Diện mạo của “Hòn ngọc viễn Đông” Sài Gòn xưa mang những nét đặc trưng riêng, một phần quan trọng nhờ vào nghệ thuật trang trí công trình kiến trúc là kết tinh của văn hóa phương Tây pha hòa trong văn hóa và thẩm mỹ phương Đông, hay còn được gọi là phong cách Đông Dương. Những nét hoa mỹ đó từng bước khẳng định giá trị nghệ thuật kiến trúc thời kỳ thuộc Pháp, đã và đang trở thành trào lưu trong kiến trúc thành phố hiện nay với tên gọi TP.HCM.
Sài Gòn trong giai đoạn hơn 80 năm thuộc Pháp (1858-1945) được chủ trương trở thành một “Paris thu nhỏ”, từ cấu trúc đô thị đến thiết chế văn hóa, góp phần quảng bá những giá trị văn hóa của nền văn minh Pháp ở thuộc địa. Với mục tiêu đó, Sài Gòn dần mang dáng dấp một đô thị kiểu mẫu phương Tây ở phía Đông thế giới với các loại hình kiến trúc đa dạng. Những công trình kiến trúc thời kỳ đó, hầu hết do người Pháp thiết kế, được xem như những nhân chứng lịch sử của quá trình phát triển thành phố, biểu hiện qua những giá trị vật thể và phi vật thể (từ sự kiện lịch sử, xã hội đến phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí và kỹ thuật xây dựng). Việc tìm hiểu nghệ thuật trang trí kiến trúc mang phong cách Đông Dương ở Sài Gòn hẳn sẽ góp phần làm rõ nét lịch sử phát triển đô thị Sài Gòn và khẳng định giá trị nghệ thuật trên một số công trình kiến trúc thời kỳ này còn tồn tại đến hôm nay.
Khái lược về phong cách kiến trúc Đông Dương
Tháng 9-1858, Pháp tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Tháng 2-1859, Pháp đánh chiếm Nam kỳ và chính thức thiết lập hệ thống chính trị thuộc địa, đặt đại bản doanh tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Người Pháp khi ấy gọi Sài Gòn là Hòn ngọc viễn Đông, tiến hành đầu tư khai thác, quảng bá và biến Sài Gòn thành một Paris ở phương Đông. Chính quyền Pháp đã quy hoạch và xây dựng các trụ sở hành chính, bệnh viện, nhà thờ, nhà in, cơ sở thương mại, giáo dục, viện nghiên cứu, hệ thống giao thông, các khu nghỉ dưỡng, hệ thống khách sạn... để phục vụ công cuộc cai trị.
Giai đoạn đầu khi đặt chân đến Việt Nam, người Pháp đã du nhập kiểu kiến trúc công binh và kiến trúc tòa nhà công sở. Tuy nhiên, qua thời gian, họ nhận ra những khác biệt về khí hậu ở Đông Dương khiến hình thức kiến trúc và kỹ thuật xây dựng này không phù hợp. Việc thích nghi với điều kiện khí hậu cũng như hòa hợp với văn hóa bản địa sẽ giúp cho công trình kiến trúc thỏa mãn cả tính công năng và thẩm mỹ. Mặt khác, hoàn cảnh và điều kiện ra đời của mỗi công trình kiến trúc cũng tạo nên những sự khác biệt.
Phía trước tòa nhà chính của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM ngày nay
Ảnh: Lê Vũ Hoàng
Trên thực tiễn, kiến trúc và nghệ thuật trang trí kiến trúc luôn gắn bó chặt chẽ với môi trường khí hậu và sự ảnh hưởng qua lại của các yếu tố con người - môi trường - phong cách trên các phương diện: bối cảnh xây dựng, hình dáng công trình, tổ chức không gian, trang trí, màu sắc, ý tưởng (1)... Do vậy, nghệ thuật trang trí kiến trúc Đông Dương trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa ở giai đoạn đất nước biến động, một triều đại phong kiến đã bị thực dân phương Tây khuất phục, một nền văn hóa phương Đông tiếp biến văn hóa phương Tây, đã đem đến những giá trị văn hóa mới trong kho tàng văn hóa đầy bản sắc của Việt Nam.
