Nhiều năm gần đây, trên văn đàn và diễn đàn, tần số khái niệm minh triết được dùng nhiều trong văn nói và văn viết, nhưng nội dung ở một số tài liệu vừa sơ lược, vừa mơ hồ, lẫn lộn giữa minh triết với triết lý, triết học, chưa phân biệt giữa tư duy minh triết của phương Đông và tư duy triết học của phương Tây… Bài viết xin đính chính đôi điều về thực trạng nói trên và chứng minh bằng lịch sử minh triết trong truyền thống giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt.
Vậy minh triết là gì? Minh triết vừa là cái bất biến, vừa là cái khả biến của đối tượng khảo cứu. Bất biến ở bản chất, cốt lõi, khả biến ở cách ứng xử. Minh triết lần đầu tiên xuất hiện trong Kinh thi gồm bốn phần: Phong, Tiểu nhã, Đại nhã, Tụng. Đó là tuyển tập thơ ca đầu tiên của văn học Trung Hoa xuất hiện vào khoảng thời gian từ đầu Tây Chu đến giữa Xuân Thu (TK XI-TK VI trước công nguyên). Thuật ngữ này liên quan tới bài thơ Chung dân (trong phần Đại nhã của Kinh thi). Bài thơ gồm 8 chương, mỗi chương có 8 câu. Chương IV có câu: “Ký minh, thả triết, Dĩ bảo kỳ thân”. Minh là sáng suốt về ý nghĩa, rạch ròi lý luận. Triết là ứng xử thấu đáo về một việc gì. Chữ bảo thân có nghĩa là theo đại nghĩa mà giữ thân, không chạy theo cái vụ lợi, tránh né việc khó để được yên thân. PGS Trần Nghĩa trong bài Quốc tử giám Thăng Long - nơi đào tạo cho nước nhà nhiều bậc “minh triết” xác lập ba tiêu chí để nhận diện minh triết: Sáng suốt trong nhận định; Khôn ngoan trong ứng xử; Biết vượt qua được rào cản, khảo nghiệm, thách thức để đi đến thắng lợi. Đồng tình với ý niệm minh triết của tác giả trên, chúng tôi cho rằng, triết còn có ý nghĩa là trí và tri. Có trí tuệ sáng suốt và biết vận dụng tri thức có được vào giải quyết trăm sự. Người xưa nói: “Tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bất đãi” (biết mình, biết thời vận, trăm trận không chùn bước).
Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong mấy nghìn năm chỉ ra rằng, khi nào anh hùng dân tộc vận dụng minh triết thì chông gai nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng bị khuất phục. Bài thơ nổi tiếng mở đầu lịch sử văn học cổ điển Việt Nam mang tên Quốc tộ (Vận nước) chỉ có 4 câu: “Vận nước như dây cuốn/ Trời Nam muốn thái bình/ Vô vi nơi cung điện/ Sẽ tắt lửa chiến tranh” mà nói được hai ý tưởng lớn của thời đại, đó là: tư tưởng an dân, tâm trạng muốn hòa bình, an lạc; muốn vậy, những nhà cầm quyền không được làm gì trái với tự nhiên, đi ngược lại quy luật xã hội (vô vi). Bài thơ ra đời trong bối cảnh lịch sử đất nước chứa đầy hiểm họa, rối loạn như “dây cuốn”, mặc dầu sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, quân ta đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi. Ngô Quyền tuyên bố nền tự chủ, ý thức tự cường dân tộc và tiếp theo Lê Hoàn chống quân Tống thắng lợi với ý đồ tốt đẹp xây dựng một nước Đại Việt lớn mạnh, có cương vực rạch ròi, có thể chế chính trị nghiêm cẩn; đối nội thì gia tăng kỷ cương phép nước, đối ngoại thì chủ trương giao hòa với các nước lân bang. Nhưng trên thực tế, ở nhiều địa phương, lực lượng ly tâm mưu đồ cát cứ, khoanh vùng, chiếm đất sau khi Ngô Quyền qua đời (năm 944). Ở Trung ương lúc đó, các hoàng tử tham quyền cố vị, tranh giành ngôi báu… dẫn đến thế nước rối ren, lòng dân oán giận.
