Ký họa có thể được hiểu là một cách ghi chép (lại thực tế trước mắt) bằng nét, màu trên giấy với công cụ là bút sắt, bút lông hoặc bút chì. Trong thời kỳ kháng chiến, điều kiện vật chất còn thiếu thốn, nhiều họa sĩ đã sử dụng phương pháp ký họa, như những cuốn nhật ký, ghi lại câu chuyện đời sống. Kể cả trong giai đoạn đất nước đổi mới, nhiều họa sĩ cũng yêu thích ký họa như một nhu cầu ghi chép không thể thiếu trong quá trình sáng tác của mình.
Ký họa thường mô tả hoặc ghi lại một thời điểm, khoảnh khắc, hiện tượng cảnh và vật của một sự việc, đang diễn ra trong không gian và thời gian nhất định. Nội dung bài viết đặt vấn đề nghiên cứu ký họa của họa sĩ Trần Huy Oánh. Qua đó, khẳng định khả năng sáng tạo và ghi nhận sự đóng góp của họa sĩ trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Khái quát về họa sĩ Trần Huy Oánh
Họa sĩ Trần Huy Oánh sinh năm 1937 tại tỉnh Hà Nam. Ông từng học các khóa từ trung cấp đến đại học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1), chuyên ngành Hội họa. Sau khi tốt nghiệp, ông làm giảng viên tại trường và trải qua nhiều năm làm cán bộ, từ Chủ nhiệm khoa Hội họa đến Phó Hiệu trưởng nhà trường. Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý. Đặc biệt, năm 1970, ông đã đạt giải Nhất của Trung ương Đoàn, với bức tranh cổ động Bác cùng chúng cháu hành quân (đồng tác giả với họa sĩ Nguyễn Thụ).
Với bút pháp hiện thực, nhiều sáng tác của họa sĩ Trần Huy Oánh thể hiện sự phóng khoáng cũng như luôn ca ngợi vẻ đẹp, tình yêu quê hương đất nước. Trên chất liệu lụa, ông khai thác các chủ đề bình dị của con người, như hình ảnh sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Với tranh sơn dầu, họa sĩ thể hiện nhiều cách tiếp cận, như chân dung, phong cảnh… và cũng thường có hình ảnh của con người.
Họa sĩ Trần Huy Oánh có những chuyến đi sáng tác thực tế dài ngày, để ông có điều kiện trải nghiệm với những ghi chép làm nguồn sáng tác tranh của ông. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họa sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, bao gồm ký họa mang tính cổ động, thấm đẫm tinh thần nhân văn sâu sắc. Từ những chuyến đi này, họa sĩ có một kho báu khổng lồ về sự nghiệp sáng tác: “Họa sĩ Huy Oánh chấp nhận những cuộc đi thực tế. Ra trường, ông đến ngay công trường than Quảng Ninh, nơi ấy với những con người trong động tác lao động cực nhọc, bộ mặt lem luốc khói than bụi bặm. Ông quan sát những cơ thể đẹp trong lao động: Đẩy xe gòong, cuốc than… đã chứng minh sự quan sát tinh tường của ông” (2).
Mỗi nơi họa sĩ đặt chân đến, ông đều ghi dấu nhiều thời điểm, khoảnh khắc vào tranh cùng những tác phẩm ký họa chân thực nhất. Hình ảnh ký họa về bộ đội trong rừng, trong lán trại, trong hang trú ẩn, các bà mẹ Vân Kiều, anh lính thông tin, o giao liên, các nữ chiến sĩ, cảnh sinh hoạt của bộ đội và những ngư dân vùng biển (3)..., tất cả được diễn tả chân thực, sinh động, hào hứng với nhiều cảm xúc bình dị. Ông cũng sử dụng đa dạng gam màu để diễn tả rêu phong, bụi đường mờ đục, như lá rừng, suối cạn, như son đất đỏ...
Một số thể loại ký họa của Trần Huy Oánh
Ký họa chân dung
Họa sĩ Trần Huy Oánh thường ký họa trực tiếp chân dung những nhân vật mà ông từng được tiếp xúc trong sinh hoạt đời thường. Ông cũng là người từng xông pha ngoài chiến trường chống Mỹ, ghi dấu những bước đi oanh liệt của quân và dân ta. Những ký họa thời chiến của ông hết sức sống động, có giá trị nghệ thuật cao, được xem như một sưu tập chân dung lịch sử.
