Không gian trong bộ tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ

Katsushika Hokusai (1760-1849) là một trong những họa sĩ tiêu biểu của Nhật Bản đặc biệt thành công ở thể loại tranh khắc gỗ. Với cái nhìn khác biệt cùng cách thể hiện tinh tế về cảnh đẹp của Nhật Bản trong tranh phong cảnh, Katsushika Hokusai đã tạo dựng cho bộ tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ một đời sống và giá trị thẩm mỹ riêng qua cách thể hiện không gian vô cùng đặc biệt.

 

Tranh khắc gỗ đã có mặt từ rất lâu và đóng vai trò quan trọng mang tính biểu tượng của nghệ thuật Nhật Bản. Những bậc thầy như Katsushika Hokusai đã tạo nên nhiều kiệt tác, còn nguyên giá trị nghệ thuật cho đến ngày nay. Ông nổi tiếng với tranh phong cảnh thác nước, cầu, núi… đặc biệt là núi Phú Sĩ.

Trong khi xu hướng chung thời đó, những người chuyên in tranh khắc gỗ ít quan tâm đến chiều sâu và không gian, họ ưa chuộng hình dạng mạnh mẽ, thiết kế tạo hình và đường nét táo bạo thì Katsushika Hokusai lại luôn muốn đạt được cảm giác thực tế về phối cảnh. Bộ tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ là một minh chứng cho thành công của ông trong vấn đề tạo lập phối cảnh, chú trọng không gian khi thể hiện đề tài phong cảnh nói chung và về núi Phú Sĩ nói riêng. Katsushika Hokusai bước vào con đường nghệ thuật như một người thợ chạm và khắc. Trong quá trình lao động, Hokusai ngày càng am hiểu nghệ thuật Ukiyo-e và nghiên cứu thêm về nghệ thuật phương Tây. Năm 1798, ông bắt đầu tập trung vẽ tranh phong cảnh, ông nghiên cứu tranh Trung Hoa và minh họa sách. Năm 1820, ông xuất bản loạt tranh màu Phản chiếu từ thơ, 100 đuôi cá nhám. Họa sĩ Hokusai được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của loạt tranh khắc gỗ Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ (1831). Với 30.000 tác phẩm, tên tuổi Hokusai đã được ghi vào danh sách các họa sĩ nổi tiếng toàn thế giới. Ông khiến người ta kinh ngạc bởi năng lực sáng tạo mạnh mẽ, không mệt mỏi trong suốt cuộc đời nghệ thuật.

Núi Phú Sĩ được coi là đề tài ưa thích nhất của Katsushika Hokusai. Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ là điểm sáng trong tranh phong cảnh Nhật Bản và cũng là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. Hokusai dành nhiều tâm sức để thể hiện mọi khía cạnh của ngọn núi với những ám ảnh của mình. Trong tranh ông, ngọn núi có khi lặng lẽ, thanh cao sau những cánh đồng lúa xanh, khi lại hùng vĩ trên nền trời màu tím, cũng có lúc đỏ như một cơn cuồng nộ hoặc hiện ra nhỏ bé, khuất sau những cơn sóng dữ. Điểm đặc trưng trong tranh của Hokusai ban đầu là những nét uyển chuyển tự do, sau chuyển thành các đường khắc mạnh mẽ với màu sắc trầm buồn, nhưng luôn khúc chiết. Màu sắc trong tranh của Hokusai khiêm nhã, đóng vai trò không lớn. Bố cục trong tranh Hokusai lấy đường nét làm xương sống, màu sắc chỉ mang tính điểm xuyết, trang trí thêm. Dù với hình ảnh nào thì Phú Sĩ vẫn toát lên vẽ kiên cường, bất khuất như con người và dân tộc Nhật Bản, nhất là qua cách thể hiện không gian vô cùng đặc biệt trong bộ tranh này của ông. Chúng ta cùng điểm qua một số bức tranh thuộc bộ tranh này của ông.