Những năm cuối TK XIX đầu TK XX, kiến trúc thuộc địa được thử nghiệm, tuy nhiên không có được đường lối quy chuẩn nào, cho đến khi Albert Sarraut (1872-1962) được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương (2). Ông đã cho thay đổi nhiều chính sách và cho rằng, việc xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho nền chính trị, do vậy cần cập nhật giá trị văn hóa từ chính quốc cho thuộc địa, đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ những tinh hoa bản địa trong chính sách thống trị về văn hóa. Bốn nguyên tắc chính của chính sách trên bao gồm: từ bỏ kiểu kiến trúc chiết trung, cân bằng những phong cách xây dựng mới với phong cách thiết kế cũ, tiêu chuẩn hóa và thiết kế theo thứ tự ưu tiên dựa trên sự phù hợp về ngân sách. Đường lối chính trị mới của A. Sarraut chính là yếu tố tiên quyết, tạo tiền đề cho việc lập nên phong cách kiến trúc Đông Dương của Ernest Hébrard (1875-1933) sau này. Ngày 14-3-1919, luật Cornudet (3) được thực thi tại Pháp, quy định về phát triển mặt bằng, tô điểm bề mặt kiến trúc, chỉnh trang cải tạo dựa trên các nguyên tắc: mỹ thuật, vệ sinh và an ninh, áp dụng đối với các quốc gia thuộc địa, đã góp phần định hướng phát triển tương lai của đô thị ở Việt Nam.
Năm 1924, E. Hébrard đến Sài Gòn với vai trò kiến trúc sư trưởng của Toàn quyền Đông Dương, trong vòng bốn năm (1924-1928) ông đã tạo ra sự thay đổi lớn cho nền kiến trúc ở đô thị này. Theo khuôn khổ đạo luật Cornudet, E. Hébrard đã đưa ra kế hoạch quy hoạch và phát triển đô thị Sài Gòn theo mô hình Paris thu nhỏ; hạ tầng cơ sở được quan tâm hàng đầu như việc xây dựng nhà ga, cảng hội... Nhưng do thiếu phương tiện và một số yếu tố khách quan, kế hoạch này không được triển khai. Do vậy, dấu ấn của E. Hébrard để lại tập trung ở các kiến trúc công thự mang phong cách kiến trúc trên cơ sở khai thác đặc điểm kiến trúc phương Đông nhiệt đới, kết hợp kỹ thuật xây dựng phương Tây nhưng khác với phong cách kiến trúc thuần túy Pháp. “Đầu tiên là sự thích ứng với điều kiện địa lý của mỗi nước, tức là phải hợp với khí hậu và sự hài hòa với cảnh quan; thứ hai là thích ứng với văn hóa, kiến trúc mới không được chống chọi với những công trình cổ, cũng như tín ngưỡng và truyền thống của người bản xứ” (4). Đặc điểm cơ bản của phong cách kiến trúc Đông Dương là sự thể hiện cấu tạo hệ mái dốc lợp ngói với nhiều lớp mái đa dạng, bao gồm mái sảnh và mái ô văng, với hệ dầm console đỡ mái cùng các chi tiết, hoa văn trang trí trên bề mặt tường, ở hành lang, lan can. Quan điểm kiến trúc đó được thể hiện ở các công trình tiêu biểu như trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay là Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong), Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM), Dinh Phó Toàn quyền Đông Dương (nay là Bảo tàng TP.HCM), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP.HCM)...
Nghệ thuật trang trí kiến trúc Đông Dương
Nghệ thuật trang trí được hiểu chung nhất là “nghệ thuật làm đẹp, phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của con người. Nhờ những yếu tố trang trí, các vật dụng vừa có giá trị thẩm mỹ vừa nâng cao được giá trị sử dụng…” (5). Nghệ thuật đó là sự sáng tạo của con người, thông qua cảm xúc, sự quan sát tinh tế và đôi bàn tay khéo léo, phản ánh các tiêu chuẩn thẩm mỹ, sự đối lập giữa các yếu tố để tạo tác. Đó cũng là cách thức chỉ ra sự tài khéo mang đặc điểm văn hóa, yếu tố dân tộc và phù hợp với thời đại.
