Không dừng lại ở sự kế thừa đề tài của các thời kỳ lịch sử trước, hoa văn thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789) nói chung, chạm khắc hoa văn trang trí trên hiện vật bằng đá trong các từ đường, từ chỉ (1) thời kỳ này nói riêng đã khởi động sự hóa ở hệ thống hoa văn với nhiều dạng khác nhau, để từ đây, tạo nền tảng cho cả một hệ thống biểu tượng được hóa sau này mang tính chất phổ biến trong hoa văn thời Nguyễn. Trong đó, chủ đề cá hóa rồng là một trong những đồ án hoa văn ở dạng hóa có số lượng chạm khắc lớn và tạo ấn tượng mạnh mẽ nhất.
1. Khái lược về đồ án cá hóa rồng thời Lê Trung Hưng
Lê Trung Hưng là triều đại đặc biệt trong chế độ phong kiến Việt Nam, văn hóa nghệ thuật của thời kỳ này còn giữ lại nhiều giá trị tạo nên sự gắn kết với đời sống văn hóa - tâm linh của người dân ở Bắc Bộ. Đây là giai đoạn đã sáng tạo nên nhiều biến thể hoa văn khác nhau, hình thành một hệ thống hoa văn đặc sắc hiếm có, mang dấu ấn riêng trong dòng chảy lịch sử mỹ thuật. Nghiên cứu nghệ thuật trang trí trên kiến trúc, điêu khắc, đồ thờ… trong các di tích thời Lê Trung Hưng nói chung, trong các từ đường, từ chỉ thời này nói riêng, có thể thấy được diễn biến quá trình tạo nên các họa tiết hoa văn qua từng loại hình trang trí. Trong đó, có nhiều dạng thức, đề tài trang trí có ý nghĩa lớn lao đối với tinh thần nhân văn, nuôi dưỡng những giá trị tu thân của con người. Những giá trị đó được vun đắp, tỏa sáng trong tâm thức của người Việt và vẫn được lưu giữ cho đến nay.
Từ đường, từ chỉ là những thể loại kiến trúc mà quan lại thời Lê Trung Hưng thường xây dựng trong hệ thống quần thể lăng mộ của họ. Những kiến trúc này ban đầu mang chức năng dành cho việc thờ cúng, thường được xây dựng kết hợp với lăng mộ, đợi khi chính chủ quy tiên thì trở thành mộ phần và nơi thờ tự vĩnh viễn. Hiện tại, nhiều công trình không còn nguyên vẹn như lúc khởi dựng, chỉ còn lại một số hạng mục kiến trúc với tên gọi khác nhau: dinh, lăng, đền, sinh từ (2), am, từ đường, từ chỉ, từ vũ (3)… tùy theo cách gọi của từng địa phương và tài liệu được lưu giữ tại di tích, ví dụ như Dinh Hương, Phục Chân đường, đền Phú Đa, am Vĩnh Trấn, lăng Hồng Vân, sinh từ Nguyễn Ngọc Trì, Huệ Linh từ, từ vũ Ngạn Trung hầu… Do trong các công trình này, nhiều hạng mục được tạo tác chủ yếu bằng đá, một chất liệu bền vững, nên hiện vật trong các di tích vẫn còn giữ được hệ thống hoa văn trang trí với số lượng lớn, chất lượng còn khá tốt.
Hoa văn được chạm khắc trên hiện vật đá trong quần thể các lăng mộ TK XVII-XVIII nói chung, trong các từ đường, từ chỉ nói riêng, mang nhiều yếu tố văn hóa dân gian truyền thống Việt Nam, thể hiện qua các biểu tượng trang trí phong phú, được phân thành các chủ đề như: động vật, thực vật, đồ vật... Đặc biệt, vũ trụ, thiên nhiên, linh thú, hoa thiêng xuất hiện trong trang trí mỹ thuật thời kỳ này đã phát triển đến mức trở thành biểu trưng cho sự hóa với mật độ dày đặc, phổ biến trong các di tích. Riêng với xu hướng hóa rồng, đồ án hoa văn, họa tiết trang trí thời kỳ này rất đa dạng: cá, tôm hóa rồng, mai hóa rồng, cúc hóa rồng, lan hóa rồng, lá, mây hóa rồng...
