Ánh sáng và màu sắc trong tạo hình tranh khắc kim loại Việt Nam

Khai thác đúng cách, phù hợp ánh sáng và màu sắc sẽ phát huy hiệu quả về mặt nội dung và nghệ thuật cho tác phẩm. Để lý giải vấn đề: Ánh sáng, màu sắc thể hiện khả năng, chức năng ngôn ngữ cũng như hiệu quả nghệ thuật trong tạo hình tranh khắc kim loại, như thế nào, trong bài viết này tác giả đi tìm khả năng biểu đạt ngôn ngữ ánh sáng và màu sắc thông qua phân tích các tác phẩm tranh khắc kim loại ở Việt Nam.

1. Mở đầu

Hiệu quả thẩm mỹ trong tranh khắc kim loại được quyết định bởi sự kết hợp các yếu tố của ngôn ngữ tạo hình (trong đó có ánh sáng, màu sắc) với ý tưởng của tác giả, biểu đạt thông qua các ngôn ngữ tạo hình đó. Tính đặc biệt của ngôn ngữ tạo hình trong tranh khắc kim loại không chỉ thể hiện ở việc nó được tạo ra như thế nào, mà còn ở cách người xem cảm nhận nó.

Ánh sáng, màu sắc trong tranh khắc kim loại được chủ động tạo ra để sử dụng với nhiều mục đích và đóng vai trò quan trọng trong thể hiện nội dung tác phẩm. Hai yếu tố này thể hiện các sắc thái tình cảm, tạo dựng và biểu đạt chiều sâu của không gian, thời gian, hoàn cảnh nhân vật trong tác phẩm; thể hiện tính chất của đối tượng, tạo hiệu quả nghệ thuật cho một tác phẩm tranh khắc kim loại, tác động vào cảm xúc của người xem chân thật nhất… và được các họa sĩ đồ họa sử dụng như một phương tiện truyền đạt cảm xúc hữu hiệu trong tác phẩm của mình.

2. Xử lý ánh sáng và màu sắc trong tác phẩm tranh khắc kim loại Việt Nam

Hiệu quả tạo hình của tác phẩm được tạo bởi các yếu tố quan trọng như: bố cục, kỹ thuật, chất liệu. Tuy nhiên, trong quá trình tạo hình tác phẩm đồ họa không thể thiếu sự tham gia của ánh sáng và màu sắc. Một mặt, ánh sáng và màu sắc là điều kiện lý tưởng để phô diễn kỹ thuật. Vì thế, xử lý ánh sáng và màu sắc bằng kỹ thuật đồ họa là yếu tố quan trọng của tạo hình tranh khắc kim loại.

Xử lý ánh sáng

Để thực hiện ý tưởng về ánh sáng và màu sắc, các họa sĩ sử dụng các kỹ thuật chừa sáng trong chế bản như tạo lớp chống axit bằng cách phủ bề mặt tấm kim loại với những vật liệu kháng axit như sáp, vecni…; kỹ thuật dùng chất liệu phủ mềm (soft-ground        etching); kỹ thuật xử lý bề mặt bằng chất liệu phủ cứng          (hard-ground etching) (1). Với vật liệu chống axit kém khô, lớp phủ bề mặt kim loại dùng chất liệu phủ mềm, tạo thuận lợi cho việc tạo hình, đặc biệt là những đường nét có tính mềm mại nên những phần chuyển của ánh sáng cũng mềm mại và không bị đột ngột. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả để tạo hiệu ứng cho tác phẩm giống như được vẽ bởi phấn hay sáp. Điều này bắt gặp trong các tác phẩm như Vắng (30x42cm, 2013) của tác giả Trần Thị Thanh Dung; Bay trong giấc mơ, Du thuyền (2015), Tuổi thơ (2012), Sự yên tĩnh ở trong vườn (2009), Hoài niệm (2008) của tác giả Nguyễn Thị Hòa (Hải Hòa). Trong kỹ thuật xử lý bề mặt bằng chất liệu phủ cứng, vật liệu chống axit tạo lớp phủ là sáp dày (có thể nung ở nhiệt độ cao để tạo độ cứng sau khi đã tạo hình) hoặc dung dịch hóa chất có đặc tính đông đặc khi tiếp xúc với không khí. Kỹ thuật này đạt hiệu quả cao trong những thiết kế bản khắc có rãnh sâu, với những đường nét dứt khoát, tạo hiệu ứng sắc nét, ánh sáng rõ ràng nổi bật cho tác phẩm. Điển hình như trong các tác phẩm Những đám mây trong thành phố (20x20cm, 2017, khắc kẽm) của tác giả Mỹ Ngọc; Trước mốc chỉ giới (khắc kẽm) của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương; Lối về 1 và 2 (30x40cm) của họa sĩ Trần Văn Định; Phố biển Phước Hải (130x50cm) của họa sĩ Lý Triệu Vỹ (2); Tết Trung thu của họa sĩ Trần Nguyên Hiếu; Ba con Trâu (45x56cm, 1992, khắc kẽm) của Nguyễn Huy Khôi; tác phẩm Tôi I, II (55x33cm, 2019) của Hồ Văn Định…

