Văn hóa dân gian là sự kết tinh, hội tụ những nét đẹp của đời sống cộng đồng cư dân trong quá khứ. Nó phản ánh cuộc sống, thế giới quan, tư duy, quan niệm của họ trong những không gian, thời gian nhất định của lịch sử. Trong tiến trình phát triển đương đại, sự sáng tạo văn hóa dân gian hiện đại không chỉ là sự mô phỏng hiện tại mà chính là sự giải thích, đắp bồi quá khứ theo nhãn quan thời đại. Trên cơ sở đó, từ thực tế hình dáng ngọn núi Pác Tạ trên hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang, truyền thuyết mới về ngọn núi này theo hình dáng hiện tại đã được sáng tạo. Đây là cách giải thích đương đại về một hiện tượng tự nhiên minh chứng cho việc sáng tạo văn hóa dân gian hiện đại theo dòng thời gian, góp phần làm giàu kho tàng di sản văn hóa của dân tộc trên con đường phát triển.
Trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, văn hóa dân gian có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội trong quá khứ cũng như hiện tại. Trong văn hóa dân gian truyền thống Việt, văn học dân gian là một trong những thành tố đặc biệt quan trọng. Văn học dân gian bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân qua lăng kính dân gian theo dòng thời đại. Lăng kính này chịu sự chi phối của lịch sử, tức là sự biến đổi theo thời gian trong những không gian xác định. Sự biến đổi của lịch sử chính là phản ánh sự biến đổi của cuộc sống đương thời. Sự biến đổi đó sẽ không ngừng diễn ra, được người đời tiếp ứng, lưu giữ, biến đổi, tạo ra sự tiếp biến, giao thoa văn hóa. Đó một phần là những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian thông qua cách thức truyền miệng, được dân gian kiểm chứng, tu chỉnh, lưu giữ, lưu truyền trong những không gian xác định, thuộc phạm vi một địa phương nào đó nhưng tồn tại xuyên suốt thời gian. Sau đó, nó được ghi chép bằng văn tự, được lưu giữ, lưu truyền cụ thể, rõ rệt hơn; từng bước trở thành tài sản văn hóa của cả cộng đồng. Văn hóa dân gian đã hình thành một cách tự phát, ngẫu hứng trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc. Nghiên cứu văn hóa dân gian chính là quá trình bóc tách các lớp văn hóa quá khứ để tìm lại nhận thức của lịch sử đương đại. Sự tích hợp nhận thức của lịch sử tạo nên bề dày phát triển, chiều sâu văn hóa cộng đồng trong những không gian, thời gian xác định. Với bất cứ sự vật, hiện tượng nào, phát triển là cả một quá trình đi từ thấp đến cao, đi từ hẹp tới rộng, từ chi tiết tới khái quát hóa… Tuy nhiên, quá trình hình thành, phát triển các thành tố của văn hóa dân gian dù khách quan hay chủ quan thì bản chất vẫn thực sự theo đúng lộ trình trên con đường nhận thức của chủ nghĩa duy vật biện chứng là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Đó chính là con đường của nhận thức chân lý. Tư duy sáng tạo khoa học, hợp lý, nhân văn sẽ tạo nên những nhận thức mới để định hướng, dẫn dắt thực tiễn. Một sáng tạo văn hóa dân gian hiện đại dưới đây sẽ góp phần minh chứng cho luận điểm đó.
Theo Truyền thuyết Pác Tạ sơn, núi Pác Tạ ở trên hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang còn có các tên gọi là núi Phia Tà, Phia Tạ, Côn Lôn sơn... Ngọn núi này cao nhất huyện Na Hang, trở thành ngọn núi chủ của cả vùng. Vốn nằm ở bên bờ của ngã ba sông, nơi giao nhau, gặp gỡ của hai dòng sông Gâm, sông Năng chảy trên địa bàn huyện Na Hang. Sau khi hồ thủy điện Na Hang tích nước, ngọn núi nổi bật lên giữa hồ thật hùng vĩ. Dù đi thuyền trên hồ hay đi đường bộ trên những cung đường núi quanh co bao quanh khu vực hồ thủy điện, mọi người đều lấy đỉnh núi làm vật chuẩn trong hành trình của mình.