Trong hệ thống hoa văn hóa rồng dày đặc đó, cá hóa rồng là một trong những đồ án mang tính nổi trội trong chạm khắc trang trí trên hiện vật đá. Đây là một chủ đề được tiếp nối từ truyền thống chạm khắc trên hiện vật các di tích cổ thuộc nhiều triều đại trước mà hoa văn thời Lê Trung Hưng kế thừa. Đề tài cá hóa rồng có mặt trên các hiện vật có niên đại thời Trần ở Phật bàn thạch của chùa Xuân Lũng (Phú Thọ). Thời Lê Sơ, cá hóa rồng được chạm khắc trên thành bậc đá đàn Nam Giao (Hà Nội). Thời Mạc còn lưu lại bức chạm gỗ hình hai cá hóa rồng chầu mặt trời tại đình Tây Đằng (Hà Nội), đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang), hoa văn cá hóa rồng được tìm thấy trên các đĩa gốm thời Mạc được khai quật từ tàu đắm cổ ở Cù lao Chàm...
Con rồng Việt Nam được gắn với biểu tượng của vương quyền và thần quyền. Đồng thời, nó cũng thể hiện mơ ước hóa rồng của nhiều thân phận còn thấp kém trong xã hội xưa. Cá hóa rồng vốn là truyền thuyết được lưu truyền phổ biến ở Việt Nam, gắn với tích Ngư dược Vũ môn (Cá chép hóa rồng) của khoa cử Nho học, là bức tranh phổ biến về giấc mộng của các sĩ tử trước đây, đợi chờ dịp thi cử, đỗ đạt, làm quan. Cá hóa rồng cũng tượng trưng cho sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công của các sĩ tử, thể hiện sâu sắc truyền thống hiếu học, mơ ước đỗ đạt đăng khoa. Vì thế, hình ảnh này thường được xuất hiện ở những nơi trang nghiêm và tôn quý.
Hoa văn cá hóa rồng đặc biệt phát triển vào thời Lê Trung Hưng, cách thể hiện và chất liệu sáng tác cũng phong phú, xuất hiện ở nhiều hệ thống di tích, có cả ở đình, đền, chùa, như chạm khắc cá hóa rồng trên cốn với phần đầu và thân đã thành rồng, nửa thân dưới và đuôi vẫn là cá ở đình Nghiêm Xá (Hà Nội); chạm khắc đá hình 2 con cá hóa rồng ngậm ngọc trên trán bia chùa Linh Quang (Hải Phòng); chạm khắc gỗ cá hóa rồng trên vì kèo đền Rậm (Nghệ An)…
2. Một số đồ án cá hóa rồng tiêu biểu ở từ đường, từ chỉ
Cá, tôm cùng hóa rồng
Trong các từ đường, từ chỉ thời Lê Trung Hưng, cá hóa rồng thể hiện sâu sắc giấc mơ hóa rồng của chủ nhân các di tích này. Hình ảnh cá hóa rồng trong các di tích này được chạm khắc ở nhiều giai đoạn biến hóa từ cá sang rồng. Ở trên sập thờ Từ chỉ họ Đặng (Bắc Ninh), hình hai con cá hóa rồng mới ở giai đoạn đầu, phần thân vẫn nguyên hình cá, chỉ mới bắt đầu biến đổi ở bộ phận đầu. Nhưng trên hương án của di tích này, lại có chạm 6 con cá đã biến đổi gần như thành rồng, chỉ còn giữ lại phần đuôi của cá. Ở Từ đường gia tộc Nguyễn Thời (Hà Nội), hình 9 con cá cũng biến đổi tịnh tiến: có con chỉ biến đổi phần đầu, có con biến đổi đến phần giữa thân với đầu và 2 chân đã thành của rồng, có con đã biến đổi gồm 4 chân rồng, chỉ còn nửa thân và đuôi cá. Ở riêng Từ chỉ Vũ Hồng Lượng (Hưng Yên), 4 con cá đã hóa rồng gần như toàn bộ, chỉ còn một chút vây và đuôi của cá; hình cá hóa rồng ở đây được chạm phối hợp cùng minh văn và một số linh thú khác trong mỗi đồ án.
