Nghệ thuật gốm Mường Chanh

Là một xã nhỏ thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, Mường Chanh có đặc trưng nổi bật là cư dân nơi đây đều là người Thái đen, sống chủ yếu bằng nghề nông. Bên cạnh đó, họ còn có một nghề thủ công đặc sắc là nghề gốm. Đây là một đại diện tiêu biểu cho đặc thù gốm thuộc văn hóa miền núi Tây Bắc với quy trình sản xuất, tạo hình và trang trí riêng biệt.

Qua tiếp xúc với những người làm gốm như ông Hà Văn Lào, Hoàng Văn Nam, Tòng Văn Loan để tìm hiểu nghề gốm ở Mường Chanh, chúng tôi được biết, nghề gốm của người Thái đen ở đây có từ rất lâu rồi nhưng cụ thể hơn về thời điểm ra đời, họ cũng không biết rõ. Họ chỉ nhớ rằng, từ đời ông, đời cha họ đã làm gốm, và đến nay, công việc họ làm cũng là từ sự dạy dỗ của cha ông với câu nói cửa miệng: “Chỉ biết ông cha nó làm thế, cứ thế mà làm theo”.

Các tài liệu lịch sử cho thấy, người Thái nói chung, người Thái đen nói riêng đã có mặt ở Việt Nam khoảng hơn 1.000 năm trước với nghề trồng lúa nước phát triển mạnh cùng lối sống tự cung, tự cấp. Nghề làm gốm như của người Thái đen ở Mường Chanh với chất liệu, quy trình cùng phương pháp trang trí, nung đốt có nhiều điểm tương đồng với đồ gốm thời tiền- sơ sử, cách nay khoảng 2.000 năm.

Thực tế ở Mường Chanh ngày nay, cơ bản nghề gốm vẫn là nghề phụ, công việc làm gốm được tiến hành vào thời điểm nông nhàn và được tổ chức theo mô hình hộ gia đình, sự phân công lao động khá rạch ròi. Đàn ông đảm nhiệm các công đoạn làm đất, tạo hình, trang trí và nung đốt, đàn bà phụ việc vận hành bàn xoay. Người dân ở đây cho biết, về cơ bản, từ nguyên liệu đến phương thức sản cùng chủng loại sản phẩm và tập quán hành nghề vẫn theo đúng nếp cũ để lại từ bao đời nay, sự thay đổi, có chăng chỉ là một số ứng dụng nhỏ trong trang trí và vị trí của gốm Mường Chanh trong đời sống xã hội của địa phương mà thôi. Trên cơ sở thực tiễn đó, có thể khái lược những đặc trưng cơ bản của gốm Mường Chanh như sau:

Gốm Mường Chanh không có men, sản phẩm thường có hai màu chủ đạo là xám đen hay xám đen ánh bạc. Sau khi nung chín, để có màu xám đen trên sản phẩm, người Mường Chanh lấy lá dẻ tươi cho vào lò nung để tạo khói ám lên sản phẩm. Loại hình sản phẩm khá phong phú, gồm hơn 10 thể loại với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, chủ yếu là gốm gia dụng như chum (tiếng Thái là hay) các cỡ, vại (pại), chậu (áng), nồi nấu cách thủy (chôm mọ), chày cối dùng để nghiền ớt, lục lạc để đeo trâu, bò, đồ chơi, con giống... Người Thái Mường Chanh còn sản xuất một số đồ gốm có giá trị, như chum to, lọ cổ nhỏ được dùng làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng. Các sản phẩm gia dụng này có nhiều công dụng khác nhau: chum, vại được dùng đựng nước, ngâm chàm nhuộm vải, ngâm măng, làm mắm cá...; chậu được dùng làm chậu tắm, chậu đựng cám lợn, loại nhỏ được dùng đựng thức ăn, nước chấm...; nồi nấu cách thủy dùng để đồ xôi, nấu thịt và nhiều món khác.

Một số sản phẩm gốm Mường Chanh tiêu biểu - Ảnh: Phan Thanh Sơn

Về nguyên liệu, trước đây, đất làm gốm Mường Chanh được khai thác tại bản Lồng Báp trong xã. Ông Hà Văn Lào, năm nay đã hơn 70 tuổi, cho chúng tôi biết, đến những năm cuối của thập niên 80, TK XX, người Thái Đen Mường Chanh phát hiện ra rằng, đất sét làm gốm đều có ở hầu khắp các ruộng trong xã. Họ khai thác tại ruộng tới độ sâu khoảng 2, 3m rồi lấp lại để tiếp tục làm ruộng. Đất sét ở đây có nhiều màu sắc khác nhau, từ hanh đỏ, vàng, xanh xám đến đen. Trong đó, chất đất kết dính cao nhất là loại hanh đỏ. Qua tiếp xúc và cảm nhận tạo hình sản phẩm trực tiếp, về cơ bản có thể thấy rằng, trong thành phần đất, bên cạnh khoáng sét chủ đạo còn pha tạp nhiều khoáng thuộc nhóm nguyên liệu gầy như đá vôi, trường thạch.... Vì thế, đất làm gốm Mường Chanh có kích thước hạt lớn, hút nước nhanh và kém dẻo hơn đất sét ở các vùng gốm khác. Đất sau khi khai thác về được bảo quản dưới hố sâu, đậy kín, để giữ ẩm. Khi dùng thì lấy lên, chế biến bằng cách giã nhuyễn trong cối khoét từ một khúc gỗ.

