Bản làng trong tranh phong cảnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020

Tranh vẽ về phong cảnh miền núi phía Bắc trong giai đoạn 2010-2020 thể hiện sự phong phú về chất liệu, đa dạng về phong cách biểu đạt. Bản làng ở vùng cao được thể hiện khá đầy đủ ở các góc không gian, độc đáo về màu sắc. Với mỗi chất liệu, họa sĩ có cách xử lý màu sắc khác nhau, phù hợp với đặc trưng riêng của chúng, góp phần giúp người xem cảm nhận rõ nét vẻ đẹp của những bản làng ở miền núi và tình yêu quê hương đất nước của tác giả.

Phạm Văn Tuyến, Làm kinh tế homestay ở Y Tý, sơn dầu, 75x135cm, 2020

Phong cảnh bản làng miền núi phía Bắc thường hiện lên thật đẹp và thanh bình qua nhữPhạm Văn Tuyến, Làm kinh tế homestay ở Y Tý, sơn dầu, 75x135cm, 2020ng lời thơ, câu hát. Dưới bàn tay tài hoa của họa sĩ, nơi vùng cao quanh năm sương mù bao phủ ấy lại trở nên chân thực và đậm chất trữ tình, cảm nhận rõ hơn những vẻ đẹp ẩn sâu trong rừng núi, bản làng.

Tranh vẽ phong cảnh miền núi phía Bắc để lại dấu ấn đẹp bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nên thơ. Những thửa ruộng bậc thang nằm cheo leo lưng chừng núi và thung lũng, ôm gọn bản làng, những nếp nhà sàn truyền thống nằm ven theo chân đồi. Trong không gian ấy là sinh hoạt của những con người hiền lành, chất phác, cũng là những người gìn giữ, trao truyền nếp sinh hoạt văn hóa đặc sắc như các điệu dân ca, dân vũ đậm đà bản sắc.

Tranh phong cảnh giai đoạn 2010-2020 vẽ về làng bản thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc được các họa sĩ khai thác từ nhiều góc độ với nhiều chất liệu khác nhau, như sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ, bột màu, acrylic... Mỗi chất liệu đều có thế mạnh biểu đạt riêng, cùng với tâm tư, cảm xúc của họa sĩ, hướng tới vừa thể hiện được thiên nhiên trong lành, hoang sơ, vừa thể hiện được kiến trúc làng bản, xen lẫn trong đó là sinh hoạt của con người. Trong các triển lãm khu vực và triển lãm mỹ thuật toàn quốc từ 2010 - 2020, có thể nói, tranh phong cảnh vẽ bản làng ở khu vực miền núi phía Bắc có số lượng tương đối lớn và được thể hiện đa dạng về chất liệu, phong phú về phong cách, kỹ thuật.

Với chất liệu sơn mài, có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Mùa xuân trên rẻo cao (Phan Quang Tuấn, 2012), Mùa xuân biên cương (Trần Duy Long, 2015), Phong cảnh Hà Giang (Tống Thị Ngọc, 2015), Âm vang tiếng rừng (Trần Anh Tuấn, 2019), Vùng cao đổi mới (Ngô Thị Ngân, 2010), Ngày bình yên (Trần Khoa, 2020), Chiều về bản (Phạm Ngọc Mỵ, 2020)…

Một số bức tranh sơn dầu đáng chú ý về đề tài này, như Về nhà, Buổi sáng ở bản Mông (Ngô Quang Dương, 2010), Chiều II (Vũ An Chương, 2014), Làm kinh tế Homestay ở Y Tý (Phạm Văn Tuyến, 2020)… Nếu xét từ chất liệu, lụa được nhiều họa sĩ sử dụng cho đề tài này hơn cả và số tranh đáng chú ý cũng nhiều: Buổi sáng ở bản (Phạm Ngọc Sĩ, 2010), Nắng sớm (Trần Thị Kim Thoa, 2010), Buổi sáng trên Bản Phố (Nguyễn Thanh Tùng, 2010), Chiều bình yên (Vũ Hữu Cương, 2017), Phong cảnh (Nguyễn Thùy Linh, 2018), Bình yên (Trần Hoàng Tú, 2017)… Về chất liệu khắc gỗ, có thể kể đến các bức tranh Chiều về bản (Bùi Văn Hòa, 2014), Trăng kim hỷ (Trần Giang Nam, 2017),...