Từ chỉ họ Đặng (còn được gọi là Lăng họ Đặng) được xây dựng năm 1675, nằm ở thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, chủ nhân của công trình này là Tài Quận công Đặng Trung Túc (4). Trong Từ chỉ này, đề tài cá hóa rồng được lựa chọn chủ yếu thể hiện ở mảng chạm khắc trên đồ thờ, gồm có 2 hình cá hóa rồng ở sập thờ và 3 hình cá hóa rồng ở hương án. Trên một cạnh bên của sập thờ, nghệ nhân xưa đã chạm khắc đồ án trang trí với sự phối hợp hiếm thấy: cá và tôm cùng hóa rồng. Đồ án thể hiện một đôi cá chép và một đôi tôm nối đuôi nhau bơi theo hướng ra phía cổng lăng. Mỗi loài có một con còn gần như nguyên hình và một con đang hóa rồng trên nền mây và sóng nước. Cả hai con cá đều được thể hiện phần thân đuôi quẫy, vồng lên, gây cảm giác như chúng đang vận động cơ mạnh mẽ. Phần đầu cá đang hóa rồng có mang cong phồng, đang biến đổi thành miệng rồng, xuất hiện mũi và râu rồng, vây cá đang biến đổi như vận động liên tục, liên hoàn, bứt phá tiến lên. Con tôm hóa rồng đã biến đổi cả đầu, thân, chân, vây, chỉ còn một ít đuôi giữ lại hình đuôi tôm. Đầu rồng do tôm biến đổi đã rõ ràng nhất là chiếc sừng cùng hai dải đuôi bờm bay dài ra sau gáy, một chùm râu bay ngược từ dưới cằm lên, đôi mắt lồi to cùng chiếc mũi sư tử và cái tai dài hình lá, vây lưng ẩn hiện trong sự vận động của sóng nước, ăn khớp với nhau vô cùng sinh động. Chân rồng ẩn hiện trong hình mây như đang trong tư thế lấy đà kết hợp cùng dáng đuôi tôm cong như tạo nên thế bật nhảy mạnh mẽ. Kỹ thuật móc khối tạo hình cá và tôm có thể nói là đạt đến đỉnh cao khi diễn tả phần thân cá và tôm được chuyển độ cong vô cùng tinh tế, nổi cao trên nền sóng nước. Các phần mây, sóng nước, tôm, cá… chỗ được đan cài, chỗ chồng lên nhau lớp trên, lớp dưới, kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên một cảnh sắc thú vị. Sự định hình tạo khối tôm, cá không chỉ theo lớp mà còn thêm chiều sâu không gian. Cá, tôm uốn cong, bứt phá, thay đổi, thúc đẩy nhanh chóng, dứt khoát, mãnh liệt, cho thấy sự dồn sức để trở thành rồng qua tạo hình khối căng, động, vần vũ. Tất cả hoạt cảnh này được quy gọn trong những đường viền cong theo sóng nước, tạo nên một khung tranh, mỗi điểm dừng của đường cong là một họa tiết trang trí hình mây lửa, đao mác và mặt hổ phù, càng thêm tính thiêng cho không gian nơi đây. Bức chạm khắc cá và tôm hóa rồng trên sập thờ ở Từ chỉ họ Đặng như đưa người xem trở lại câu chuyện về cuộc thi vượt vũ môn được lưu truyền trong dân gian.
Trên thân hương án của Từ chỉ họ Đặng, có chạm khắc 6 hình cá hóa rồng uốn khúc trong lá đề, chia đều cho hai mặt trước và sau. Cả 6 hình thể hiện cá gần như đã biến hóa hoàn toàn thành rồng, được tạo cùng một bố cục với thân của rồng uốn khúc mạnh mẽ, trườn từ trên xuống dưới rồi đầu ngẩng ở đoạn giữa lá đề, đuôi vút lên cao. Sự khác biệt duy nhất ở phần hướng của đầu rồng. Riêng một con có hướng quay chiều ngược, đầu hướng về phía giữa hương án, đồng thời cũng đối xứng với con rồng còn lại. Đầu rồng được chạm đơn giản, không có sừng, râu hay chi tiết phức tạp, ánh lên vẻ hiền hòa. Khối thân rồng khỏe, mạch lạc, các vẩy, vây nổi khối khá mạnh, chân rồng bám chắc vào cạnh của lá đề, thể hiện sự tự tin, vững chãi.