May thay, nhiều thế kỷ tiếp theo, mỗi lần thế nước lâm nguy, lòng dân trăm người như một, “binh sĩ một dạ cha - con”, non sông xuất hiện những vì sao anh hùng dân tộc trên bầu trời Việt Nam. Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng lớn, một nhân cách lớn, bởi ông đã thừa lệnh Lê Lợi dựng góp nền văn hiến Đại Việt. Là nhà tư tưởng tầm cỡ thời đại, sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, ông thay Lê Lợi viết bản hùng văn Bình Ngô đại cáo với tư tưởng khai mở mọi đại sự: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; khẳng định cương vực, biên giới: “Xét như nước Đại Việt Ta/ Thật là một nước văn hiến/ Bờ cõi núi sông đã chia/ Phong tục Nam Bắc cũng khác”… Chính sách an dân, khoan sức dân như một môtip điệp khúc trong nhiều áng văn thơ của ông từ khi là quan đại thần cho đến cuối đời: “ Bạc đầu vẫn phụ tấm lòng yêu dân”; “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”; “Ta lấy toàn quân làm cốt, mà cho dân được nghỉ”; “Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân”.
Nguyễn Trãi là tấm gương mẫu mực đối với nhân xử thế: Lúc làm quan thì lưng khôn uốn, lộc nên từ, đối với kẻ lầm đường lạc lối, bọn thổ quan đầu hàng, bọn Việt gian hèn nhát thì khuyên răn hối cải vì tình đất nước, nghĩa đồng bào; đối với giặc ngoại xâm thì “mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”, chiến lược tâm công, khi cương, khi nhu, khi thắt, khi mở, có lý, có tình nhưng không bao giờ nhượng bộ nguyên tắc: độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.
Minh triết của anh hùng dân tộc Quang Trung, nhà đại cải cách ở TK XVIII được thể hiện ở hai tư tưởng chiến lược lớn: Một là, đường lối quân sự của Nguyễn Huệ là đường lối chiến tranh tự vệ, lên án kẻ gây chiến, còn nhân dân hai nước muốn hòa hiếu, ở bên cạnh nước lớn mà vẫn yên ổn. Ông không hề dấu diếm tư tưởng chiến lược để đuổi giặc, cứu nước: “Phàm quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông. Binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng là ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấn đông hiếp ít”. Hai là, đường lối cải cách với tuyên ngôn hào sảng: “Sinh dân phải nuôi dân làm trước” (Hịch Tây Sơn) và “Trẫm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân” (Chiếu lên ngôi). Sức sản xuất trong nông nghiệp, công thương nghiệp, lưu thông hàng hóa, cải cách tiền tệ được phục hồi và phát triển với nhiều chính sách “mở” như: “Chiếu khuyến nông”, “Khoan thư sức dân”, “Cầu hiền tài”. Tầm nhìn kinh tế với đôi mắt “biệt nhãn” của Quang Trung phù hợp với xu thế thời đại, với nền kinh tế hàng hóa. Mở cửa biên giới với nhà Thanh, tăng cường quan hệ buôn bán với nhiều thuyền buôn các nước tư bản phương Tây… là yêu cầu khách quan của thời đại và hợp lòng dân.
Đường lối ngoại giao nhân nghĩa có gốc bền, rễ sâu từ thời Lê Lợi
Gốc của minh triết là nhân nghĩa được Nguyễn Trãi thừa lệnh của Lê Lợi ghi trong Bình Ngô đại cáo là cốt ở yên dân; đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo là một minh triết. Đến thời Lê Lợi thì vận nước khó khăn chồng chất khó khăn, đòi hỏi chiến lược, sách lược đã đành, mà cần tìm kiếm chiêu thức mới: minh triết được thể hiện ở hai nội dung sau: Một là, sáng suốt trong nhận định lực lượng giữa ta và địch, vượt qua thách thức để giang sơn đại định, mở mặt xã tắc. Việc đánh giặc Minh là thuận lòng người, hợp lẽ trời, nhưng thế và lực của Bình Định Vương lúc đầu ở tình trạng: quân thưa, tướng ít, lương thực thiếu… nên phải lánh về Chí Linh ba lần. Khi hết lương, phải hòa với giặc. Mười năm “nếm mật nằm gai”, lẽ trời trao cho gánh nặng, bắt trải qua “bách chiết thiên ma”, nên quân tướng bền gan, quên hết nhất sinh thập tử, tướng sĩ một lòng như cha - con, nên dù thế giặc mạnh, quân giặc đông, còn ta thì dựa vào dân, đánh lâu nên thắng. Hai là, biết khôn ngoan trong ứng xử bang giao khi ở bên cạnh nước lớn luôn có âm mưu thôn tính nước ta. Bình Ngô đại cáo là bản hùng ca không hề có một từ nói về phục thù, thượng võ, hiếu sát. Trái lại, đối với kẻ địch, kể cả tướng lĩnh khi đã mất hồn bạt vía chạy tan tác, tìm đường trốn tránh…, vua, quân ta đều mở rộng lòng trời bất sát, mở đường hiếu sinh. Bởi kẻ thù đã sợ mà cầu hòa, còn ta cốt dân an, binh nghỉ, xã tắc vững bền. Có gì cao thượng hơn thế!