Trong số các tranh sơn mài, tác phẩm Mùa xuân biên cương của Trần Duy Long (2015) và Ngày bình yên của Trần Khoa (2020) gây ấn tượng vì có gần như cùng một cách tiếp cận phác họa chân thực toàn cảnh núi rừng khi mùa xuân về. Trong tranh, sắc xuân không được thể hiện với hoa đào rực rỡ mà cho người xem cảm nhận được đặc trưng của vùng cao với hoa lê, hoa mận phủ trắng núi rừng. Cả hai họa sĩ đều ưu tiên chọn rặng cây hoa trắng đặt ở tiền cảnh, tiếp đến là những mái nhà nhấp nhô nối tiếp nhau, hàng cây phía sau được tối giản thành mảng đậm, kết nối với độ đậm của mái nhà. Sắc trắng trên những cây lê, mận đều là những điểm nhấn quan trọng được tạo bởi chất liệu gắn vỏ trứng, đặc trưng của sơn mài.

Với Mùa xuân biên cương, Trần Duy Long sử dụng nét kỷ hà khúc chiết, tập trung nhiều vào rặng cây, bờ rào tiền cảnh rồi giảm nét và đơn giản mảng hình dần về các lớp phía sau. Anh khéo léo tạo cho bố cục thêm duyên với con đường nhỏ ẩn trong hàng cây và những nếp nhà. Hàng rào ven đường được phối hợp đậm nhạt, tối sáng khá thú vị khi tác giả cố tình thể hiện ánh nắng chiếu mạnh vào vị trí này. Trên những mái nhà, tác giả vẽ khá cụ thể với nét đậm, nhấn hình mái ngói, ô cửa ở đầu hồi, gần sát với mái nhà nhưng vẫn không khiến cho những chi tiết này bật ra khỏi tổng thể chung.

Với Ngày bình yên, Trần Khoa lựa chọn khoảng không gian lớn hơn, nhìn từ xa và sự vật trong tranh không quá cụ thể, chi tiết. Trong phong cảnh đó, bản làng với những mái nhà thấp thoáng trong những hàng cây, như chìm trong vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng. Tuy nhiên, sự tập trung độ đậm ở thân và cành cây, độ đậm của các mái nhà ghi dấu sự có mặt của những nếp nhà trong bản đồng thời làm tăng vẻ đẹp trắng sáng của tán cây.

Tổng thể bức tranh Ngày bình yên của Trần Khoa tạo nên phong cảnh bản làng với thiên nhiên trong gam màu nâu vàng, cho ta cảm nhận một mùa xuân ấm áp, bình yên đang về khắp nơi đây. Tranh Mùa xuân biên cương của Trần Duy Long lại có thể gây cảm giác hơi hụt hẫng vì sự không trọn vẹn, hơi thiếu chút ấm, mặc dù có vàng của nắng, hơi thiếu chút lạnh, mặc dù có mảng sẫm của cây cối, núi đồi và cũng thiếu bóng dáng của con người trong tranh, nhưng có lẽ đó là điều mà tác giả muốn gửi gắm về một vùng biên ải có chút buồn tẻ nhưng đâu đó còn nhiều sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ như mảng hoa lê chủ đạo trong tranh.

Với sơn dầu, tranh Buổi sáng ở bản Mông của Ngô Quang Dương (2010) sử dụng bút pháp tả thực, thể hiện một góc bản với những kiến trúc nhà trình tường của người Mông, tạo nên vẻ đẹp độc đáo, nguyên sơ ở nơi đây. Mặc dù tác giả thể hiện không gian mùa đông nhưng lại cho người xem cảm giác ấm áp qua nhờ màu sắc vàng, cam, nâu của những ngôi nhà trình tường xen lẫn màu xanh của cây và núi. Không chọn góc nhìn từ trên cao như nhiều tranh vẽ phong cảnh miền núi, làng bản khác, họa sĩ cắt cảnh nhìn từ một lối nhỏ mà vẫn thể hiện được một không gian dài rộng của bản. Sử dụng ưu thế nổi trội của chất liệu sơn dầu cho việc tả thực, tác giả đã mô tả những ngôi nhà trình tường được dựng lên hoàn toàn từ đá núi và đất. Hàng rào đá bao bọc mỗi ngôi nhà được dựng lên từ những viên đá xếp chồng lên nhau, tạo nên một bức tường vững chãi, kiên cố. Giữa những ngôi nhà, bên tường rào là một mảnh đất trồng rau ngập tràn sắc xanh với những hàng rào gỗ đơn sơ được ghép lại bằng tre, nứa. Mảng đậm được chạy nhịp khá khéo léo từ hình ảnh con đường cùng tường rào nhấp nhô đá xếp, dẫn đến cổng nhỏ trước khi vào sân và nhấn ở mảng đậm lớn tạo góc bóng đổ trên tường nhà. Màu xanh được phủ kín khung cảnh chan hòa giữa thiên nhiên cây cối, núi đồi với bản làng, với cuộc sống con người nơi đây. Sự gắn kết giữa những ngôi nhà xua tan đi vẻ lạnh giá, hoang sơ của núi rừng trùng điệp, cảm giác như mùa xuân sắp về, như khoác lên màu áo mới cho vạn vật. Những tảng đá gồ ghề được người dân sử dụng làm tường rào cũng trở nên có hồn và đầy sức sống hơn. Bên tường rào màu xám được nhấn thêm màu xanh của lá non, điểm xuyết màu vàng của hoa cải nở rộ. Sương trắng và tuyết phủ trên lá cây, cùng những điểm nhấn trắng sáng trên núi, cây, mái nhà, bức tường, con đường… tạo nên một khung cảnh vừa hiện thực, vừa lãng mạn.