 Ngoài ra, còn có cách chừa sáng bằng kỹ thuật ăn mòn phun (spit bite). Khác với các phương pháp khác của tranh khắc kim loại, kỹ thuật ăn mòn phun chỉ đơn giản là phủ, vẽ rồi axit hóa. Spit bite có thể sử dụng các loại sơn màu, phổ biến là acrylic. Một cách khác cũng được nhiều họa sĩ lựa chọn đó là kỹ thuật chừa sáng không che phủ thông qua kỹ thuật ăn mòn tự do (open bite) bằng cách phun/ tạt/ vẽ axit trực tiếp lên bề mặt bản khắc. Đây là một phương pháp tạo hình khá mạo hiểm; trong đó, một phần không nhỏ bề mặt của tấm kim loại chịu tác dụng trực tiếp của axit mà không có bất cứ một lớp che phủ nào. Hiệu quả mà sự ăn mòn tự do này đem lại cho tác phẩm nằm ở sự tự nhiên, không gò ép, đem lại ấn tượng về sự vận động rất tự nhiên của những đường nét, ánh sáng trong tác phẩm. Điều này, hiệu ứng cho tác phẩm tương tự như kỹ thuật rửa màu trong những bức vẽ, tạo ra hiệu quả ánh sáng mờ ảo cho một bức tranh khắc kim loại theo phong cách màu nước (3). Ví dụ như tác phẩm Mưa, Phố Hà Nội của họa sĩ Trần Nguyên Hiếu…

Khác với những lối tạo hình ánh sáng bằng cách chừa sáng theo nhiều kỹ thuật khác nhau đã nêu trên, trong tranh khắc kim loại, nhiều họa sĩ còn ứng biến kỹ thuật mezzotint để lấy sáng bằng cách bào mòn hoặc làm phẳng lại bề mặt của tấm chế bản kim loại đã được tạo chất trước đó, ở những vị trí cần lấy   sáng (4). Cách này thường phải tạo một bề mặt thô, trên kim loại đồng, tấm đồng dùng làm chế bản được làm nhám đồng đều thủ công bằng đĩa lắc chuyên dụng hoặc máy mài. Công đoạn này cần xử lý toàn bộ chế bản trước khi lấy sáng, thường kỳ công và chiếm nhiều thời gian. Tuy nhiên, khá nhiều tác giả không ngần ngại thể hiện chỉnh chu trong tác phẩm của mình như: Chân dung của họa sĩ Lê Nhật Anh; Ám ảnh YK1 (giải khuyến khích đồ họa ASEAN năm 2020) của tác giả Trần Hương Mai…

Xử lý màu sắc

Trong tranh đồ họa và tranh khắc, việc đưa màu in (mực in) lên chế bản phải được tiến hành theo cách tương thích và phù hợp với chi tiết in của bản khắc. Một phần sức hấp dẫn của màu sắc trong tranh khắc kim loại là mỗi bản in được tạo riêng lẻ với nhiều công đoạn, và mặc dù hai bản in có thể có hình thức tổng thể giống nhau, nhưng khi kiểm tra kỹ lưỡng sẽ thấy có sự khác biệt nhỏ trong đó có sự khác biệt về màu sắc.