Thời Hậu Lê, thời kỳ phân tranh giữa Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn (1533-1788) là thời kỳ chính trị rối ren, biến cố hỗn loạn ở trong nước, tạo điều kiện để nhà Minh lấy cớ đem binh mã sang đánh nước ta, mượn có “vị nghĩa”, thực chất là “mưu lợi”, “phi nghĩa”. Về mặt ngoại giao, sau khi Trịnh Tùng đã thu phục được Thăng Long, sang kêu cứu nhà Minh là chính họ Trịnh, chứ không phải là con cháu nhà Lê nổi lên tranh ngôi. Vì vậy, vua Minh chỉ phong cho Lê Thế Tông làm An Nam đô thống sứ. May thay, Phùng Khắc Khoan - một chánh sứ đầy bản lĩnh tâu với vua Minh rằng, Đô Thống Sứ là chức của họ Mạc chứ vua nước Nam là dòng dõi họ Lê mà phong chức ấy là không xứng đáng. Vua Minh ngập ngừng… Về sau phải phong Vương cho vua Lê. Từ đó nhà Minh với nhà Lê lại thông sứ như trước. Nói về Phùng Khắc Khoan (1528-1613) mà quên công trạng văn hóa ngoại giao của ông là thiếu sót. Ông quê ở Kẻ Bùng, Phùng Xá (Thạch Thất), là một học giả uyên bác, có một sự nghiệp chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn chương gắn liền với công cuộc giữ nước và dựng nước, là người đầu tiên có quan hệ hữu nghị với các sứ thần ở các nước trong khu vực, trong đó có đại sứ Triều Tiên Lý Toái Quang. Biệt tài ngoại giao của họ Phùng là nhờ trí tuệ sáng suốt, mưu lược, phương thức ứng xử linh hoạt: vừa tiến, vừa lui; vừa nhún nhường, vừa khéo léo làm cho vua tôi nhà Minh kính nể. Trong những tình huống gay cấn, ông giảm bớt lời lẽ hùng biện, gia tăng ngôn từ thuyết phục, cốt làm cho đối phương bớt giận làm lành, ngay cả khi họ ấm ức vẫn ra lệnh cho các đại thần cư xử đàng hoàng với chí sĩ họ Phùng. Trong thơ văn ông, trang nào cũng thấm đượm tình đời, lòng người, dù là thơ chữ Hán trong Ngôn chí thi tập, Nghị trai thi tập hay những vần thơ lục bát để giới thiệu thiên nhiên: cây cỏ, hoa trái, cách trồng trọt, thú điền viên của người nông dân, kẻ ẩn dật… trong Lâm tuyền văn. Những bài thơ đi sứ, tự họa, vịnh cảnh, tả người hoặc đáp tặng vua quan Tàu, sứ thần Triều Tiên đều toát lên tính khẳng khái, thế chủ động của nhà ngoại giao bậc thày. Phùng Khắc Khoan là một nhân cách lớn, luôn tin tưởng ở tương lai, có ý thức đổi loạn thành bình, cứu nguy thành an trong nhiều tình huống chính trị hoặc ngoại giao bất trắc.
Minh triết ngoại giao thời Tây Sơn là phép biện chứng giữa ý thức tự chủ, tự cường và bang giao thân thiện với nước láng giềng
Điều này, chúng ta chứng kiến trong các chiếu, biểu, hịch, thơ, văn của vua Quang Trung và các nhà văn hóa lớn thời đại đó. Trong Biểu đòi lại bảy châu xứ Hưng Hóa gửi vua nhà Thanh mang văn phong nhã nhặn, lịch thiệp, nhưng lời lẽ, lập trường thì dứt khoát, để lại cương giới: “Chỉ vì nghĩ: cõi Nam bang đã được phân chia, nhận làm phên giậu, bốn phía có ranh giới, phía Tây Bắc tiếp giáp với ba phủ Lâm An, Quảng Nam, Khai Hóa của Trung Quốc…”. Tranh chấp là vậy, nhưng trong bài văn tế cô hồn các tướng sĩ của quân thua trận do Vũ Huy Tấn chấp bút với hai câu kết đầy lòng nhân đạo: “Lòng ta rộng thương người cõi Bắc, xuất của kho mà đắp mảnh xương tàn/ Hồn bay đứng vơ vẩn trời Nam, rời đất khách về nơi quê cũ”.