Về cơ bản, quy trình sản xuất cùng các phương tiện, công cụ làm gốm của người Mường Chanh khá đơn giản. Họ tạo hình các sản phẩm gia dụng chủ yếu trên bàn xoay. Bàn xoay (khiên) của người Thái Đen Mường Chanh được làm từ khoanh gỗ dổi hoặc gỗ dẻ, có đường kính 39 - 40cm, cao 19 - 20cm, úp trên một trụ gỗ chôn chặt xuống nền nhà. Trụ gỗ được làm từ lõi cây tô hợp hay cây mận rừng, đầu trên được gọt nhọn tròn đều và được bôi trơn bằng mỡ lợn hoặc mỡ bò trước khi đặt mặt bàn xoay lên. Trong quá trình sử dụng, khi mặt bàn bị lắc hoặc chạy chậm, họ lại gọt lại và thêm mỡ vào rồi tiếp tục công việc.

Việc dựng hình sản phẩm gốm ở Mường Chanh theo thể tự do, tính quy chuẩn được ước lệ theo mục đích sử dụng, song nhất thiết phải tuân thủ quy trình tạo hình, bắt đầu từ làm đáy, dựng thành, chuốt miệng rồi mới trang trí hoa văn và làm thể phụ. Để làm đáy, người ta rắc một lớp tro mịn chống dính lên bàn xoay, đặt miếng đất sét lên mặt, miết xung quanh cho đất dính chặt vào bàn, dùng gậy gỗ dát mỏng, làm nhẵn mặt đáy, lấy dao tre cắt đáy kết hợp quay bàn xoay thành một vòng tròn quanh đáy sản phẩm. Hoàn chỉnh phần đáy, người Thái mới chuyển sang dựng thành sản phẩm theo kỹ thuật đắp nặn: dùng hai tay vê đất thành thỏi dài từ 20 - 30cm; tay phải cầm thỏi đất, vừa xoay vừa be đất tạo vòng thành đầu tiên; dùng mảnh gỗ hình liềm hay hình trăng khuyết (vi kiểng) để miết kỹ chỗ tiếp giáp giữa thành và đáy. Động tác vận hành bàn xoay khi lên hình của người Thái Đen Mường Chanh khá đặc biệt, họ vận hành bàn xoay chậm bằng việc dùng ngón chân cái miết lên mặt bàn xoay, đồng thời lên từng con trạch bằng sự kết hợp của cả hai tay, tay phải định hướng liên kết các tầng con trạch, lòng bàn tay trái dùng làm dưỡng đỡ bên ngoài, cứ thế, họ tiếp tục làm các vòng thành khác theo lối đắp trạch. Tiếp đến, bàn xoay lúc này được người phụ nữ dùng cả hai tay vận hành liên tục và ổn định tốc độ, thợ gốm sử dụng hai mảnh gỗ hình rìu, có vai uốn cong (vi tra), một cái trong và một cái ngoài, vừa dàn mỏng đều đất theo hình dáng đã định, vừa miết nhẵn đều cả hai mặt trong và ngoài của sản phẩm. Sau cùng của công đoạn tạo hình sản phẩm, họ dùng đầu nhọn của chiếc que bằng tre hoặc nứa, đầu còn lại bằng cỏ răng cưa (mạy láp) để cắt chân sản phẩm.

Trong việc trang trí trên sản phẩm gốm Mường Chanh, người thợ sử dụng hai kỹ thuật đắp nổi và khắc chìm, hình thức đơn giản. Người thợ dùng một ống thụt có cấu tạo đơn giản như xi lanh, được làm từ một đoạn thân tre còn một mắt đốt được đục thủng một lỗ nhỏ đường kính cỡ đầu đũa to, gọi là còng sít, dùng để nén đất thành sợi. Sản phẩm vừa tạo hình xong vẫn đặt nguyên vị trên bàn xoay. Họ gắn sợi đất lên các vị trí miệng, vai sản phẩm thành các đường chỉ song song, tiếp đó dùng lưỡi vi tra có hình khuyết chữ V để hoàn thiện gờ chỉ nổi. Kỹ thuật khắc chìm được thực hiện nhờ vào mặt bằng có răng cưa của mạy láp. Bàn xoay được vận hành chậm, họ dùng phần răng cưa đặt lên bề mặt sản phẩm còn ướt, tay cầm di chuyển lên xuống đều, tạo thành những đường khắc song song như sóng nước. Hình khắc này thường được bố trí ở chân cổ và vai sản phẩm. Một dấu hiệu đặc trưng trong trang trí của gốm Mường Chanh là hình dấu “۸”, với 6 hình cách đều nhau chạy xung quanh đồ vật, ngay dưới đường sóng nước. Theo ông Hà Văn Lào, đường gờ nổi và dải khắc chìm sóng nước có ở hầu hết đồ gốm của vùng Tây Bắc, kể cả trên gốm của Lào, nhưng dấu khắc hình “۸” chỉ có trên gốm Mường Chanh, nó như một dấu hiệu để nhận biết gốm của người Thái đen Mường Chanh. Nhưng khi được hỏi về ý nghĩa của dấu hiệu đó, ông Lào cũng như những người làm gốm ở đây đều không biết và khẳng định, họ chỉ làm theo những gì ông cha họ đã dạy. Dựa trên cơ sở địa lý cũng như tập quán của người Thái đen ở đây, ngoài nghề canh nông, đánh bắt cá cũng là một đặc trưng cơ bản trong cuộc sống của họ. Phải chăng hình khắc đó là biểu tượng của những ngọn núi bao quanh khu vực họ đang sống, hay đó là hình giản lược đuôi cá, một thức ăn thường nhật trong bữa cơm của người Thái Mường Chanh. Dù sao đây cũng chỉ là phỏng đoán mang tính chủ quan, bởi mọi yếu tố liên quan còn thiếu những cứ liệu lịch sử và văn hóa chưa được phân tích và chứng minh trên phương diện khoa học.