Cùng sử dụng chất liệu sơn dầu nhưng tranh Làm kinh tế Homestay ở Y Tý của Phạm Văn Tuyến (2020) lại khai thác cận cảnh hơn, bố cục chủ đạo bằng hình ảnh chỉ một nếp nhà sàn cùng cảm giác giá lạnh của cuộc sống vùng núi quanh năm sương mù bao phủ, khí hậu khắc nghiệt. Lựa chọn khung cảnh của một buổi chiều muộn, độ đậm chuyển dần mái nhà đến mặt đất và bóng đổ với sắc nâu pha ghi xám, sắc trắng pha ghi bao phủ không gian từ bầu trời đến lá cây, tường nhà. Màu sáng được điểm trong tranh bằng những mảng nhỏ ở tường nhà, ở thân và lá cây chuối. Những người khách du lịch được vẽ có tỷ lệ nhỏ, mờ trong sương cùng không gian tông màu nâu, ghi, xám, trắng, càng thể hiện sự khắc nghiệt của thời tiết trong trời mùa đông trên núi cao.

Với tranh lụa, các tác giả khai thác cụ thể về cuộc sống ở bản làng nhiều hơn, mô tả đời sống người dân trong bản với những sinh hoạt bên gia đình. Tranh Chiều bình yên của Vũ Hữu Cương (2017) thể hiện một cô gái ở giữa khung cảnh thiên nhiên của bản làng trong buổi chiều tươi đẹp. Cô vận chiếc váy xòe, khăn đội đầu màu đỏ, sau lưng là chiếc gùi đã gắn bó với người dân vùng cao từ xa xưa, tay cô cầm một chiếc ô thể hiện dường như cô đã xong công việc của cả một ngày, trở về nhà với sinh hoạt của gia đình, bên vườn cây và đàn dê mà gia đình cô đang chăm sóc. Màu sắc trên trang phục của cô cho thấy sự lựa chọn tỉ mỉ của họa sĩ, tạo cho người xem vẻ tự nhiên, chân thực. Những màu hồng, đỏ ấm áp và nổi bật này còn được nhấn và lặp lại ở tấm váy đang phơi trên bờ rào phía đằng sau của nhân vật, tạo nên một nhịp điệu màu khá thú vị. Giá trị văn hóa độc đáo được thể hiện trong trang phục truyền thống, trong đời sống, lao động hằng ngày, trong không gian của từng gia đình nhỏ. Những giá trị văn hóa ấy đang sống cùng những bản làng, để dệt nên bức tranh văn hóa nhiều màu sắc và giàu bản sắc của bản làng miền núi phía Bắc.

Cùng chất liệu lụa, tranh Phong cảnh của Nguyễn Thùy Linh (2018) lại vẽ về bản làng trong một chiều hướng khác. Tác giả vẽ khung cảnh một bản của người Thái với những nếp nhà sàn san sát nhau, cùng soi bóng nước. Người Thái giàu kinh nghiệm trong lập bản dọc theo các con sông, suối để thuận cho nghề canh nông. Nhà sàn người Thái được xem là điểm nhấn văn hóa hay trung tâm của mọi sinh hoạt. Trong tranh, bên cạnh việc công phu đầu tư bố cục khá phức tạp để thể hiện được các nếp nhà sàn, thay đổi đậm nhạt và sắc thái từng mái nhà, tác giả còn miêu tả hình ảnh con người bên bếp lửa qua ô cửa, thể hiện sự am tường của bản thân họa sĩ bởi bếp rất được người Thái coi trọng, đời sống bên bếp lửa là một nét văn hóa đẹp của con người nơi đây.

