Nói đến Huế là nói đến không gian văn hóa được kết tinh qua thời gian hàng trăm năm. Huế không chỉ đẹp bởi phong cảnh thiên nhiên non nước hữu tình, là vùng đất của thơ, ca, nhạc, họa mà còn nổi tiếng bởi một quần thể di tích lăng tẩm, đền đài hình thành từ các triều đại vua chúa triều Nguyễn, một kiến trúc cung đình hoàn chỉnh, được thế giới công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Trong đó, tranh gương cung đình Huế là một loại hình nghệ thuật khá đặc sắc và độc đáo, vừa có tính vật thể, vừa mang tính phi vật thể, được bảo tồn và lưu giữ giá trị cho đến ngày nay.
1. Lịch sử tranh gương cung đình Huế
Xuất xứ
Theo các nhà nghiên cứu, tranh gương cung đình Huế xuất xứ từ Trung Quốc. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng có các nguồn xuất xứ khác, tuy nhiên những nghiên cứu và tìm hiểu cũng chưa đầy đủ. Nói rằng tranh gương cố đô Huế xuất xứ từ Trung Quốc, nguyên là vua Thiệu Trị vào thời gian từ (1841-1847) có tập thơ Thần kinh nhị thập cảnh, vịnh 20 bài về cảnh đẹp của đất kinh kỳ, đã gửi các bài thơ này qua Trung Quốc đặt vẽ. Mỗi bài thơ được thể hiện thành một bức tranh gương, sau đó mang về treo tại các miến điện. Tuy nhiên, GS Chu Quang Trứ lại chỉ ra rằng, tranh gương có đến 3 nguồn xuất xứ:
Loại tranh gương thứ nhất gắn liền với các bài thơ ngự chế có đề rõ niên đại “Thiệu Trị Ất Tỵ” (1845), là loại tranh do triều đình Huế đặt hàng tại Trung Quốc. Đây là các bức tranh có giá trị nhất và được xếp vào loại tranh cao cấp.
Loại tranh thứ hai không đề thơ nhưng có chủ đề tranh, chủ yếu thể hiện các tích truyện lịch sử của Trung Hoa như: Nhậm dụng tam kiệt, Chiêu nho giảng kinh, Dạ phân giảng kinh…, hiện được treo tại lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức… cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đây là loại tranh do người Trung Quốc vẽ sẵn, bày bán ở các hiệu được sứ bộ của triều đình nhà Nguyễn sang nhà Thanh mua về.
Loại tranh thứ ba là tranh vẽ tĩnh vật, thường vẽ về đề tài các loại hoa quả, lễ vật, có đầy đủ các màu sắc tâm linh. Với người thưởng tranh, những bức tranh này có thể chỉ đơn thuần là cảnh đẹp của thiên nhiên, của non nước hữu tình, nhưng với những nhà nghiên cứu, bên cạnh giá trị nghệ thuật, mỗi bức tranh gương chính là giai thoại lịch sử quan trọng để phục dựng, trùng tu các di tích có liên quan.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, tác giả của công trình Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, lại cho rằng, tất cả các tranh gương cung đình Huế đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, do triều Nguyễn đặt hàng từ cơ sở sản xuất tranh gương dân gian tại vùng Hoa Nam, đây là một ý kiến có sức thuyết phục hơn cả. Ông cho rằng tất cả các bức tranh đều được đặt hàng trước tại Trung Quốc, sau khi về Huế mới viết thơ vào sau.
Nơi trưng bày và bảo tồn tranh gương cung đình Huế
Phần lớn tranh gương cung đình Huế được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật Kinh thành Huế, treo ở Đại Nội Huế và trong các lăng tẩm, như lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh hay lăng Thiệu Trị… Hiện nay, theo thống kê của Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế, số lượng tranh gương còn khoảng 100 bức. Hiện có 19 bức, trong đó 6 bức là tranh đề thơ ngự chế treo ở điện Long An, tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng còn lưu trữ 13 bức tranh khác nhưng 9 bức chỉ còn khung tranh, 4 bức tranh còn lại đều đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Cung Diên Thọ hiện có 8 bức đều treo ở điện chính và ở lăng Tự Đức đang treo 24 bức tại 2 điện Hòa Khiêm và Lương Khiêm. 23 bức hiện đang treo ở lăng Thiệu Trị, trong đó gồm 17 bức vẽ tĩnh vật, chủ đề bát bửu cổ đồ, 4 bức tranh lớn chia ô trang trí, 2 bức tranh thơ treo tại chính điện. Tại điện Ngưng Hy ở lăng Đồng Khánh, hiện có 10 bức tranh gương, tất cả đều là tranh vẽ tĩnh vật cổ đồ bát bửu. Tại điện Huệ Nam, hiện có 2 bức tranh gương treo tại nội điện nhưng do lâu ngày khói hương bám đen nên không đọc được. Tại Khoa Sử, Trường Đại học Khoa học Huế đang lưu giữ 2 bức tranh thơ. Điện Sùng Ân ở lăng Minh Mạng hiện đang treo bức tranh tĩnh vật, không đề thơ. Chùa Bảo Quốc cũng có 2 bức tranh gương vẽ tĩnh vật cổ đồ bát bửu, nguồn gốc có thể từ chốn cung đình ra (do các bà thái hậu tặng).
