Cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam (1) của tác giả người Pháp Henri Oger chứa đựng một bộ tranh khắc gỗ minh họa, bao gồm 4.577 hình khắc, do các nghệ nhân Việt Nam thể hiện theo sự chỉ đạo của tác giả. Nội dung phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất và tín ngưỡng của người dân Việt Nam tại Hà Nội và vùng châu thổ sông Hồng những năm đầu TK XX. Vì vậy, đây là bộ tranh khắc mang đậm tính dân gian Việt Nam thông qua các yếu tố tạo hình. Bài viết hướng đến luận giải yếu tố hài hước và ước lệ trong bộ tranh, khẳng định giá trị thẩm mỹ của bộ tranh đóng góp vào nghệ thuật tạo hình Việt Nam nói chung, nghệ thuật đồ họa khắc gỗ nói riêng.
1. Yếu tố hài hước trong bộ tranh
Trong nghệ thuật tạo hình, tính hài hước thể hiện ở các thủ pháp bố cục, xây dựng hình tượng từ biểu cảm, động thái nhân vật tạo sự vui nhộn, gây cười để giải trí, ca ngợi hoặc châm biếm, phê phán một vấn đề gì đó trong xã hội. Trong bộ tranh Kỹ thuật của người An Nam, tính hài hước được thể hiện rõ nét trong nhiều mảng đề tài, từ trò chơi dân gian, trò chơi của trẻ em, hoạt cảnh hài hước, vui nhộn trong sinh hoạt đời thường của người dân cho đến việc châm biếm, phê phán một số hiện tượng xã hội.
Ả đào chuốc rượu khách, (nguồn: tác giả cung cấp)
Bức tranh Chơi xuân vẽ cảnh: trong nhà, có hai vị quan đang thưởng thức ca trù, một người hát quỳ cạnh bàn, vừa hát, vừa đánh phách, dâng rượu và người đàn đứng cạnh. Trên tranh có bốn câu thơ chữ Nôm, tạm dịch như sau: Thời bình mở hội xuân/ Nô nức khắp xa gần/ Nhạc dâng ca trong điện/ Trò thưởng cuộc ngoài sân. Còn ở ngoài sân, một cặp trai gái đang chơi trò “quàng vai bắt chạch” với câu chữ Nôm: Hai ta quyết lấy giải làng. Trò chơi bắt chạch trong chum đòi hỏi phải có hai người trai và gái cùng bắt. Các nghệ nhân đã thể hiện cặp trai gái cùng thò một tay vào chum để bắt chạch, tay kia của chàng trai quàng qua vai, ôm vào ngực cô gái, hai gương mặt ghé sát vào nhau một cách hài hước, hóm hỉnh, toát lên một không khí chơi xuân hỉ hả sau những ngày lao động vất vả của người dân.
Bức tranh Học trò viết chữ mất nết thể hiện trò chơi trẻ em với hai nhân vật cậu bé đang vẽ chữ làm hề lên mặt nhau. Bằng những nét vẽ đơn giản, tài tình, các nghệ nhân thể hiện biểu cảm trên gương mặt của hai cậu đã gây cười cho người xem. Bức tranh Phướn rước trong đám ma thể hiện một cậu bé vai vác một tấm phướn đám ma nhưng với nét mặt rất vui và miệng tươi cười, thật tương phản với chủ đề bức minh họa.
Những cử chỉ, điệu bộ hài hước của nhân vật trong tranh được các nghệ nhân thể hiện một cách sinh động cũng gây cười, tạo sự thú vị cho người xem qua bức tranh Săn bằng ống thổi, có hình ảnh một người đàn ông miệng ngậm cái ống dài hướng lên một chú chim trên cành cây; dáng điệu khom người, ngửa mặt, rón rén của người đàn ông tạo ra một bức tranh hài hước/ gây cười cho người xem. Bức tranh Dạy sáo nói cũng thể hiện một người đàn ông khom người, một tay chắp sau lưng, một tay làm bộ chỉ về hướng con chim, miệng chu ra để dạy chim. Các hình ảnh này được khắc họa thật hóm hỉnh, khôi hài cho người thưởng thức, đó cũng là những trạng thái tinh thần vui vẻ, sảng khoái: đây là một hình thái đặc thù của cảm xúc thẩm mỹ, vì nó là kết quả của một trí tuệ linh hoạt, sắc bén, có khả năng phê phán cao, kết hợp với tâm hồn giàu cảm xúc (2). Bức tranh Ả đào chuốc rượu cho khách thể hiện một người đàn ông đã có tuổi ngồi xổm trên ghế, cúi rạp người khoác vai một thiếu nữ dâng rượu với ánh mắt đắm đuối và thái độ cợt nhả. Bức tranh Thầy thuốc chữa bệnh tạo sự tương phản đến nực cười vì một ông thày lang già yếu, khệ nệ ôm vác chân của người bệnh to khỏe đưa vào chậu ngâm nước thuốc.