Từ nhiều góc độ, nghệ thuật trang trí công trình kiến trúc quyết định kiểu thức trang trí, nhu cầu thẩm mỹ, ý niệm biểu tượng và ý chí của nhà cầm quyền. Thực tế cho thấy, nghệ thuật kiến trúc bao giờ cũng đảm nhiệm hai tính năng là công năng và thẩm mỹ. Tính công năng có ý nghĩa nội dung mang tính mục đích. Thẩm mỹ lại mang tính hình thức, mang tính phương tiện, do đó tính công năng đóng vai trò quyết định, chi phối tính thẩm mỹ. Nhưng để phân định vai trò của hai tính năng, cần quan niệm rằng sản phẩm lao động đạt đến trình độ lao động thẩm mỹ cao mới được coi là nghệ thuật ứng dụng - loại hình nghệ thuật luôn lệ thuộc vào sự phát triển kinh tế, mức sống và trình độ kỹ thuật. Ngôn ngữ trang trí kiến trúc sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đời sống vật chất, thiên nhiên, đời sống tinh thần mỗi dân tộc, thể hiện qua bản sắc dân tộc và sắc thái địa phương.
Ngôi trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (xây dựng trong hai năm 1926-1928) là công trình điển hình trong sự giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt Nam và phương Tây (qua phong cách Art Deco trong kiến trúc) đồng thời cũng là một thử nghiệm về sự thích nghi kỹ thuật phương Tây vào điều kiện khí hậu bản địa. Năm 1929, kiến trúc sư August Delaval đã xây dựng Bảo tàng Blanchard de la Brosse (đặt theo tên của Thống đốc Nam kỳ đương thời) dựa trên nguyên tắc thiết kế của E. Hébrard.
Những thập kỷ sau, chứng kiến sự trở lại của kiến trúc Tân cổ điển (Art Nouveau) cùng với việc sao chép trang trí truyền thống bản địa như công trình Ngân hàng Đông Dương (6) của Félix Dumail, năm 1930. Sự ra đời của kiến trúc hiện đại cùng đường nét đơn giản càng khẳng định tính chất thực tế theo điều kiện khí hậu và văn hóa đa dạng của Sài Gòn. Do vậy, nghệ thuật trang trí kiến trúc phong cách Đông Dương có những điểm chung nhất định khi đối sánh các công trình trong khu vực dựa trên những đặc điểm về cấu trúc mặt bằng, hệ thống mái, hình thức trang trí, cấu trúc và vật liệu trang trí...
Không gian sảnh chính hình bát giác có kích thước lớn, các không gian nối liền hình chữ nhật kéo dài và được tổ chức theo hình thức xuyên phòng, có sự chuyển tiếp khéo léo như kiến trúc Bảo tàng Blanchard de la Brosse. Mặt đứng công trình thường kéo dài, được đánh dấu bởi các cột trụ tường phẳng, đặt lên các chân tường với gờ nổi xếp thành hàng. Các trụ tường sắp xếp nhịp với ô cửa và tạo thành cặp, kết hợp với các thanh litô ở tầng trên, đặt phía trên ô văng, các con sơn đỡ những ô văng này được làm theo kiểu Nhật Bản. Một yếu tố nữa trong giải pháp kiến trúc trong công trình là sự khước từ những trật tự cổ điển nặng nề, lặp đi lặp lại ở các tòa nhà công cộng trước đó và thay thế bằng sự chú ý đến tỷ lệ để có sự cân xứng, hài hòa tất cả các thành phần với nhau thông qua biểu hiện sự độc đáo của phong cách, bằng sự tiếp biến nhịp nhàng của các hệ cửa, ban công, mái hiên… Bậu cửa sổ luôn có một độ vát nhất định để tránh nước tràn vào trong. Ở tầng trên cùng, mỗi một ô cửa luôn được đặt dưới các hàng lỗ thông gió. Dọc theo dãy hành lang của khối nhà phụ là hệ thống các ô cửa có chức năng lấy sáng, giúp lưu thông không khí. Kiểu lấy sáng của kiến trúc Đông Dương giống với kiểu nhà truyền thống, bố trí nhiều cửa trên tường công trình. Cửa sổ cao, mở rộng để tăng sự thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Các công trình sử dụng phổ biến kiểu cửa lá sách, đảm bảo được sự thông gió tự nhiên cho không gian bên trong ngay cả lúc đóng. Cửa sổ không chỉ được bố trí trên tường công trình, mà còn được bố trí phía ngoài hành lang, đặc biệt là hành lang ở những phía chịu sáng trực tiếp của mặt trời. Hệ thống mái bằng cho các công trình lớn hoặc lợp ngói đối với các công trình nhỏ hơn. Hệ mái ngói thường vươn rộng để che nắng mưa, có bố trí các ô thoáng để tạo sự thông gió. Một số công trình sử dụng dạng mái vút cong ở các góc, mái chồng diêm theo kiểu kiến trúc truyền thống, có hoa văn trang trí ở đỉnh mái và các góc cong của mái.