Với những đặc trưng riêng, tranh khắc kim loại là một dòng tranh không có quá nhiều màu sắc và đa dạng như trong hội họa. Màu sắc thông thường sử dụng phổ biến là các sắc độ tối của xanh, vàng, tím, cam, đỏ với cường độ màu đậm như: xanh rêu, xanh lục, xanh xám, tím xanh, tím đỏ, đỏ đô, cam đất, vàng đồng, vàng đất… và hầu như rất hạn chế các màu tươi, rực.

Trong khắc kim loại, để in màu theo hình thức tách bản, các họa sĩ tạo nhiều hơn một chế bản, thông thường là một chế bản sử dụng nét và các chế bản là các mảng màu được khắc. Việc xử lý trong các tấm kim loại riêng biệt và cần in các bản màu trước và sau cùng là bản nét. Trên thực tế, ở Việt Nam, kỹ thuật này thường được sử dụng nhiều trong khắc gỗ tách bản. Bởi vì, trong tranh khắc kim loại, các bản nét thường được chăm chút về tạo hình, nhấn mạnh tính đồ họa ở các bố cục cô đọng. Bản in màu cũng cần được tính toán mảng hình, nét màu kỹ lưỡng để hòa quyện với bản nét. Họa sĩ Nguyễn Thị Bích Phương với tác phẩm Bóng nước (2016) đã thực hiện quy trình khắc bản nét và tách bản         màu (5). Với gam màu vàng nhẹ nhàng, kết hợp những mảng xanh để thể hiện sự chuyển động của bóng nước. Sự kết hợp giữa các đường nét mềm mại và những mảng màu phù hợp mang lại cảm giác về sự gợn sóng lăn tăn trên mặt nước. Trong trường hợp, họa sĩ không sử dụng nét trong tranh thì các bản tách màu lúc này đóng vai trò chính, cần phải canh, can, khắc và xử lý kỹ càng hơn.

Bên cạnh đó, việc sử dụng kỹ thuật chuyển màu trên một bản in cũng là một trong những kỹ thuật giúp họa sĩ tiết kiệm được thời gian và công sức. Muốn thực hiện hiệu quả kỹ thuật này, họa sĩ phải  khéo léo, cẩn thận, cân nhắc được mức độ màu cũng như sắc độ khi thể hiện. Tác phẩm Hoa Lan (2015) của Nguyễn Thị Xuân Hạnh cho thấy sự điêu luyện, tinh tế trong việc dùng màu để diễn tả đối tượng là cánh hoa mỏng manh (6). Cùng trên một bản màu, nhưng tác giả đã diễn tả được sự chuyển động không gian với gam màu vàng cam từ đậm sang nhạt. Mảng xanh đậm ở phía dưới tranh giúp bố cục trở nên chặt chẽ, tinh tế hơn. Với sự tính toán kỹ lưỡng về sắc độ màu sắc tác phẩm khiến người xem cảm nhận được không gian xa gần trong tranh.

Một số tác phẩm như Lò gạch Sa Đéc (60x135cm, 2016, khắc đồng) của Phùng Quảng Đông; Lối mòn (2014, khắc kẽm) của Bảo Tân; Phá Tam Giang (50x61cm, khắc đồng), Mưu sinh (30x90cm, khắc đồng) của Trần Thị Thanh Dung;  Trộm nhìn (77x60.5cm, khắc đồng) của Hải Hòa; Bình yên (50x52cm, khắc đồng, Triển lãm đồ họa các nước ASEAN 2020) của Nguyễn Hữu Quyết… sử dụng linh hoạt kỹ thuật aquatint để tạo đậm nhạt màu sắc. Bản chất sự hỗ trợ của kỹ thuật này tạo khả năng thể hiện những mảng lớn nhỏ, độ đậm nhạt diễn tả các sắc thái khác nhau của màu trong tranh. Cùng một màu xanh trên bảng đồng, nhưng có mảng thì xốp nhẹ tự nhiên, khi thì đậm đặc do mật độ của các hạt nhựa thông. Một số tác phẩm khác sử dụng kỹ thuật phủ bằng nước đường (sugerlift) để tạo các mảng màu cảm giác chồng lên nhau tạo sự ửng màu qua lại.

