh da trời, vàng, thỉnh thoảng lấp lánh ánh vàng, bạc, son như hòa quyện vào nhau. Họa sĩ miêu tả những cô gái dịu dàng, biểu hiện một cách đằm thắm, sâu sắc nhất có thể, như thể hiện chân dung của chính mình, hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp. Thủ pháp in độc bản chồng lớp kết hợp vẽ tay đã đem tới thành công cho Mỹ Ngọc với Mùa trong vườn. Là một họa sĩ trẻ sinh trong những năm đầu thập niên 80, lớn lên cùng với sự đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, Nguyễn Mỹ Ngọc đã được học hỏi sự giao thoa từ văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, từ ranh giới của hai thế kỷ. Khi xem những tác phẩm của họa sĩ, bạn sẽ bị cuốn theo cách mà chị thể hiện và cảm thấy thích thú, kỹ thuật khắc cao su hay màu nước được xử lý tốt, mang hơi hướng hiện đại mà vẫn biến hóa, ẩn dụ, ngẫu hứng, tạo ra những tác phẩm lôi cuốn (các bộ tranh Mùa trong vườn, Mùa hoa nở, một số bức khắc cao su như Trăng, Góc vườn…).

Thể hiện khát vọng muốn thoát khỏi lối mòn truyền thống, tạo ra những sáng tạo bay bổng, đầy chất thơ, thấm đẫm cái tôi trữ tình của người làm nghệ thuật, Mùa trong vườn là câu chuyện vừa riêng lại vừa chung của hai nữ nghệ sĩ, hai giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm có sự cách điệu duyên dáng từ tranh dân gian. Nó cũng có những cảm xúc linh hoạt của đời sống mỹ thuật, có giao tiếp với hội họa thế giới, qua những nét khắc uyển chuyển và bảng màu biến đổi liên tục, vừa hư vừa thực. Nó cũng cho thấy sự hoàn thiện mà các kỹ thuật và cảm xúc của hai nữ họa sĩ đã tạo ra. Mùa trong vườn cho thấy khả năng hoàn thiện, sự cá thể hóa của các tác phẩm tranh in, tranh khắc gỗ. PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Sáng tạo là hạnh phúc đối với nghệ sĩ. Ấy là con đường dẫn lối cho Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc gặp gỡ ở “vườn đồ họa”, nơi nhiều hoa lá, lắm gai nhọn, chằng chịt những lối đi, để cơ duyên của mỗi người kết thành những trái chín”.

Nguyễn Mỹ Ngọc như được thỏa sức vẽ những thiên nhiên, những khát khao, những tận cùng của một không gian đa sắc màu, ẩn chứa sự diệu kỳ, không gian phi hiện thực trong tranh mà vẫn có được sự phóng khoáng biểu đạt tạo hình. Trang Thanh Hiền đầy tinh tế đi tìm những câu hỏi về vị trí của sự lãng mạn trong thế giới thiên nhiên, Phật pháp. Bút lực mạnh mẽ của chị gợi cho người xem thấy những ưu tư cũng như khát khao trong một thế giới nội tâm sâu sắc. Nghệ sĩ sử dụng những nét khắc rõ ràng, sâu, vằn vện, vô định, đan xen vào nhau để tạo ra tác phẩm của mình, thể hiện nhiều ẩn ý, phản ánh những suy nghĩ, góc nhìn độc đáo về cuộc sống của một phụ nữ giàu trải nghiệm. Mùa trong vườn tưởng chừng là một cuộc dạo chơi với cây cỏ hoa lá đầy tính nữ, thế nhưng lại là cuộc dạo chơi của nghệ thuật cũng lắm công phu.

_______________

1. Triển lãm diễn ra từ ngày 1 đến 12-1-2022, thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài giới mỹ thuật đến tham quan. Đây được xem vừa như là hai triển lãm đơn trong cùng một không gian mà lại như một triển lãm đôi, khá thú vị cho tương tác và trải nghiệm của người thưởng lãm. Trang Thanh Hiền trưng bày 42 tác phẩm, Nguyễn Mỹ Ngọc có 53 tác phẩm. Bên cạnh việc giới thiệu sáng tác, hai nữ họa sĩ còn mở một chương trình workshop chủ đề Tranh Hổ cho năm Nhâm Dần, dành cho những ai muốn tìm hiểu và trải nghiệm làm tranh in đồ họa trên chất liệu khắc gỗ và khắc cao su.

2, 4. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội được đổi tên thành Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 2008. Tiền thân của ngôi trường này là Trường Mỹ thuật Đông Dương, thành lập năm 1924 và chính thức tuyển sinh khóa học đầu tiên năm 1925.

3. PGS.TS Trang Thanh Hiền đã được trao một số giải thưởng: Giải Sách hay, sách đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam (năm 2007); giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam về Lý luận, nghiên cứu và phê bình mỹ thuật (các năm 2009, 2020).

5. Tranh in trong nghệ thuật đồ họa cho phép họa sĩ in một số lượng ấn bản nhất định từ một mẫu bản khắc, và có đánh số thứ tự ở từng bản in, ví dụ: 2/15, tức là bức tranh in này có thứ tự thứ hai trong tổng số 15 bản in từ 1 mẫu khắc. Đây là điều khác so với hội họa giá vẽ, họa sĩ chỉ vẽ 1 bức duy nhất, không lặp lại về ý tưởng, không có “bản mẫu”.

6, 7. Trích từ trao đổi của các họa sĩ với tác giả bài viết, tháng 1- 2022.

8. Đây là một trong 5 phương pháp in của tranh đồ họa: in nổi, in lõm, in phẳng, in xuyên và in độc bản.

Ths NGUYỄN LOAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;