Dưới chân núi Pác Tạ có ngôi đền cùng tên nổi tiếng linh thiêng thờ người thiếp yêu của tướng quân Trần Nhật Duật gặp nạn nơi đây. Theo truyền thuyết, ngôi đền xưa vốn làm bằng tranh tre, nứa lá dựng ở bên hữu ngạn dòng sông Năng. Nhưng đến một hôm trời nổi cơn giông lớn, mái đền bị gió cuốn bay qua sông sang rẻo đất cao đối diện, dưới chân núi Pác Tạ. Nhân dân địa phương cho rằng đây là ý của Đức Thánh Mẫu nên từ đó ngôi đền được dựng khang trang, bề thế dưới chân ngọn núi Pác Tạ. Khoảng những năm 1959, ngôi đền bị hỏa hoạn chỉ còn nền móng hoang phế. Sau này, khi hồ thủy điện tích nước thì ngôi đền xưa đã được di dời từ chân núi lên cao như hiện nay, xây dựng lại khang trang vào tháng 9 - 2009. Ngôi đền đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia. Do tích nước hồ thủy điện, không còn ngã ba sông như xưa nhưng do địa hình để lại, trước mặt đền Pác Tạ vẫn là khu vực ngã ba dẫn đi hai ngả: Bắc Mê (Hà Giang), Ba Bể (Bắc Cạn). Đền Pác Tạ đã, đang trở thành điểm du lịch tâm linh đặc biệt quan trọng trong các chương trình du lịch sinh thái tham quan lòng hồ thủy điện Na Hang ngày nay.
Cũng ngọn núi Pác Tạ này, cư dân trong vùng còn gọi là Núi Voi, do nhìn ngang từ xa dải núi khá giống hình một con voi đứng. Với hình dáng như vậy, cư dân trong vùng lưu truyền một truyền thuyết về Núi Voi này. Xưa kia, khu rừng rậm quanh vùng có rất nhiều loài thú dữ, cả những chú voi hoang dã. Trong các loài thú hoang dã đó, voi là loài đặc biệt khoẻ mạnh, có sức kéo tốt, nhưng lại khó thuần dưỡng. Người dân nơi đây đã cố gắng tìm đủ mọi cách thuần dưỡng những chú voi dữ tợn này để dùng làm sức kéo, chuyên chở những vật dụng, làm phương tiện đi lại cho người dân trong vùng địa hình hiểm trở. Nhiều con voi rừng đã lần lượt được người dân thuần dưỡng, chỉ còn có chú voi đầu đàn không ai có thể thuần dưỡng được. Bao nhiêu người tài giỏi cũng phải lắc đầu chịu bó tay trước chú voi hung dữ ấy. Thế rồi, năm đó có giặc ngoại xâm vào xâm chiếm, dân bản đã tập trung tất cả binh lực để dồn cho cuộc chiến nhưng thế giặc hung dữ rất mạnh, khó bề ngăn chặn. Cần có nhiều voi đánh giặc nhưng dân bản vẫn chưa thuần dưỡng được con voi đầu đàn hung dữ. Giữa lúc mọi người đang hết sức lo lắng bỗng ở đâu xuất hiện một người quản tượng từ xa tới xin đảm nhận công việc này. Ngày đầu tiên, ông đã cho chặn tất cả những dòng suối xung quanh vùng voi sinh sống để cho voi không có nước uống. Ba ngày sau, lúc chú voi đã khát lắm, ông mới bắt đầu đổ rượu vào hõm đá trong rừng. Voi tìm đến đó để uống thay nước, dần dần voi bắt đầu quen với rượu của người quản voi. Ông đã có thể đặt bành lên lưng voi, điều khiển voi đi theo mệnh lệnh của mình. Có điều voi chỉ uống rượu thay cho nước thì mới chịu theo lệnh, từ đó người ta gọi chú là Voi Rượu. Đến ngày xuất trận, Voi Rượu hùng dũng đi đầu xông vào xé toang đội hình quân giặc, lũ giặc bị voi giày xéo, quật tan, chết như ngả rạ. Giặc tan, nhờ chiến công của mình, voi được phong tước quận công, được vua ban cho 5 vò rượu quý. Trong lễ mừng chiến thắng, Voi Rượu cứ lẳng lặng hút từng nậm rượu để thưởng thức phẩm vật ban tặng cho chiến công của mình, nhưng khi uống hết đến nậm rượu thứ 5 thì voi bỗng nhiên tắt thở. Kỳ lạ thay, voi chết mà vẫn đứng sừng sững bên những nậm rượu. Đêm đó trời mưa tầm tã, gió rít ào ào như muốn bày tỏ sự tiếc thương của dân bản đối với Voi Rượu. Sáng ngày ra, người ta đã thấy cả voi, nậm rượu đã hóa thành đá. Đến nay, hình tượng đó vẫn còn, dân trong vùng đặt tên là núi Pác Tạ.