3. Thông điệp của tác phẩm tranh khắc kim loại Việt Nam được thể hiện bằng chức năng ngôn ngữ ánh sáng và màu sắc

Trong thông điệp tranh luôn hàm chứa những ý nghĩa của nội dung, tình cảm của tác giả và được thể hiện bằng nhiều yếu tố nghệ thuật. Ánh sáng và màu sắc cũng được sử dụng như một yếu tố, một phương tiện để thể hiện thông điệp của tác phẩm tranh khắc kim loại.

Bộ tranh 5 bức mang tên Góc chung cư (2012, khắc kẽm) của họa sĩ Phan Thanh Hải gây ấn tượng về khả năng làm chủ ánh sáng và màu sắc, sự tính toán cẩn trọng về bố trí luồng ánh sáng, hình khối, màu sắc, đường nét trong bố cục đem lại cảm giác về khu chung cư tĩnh lặng giữa đô thị đông đúc. Với góc nhìn đa dạng trong tranh và kỹ thuật tả chất liệu tinh tế đã tạo nên tính hiện đại trong tranh. Mặc dù tác giả không sử dụng nhiều màu nhưng vẫn thể hiện được không gian xa gần tinh tế.

Màu cam thường được gắn với sự ấm áp, đầy năng lượng. Tuy nhiên, màu cam trong tranh khắc kim loại thường trầm và không rực. Hầu hết các tác phẩm đều mang thông điệp và đặc biệt trong bộ tác phẩm Trong cõi nhân gian (1996, khắc kẽm) của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001-2005 đưa đến cho công chúng thưởng lãm một bộ tranh kỳ công gồm 4 bức: Phượng, Rồng, Đường lên chùa Quy Thả diều Lân; thu hút bởi gam màu cam nóng, thể hiện trong không gian hoài cổ khá rõ ràng và đầy ngụ ý trong cụm tác phẩm này. Một số tác phẩm khác, màu cam còn có thể mang ý nghĩa cảnh báo đều có một tông màu cam nhẹ, được dùng để làm tăng mạnh cảm giác bế tắc. Tác phẩm Lối mòn (2014, khắc kẽm) của họa sĩ Bảo Tân thu hút người xem bởi những mảng màu huyền ảo. Tác phẩm được tác giả sử dụng lối khắc một nửa trừu tượng, một nửa như chịu ảnh hưởng đôi chút của hội họa siêu thực với các hình thể biến đổi trên các tầng lớp không gian không theo trật tự tự nhiên,  khiến cho bức họa vừa có cảm giác khó hiểu, vừa hấp dẫn người xem. Không gian với tông màu cam nhẹ kết hợp với mảng màu xanh đậm ở trên và dưới, cùng diễn tiến câu chuyện và nhân vật trong tranh làm người xem có cảm giác lo lắng và bế tắc. Màu cam đã tham gia và làm rõ hơn ý của thông điệp mà tác giả muốn gửi vào tác phẩm.

Tác phẩm Trưa hè (60x65cm, 2015, khắc đồng) của Hải Hòa với ánh sáng màu vàng của không gian và chiếc áo hoa của nhân vật đã được xử lý để chuyển tải thông điệp rất êm dịu và bình yên. Cô bé với chiếc áo hoa màu vàng đất trong khung cảnh bình yên trên những bụi rơm và những con chim hạc giấy trong một buổi trưa hè, khung cảnh trong trẻo và nhẹ nhàng. Ở một tác phẩm khác của Hải Hòa, như Thông điệp tuổi thơ (60x85cm, 2015, khắc đồng, Triển lãm đồ họa ASEAN năm 2016) cũng làm về trẻ thơ, nhưng trong một bối cảnh khác. Trong tác phẩm này, màu đỏ được tập trung vào chi tiết những lá cờ, ánh sáng lại tập trung ở không gian xung quanh làm bật lên trọng tâm (bố cục) những em bé và cờ. Màu đỏ đủ rực làm tăng hiệu quả hình ảnh những lá cờ, nổi bật giữa khung cảnh đen trắng,  tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Không gian đen trắng của quá khứ, với màu đỏ thoáng qua khó quên, xuyên suốt kết hợp để truyền đạt chủ đề và thông điệp của tác phẩm về khát vọng hòa bình, độc lập.