Nung là khâu then chốt nhất trong quá trình sản xuất gốm của người Thái ở Mường Chanh. Họ chọn chỗ đất cứng hay những chỗ đá đang phong hóa để đào lò và tiết kiệm củi đốt, sản phẩm chín tốt hơn, lại không bị sập lò vào mùa mưa. Người Thái đen sử dụng kiểu lò hầm, hình ống vòm khum ở hai đầu, cao ở giữa (cao 0,8m, rộng 2m); sàn lò dốc nghiêng khoảng 150 với chiều dài 3m; miệng cao 0,5m, rộng 1,5m và đuôi lò cao 0,5m, rộng 1m. Sản phẩm được xếp một lượt trên sàn lò theo hướng nhỏ dần từ giữa thân lò ra xung quanh. Trước thời điểm nổi lửa, thầy mo cắm ta leo và cúng đuổi tà ma cùng các điều cấm kỵ trong khu vực lò với nội dung bài cúng đại ý như sau:

Đi đi

Đuổi đi

Những gì xấu xa

Những gì xui rủi

Người đến tháng đừng động

Đàn bà chửa chớ qua

Mặt trời lặn cùng lặn

Mặt trời rụng hãy rụng

Người đến tháng tránh ra

Chửa hai tháng chớ lại gần

Đuổi đi

Đuổi đi (1)

Tiếp đó, họ đốt nhỏ lửa để sấy. Khi nhìn qua lỗ thông hơi thấy gốm chuyển sang màu hồng lửa, mới tăng thêm củi cho gốm chín. Khi thấy miệng ống khói trắng bạc và ngọn lửa vọt lên khỏi miệng ống khói chừng 1m, có màu hồng trông thẳng đứng, nghĩa là gốm đã chín. Thời gian đốt khoảng 24 giờ. Sau khi dừng đốt, họ đậy cửa và ống khói, để khoảng 3 ngày thì dỡ lò.

Cho đến nay, người Thái Mường Chanh vẫn gánh sản phẩm gốm đi các nơi trong vùng để trao đổi. Việc định giá đồ gốm được căn cứ bằng độ dài quãng đường. Đường đi càng xa, giá sản phẩm càng cao. Theo lời kể của ông Hà Văn Lào, hiện nay các sản phẩm gốm Mường Chanh chủ yếu đáp ứng nhu cầu trang trí gợi nhắc văn hóa vùng Tây Bắc của một số khu du lịch. Một số sản phẩm gia dụng vẫn được tiêu thụ trong dân và được sử dụng theo đúng tập quán sinh hoạt truyền thống của người Thái. Nhưng từ khi có điện, cuộc sống người dân đã có sự thay đổi, các đồ gia dụng có sử dụng điện đã và đang được người dân tiếp nhận bởi tính tiện dụng và vệ sinh của nó.

Qua thực tế khảo sát cho thấy, người Thái Mường Chanh có nghề gốm truyền thống lâu đời. Cho đến ngày nay, họ vẫn bảo lưu truyền thống đó nguyên vẹn như thuở ban sơ, từ tạo hình trang trí tới các công đoạn trong quy trình làm gốm. Về khía cạnh bảo tồn nghề truyền thống, đây là dấu hiệu tích cực, góp phần khẳng định và bảo vệ sự đa dạng của nghệ thuật gốm Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, giữa sự xuất hiện và phát triển của rất nhiều loại sản phẩm chất liệu khác có ưu thế tiện dụng hơn, việc bảo tồn và phát huy truyền thống ở cả hai khía cạnh công năng và thẩm mỹ của sản phẩm gốm truyền thống Mường Chanh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, lại là một thách thức không nhỏ.

_________________

1. Bản dịch sang tiếng Việt của Lò Đức Hạnh.

Tác giả: TS Phan Thanh Sơn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

;