Ngoài truyền thuyết kể trên, ngọn núi Pác Tạ dưới nhiều góc nhìn có hình rất giống bầu vú của người phụ nữ thì không có truyền thuyết nào nói tới. Trong dịp lên công tác tại huyện Na Hang, chúng tôi thấy ngọn núi này có hình dáng rất giống bầu vú của bà mẹ Trời nên đã tự sáng tạo ra câu chuyện về ngọn núi. Chuyện kể rằng, ở vùng đất Na Hang có một bản làng trù phú, dân cư đông đúc, sống yên bình bên dòng sông Gâm. Bỗng một ngày, giặc tới tàn phá bản làng, ức hiếp dân bản, cướp trâu, chó, gà… khiến dân làng phải bỏ bản mà chạy trốn. Trong bản có một người phụ nữ xinh đẹp vừa mới sinh em bé. Một ngày kia, nàng đang cho con bú trên nhà sàn bỗng nghe những tiếng la thét, kêu khóc, ai đó gào lên: “Giặc đến, chạy đi!”. Nàng vội vàng ôm con lao xuống sàn, đuổi theo những người đang chạy giặc ở phía trước. Ôm con chạy được qua một quả đồi, mệt quá, lại thấy không ai đuổi theo, nàng dừng lại, đi chậm, cúi xuống xem con của mình còn ngủ không rồi cho con bú. Vừa cúi xuống, chưa kịp nhìn thấy mặt con, bỗng nàng thấy ngực mình đau nhói. Ngẩng mặt lên, thấy một tên quan giặc mặt mũi hung ác đang vươn tay chộp vào bầu vú của mình, nàng gầm lên như một con hổ cái bị trọng thương, giẫy dụa, giằng xé, cào cấu, la hét vẫn không thoát khỏi tay tên giặc dữ. Nàng rút ngay con dao vốn luôn đeo bên mình để phòng thân, đâm thẳng về phía tên giặc. Tên giặc dữ giật mình, vội né tránh mũi dao nhưng tay hắn vẫn túm chặt một bên ngực của nàng. Hộc lên một tiếng, nàng khua một vòng tròn cắt phăng một bên ngực của mình để thoát tên giặc dữ. Ôm con, một tay ôm ngực máu chảy đầm đìa chạy về phía trước. Tên giặc đang hí hửng vì sự giằng xé không thoát, bỗng nhiên thấy tay mình vẫn nắm cái mềm mềm, âm ấm mà tại sao nhẹ bẫng. Nhìn xuống, hắn chỉ thấy một bầu vú hồng tươi mịn màng đang chảy máu nhưng ở đầu núm vú vẫn tiết ra những giọt sữa thơm phức. Hắn giật mình sửng sốt, vội vàng ném cái đang cầm trong tay ra xa. Trời đang u ám bỗng nhiên một tiếng sét đinh tai nhức óc vang lên, một tia sét cực mạnh từ trên trời phóng xuống chỗ quân giặc dữ. Hồi lâu sau, hết bàng hoàng bởi tiếng sét, mọi người mở mắt ra đã thấy đám quân giặc nát tan không còn mảnh giáp. Ở đó, một ngọn núi sừng sững mang hình hài một bầu sữa mẹ, bầu vú căng tròn đã hóa đá.
Từ đó đến nay, bầu vú ấy vẫn hùng vĩ, uy nghi bên ngã ba của hai dòng sông Gâm, sông Năng huyền thoại, cung cấp dòng nước ngọt thơm, ngon như dòng sữa mẹ cho cả vùng dân cư rộng lớn trên đất Na Hang.
Văn hóa là sáng tạo. Đây là một dị bản dân gian hiện đại góp phần minh chứng cho nghiệp vụ của hướng dẫn viên du lịch, cần phải tư duy, giải thích cho khách khi tham quan hồ thủy điện Na Hang. Việc đưa ra lý giải về hình dạng ngọn núi thông qua câu chuyện kể trên được xem như một cách tiếp cận theo hướng sáng tạo văn hóa dân gian hiện đại.
Rõ ràng, trong văn hóa dân gian, khó có thể nói thế nào là đúng hay là sai mà chỉ có thể nói có lý hay không có lý mà thôi. Toàn bộ kho tàng văn hóa dân gian truyền thống đã được cộng đồng cư dân sáng tạo, tu chỉnh, lưu giữ, truyền trao cho các thế hệ tiếp nối. Hôm nay, trên cơ sở hiện thực khách quan, chúng ta cũng hoàn toàn có thể sáng tạo những câu chuyện văn hóa mang giá trị nhân văn. Cái gì hợp lý, cái đó sẽ tồn tại. Cái gì tồn tại lâu dài, được truyền giữ, sẽ trở thành truyền thống. Như vậy, việc sáng tạo văn hóa dân gian hiện đại là một việc làm tiếp nối, phát triển, nâng truyền thống đi cùng thời đại. Đó thực sự là công việc cần thiết của chúng ta hôm nay, cũng thực sự là một trong những phương cách làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, không bị giới hạn bởi thời gian hay ý thức hệ tư tưởng. Tính nhân văn sẽ bao trùm, dung hội tất cả để những sáng tạo dân gian theo dòng thời cuộc sẽ trở thành di sản. Người ta thường không ủng hộ những sáng tạo mới mà không ý thức được rằng không có mới làm sao thành cũ. Những di sản hôm nay chính là những cái mới đã được dân gian sáng tạo của ngày hôm qua. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay là lẽ như vậy.
Tác giả: Dương Văn Sáu
Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019