Bức tranh Sóng lừng ở Kanagawa đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản và xuất hiện phổ biến trên bình diện quốc tế. Tác phẩm thể hiện được quan niệm, triết lý sáng tạo của người họa sĩ ở xứ sở động đất, sóng thần bên cạnh vẻ đẹp sâu lắng của hoa anh đào. Bằng lối sử dụng tinh tế về nét, mảng hết sức cô đọng, họa sĩ Katsushika Hokusai đã sáng tạo tác phẩm có giá trị thẩm mỹ và tính tư tưởng vô cùng to lớn. Lớp cảnh đầu tiên được thể hiện với con sóng nhô lên hình ngọn núi. Lớp hai được tiếp tục bởi con sóng dữ tợn chồm lên. Lớp thứ ba là con thuyền nhỏ phía xa. Lớp thứ tư chính là ngọn núi Phú Sĩ. Các lớp cảnh tuy nằm ở độ sâu khác nhau nhưng lại bố cục đan xen vào nhau, tương tác lẫn nhau mặc dù không có đường liên hệ giữa chúng. Thực ra ở đây, Hokusai có sử dụng thủ pháp “láy” trong hội họa, đó là “láy” (hay gợi lại) hình ảnh của núi trong sóng, hình ảnh của sóng trong mây. Con sóng thần nơi tiền cảnh nở tung ra thành vô số những dòng nước li ti, sủi bọt treo lơ lửng trên cao vươn ra như những móng vuốt của mãnh long cuồng nộ, làm cho những người dân bên dưới hãi hùng. Nếu để ý ngọn sóng thấp hơn ở góc dưới, chúng ta thấy rằng những đường gấp khúc thoạt nhìn chỉ để mô tả cấu trúc bề mặt của con sóng, nhưng tiết tấu gấp khúc liên tiếp tạo ra nhịp điệu gấp gáp, tương phản với tiết tấu duỗi dài cùng những vệt song song ở ngọn sóng trung tâm đang vươn đến đỉnh điểm cao nhất. Sự tương phản này làm nên nhịp điệu đặc trưng của biển cả. Tuy thể hiện con sóng với bố cục hình tam giác, nhưng trong đó, hướng dịch chuyển và vị trí của chúng tạo thành hai cung tròn mà điểm giao nhau là ở mũi thuyền bên trái. Thoạt đầu, bố cục này không có vẻ gì là đặc biệt, nhưng ngay khi người xem tìm cách nắm bắt toàn cảnh bức tranh, mắt nhìn sẽ không tránh khỏi dao động, dịch chuyển qua lại trên hai cung tròn. Điều này tạo thêm một yếu tố làm thành giai điệu dập dồn cho biển cả. Hokusai đã đưa tác phẩm của mình đến sự tuyệt đỉnh của thăng hoa trong chiêm ngưỡng nghệ thuật, một sự kết hợp giữa cái hùng vĩ và cái nhỏ bé, giữa hiện thực của thiên nhiên và cái thấp bé của con người xoáy sâu vào trong ngọn sóng thần. Nhưng giá trị vĩ đại mà Katsushika Hokusai tạo nên trong bức tranh này là hình ảnh con người nhỏ bé không bị nhấn chìm vào sóng nước; ông khắc họa hình tượng con thuyền vượt trên sóng để qua những nguy kịch của thiên tai. Phải chăng, đó là tuyên ngôn, triết lý sống của con người Nhật Bản, biểu hiện một giá trị sống, một tinh thần không khuất phục giữa hoạn nạn thiên tai...

Katsushika Hokusai, Sóng lừng ở Kanagawa

Nguồn: internet

Thủ pháp nghệ thuật của Katsushika Hokusai không dừng lại ở mảng đề tài có tính đặc trưng của những ngọn sóng lớn, tác giả đã đi sâu vào đời sống xã hội đương thời của mình để phản ánh giá trị cuộc sống, dưới sự khắc chạm hết sức tinh tế. Ở một số sáng tác khác trong bộ tranh, Katsushika Hokusai bám sát vào những hoạt cảnh lao động có tính cực nhọc của người Nhật, sự mạo hiểm phiêu lưu của bản tính con người Nhật: Đi qua cầu treo, Nông phu dắt bò trở về, Người đánh cá ở bờ biển… Bức Dưới chân núi cho ta thấy một cơn bão với sấm sét giăng khắp trời, những đám mây dày đặc, cùng với một cơn mưa đột ngột. Hokusai đã đưa tới một ấn tượng không gian về đêm của núi Phú Sĩ. Đối lập cảnh được nhìn trải dài từ bên trái của núi, những đám mây ôm chặt lấy sườn núi, hình dáng kỳ quái, trông thật hung dữ và đáng sợ. Sự tương phản màu đen và đỏ làm tăng sự căng thẳng trong tranh.