Cá hóa rồng có cánh
Trong các từ đường, từ chỉ thời Lê Trung Hưng, bên cạnh đồ thờ như sập thờ, hương án, hình ảnh cá hóa rồng có thể được tìm thấy ở hoa văn chạm khắc trên một số thể loại hiện vật khác như bia, kiến trúc nhà bia. Trên bia đá Nguyễn Gia Từ chỉ bi ký có niên đại Chính Hòa 11 (1690) thuộc Từ đường gia tộc Nguyễn Thời (còn gọi là Từ chỉ Nguyễn Thời (5), Nhà thờ Nguyễn Thời) ở thôn Đình Vỹ, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, cá hóa rồng cũng là một đồ án được chạm khắc vô cùng sống động, phong phú trong cách tiếp cận hình tượng và thiết kế đồ án, đa dạng về nghệ thuật tạo hình và kỹ thuật chạm khắc. Có hai bia cùng được tạo tác vào năm 1690 ở di tích này ghi chép thông tin liên quan đến chủ nhân di tích là Côn Quận công Nguyễn Quý Tướng, bia chạm hình cá hóa rồng hiện được đặt ở vị trí phía ngoài từ đường, cạnh đường đi và gần sông. Có thể khẳng định, đây là một trong những bia đá thể hiện nhiều hình cá hóa rồng nhất trong hệ thống hiện vật đá thuộc các di tích loại này.
Cá hóa rồng có cánh, trên mui luyện bia Nguyễn Gia Từ chỉ bi ký, Từ đường gia tộc Nguyễn Thời - Ảnh: Quách An
Có đến 9 hình ảnh cá hóa rồng được chạm khắc trên bia đá này, gồm 3 họa tiết chạm ở trên mui luyện và 6 hình cá chạm trên trán bia. Nhìn tổng thể, điều đặc biệt hiếm thấy ở đây là tất cả hình cá hóa rồng đều có chạm thêm cánh bay, một số cánh rồng biến thể từ hình lá cúc, một số khác như hình cánh con dơi, hòa nhịp cộng hưởng làm rõ nghĩa hơn bốn chữ Phúc, Thọ, Khang, Ninh được chạm trên đỉnh của bia này (6). Có thể tìm thấy vài điểm tương đồng trong cách tạo tác cánh của rồng ở trên bia này với một số tác phẩm chạm khắc gỗ thể hiện hình ảnh những con rồng có tai hóa cánh dơi, cánh chim, được chạm khắc trong các đình Chu Quyến, Liên Hiệp, Hạ Hiệp ở Hà Nội, cùng niên đại thời Lê Trung Hưng. Về hướng tiếp cận, cá hóa rồng được chạm cả theo chiều nhìn chính diện, hướng ¾ và cả theo chiều nghiêng; về số lượng, có cả đồ án rồng đơn và đồ án rồng đôi… tất cả tạo nên sự đa dạng, phong phú trong cách thức thể hiện một chủ đề.