Quân giải phóng nữ là hình ảnh nữ quân giải phóng với vẻ đẹp của dáng người khỏe khoắn, đầu đội khăn rằn, bàn tay nắm chặt quai súng, gương mặt tươi trẻ, hồn hậu với tư thế đứng nghiêm nghị. Trong ký họa Tiếng sáo người lính bên lèn đá, anh lính đang nghỉ ngơi, ngồi thổi sáo, tinh thần lạc quan yêu đời, súng không còn vác trên vai nữa mà sự bình thản toát lên từ gương mặt, dáng vẻ. Chân dung Lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi máy bay Mỹ là bức ký họa bằng chất liệu màu nước với kỹ thuật chỉ dùng một màu đen, có chuyển tông đậm - nhạt, làm cho sự biến điệu của sắc độ vô cùng tinh tế mà vẫn đảm bảo yếu tố hiện thực. Khuôn mặt lão dân quân dạn dày nắng, gió và chiến tranh khốc liệt.
Nét nổi bật nhất trong mảng ký họa chân dung của họa sĩ Trần Huy Oánh là sự khỏe khoắn, vững chãi ở hình thể. Đường nét dứt khoát, bút pháp phóng khoáng tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng biệt của ông.
Ký họa về sinh hoạt thường nhật
Cùng với hàng loạt ký họa chân dung, mảng ký họa cảnh sinh hoạt thời chiến được ông ưu tiên quan tâm thể hiện. Đó là hình ảnh anh bộ đội, anh lính thông tin, bộ đội và dân quân… đang trên đường hành quân hoặc đang tham gia mở đường. Tất cả mọi hoạt động sinh hoạt của người lính tại thực địa, rừng, núi, sông, suối và tại địa phương với nhân dân đều được đi vào những ký họa của ông một cách hết sức sinh động.
Sẵn sàng bảo vệ vùng trời được thể hiện bằng chất liệu mực nho kết hợp với lối vẽ nhấn, buông, tạo nhiều sắc độ tinh tế, mô tả hình ảnh các anh lính luôn trong tư thế trực chiến giữa không gian bao la. Bức ký họa màu nước Truyền tin trong lán bộ đội thông tin ở rừng phía Tây Nam Trường Sơn chứa đựng nhiều cảm xúc của họa sĩ, mô tả cuộc sống sinh hoạt của các anh lính thông tin giữa rừng đại ngàn, dù vất vả nhưng luôn giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh xử lý công việc được giao. Với gam màu ghi xanh và phong phú sắc độ, tác giả đã mô tả một khoảnh khắc của núi rừng thêm nhộn nhịp, sống động bởi có những hoạt động của con người. Cũng có khi, cuộc sống của người lính thời chiến có những phút giây yên bình trong chính lúc hiểm nguy nhất, họa sĩ Trần Huy Oánh đã ký họa cảnh Bộ đội đánh bóng chuyền khá chân thực và sinh động; những hình ảnh lạc quan, vui nhộn, dí dỏm dù hiếm hoi đối với những người lính nơi chiến trường.
Trần Huy Oánh, Đông Hà, màu nước, 1973
Đôi khi, họa sĩ đã xây dựng bố cục chân dung nhóm người đang trong hoạt cảnh rất đời thường nhưng lại mang giá trị nghệ thuật sâu sắc. Đó là bức Bộ đội qua sông bằng thuyền gắn máy. Ở bức này, họa sĩ đã thể hiện sự thuần thục, điêu luyện trong cách ghi chép thực tế đến cận cảnh, khi ông trực tiếp tham gia ngồi trên thuyền cùng bộ đội. Kỹ năng xử lý nhát bút như điệu múa nhẹ nhàng trên mặt giấy, diễn tả sự rung động bập bênh vượt sóng, gió của cảnh đi thuyền. Tất cả như lung linh ẩn hiện nhưng vẫn toát lên phong cách vẽ khỏe khoắn, thể hiện sức mạnh tuổi trẻ của người lính.
Trong số ký họa nhóm người trong sinh hoạt hàng ngày của họa sĩ Trần Huy Oánh, còn có phần về những người công nhân: Công nhân cơ khí địa phương, Công nhân sửa chữa đường ray sau trận không quân Mỹ đánh phá. Trên thực tế, sau trận không quân Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng (năm 1972), hệ thống đường sắt bị hư hỏng nặng nề. Việc đánh phá của quân đội Mỹ nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch để quân đội ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời điểm này, họa sĩ Trần Huy Oánh cũng đã kịp ghi chép thực tiễn khốc liệt bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình. Tác giả sử dụng chất liệu mực nho kết hợp với lối ký họa vẽ gợi mảng, êm nhẹ, thanh mảnh nhưng dứt khoát, để xây dựng hình ảnh người công nhân sửa đường sắt trong không khí hăng say làm việc, khắc phục tổn thất do bom đạn Mỹ, giữ tinh thần hướng tới ngày chúng ta giành thắng lợi.
Thông qua ký họa, họa sĩ Trần Huy Oánh đã dùng tài năng của mình để kể lại nhiều câu chuyện đời thường và cả những thời khắc của lịch sử huy hoàng. Mỗi bức ký họa là một câu chuyện thật được ông ghi chép từ thực tế, ghi dấu sự xông pha của cá nhân ông tới bất cứ nơi nào, vùng miền nào của đất nước.