2. Đặc trưng về kỹ thuật và chất liệu thực hiện tranh gương cung đình Huế
Tranh gương cung đình Huế mang giá trị thẩm mỹ rất cao, xét về góc độ nghệ thuật phải nói đến cái nhìn mang tính tổng thể, từ chất liệu, cách vẽ đặc sắc cùng với nội dung phong phú và tinh tế, mỗi bức tranh đều toát lên một nét độc đáo riêng biệt, ẩn chứa bên trong những ý tưởng thăng hoa, ý vị thoáng nhã của cung đình triều Nguyễn. Những bức tranh gương cung đình vẽ về phong cảnh thiên nhiên, cảnh đẹp thơ mộng hữu tình hay một nét sinh hoạt trong nội cung nhà Nguyễn. Về chất liệu, loại tranh này dùng chất liệu là màu bột pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương (vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối phản họa lên mặt gương, tức là vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản). Bởi vậy, kỹ thuật vẽ ngược chiều trên tranh gương đòi hỏi các nghệ nhân, họa sĩ phải có bàn tay tài hoa và có một trí tưởng tượng hết sức phong phú, đa chiều mới có thể thực hiện được.
Tranh gương tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - Ảnh: Khánh Trang
Nhìn chung, các bức tranh gương cung đình được trang trí tỉ mỉ, lồng trong khung sơn thiếp vàng chạm nổi những chi tiết hoa trái, mây trời, thể hiện sự quyền quý của chất liệu màu sơn phát quang lan tỏa giữa một không gian cổ kính, uy nghiêm tại các lăng tẩm, điện thờ hay miếu đường…
3. Nội dung và một số đề tài tiêu biểu trong tranh gương cung đình Huế
Về cơ bản, chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế được chia làm 3 loại chính:
Dòng tranh gương cao cấp
Đó là tranh đề thơ ngự chế, là loại tranh vịnh cảnh. Các tác phẩm của dòng tranh này gần như còn khá nguyên vẹn, các bức tranh vẽ về phong cảnh của đất thần kinh như: chùa Thiên Mụ, Vĩnh Thiệu Phương Văn (vườn Thiệu Phương), Thường mậu quan cảnh… Tất cả những bức tranh đều ca ngợi cảnh đẹp hữu tình thơ mộng của xứ Huế, kết hợp ăn khớp với các tác phẩm thơ bên cạnh và các bài thơ vịnh theo mùa trong năm của nhà vua.
Các bức tranh gương được các nhà nghiên cứu dịch từ tiếng Hán sang tiếng Nôm và tiếng Việt. Một trong những tác phẩm thể hiện được chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế là bức tranh minh họa bài thơ Sơn tủng tùng đình (Cảnh đẹp của ngôi đình và rừng tùng trên núi Thọ An) của vua Thiệu Trị (1844), tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Dòng tranh gương bích họa lịch sử nho giáo
Mặc dù kỹ thuật vẽ không cầu kỳ bằng dòng tranh gương cao cấp chế ngự vịnh cảnh nhưng nhìn vào dòng tranh này vẫn thấy một sự đầu tư kỹ lưỡng về đường nét và màu sắc. Loại tranh này không đề thơ nhưng có đề rõ chủ đề tranh, đây là loại tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa nói về Hán Cao Tổ dùng 3 người tài như: Nhậm dụng tam kiệt, Chiêu nho giảng kinh, Dạ phân giảng kinh… Về kỹ thuật, tuy không kỹ bằng những bức tranh có thơ Ngự chế, nhưng cũng được trau chuốt tỉ mỉ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bức tranh đang được lưu giữ cẩn thận ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và các lăng trong di tích.