Ở hai bức Những chiếc thuyền đáy bằng, Dưới vòm sóng ngoài khơi Kanagawa, núi được miêu tả ở bên bờ biển Kanagawa. Những con thuyền nhỏ như đang bị con sóng khổng lồ nhấn chìm, đánh bật các thủy thủ, cho thấy một ấn tượng sinh động về sức mạnh của thiên nhiên và khả năng của con người.

Để tạo chiều sâu trong không gian cho tranh phong cảnh, người vẽ thường chọn các cách thể hiện sau: tạo các đường về phía chân trời hoặc tạo các lớp cảnh đè lên nhau, hoặc kết hợp cả hai. Tranh phong cảnh châu Âu vì chú ý đến luật phối cảnh và hội họa Trung Hoa, vì coi trọng dòng khí trong tranh nên họ hay sử dụng các đường liên hệ theo chiều sâu. Nhưng với tranh Nhật Bản, đặc biệt là tranh khắc gỗ, các họa sĩ thường tạo cảm giác tương phản gần xa qua các lớp cảnh. Điều này thể hiện rõ trong một số tác phẩm thuộc bộ tranh khắc gỗ Ba mươi cảnh núi Phú Sĩ của Katsushika Hokusai nếu ta phân tích cấu trúc không gian. Trong các ví dụ dưới đây ta khó có thể xác định rằng Hokusai muốn tả cảnh sinh hoạt ở gần hay là cảnh núi Phú Sĩ phía xa.

Ở tranh Vượt đèo Misimagoe, cây cổ thụ được đóng ngay giữa tranh để tạo không gian mở ở hai bên. Ở lớp cảnh thứ hai có tảng đá bên trái, ở lớp ba có núi Phú Sĩ. Cách đặt cây ngay giữa bố cục như thế này được dùng rất ít vì nó dễ tạo cảm giác tức mắt cho người xem. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Hokusai đã thành công khi ông muốn tả một cây cổ thụ sừng sững. Bức Cầu Mannen ở Fukugawa lại có lớp cảnh đầu tiên rất đặc biệt: những nét cầu được biểu đạt nhẹ nhàng, mỏng manh để mở một không gian rộng lớn phía xa, nơi có núi Phú Sĩ. Chiếc cầu vồng cao lên tạo ra một khoảng trống ở giữa để thị giác người xem hướng vào, như thể một phong cảnh được nhìn qua khung cửa sổ.

Với bức Bãi biển Tagonoura, Katsushika Hokusai tạo ba lớp cảnh tách hẳn nhau ra bằng các mảng màu đều xen giữa, đó là bãi biển (tách lớp cảnh bắt cá và cảnh làng chài) và mây (tách lớp cảnh làng chài và lớp cảnh núi Phú Sĩ). Tuy nhiên, một lần nữa, ông sử dụng thủ pháp “láy” để nối các lớp cảnh thành một thể thống nhất: hình núi “láy” hình thuyền, hình mây “láy” hình bờ biển khiến bức tranh như một bài thơ. Ở bức Làng Hodogai, Hokusai tạo lớp cảnh gần gồm cảnh sinh hoạt và các thân cây bao trùm toàn bộ bức tranh. Tiếp theo, ông hướng thị giác của người xem ra ngoài cuộc sống nhộn nhịp bằng hình ảnh núi Phú Sĩ âm thầm và mạnh mẽ như một giáo chủ ở lớp cảnh phía xa. Ở bức tranh này, họa sĩ tạo mối liên hệ giữa các lớp cảnh bằng nhịp điệu: nhịp điệu trong hành động của nhóm người, nhịp trong tư thế của các cây và nhịp của mảng tuyết phủ phía xa. Bức tranh gợi cho ta một bản nhạc gồm ba bè âm: bè trầm nhỏ (cảnh núi phía xa), bè cao và sống động (hàng cây), và bè trung có cường độ mạnh và tự do (cảnh sinh hoạt con người).