Bản làng miền núi với những nhà sàn, cầu thang, bậc thang, cây, núi, nếu được diễn tả chỉ bằng chấm, vạch, nét... đòi hỏi dụng công của các họa sĩ chọn dòng tranh đồ họa khắc gỗ. Ở chất liệu này, nét vẽ cô đọng, truyền tải ngôn ngữ tạo hình với các sắc độ đen và trắng thay thế các mảng màu.

Tranh khắc gỗ đen trắng Chiều về bản của Bùi Văn Hòa (2014) là một trong những tác phẩm thành công trong chất liệu này. Sử dụng tiếng nói riêng với vẻ đẹp giản dị, cô đọng của khắc gỗ, tác giả lựa chọn bố cục khá đặc biệt, tạo nên một đường chéo trong tranh vẽ con dốc lên nhà. Phía trên con dốc, ngôi nhà mái ngói được khắc ở vị trí trung tâm, xung quanh có bếp, dây phơi váy áo, cây và một số vật dụng con người sử dụng trong sinh hoạt đã minh chứng những hiệu quả thẩm mỹ trong nghệ thuật đồ họa. Chỉ có đen và trắng, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được về ánh sáng, không gian, hình khối, thậm chí cả màu sắc qua việc bố trí hệ thống nét và phân mảng đậm nhạt. Cây chuối dưới dốc được chú ý diễn tả các lớp lá đậm nhạt khá phong phú. Hình ảnh con người được thể hiện qua bước chân lên dốc của một cô gái mặc váy dân tộc và một cô gái khác lấp ló giữa những hàng váy phơi trước sân nhà.

Tranh Trăng kim hỷ của Trần Giang Nam (2017) cho thấy sáng tác tranh khắc gỗ là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ. Nếu khắc gỗ đen trắng Chiều về bản của Bùi Văn Hòa cho thấy một cách làm quen thuộc với chất liệu này thì tranh khắc gỗ màu Trăng kim hỷ của Trần Giang Nam (2017) là một hướng tìm tòi rất mới trong cách in, khắc so với trước đây ở kỹ thuật in bản âm và dương. Tác giả chỉ sử dụng một bản âm của nét, kỹ thuật xử lý màu tốt, đem tới cảm nhận rất dung dị, gần gũi và trong trẻo. Lựa chọn bố cục zích zắc và hướng nhìn từ trên cao xuống, tác giả thể hiện không gian vào ban đêm ở bản. 

Tất cả được bao phủ trong bóng tối huyền ảo, ánh sáng tập trung ở con đường chạy giữa bản, các ngôi nhà sàn nối nhau, đối xứng qua con đường. Thớ gỗ, chất màu tạo nên những hiệu quả bất ngờ khi sự mờ ảo chuyển tầm mắt từ những mái nhà đến vùng sáng chủ đạo. Tác giả sử dụng màu trắng xen lẫn chút màu vàng, cam, nâu, gợi lên chút ấm áp trong đêm vắng trong bản làng vùng cao.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, sự phát triển của đất nước cùng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo nên những thay đổi, làm mất đi nhiều cảnh sắc thuần Việt ở các làng quê, các vùng ngoại thành. Nhưng ở vùng cao các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn giữ được vẻ đẹp thuần túy, hoang sơ của tự nhiên và đặc trưng của kiến trúc truyền thống. Phong cảnh thay đổi theo mùa với hoa và màu xanh núi rừng luôn được xem như một nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều họa sĩ sáng tác chuyên chú với đề tài tranh phong cảnh. Tập trung ở nghệ thuật sử dụng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối để tạo nên hình ảnh bản làng với những nếp nhà sàn, nhà trình tường cùng đời sống sinh hoạt, cảnh sắc vùng miền, các họa sĩ đã giúp công chúng cả nước thấy được vẻ đẹp tạo hình trong hội họa. Từ đó, kết hợp với cảm nhận riêng, mỗi chúng ta càng thấy được giá trị thẩm mỹ của văn hóa truyền thống, khiến mỗi người càng thấy yêu thêm quê hương đất nước Việt Nam tươi đẹp.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Minh Của, Giá trị về màu sắc trong tranh của các họa sĩ vẽ về miền núi, luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2009.

2. Lưu Thị Điểm, Một vài cảm nghĩ về đề tài miền núi, luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hội họa, Trường Đại Mỹ thuật Hà Nội, Hà Nội, 2005.

3. Nguyễn Thị Thu Hường, Vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh phong cảnh vùng cao giai đoạn 2000-2015 vào dạy học phân môn Vẽ tranh ở trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng, thành phố Ninh Bình, luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn mỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội, 2020.

Ths ĐỖ MẠNH HẢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;