Với tranh khắc kim loại, tranh đen trắng cũng là màu sắc không gây nhàm chán vì chúng được tạo ra từ khi sự phong phú của ánh sáng, sắc độ và các yếu tố khác như đường nét đồ họa. Tuy nhiên, việc chủ động làm hạn chế màu sắc của tác phẩm lại mang một thông điệp mạnh mẽ hơn là nói trực tiếp. Tác phẩm Ám ảnh YK1 (2020) của Trần Hương Mai với gam màu đen trắng, với sắc xám làm ánh sáng không gian thường là chủ yếu và họa sĩ sử dụng sắc xám này với mục đích tạo ra tâm trạng của nỗi sợ hãi đến mức gây ám ảnh. Sắc xám trong tác phẩm gợi trạng thái tinh thần u tối của con người chán chường về với mọi thứ của cuộc sống. Nó tác động vào thói quen trước đây của người xem: thường dùng màu đen trắng để gợi ý các sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Thực tế, với tâm trạng ảm đạm để gợi lên một cảm xúc bối rối tổng thể từ người xem. Họ có thể nắm bắt tất cả những điều này chỉ từ đen và trắng như một ví dụ cho việc sử dụng màu sắc nhằm mục đích thể hiện kịch tính. Một lần nữa, hiện thực về cảm xúc mà họa sĩ Hương Mai coi trọng đã trở thành cách sử dụng màu sắc để thể hiện xung đột, kịch tính trong tác phẩm của mình một cách hiệu quả.

Tác phẩm Mây trong thành phố 1&2 (2013, khắc kẽm) của Vũ Xuân Tình mang hơi thở nghệ thuật đương đại mà các nghệ sĩ thường trăn trở. Ánh sáng và màu sắc trong tranh được thực hiện với chuyển động của màu sắc, từ màu trầm lạnh sang các màu ấm nóng như cam, đỏ; hiệu ứng này được thực hiện qua việc sử dụng màu sắc phục trang của các nhân vật trong tranh. Cách sử dụng ánh sáng và màu sắc của họa sĩ có vẻ lạ lẫm với thực tế, nhưng họa sĩ muốn dùng màu sắc để tạo ra một cao trào cảm xúc mà tính hiện thực của hình ảnh vẫn không bị bóp méo nhiều.

4. Một số nhận định

Vừa mang tính hình thức, vừa thể hiện nội dung, vừa thể hiện tâm trạng của người họa sĩ và cũng là tạo cảm xúc cho người xem tranh, ánh sáng và màu sắc là những yếu tố thú vị nhất của bức tranh khắc kim loại. Ánh sáng và màu sắc vừa là chủ thể, vừa là công cụ để tạo ra những hiệu ứng nhất định và khơi gợi hoặc định hướng cảm xúc. Mỗi nét khắc trong tranh đều chịu ảnh hưởng, cũng như thể hiện nguồn ánh sáng. Không chỉ giới hạn trong nghệ thuật trừu tượng hay chủ nghĩa hiện thực, ánh sáng, màu sắc là yếu tố cần thiết cho mọi phong cách. Nhờ sự trợ giúp của ánh sáng, tác giả có thể thu hút sự chú ý của người xem về một điểm mà muốn người xem tập trung nhìn thấy. Ánh sáng có thể tiết lộ sự hiện diện của nhân vật, bất kỳ đối tượng nào chủ đạo trong tranh, màu sắc thể hiện tâm trạng của nội dung ở các khoảnh khắc tươi sáng hoặc bi thảm. Bóng tối có thể là một cách thể hiện rất rõ ràng, mạnh mẽ cho tâm trạng buồn và ảm đạm, có thể đem đến cảm giác sợ hãi và bí ẩn... Còn khi ánh sáng mạnh, rực rỡ hay ấm áp lại tạo cảm giác an toàn, rõ ràng và bình an... Ánh sáng cũng có thể kết hợp với màu sắc để nâng cao hiệu quả của những khoảnh khắc cần chuyển tải đến người xem cảm xúc, tâm trạng nào đó của ý tưởng tác phẩm tranh khắc kim loại. Vai trò của ánh sáng và màu sắc trong tranh khắc kim loại đã được chỉ ra:

Ánh sáng và màu sắc trong tranh khắc kim loại có quan hệ mật thiết đến kỹ thuật chất liệu và quá trình in ấn

Việc tạo ra tác phẩm tranh khắc kim loại là một quá trình, trong đó xử lý kỹ thuật và in ấn quyết định đến sự thành công và hiệu quả của ánh sáng và màu sắc trong các tác phẩm. Các công đoạn tạo chế bản, pha màu, bôi mực, chùi mực, chà sạch, lấy sáng đều phải được thực hiện kỹ càng để khai thác hiệu quả ý tưởng của tác giả muốn chuyển tải đến cho người xem và thu hút họ ở cấp độ sâu hơn.

Ánh sáng và màu sắc trong tranh khắc kim loại hướng sự chú ý của người xem đến nơi trọng tâm của tác phẩm

Ánh sáng là công cụ hoàn hảo để đảm bảo rằng chú ý của người xem đang được đặt vào những nơi tác giả mong muốn. Cũng như khả năng tạo điểm nhấn và sự tập trung hiệu quả của cảm xúc phụ thuộc vào ánh sáng và bóng tối. Sự tập trung được sử dụng để hướng sự chú ý của người xem tới nhân vật, đối tượng và các khu vực quan trọng trên tranh. Điều này giúp cho người xem theo dõi được đầy đủ nhất nội dung và luồng ý tưởng của tác giả và không bỏ lỡ những chi tiết quan trọng.

Ánh sáng và màu sắc giúp tạo ra và nhấn mạnh cảm xúc trong tranh khắc kim loại

Là thành phần ngôn ngữ của một tác phẩm, ánh sáng và màu sắc có thể cho người xem biết nhiều điều về tác phẩm đó. Các họa sĩ thể hiện tâm trạng của mình hay tác động vào cảm xúc của người xem tranh bằng cách chọn những màu sắc ấm áp hoặc mát mẻ, hay nóng bức, đen tối... mà họ muốn có trong tranh của mình. Màu sáng khiến người xem tranh cảm thấy vui vẻ khi màu tươi mát, hay rực rỡ, và màu sắc u tối khiến họ cảm thấy buồn chán hay bất an, lo sợ. Ngoài ra, ánh sáng và màu sắc đặc trưng có thể gợi cho người xem những cảm xúc khác hay thể hiện tâm trạng khác của họa sĩ. Ánh sáng có thể thông báo cho người xem biết khá chính xác điều gì sắp đến, chẳng hạn các cảnh buồn chán, hay vui vẻ, hưng phấn và kịch tính… Ánh sáng có thể tạo ra được giai điệu, nhịp điệu cho các cảnh vật giúp người xem cảm nhận là một phần của ý tưởng.

Các màu ánh sáng khác nhau có thể giúp khắc họa cảm xúc khác nhau. Điều này cũng tạo ra những hiệu ứng ấn tượng, hiệu quả của tác phẩm. Ánh sáng không chỉ để chiếu sáng trong tranh. Việc sử dụng độ tương phản để tạo hiệu ứng ấn tượng cũng là cách sử dụng bóng tối hiệu quả, tạo ra điểm nhấn cho các khu vực chính giúp thu hút người xem hiểu sâu hơn nội dung.

Trong nghệ thuật tranh khắc kim loại, ánh sáng và màu sắc quan trọng trong việc khơi gợi cảm xúc. Ánh sáng, màu sắc cùng với các yếu tố tạo hình khác trong tranh khắc kim loại, có khả năng tạo nên sắc thái tình cảm cho bức tranh, tạo không khí của bối cảnh mà không gian xuất hiện, hoàn cảnh đối tượng, thể hiện các tính chất của đối tượng, cùng tham gia vào tạo hình đối tượng. Chúng được sử dụng làm công cụ kể chuyện, giúp nâng tầm tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chúng không chỉ giúp thu hút sự chú ý của người xem mà còn tạo không khí cho cảnh và gợi ra những cảm xúc mà người họa sĩ mong muốn. Màu sắc được sử dụng trong tranh khắc kim loại để dẫn dắt mắt người xem và thu hút sự chú ý của họ vào các phần nhất định của tranh khắc kim loại. Nó thể hiện trạng thái tinh thần của tác giả và ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc của người xem. Màu sắc có thể giúp tác giả bức tranh kể những câu chuyện trực quan và nó có thể được sử dụng để giao tiếp ở mức độ cảm xúc.