Đem con bỏ chợ, (nguồn: tác giả cung cấp)
Tính hài hước còn được biểu hiện qua mảng đề tài mê tín dị đoan, như bức Chiếc nôi không chuẩn bị trước, thể hiện hình ảnh bà mẹ đang thả đứa con xuống chiếc nôi tròn, phía trên là dòng chữ: Đem con bỏ chợ, nhắc đến sự mê tín đến ngây thơ của bà mẹ đem con bỏ cho người khác bằng phép ước gì đó rồi lại làm thủ tục xin con về. Bức Đấu khẩu (khẩu thiệt) mô tả đời sống riêng của mỗi gia đình cũng như mỗi con người, phản ánh những câu chuyện vặt vãnh thường ngày vẫn luôn xảy ra trong đời sống của người nông dân Bắc Bộ. Tuy nhiên, đây là tác phẩm thể hiện rõ tính hài hước bởi lối tả bằng hình có động tác dí dỏm, sâu cay. Với khoảnh khắc hai người phụ nữ ngang sức được mô tả bằng tỷ lệ tương đương, khuôn mặt cùng động tác toát lên sự chanh chua, đanh đá, được nghệ nhân khắc họa lại khoảnh khắc “đắt” nhưng cũng cao độ nhất của cuộc cãi vã. Thay vì những cuộc ẩu đả như đàn ông, phụ nữ nông thôn Bắc Bộ biết lấy sự đấu khẩu làm “vũ khí” nhằm minh chứng cho hành động và lời nói của mình. Đó cũng là những hình ảnh gây cười cho người ngoài cuộc chứng kiến: tiếu lâm là đời sống văn nghệ dân gian vui vẻ và quan trọng. Nếu không có những câu chuyện tào lao, không mục đích, thì cuộc đời người nông dân tăm tối biết chừng nào (3).
2. Yếu tố ước lệ trong bộ tranh
Một trong những đặc trưng của tạo hình truyền thống dân tộc là tính ước lệ: Lấy đơn tuyến bình đồ làm nền tảng, lấy ước lệ tạo hình dân gian làm tiêu chuẩn, nghệ nhân xưa đã tạo ra nhiều bố cục tranh phong phú (4). Ước lệ tạo hình dân gian ở đây bao hàm nhiều yếu tố: ước lệ về cấu trúc, đặc điểm hình thể, ước lệ về tỷ lệ các hình thể, ước lệ về không gian diễn ra sự việc và ước lệ cả về gợi tả tính cách nhân vật... Chúng tôi mạnh dạn nhận định: ước lệ tạo hình dân gian lâu dần đã trở thành phong cách tạo hình dân gian của Việt Nam.
Trong bộ tranh minh họa Kỹ thuật của người An Nam, các nghệ nhân xưa cũng xuất phát từ lối vẽ gợi ý, gợi tình nhiều hơn là diễn tả chi tiết và từ quan niệm thể hiện được sự sống động, có tâm hồn hơn là chỉ giống bề ngoài, cốt bắt lấy thần thái của sự vật. Về hình thể, đặc biệt là hình dáng con người, các nghệ nhân vẽ theo lối ước lệ nên rất chú trọng tới khả năng biểu đạt các động thái, tư thế, động dung nhân vật, sao cho hình nét vừa sinh động, vừa đạt tới thần thái của nhân vật. Điều đáng chú ý là nếu lấy chiều dài đầu người làm đơn vị đo, thì hầu hết các nhân vật trong bộ tranh minh họa Kỹ thuật của người An Nam có chiều cao từ năm đầu rưỡi đến sáu đầu (theo cách tính của môn giải phẫu tạo hình hàn lâm), khá phù hợp với tỷ lệ chiều cao của người phương Đông, song cũng có tranh khắc họa nhân vật cao đến bảy, tám đầu, do sự cách điệu mang tính ước lệ để cố diễn tả một thao tác, một tư thế làm việc của nhân vật.