Cái tài tình của Hokusai trong thể loại tranh phong cảnh chính là khả năng vượt lên trên cả sự sao chép thiên nhiên một cách chính xác từng chi tiết, đưa tác phẩm của ông trở thành những kiệt tác nghệ thuật. Tác phẩm của ông thể hiện sự phong phú về thế giới phương Đông, hình tượng trong tranh bao giờ cũng được khái quát cao, nét vẽ khỏe mà dịu dàng. Tuy có làm quen với lối vẽ theo luật viễn cận và tạo tối sáng của châu Âu, nhưng trong lĩnh vực dùng màu, ông vẫn theo những nguyên tắc của lối trang trí truyền thống dân tộc, rất thích đặt màu bằng trên mặt phẳng, không pha trộn màu nhưng vẫn đạt được sự phối hợp nhịp nhàng.

Mỗi hình tượng nghệ thuật mà họa sĩ lựa chọn đưa vào tranh khiến người ta thường liên tưởng tới bối cảnh sáng tác, mặc dù có thể chúng luôn thu hút sự quan tâm của họa sĩ từ trước đó rất lâu. Vì vậy, có lẽ Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ không đơn thuần chỉ để biểu đạt một tâm tư cụ thể nhất thời nào đó, mà là kết quả của một quá trình chiêm nghiệm. Một trong những ấn tượng dễ thấy nhất ở bộ tranh này là thủ pháp diễn tả không gian khi mô tả khung cảnh những con thuyền đang vật lộn sinh tử trong cơn biển động dữ dội, hay những con người đang vất vả mưu sinh. Đi cùng những lớp cảnh đặc biệt là một hòa sắc trầm dịu, phối hợp ăn ý, thể hiện một sự chiêm nghiệm trong tâm tưởng rất đặc trưng của phương Đông: đối diện với những gian nguy bằng tinh thần tĩnh tại. Mặc dù, đôi khi, đi theo mạch của bộ tranh, một số tác phẩm phản ánh sự tương tranh căng thẳng giữa tạo hóa và con người, mà cụ thể ở đây là con người Nhật Bản. Tranh Hokusai thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên không đơn thuần chỉ có sự đối đầu mà còn có cả sự nương tựa và tùy biến linh hoạt. Những ngư dân trong tranh không thể hiện ra ngoài sự hoảng loạn. Tư thế gò lưng đều tăm tắp cho thấy tính kỷ luật và đoàn kết vượt qua khó khăn, một đặc trưng của tinh thần con người Nhật Bản. Hình ảnh núi Phú Sĩ có thể gần ngay trước mặt hoặc ở phía xa cùng với ý đồ sáng tạo của tác giả muốn tạo ra ấn tượng về tính nhất thời của từng khoảnh khắc sẽ qua đi.

Katsushika Hokusai vẽ rất nhiều chủ đề từ những bức tranh đạo Phật tôn kính, từ những tranh biếm họa hài hước đến sự ma quái dị dạng, từ những nhành cây, ngọn cỏ đến phong cảnh hùng vĩ. Tất cả cứ hiển hiện dần dần trước mắt người thưởng tranh về một đất nước Nhật Bản tươi đẹp mà kiên cường. Trong 89 năm cuộc đời, với nghị lực và sức làm việc, sáng tạo phi thường, luôn luôn chăm chút và hoàn thiện nghệ thuật của mình, ông xứng đáng với tên gọi “Cuồng họa gia” như ông từng nhận. Điều kỳ diệu ở Hokusai là với những thủ pháp đặc biệt trong diễn tả không gian, ông đã tạo nên một ảnh hưởng lâu dài với nghệ thuật thế giới với bộ tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ.

 

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Công Luận, Lưu Yên, Hội họa cổ Trung Hoa, Nhật Bản, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1993.

2. Vương Hoằng Lực, Nguyên lý hội họa đen trắng, Nxb

3. Mỹ thuật, Hà Nội, 2007.

4. Nguyễn Quân, Ngôn ngữ hình và sắc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.

Tác giả: TS Phạm Minh Phong

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

;