Dòng tranh gương đề tài về bát bửu cổ đồ
Vẽ về các loại hoa quả, các lễ vật trên các mâm ngũ quả, gọi là tranh tĩnh vật, nhìn vào như một bàn thờ có đầy đủ các lễ vật đủ màu sắc tâm linh… Một số nhà nghiên cứu ở Huế đánh giá khá cao chất lượng nghệ thuật của các bức tranh gương thuộc loại vẽ về bát bửu cổ đồ: “Sự hiện diện của tranh gương tĩnh vật thời Nguyễn được chứng tỏ qua 10 bức tranh gương cỡ 50x60cm, treo trên tường các cột ngoài của chính điện lăng Đồng Khánh. Họa tiết gồm bình hoa quả phẩm, lư trầm hay nghiên bút… đặt trên những chiếc kỷ biến đổi nhiều dáng, được viền bằng những đường hồi văn; màu sắc phong phú, thường là màu nền khói hương, hoặc xanh da trời, hoặc đen huyền, trên đó nổi bật màu đỏ chu của lỷ, màu xanh ngọc của bình hoa… làm cho bức tranh tĩnh vật nào cũng lộng lẫy mà có duyên thầm” (3).
Như đã đề cập ở trên, giá trị nghệ thuật của tranh gương không chỉ ở lối vẽ tài hoa, chất liệu hay bố cục của bức tranh mà ở đây, mỗi bức tranh gương toát lên một thần thái thu hút sự chú ý đặc biệt của tác phẩm, hướng sự cảm nhận của người xem đến cái đẹp hoàn mỹ, cái chân thiện mỹ trong cuộc sống. Những tác phẩm tranh gương cung đình được dựa trên cái nhìn xa trông rộng về xã hội phong kiến. Tất cả khung cảnh thiên nhiên hay nhân tạo trong bức tranh đều được ôm trọn, được bảo vệ dưới một bầu trời có những đám mây uốn lượn bồng bềnh, trông rất mạnh mẽ… Điều đó cho thấy các bức tranh gương thể hiện sự ca tụng sức mạnh của triều đình nhà Nguyễn, ca tụng sự trị vì, bao bọc ngự trị cao cả nhằm đem lại cuộc sống ấm no, tươi đẹp cho người dân Đại Nam của vua chúa Nhà Nguyễn thời bấy giờ. Đó chính là giá trị nghệ thuật của tranh gương cung đình Huế đã được khẳng định.
Bên cạnh tranh gương cung đình còn có loại tranh gương dân gian, dòng tranh này cũng rất quý và có những nét đặc trưng riêng. Đây là những bức tranh gương vốn thuộc sở hữu của giới quý tộc, thượng lưu quan lại… được những người thợ ở Huế vẽ về các đề tài đa dạng như: tích tuồng, phong cảnh đẹp của Huế, đồng quê, làng mạc hay cảnh sinh hoạt dân dã…
Kết luận
Có thể nói dù là dòng tranh nào trong tranh gương cung đình Huế, vẫn toát lên nét tài hoa, độc đáo, tinh tế, riêng biệt do bàn tay điêu luyện tài tình của các nghệ nhân, các thợ vẽ thời vàng son nhà Nguyễn. Đó chính là giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ và lịch sử đã trường tồn qua năm tháng lưu truyền cho đến ngày nay.
Để lưu giữ tranh gương cung đình Huế đã song hành cùng thời gian hàng trăm năm nay, công tác bảo tồn và lưu giữ phải cần được chú trọng và có biện pháp khôi phục kịp thời. Để có thể có những phương án bảo tồn lưu giữ nguyên vẹn các tác phẩm tranh gương độc đáo, đặc sắc, giá trị, này cần có những nghiên cứu và đầu tư phù hợp của các nhà nghiên cứu và chính quyền sở tại, phải có sự chung tay, tâm huyết thì mới có thể bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử của các tác phẩm tranh gương cung đình Huế.
Việc bảo tồn những giá trị xưa cũ cũng chính là bảo tồn và lưu giữ truyền thống dân tộc, hướng về văn hóa nghệ thuật cội nguồn mà loại hình nghệ thuật tranh gương cung đình Huế là một minh chứng. Không những nó có một giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ và sự độc đáo riêng biệt mà còn mang giá trị tinh thần của một dân tộc, của một vùng đất, phản ánh những tinh hoa trí tuệ của cha ông đi trước, để thế hệ con cháu đời sau tiếp nối phát huy và lưu truyền mãi mãi.
Tài liệu tham khảo
1. hueworldheritage.org.vn.
2. Nguyễn Tiến Cảnh (chủ biên), Mỹ thuật Huế, Viện Mỹ thuật - Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, 1992, tr.107-109.
3. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992, tr.167.
Tác giả: Ths Trương Thị Khánh Trang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021