Bức tranh Chữa bệnh theo phương pháp dân gian thể hiện một người đàn ông đứng giữa ruộng, tay cầm cuốc, tay cầm con giun đất thả vào miệng với dáng vẻ ốm yếu, tiều tụy. Để thể hiện dáng vẻ gầy gò, ốm yếu của người bệnh, đồng thời diễn tả dáng vẻ lòng khòng trong động tác cuốc đất, lấy giun ăn để trị bệnh ngã nước, các nghệ nhân đã vẽ tỷ lệ chiều cao của người đàn ông vượt qua mức thông thường, đây là lối vẽ ước lệ nhằm nhấn mạnh nội dung cần chuyển tải.
Thày thuốc chữa bệnh, (nguồn: tác giả cung cấp)
Để diễn tả chiều sâu không gian, hình ảnh sự vật trên tranh được sắp xếp theo hướng: gần ở phía dưới, xa ở phía trên đầu tranh. Có lúc, bố cục tranh tuân thủ theo một quy ước: hình ở gần thì vẽ to hơn hình ở xa, người lớn được vẽ to hơn đứa bé, chính vì thế, có nhiều nhân vật trẻ con tuy vẽ hình nhỏ nhưng nhìn vẫn ra nhân vật người lớn. Hình ảnh/ nhân vật chính được đặt ở vị trí trung tâm của tranh. Trong một bức tranh đông người, nhân vật quan trọng được vẽ to hơn các nhân vật còn lại, như trên tranh Đánh trống cái và Phụ nữ sửa giầy, nhân vật đánh trống và nhân vật sửa giầy có hình khối lớn hơn những nhân vật còn lại. Tạo hình dân gian với quan niệm “sống” hơn là “giống”, đường nét của mỗi bức tranh hết sức gạn lọc, thuần khiết, cốt sao tạo rung cảm thẩm mỹ cho người xem. Các thành phần trong tranh không có một điểm nhìn cố định mà hầu hết được thiết kế để có thể quan sát từ nhiều góc độ khác nhau.
Nếu phối cảnh không gian xa gần của hội họa phương Tây tuân thủ theo quy luật thị giác thì ở các tác phẩm tạo hình dân gian Việt Nam như ở tranh dân gian và chạm khắc đình làng, các nghệ nhân đã dùng phối cảnh ước lệ phương Đông làm cơ sở để tạo ra lối bố cục không gian tượng trưng và khái quát, chắt lọc về đường nét, màu sắc, hình khối. Bố cục của tranh thường được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn theo lối vẽ đơn tuyến bình đồ, do đó, khi xem tranh dân gian và chạm khắc đình làng, ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô, đơn giản nhưng hợp lý, hợp tình.
Ở bộ tranh minh họa Kỹ thuật của người An Nam cũng vậy, lối bố cục của tranh Giàn phơi tăm làm hương và Nhà nghỉ chân bên đường cho ta liên tưởng đến bức phù điêu Đánh cờ ở đình Ngọc Canh, TK XVII (Hà Nội). Các tranh cho ta thấy một không gian ước lệ, các nhân vật được xây dựng ở nhiều góc nhìn khác nhau, tạo ra sự thú vị cho người xem. Để diễn tả hoạt động của một nhóm nhân vật, các nghệ nhân thường chọn điểm nhìn từ trên cao xuống để các hình ảnh không bị che lấp lẫn nhau. Như vậy, các hình ảnh thấp thì ở gần, càng lên cao thì ở vị trí xa dần, lối bố cục này khiến ta liên tưởng đến không gian “Tẩu mã” và “Phi điểu” của người phương Đông. Các tranh Gánh đồ thờ hàng mã, Vác tre, Bẫy chim, Bên trong nhà thợ làm hàng mã, Làm bánh đa, Bữa ăn của phu, Quạt thóc… cũng cho ta thấy lối bố cục ước lệ về không gian này.