Hình thức trang trí thường được giản lược, chi tiết đầu cột, gờ, phào được đắp bằng vữa xây chứ không đúc sẵn, ít đường nét và mang tính gợi tả. Các chi tiết kiến trúc phần lớn mang đường nét đơn giản chứ không diễn tả khối như các phong cách Pháp giai đoạn trước. Các môtip trang trí được sử dụng với màu sắc, kiểu dáng đa dạng như lưỡng long chầu nguyệt, lân sư, rồng phượng, cỏ cây hoa lá, chữ tượng hình, rắn Naga, chữ viết, môtip trang trí kiểu Phục hưng, cổ điển Pháp như lan can con triện, gờ chỉ, tranh tượng, phù điêu, hoa lá, các thức cột... Màu sắc đặc trưng dễ nhận biết nhất của phong cách kiến trúc Đông Dương là màu vàng, trắng, màu trung tính... phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Sài Gòn. Vật liệu trang trí trên bề mặt công trình thường được che phủ bằng vữa, dễ chế tác các họa tiết trang trí (gờ, phào, chỉ…), vừa phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa nhiều dễ gây thấm, ẩm mốc...
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc là một mối quan hệ hữu cơ. Kiến trúc mang lại cho không gian trang trí; trang trí làm đẹp, tăng giá trị thẩm mỹ của kiến trúc. Nghệ thuật điêu khắc, đắp nổi phù điêu trang trí trên các công trình kiến trúc Đông Dương đa dạng và độc đáo, thể hiện được những đặc điểm chính của nghệ thuật kiến trúc châu Âu, mặt khác, đan xen và hòa quyện với yếu tố mỹ thuật truyền thống mang tính cách điệu cao, đơn giản và giàu tính biểu tượng.
Theo từng giai đoạn lịch sử, mỗi công trình kiến trúc đều có tiếng nói riêng, các phong cách biểu hiện trên các công trình đó thông qua nghệ thuật trang trí góp phần hình thành giá trị di sản vật thể và phi vật thể, đề cao vai trò của các kiến trúc sư, nghệ nhân trang trí, người thợ bản xứ trong việc tạo tác các họa tiết, môtip hoa văn, xử lý chất liệu trên các công trình kiến trúc thời thuộc địa. Đây cũng chính là cơ sở góp phần cho các phương pháp bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật trang trí trên các công trình kiến trúc tại TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
_______________
1. Phạm Đình Việt, Các yếu tố xác định và đánh giá phong cách công trình kiến trúc, Tạp chí Khoa học Công nghệ xây dựng, Trường Đại học Xây dựng, 2015.
2. A. Sarraut có hai lần được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương, lần đầu là nhiệm kỳ 1911-1913 (lần sau là 1917 - 1919).
3, 6. Lê Quang Ninh, Stéphane Dovert (đồng biên soạn), Sài Gòn 1698-1998: Kiến trúc - Quy hoạch, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.88, 90.
4. Lê Minh Sơn, Kiến trúc Đông Dương, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2013, tr 44.
5. Đặng Thị Bích Ngân (chủ biên), Từ điển thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr.134.
Tài liệu tham khảo
1. Emily Cole (Lê Phục Quốc dịch), Ngữ pháp Kiến trúc, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2004.
2. Nguyễn Thị Hậu, Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Khảo cổ học và bảo tồn di sản, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2017.
3. Lê Vũ Hoàng, Nghệ thuật trang trí trên công trình kiến trúc Đông Dương ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, 2018.
4. Vũ Tam Lang, Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2012.
5. Lê Nguyễn, Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2017
Tác giả: TS Ngô Minh Hùng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021