3 hình cá hóa rồng ở dạng đơn, chạm khắc trên ba mặt của mui luyện, được bố cục trong khuôn khổ hình lá đề. Vài vị trí trên viền lá được cách điệu uốn cong, mỗi con cá hóa rồng được chạm sâu vào trong hốc, khối nổi cao. Tinh thần chung của những con cá hóa rồng này khá dữ dằn, áp chế. Trong đó, có 1 hình con cá mới chỉ hóa rồng ở phần đầu, nhìn như đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò. 2 hình cá còn lại đã biến đổi đến phần giữa thân, xuất hiện chân có 4 móng, phần cánh được chạm khối phẳng, khỏe, vuông góc với nền. Râu được tạo hình mềm mại theo nhịp uốn lượn cùng với đôi cánh. Phần thân vẫn nguyên hình cá được tả thực tuy nhiên vẫn hòa nhập, ăn ý với phần đầu rồng bởi đuôi và vây được uốn tạo hình như sóng nước, nhịp nhàng đồng điệu với râu và cánh rồng. Hình ảnh con cá đang hóa rồng trong lá đề - một biểu tượng thuộc về Phật giáo như biểu hiện trong sự tu tập, chăm chỉ chịu khó để trở thành rồng. Sau khi có bố cục lá đề, nghệ nhân phân mảng từng lớp đầu rồng. Phía trên cùng mảng trên nhất là mũi nhô cao hơn hẳn, rồi đến mắt, hàm, râu uốn lượn bám theo từng bộ phận, uyển chuyển. Ở mặt tiếp theo của mui luyện, trong hình lá đề vẫn là hình rồng hướng nghiêng ¾ nhưng thân hình rồng đã rõ hơn với sự xuất hiện của 2 chân và thân cá đã có thể chuyển độ cong như thân rồng. 2 vây được cường điệu lớn và tạo hình như lá cúc. Nửa dưới vẫn nguyên thân cá và đuôi của cá. Kỹ thuật vẫn chạm sâu nhất là lớp nền, nhấn mạnh khuôn mặt, nhiều chi tiết để thể hiện sự kỹ càng, công phu trong tạo hình, diễn đạt khối, tách lớp, theo từng lớp không gian vừa tách biệt vừa phối hợp uyển chuyển. Bố cục cá hóa rồng mang tính chất cân bằng tương đối, tư thế uyển chuyển, sống động hơn, vẫn đang trong quá trình tiến hóa. Nếu 2 hình rồng ban đầu ở hướng nghiêng ¾, thì hình cá hóa rồng cuối cùng trên mui luyện đã gần như thành rồng và được chạm ở hướng chính diện.
Cá hóa rồng trên trán bia Nguyễn Gia Từ chỉ bi ký, Từ đường gia tộc Nguyễn Thời - Ảnh: Quách An
6 hình rồng còn lại trên bia Nguyễn Gia Từ chỉ bi ký ở Từ đường gia tộc Nguyễn Thời được ghép thành 3 cặp cá hóa rồng chầu mặt trời, chạm trên vị trí trán bia. Mỗi cặp được tạo hình với cá hóa rồng có thần thái khác nhau, tạo nên sự thú vị khi được thể hiện cả với sự nghiêm túc song hành cùng sự thoải mái, vui vẻ, hài hước, đang bơi lội trên sóng nước hoặc bay trên mây. 2 cặp bơi trên sóng nước vẫn rõ phần cá với thân ngắn và chỉ lấp ló 1 hoặc 2 chân. Trong đó, một cặp có phần đầu theo đúng môtip thường thấy, đầu gần với mặt trời và hướng về phía mặt trời, được chạm khắc sử dụng khối dạng kỷ hà chắc khỏe, không làm kỹ chi tiết, tinh thần rồng vui tươi, miệng như đang nở nụ cười. Cặp trên sóng nước còn lại có bố cục rồng chầu hiếm thấy với phần đuôi gần với mặt trời, phần đầu ở xa hơn ngoảnh lại hướng về phía mặt trời, phần đầu rồng còn nhấn mạnh ở nụ cười vô cùng hài hước, đậm chất dân gian thường thấy trên các chạm khắc đình làng. Cặp cá hóa rồng chầu mặt trời còn lại được chạm với kỹ thuật và phong cách khác hẳn, chau chuốt, mỹ miều hơn. Cặp cá hóa rồng này đã biến đổi đến 4 chân, không còn thân cá mà đã hóa thân rồng, được tạo dáng uốn thành đường cong duyên dáng chầu vào mặt trời. Với cặp cá này, sự đầu tư không công phu dành cho phần đầu như rồng ở mui luyện mà chủ yếu tạo nên vẻ đẹp cho bố cục chung, diễn tả động tác cặp cá hóa rồng đang bay trên mây hướng về phía mặt trời. Tia sáng của mặt trời được chạm mềm mại, như nối dài với cánh rồng ẩn hiện trong mây. Lưng rồng vồng lên, phối hợp với phần đuôi cá uốn cong tròn, gây cảm giác như rồng đang lao về phía mặt với tốc độ lớn.