Điều đáng nói là, trong ký họa dù ở trong đề tài nào đi chăng nữa, chân dung hay sinh hoạt đời thường, các nhân vật của Trần Huy Oánh vẫn toát lên một vẻ đẹp về hình thể khỏe khoắn và một cấu trúc khúc triết, mạch lạc, màu sắc hấp dẫn, ấn tượng.
Chất liệu và kỹ thuật
Họa sĩ Trần Huy Oánh đã vẽ ký họa với các chất liệu mực nho, màu nước và bút chì, trong đó, mực nho được ông xem như chất liệu chủ yếu. Sắc đen của mực nho kết hợp với khoảng trắng (ngà) của giấy vẽ đã tạo ra sự hài hòa của sắc độ màu. Nét được tạo rất mảnh, chỉ đủ gợi nhằm bao quát hình. Mảng được sử dụng theo phương pháp làm loang màu để gợi đậm nhạt. Những tác phẩm ký họa là sự nghiên cứu của họa sĩ về hình dáng con người trong lao động để có cái nhìn rõ hơn về đặc điểm cũng như phương thức tạo hình cho các tác phẩm hội họa tương lai.
Ưu điểm của ký họa màu nước là sự phong phú về màu sắc, dễ đem lại sự đồng cảm cho người xem. Ông đã khéo léo sử dụng màu sắc để mô tả, xử lý kỹ thuật nhấn - buông theo phối cảnh cũng như mô tả nét đặc trưng nhân vật, đặc trưng vùng miền. Những cảm xúc chân thực của ông khi trực họa khiến cho mỗi một nhân vật, phong cảnh đều có tinh thần hoặc khoảnh khắc riêng. Ông còn thuần thục xử lý kỹ thuật vẽ màu nước có độ loang nhòe hoặc chặn nét, kết hợp hài hòa sắc nóng, lạnh phù hợp với đối tượng cần phản ánh. Độ loang của màu nước đã được tính toán kỹ, xử lý thuần thục. Ký họa được thao tác nhanh nhạy, hoàn thành trong thời gian ngắn. Họa sĩ nắm bắt đối tượng rất nhanh, tạo hiệu quả cao về mặt thị giác cũng như đem tới cảm xúc cho người xem. Ông sử dụng triệt để những ưu điểm của chất liệu, khi mô tả trang phục của nhân vật, làm cho những bức ký họa màu nước của ông luôn tươi mới và hấp dẫn. Ví dụ, bức Lão dân quân Hoằng Hóa đã đem lại cảm xúc ấm áp riêng, kỹ thuật sử dụng triệt để hòa sắc nóng từ màu cam vàng chuyển sắc được chặn bởi nét đậm tạo hình những nếp nhăn hay độ dày của cơ thể nhân vật…
Kỹ năng ký họa từ bút chì đã giúp họa sĩ Trần Huy Oánh có thể chủ động xử lý tông độ đậm nhạt của đường nét, mảng miếng. Nhờ vào đặc điểm của bút chì là dễ tẩy xóa, đường nét mạch lạc mà uyển chuyển, tranh ký họa bằng chất liệu chì của họa sĩ Trần Huy Oánh luôn chuyển tải cảm xúc rất riêng biệt. Ông đề cao kỹ thuật nắm bắt thần thái chuẩn xác hình thể/đối tượng nhân vật để tạo ra tác phẩm có tính thẩm mỹ và chan chứa cảm xúc của người vẽ.
Trần Huy Oánh là họa sĩ có nhiều đóng góp nghệ thuật cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Riêng về ký họa, ông đã có một lưu trữ quý giá, ghi lại cả một chặng đường kháng chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Các ký họa ấy đồng thời mang tinh thần cổ động, góp phần giải phóng, thống nhất toàn vẹn đất nước. Đến đâu, họa sĩ cũng kịp ghi lại những dấu ấn quan trọng nhất về con người, phong cảnh, tập quán một cách trung thực, sinh động mà tràn đầy mỹ cảm.
________________
1. Từ năm 2008, trường được đổi tên thành Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
2. Nhiều tác giả, Một thời Hà Nội, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2010, tr.345.
3. Các chữ in nghiêng đồng thời là tên của một số ký họa của họa sĩ.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Quốc Bảo, Vai trò của ký họa trong học tập và sáng tác mỹ thuật, Luận văn tốt nghiệp cao học, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2015.
2. Nhiều tác giả, Ký họa kháng chiến - Sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2012.
3. Cúc Đường, Độc đáo những ký họa thời chiến, Báo Thể thao & Văn hóa, 12-11- 2014, thethaovanhoa.vn.
Tác giả: TS Phạm Minh Phong
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021