Các nghiên cứu của tâm lý học cho thấy, ánh sáng và màu sắc có ảnh hưởng đến cảm xúc của con người. Tuy nhiên, cảm nhận và phản ứng với ánh sáng và màu sắc của mỗi cá nhân là khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố cá nhân, văn hóa và tình huống tiếp cận. Ánh sáng tham gia vào hình thức cũng như nội dung của các loại hình nghệ thuật tạo hình như hội họa, sân khấu, nhiếp ảnh… và có vai trò ngôn ngữ của các loại hình ấy, tùy thuộc vào cách thức, mức độ sử dụng chúng của mỗi loại hình nghệ thuật.

Ánh sáng và màu sắc trong tranh khắc kim loại tham gia vào nội dung và đặc biệt, có khả năng thể hiện, mô tả chi tiết biểu cảm trạng thái của đối tượng, tạo cảm xúc cho người xem, chuyển tải chủ đề, thông điệp của tác phẩm tranh khắc kim loại và chỉ có giá trị khi đứng trong một tổng thể ý đồ của tác giả trong tác phẩm.

Ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ trong tranh khắc kim loại nói riêng là không có giới hạn. Bằng một số bức tranh cụ thể, được dùng để phân tích cho thấy, các họa sĩ đồ họa đã sử dụng một cách sáng tạo ánh sáng và màu sắc như là ngôn ngữ để thể hiện nội dung cũng như tạo ra những hiệu quả nghệ thuật. Một mặt, người họa sĩ sử dụng ngôn ngữ ánh sáng và màu sắc để tạo ra những tác phẩm khắc kim loại có giá trị về nghệ thuật. Mặt khác, họ tìm kiếm các cách sử dụng hai yếu tố quan trọng này để tiếp tục phát triển, hoàn thiện, biến nó thành công cụ tuyệt mỹ phục vụ cho sáng tạo nghệ thuật và thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người. Đó là quá trình sáng tạo, sử dụng và hoàn thiện ngôn ngữ đồ họa, mà đặc biệt là ánh sáng và màu sắc. Muốn thế, các họa sĩ đồ họa Việt Nam cần phải hiểu chúng và tìm cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả cũng để tạo ra được những dấu ấn thú vị trong tác phẩm tranh khắc kim loại của mình.

____________________

1. Nguyễn Thy, Ảnh hưởng của kỹ thuật chế bản đối với giá trị nội dung - nghệ thuật của tranh khắc kim loại, Khóa luận tốt nghiệp khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, 2017, tr.23.

2. Võ Thị Mỹ Diệu, Màu sắc trong tranh khắc kẽm, Khóa luận tốt nghiệp khoa Đồ họa - Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, 2015, tr.30.

3, 5. Võ Kim Ngân, Hòa sắc trong tranh phong cảnh in kim loại, Khóa luận tốt nghiệp khoa Đồ họa - Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, 2017, tr.19, 33.

4. Đinh Nhật Tân, Tranh đồ họa đương đại nguồn cảm hứng sáng tạo, Khóa luận tốt nghiệp khoa Đồ họa - Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, 2005, tr.35.

6. Trần Nguyên Ý, Ngôn ngữ tạo hình trong tranh đồ họa, Khóa luận tốt nghiệp khoa Đồ họa - Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, 2006, tr.43.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Nghĩa Phương, Những đặc trưng của tranh khắc trong liên hệ với thực tế tranh đồ họa Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 2, 2002, tr.42-43.

2. Nguyễn Nghĩa Phương, Xu thế mở trong sáng tác tranh in, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 1 (17), 2018, tr.4-15.

3. Nguyễn Nghĩa Phương, Tranh in lõm - tên gọi và các kỹ thuật thể hiện, Tạp chí Mỹ thuật nhiếp ảnh, số 1 +2, 2013, Nxb Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

Ths TRẦM THỊ TRẠCH OANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;