Cá hóa rồng kết hợp linh thú
Ở Từ chỉ Vũ Hồng Lượng (Hưng Yên), xây dựng năm 1660, cá hóa rồng được tìm thấy ở mảng chạm khắc trang trí trên 2 tấm vách của kiến trúc nhà bia, được làm từ đá lớn nguyên khối. 2 trong số 3 mặt của mỗi tấm vách này đều có chạm đồ án cá hóa rồng, theo bố cục dọc, đối xứng theo cặp. Ở mỗi bức chạm đều có bốn chữ Hán: 魚 化 竜 圖 (“Ngư hóa long đồ”, nghĩa là bức họa cá hóa rồng), khắc ở gần miệng rồng.
4 con rồng được chạm trên kiến trúc nhà bia ở đây đã biến hóa gần như toàn bộ cả đầu và thân, chỉ còn duy nhất phần đuôi và chút vây là của cá. Cặp rồng thân dài uốn nhiều khúc trong tư thế lao từ trên xuống rồi ngược lên và quay phía ngang chầu vào nhau ngạo nghễ. Đầu rồng to, bờm lớn bay ngược ra sau, mũi to, râu dài được vuốt thẳng, mắt và miệng được bao quanh có một hàng vải răng cưa kết lại như hình chiếc lá. Chiếc sừng có 2 chạc và tai được chạm khúc chiết như đang bay cùng hướng với râu rồng được vuốt ra. 4 con rồng ở 4 đồ án được chạm giống nhau về dáng dấp, tỉ mỉ, công phu, khối mềm mại, uyển chuyển, nhuyễn vào nhau, râu, vây nhọn sắc nét, công phu, tinh xảo, mỗi con đều chạm 2 chân, 1 chân vuốt râu và 1 chân đạp trên lưng 1 con vật khác phối hợp trong đồ án. Phía trên mỗi con cá hóa rồng này đều có thêm hình tượng phượng múa và hoa mẫu đơn. Sự khác biệt duy nhất ở 4 đồ án là ở 4 con vật mà rồng đạp chân xuống. Theo dân gian lưu truyền, 4 con vật ở đây gồm hổ, nghê, lân và cá sấu, thể hiện cho những phẩm chất đặc biệt như hổ - sức mạnh, tê giác - kiên định, kỳ lân - sáng suốt, cá sấu - giao hòa… Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, có thể thấy 2 con vật ở mặt kiến trúc phía trước thiên về dạng linh thú nhiều hơn, con vật phía bên trái là sự kết hợp của đại bàng và sư tử, con bên phải là sự kết hợp giữa cá sấu và voi. Tựu trung lại, dù là thú hiện thực hay linh thú thì đây đều là sự kết hợp của những con vật có sức mạnh ở mặt đất, dưới nước hoặc trên bầu trời, chúng đều hàm nghĩa cùng biểu tượng cho những phẩm chất quý hiếm, đặc biệt. Thân, đuôi hay chân những con vật này đều được diễn tả bằng mảng phẳng, tả thực, nhấn vào sức mạnh, uy linh của chúng.
3. Kết luận
Qua khảo sát đồ án cá hóa rồng trong 3 di tích thuộc thể loại kiến trúc từ đường, từ chỉ nằm trong hệ thống quần thể lăng mộ quan lại thời Lê Trung Hưng, có thể thấy sự đa dạng của chủ đề này trong cách lựa chọn giai đoạn biến hóa của cá, cách phối hợp với các hình tượng khác để tạo thành đồ án cùng với sự phong phú về kỹ thuật thể hiện trên các hiện vật bằng đá.
Chủ đề cá hóa rồng cũng cho thấy những ước muốn, khát khao danh vọng, những lý tưởng của người quân tử xuất hiện dưới những môtip, đồ án trang trí mang đầy tính tượng trưng, ẩn dụ, biểu tượng cho sự nỗ lực, học hành, thi cử, dành chỗ đứng trong thiên hạ. Hình ảnh cá chép hóa rồng trở thành biểu tượng của sự can đảm, thành công, chiến thắng, từ một loài cá bé nhỏ sống dưới nước, sau khi vượt qua được Vũ Long Môn, hình dạng cá biến đổi vẩy, đuôi, râu, sừng mọc oai phong, rạng rỡ, cũng tượng trưng cho sự khát vọng của con người luôn muốn vươn lên đến tầm cao mới.