Bức tranh Bẫy chim thể hiện một người đàn ông mặt ngửa lên trời, tay cầm một đầu sợi dây, đầu còn lại buộc vào một cành gỗ chống lên miệng một cái rổ lớn, dùng để bẫy chim. Bức tranh được vẽ với nhiều điểm nhìn khác nhau tạo ra không gian ước lệ, có vẻ phi lý đến buồn cười, song lại diễn tả đầy đủ được hoạt động bẫy chim của người nông dân. Bức Làm bánh đa lại thể hiện một người phụ nữ đứng phơi bánh đa vào một chiếc rổ lớn, không gian ước lệ nhiều điểm nhìn làm cho người xem cảm thấy như chiếc rổ bánh sắp ụp lên đầu người phụ nữ.
Giàn phơi tăm hương, (nguồn: tác giả cung cấp)
Những minh họa về công việc thường nhật của người dân An Nam tưởng như rất bình dị, nhưng đó lại là sự ghi dấu bằng hình về nét đẹp trong đời sống của người đương thời. Bán bánh đa, bánh đúc, hàng bánh giò, bán bánh bèo, bỏng rang gạo nếp, làm bánh trôi nước… tất cả các hoạt động ấy đều được thể hiện theo ngôn ngữ ước lệ trong tạo hình, nhằm toát lên đặc trưng riêng cũng như động tác tiêu biểu của từng công việc. Tính ước lệ trong tạo hình dân gian nói chung trong bộ tranh minh họa Kỹ thuật của người An Nam còn biểu hiện ở cách tả người, tả vật. Để tả người hiền lành, lương thiện, các nghệ nhân vẽ khuôn mặt bầu, phúc hậu, đôi mắt hiền từ, dáng ngồi, dáng đứng khoan thai, nho nhã; kẻ ác thì hàm bạnh, mày xếch, mắt trợn, tay dao tay kiếm; kẻ gian xảo có mắt nhỏ, cằm nhọn, râu tóc lởm chởm… Trong diễn tả cảnh vật, lối vẽ cách điệu được sử dụng linh hoạt, vừa bám sát vào hình thể đối tượng, vừa mang tính trang trí cao, hơn nữa lại chuyển tải được hàm ý chủ quan của các tác giả.
3. Kết luận
Bộ tranh khắc gỗ minh họa Kỹ thuật của người An Nam đã mang đến sự dung dị, gần gũi, thân quen với tình cảm, tâm hồn người Việt. Nó gần gũi với các dòng tranh dân gian Việt Nam, mặc dù nghệ thuật tạo hình của bộ tranh là sự phối hợp giữa phương pháp làm việc của người phương Tây và tư duy tạo hình của các nghệ nhân dân gian Việt Nam. Đây chính là sự kết hợp giữa phương pháp làm việc, cách nhìn tạo hình hiện đại, kết hợp khéo léo trong phong cách tạo hình dân gian Việt Nam để tạo nên một công trình nghệ thuật đồ sộ, đậm chất dân gian mà rất khoa học. Sự kết hợp độc đáo này góp phần làm nổi bật những yếu tố đổi mới trong tạo hình, như sắp xếp không gian, bố cục và lối diễn tả khá thành công. Bộ tranh được thực hiện bằng phương pháp khắc, in thủ công truyền thống của các nghệ nhân người Việt, khẳng định một phong cách tạo hình dân gian truyền thống.
_______________
1. Henri Oger, Kỹ thuật của người An Nam, tập 1, 2, Nxb Thế giới và Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2009.
2. Lê Văn Dương, Lê Đình Lục, Lê Hồng Vân, Mỹ học đại cương, Nxb Giáo dục, 2007.
3. Phan Cẩm Thượng, Tập tục đời người, Nxb Hội Nhà văn, 2017, tr.70.
4. Nguyễn Trân, Nghệ thuật đồ họa, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1995.
TS PHẠM HÙNG CƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022