Cùng với nhiều di tích khác, hình ảnh cá hóa rồng ở các từ đường, từ chỉ nêu trong bài đã cho thấy chủ đề này trở thành một trong những điểm nhấn thú vị trong hệ thống chạm khắc ở thời Lê Trung Hưng. Sáng tạo ra các biểu tượng trang trí với bàn tay khéo léo, kỹ nghệ tinh xảo và khối óc tài hoa, nghệ nhân xưa đã truyền cả tinh hoa và hồn cốt dân tộc vào từng nét chạm trổ trong không gian kiến trúc lăng mộ linh thiêng. Mỗi biểu tượng đều tự nó mang trong mình cái hồn của tạo vật, của muôn loài, phản ánh ước mơ, khát vọng của con người. Trong đó, hoa văn ở dạng biểu trưng cho sự hóa nói chung, đồ án cá hóa rồng nói riêng, đã tạo một tiền đề vững chắc để từ đó, sang TK XIX, dạng hoa văn này đã nở rộ trong chạm khắc ở cả các kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc dân gian thời Nguyễn như: Thế Miếu, Hưng Tổ Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, cổng Hoàng Thành (Huế).
______________
1. Từ đường: Nhà thờ họ, nhà thờ tổ của một dòng họ, do chi trưởng nam đời đời giữ việc hương khói, tế tự. Cũng có trường hợp dòng họ để con cháu thay phiên nhau thờ tổ tiên. Những họ lớn có nhiều chi, mỗi chi đều có nhà thờ riêng gọi là bản chi từ đường. Họ nào có điều kiện kinh tế và đông con cháu thì lập ra từ đường riêng.
Từ chỉ: Từ chỉ có chức năng tương tự như từ đường, tuy nhiên thường để gọi các công trình được dựng với các hiện vật lộ thiên trên một mặt nền, không có mái che. Hiện nay, theo năm tháng, con cháu đã xây thêm nhà có mái che nhưng vẫn giữ lại tên gọi từ chỉ, có nơi gọi là tờ chỉ.
2. Sinh từ là một hình thức kiến trúc khá phổ biến trong đời sống người Việt vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Trung Bộ xưa, dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ. Đó là những đền thờ sống thường được kết hợp với lăng mộ, đợi khi chính chủ quy tiên thì trở thành mộ phần và nơi thờ tự vĩnh viễn.
3. Từ vũ được xây dựng ở thời Lê Trung Hưng, có chức năng tương tự như từ đường, từ chỉ hoặc tích hợp thêm chức năng của sinh từ.
4. Chú thích về vấn đề tên của chủ nhân di tích Từ chỉ họ Đặng: Văn bia ở trong quần thể di tích Đặng gia từ chỉ, khắc năm Đức Nguyên 2 (1675). Năm 2006, tác giả Đặng Văn Lộc khảo sát, viết bài Văn bia ghi về Từ chỉ họ Đặng ở Tỳ Bà - Lương Tài - Bắc Ninh, đăng trong Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.479-482), dịch tên ông là Tài kiêm hầu Đặng Kim Công. Tuy nhiên, đến năm 2019, tác giả Đặng Văn Lộc đã đính chính lại bản dịch, tìm lại tên đúng của chủ nhân di tích này là Tài Quận công Đặng Trung Túc.
5. Theo thông tin trên bia lưu giữ trong di tích, công trình này xây dựng lúc ban đầu gọi là từ chỉ, hiện tại thì gọi là Từ đường gia tộc Nguyễn Thời.
6. Nói thêm về việc sử dụng hình ảnh con dơi trong chạm khắc: chữ Dơi trong tiếng Hán đồng âm với chữ Phúc trong Phúc lộc, người xưa thường sử dụng những từ đồng âm của sự vật với những thứ tốt lành để làm biểu trưng cho sự vật đó.
PGS, TS QUÁCH THỊ NGỌC AN - Ths NGUYỄN XUÂN GIÁP
Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022