Chính sách văn hóa ngoại giao hòa hiếu không chỉ là sách lược, mà là bản chất của chế độ chính trị đương thời, không chỉ hướng ngoại, mà còn hướng nội. Chiếu biểu dụ các quan văn võ cựu triều, Chiếu cầu hiền là những thông điệp ngoại giao mở, thu phục lòng người. Tư tưởng nhân nghĩa cùng với minh triết văn hóa ngoại giao của Quang Trung là chủ nghĩa nhân văn mới TK XVIII, không chỉ với dân, làm cho dân đời đời thái bình, mà còn là phương lược nhìn xa, trông rộng, không chủ quan, tự thỏa mãn, để ở bên cạnh nước lớn mà vẫn yên ổn. Không phải ngẫu nhiên mà vua Càn Long buộc phải ứng xử “mềm”, tôn trọng, bình đẳng với vua phương Nam. Hoàng Lê nhất thống chí kể lại rằng, tuy đã dẹp yên ở Bắc Hà, nhưng ở phía Nam vẫn chưa yên; vua Quang Trung giao việc binh cho Ngô Văn Sở, việc ngoại giao cho Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích. Hai vị đại thần được Càn Long cử là Hòa Khôn và Phúc An Khang bang giao với nước ta, đều là những kẻ “biết điều” hiểu được thế và lực của ta lúc này. Hòa Khôn thừa nhận: “Từ xưa đến nay chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam. Nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành”. Vua Thanh cho là lời nói phải, bèn giảng hòa. Giảng hòa, nhưng theo quốc lệ phải tiến cống lễ vật, dâng biểu với lời lẽ khiêm nhường làm vua Thanh hài lòng, rồi sai sứ thần sang phong cho Quang Trung làm An Nam quốc vương, ban thưởng rất hậu, mời vua Nam sang chầu. Để đảm bảo an toàn cho Quang Trung, Ngô Thì Nhậm nêu sáng kiến: cửa quan võ Nguyễn Quang Thực, dáng mạo đoan trang, tư thế đĩnh đạc “giả” làm quốc vương cùng đoàn ngoại giao tháp tùng sang yết kiến vua Thanh. Khi “quốc vương” vào yết kiến, vua Thanh tiếp trọng đãi, dự yến tiệc cùng các vị thân vương. Trước lúc “quốc vương” về nước, vua Thanh sai họa sĩ vẽ bức truyền thần chân dung Quang Trung, ân lễ rất trọng hậu, thật là cử chỉ đối đãi xưa nay hiếm. Ngoài ra còn có nhiều chuyện tri ân tìn nghĩa: Khi được tin thân mẫu vua Quang Trung ốm, tổng đốc lưỡng Quảng đã thừa lệnh vua Thanh mang sâm sang biếu; được tin vua Nam từ trần đột ngột, nhiều vị đại thần, đại sứ nhà Thanh làm lễ tưởng niệm ghi công người anh hùng đã chinh phục quân xâm lược, người đã mở đầu sự bang giao giữa hai nước có sơn thủy tương liên, văn hóa tương đồng… Ngô Thì Nhậm đã ghi lại sự kiện nói trên trong bài thơ Vũ Hành (Đi trong mưa): “Nơi nhà tiếp khách chăng đèn kết hoa suốt đêm/ Sứ thần đang nổi đau thương/ Từ chối dự cuộc vui/ Quan chức, trùng trùng đều ôm trán/ Ai ai cũng không quên Tiên vương ta”.
Khảo sát vài nét chấm phá văn hóa ngoại giao trong lịch sử của cha ông, chúng tôi nêu ra mấy chiêm nghiệm lịch sử, hy vọng có thể gợi tư duy mở trong đường lối ngoại giao và hội nhập sâu vào thế giới hiện đại, theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa của Nhà nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đó là:
TK XXI là thế kỷ mở: mở về tri thức, trí tuệ, văn hóa. Có nhà văn hóa dự báo: Tương lai sẽ không có lịch sử nhân loại nào khác lịch sử văn hóa. Ý niệm văn hóa và phát triển được coi là trung tâm của mọi hoạt động của con người. Văn hóa là cái còn lại sau những chu kỳ phát triển khác nhau, nhờ đó người ta phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác.
Trong quan hệ với các nước, văn hóa ngoại giao muốn mở rộng và đi vào chiều sâu, muốn hợp tác bền vững với các đối tác và chiến lược toàn diện, góp phần tạo thế và lực cho nước ta, điều quan trọng hàng đầu là bản lĩnh, tâm hồn, khí phách, là phương thức minh triết trong ứng xử, trong tiến-thoái, được-mất, cương-nhu, thắt-mở,tránh tuyệt đối hóa về một cực.
Một chính khách nước ngoài, ông W.J.Duiker (1) cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao lớn, tận dụng mọi thời cơ để đạt được mục đích cách mạng không phải bằng quân sự, mà bằng ngoại giao, bằng văn hóa ứng xử; biến điểm yếu quân sự thành thế mạnh chính trị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng học được cách ngôn của binh pháp Tôn Tử cho rằng, chiến thắng thành công nhất là chiến thắng không dùng bạo lực. Điều đó có phần đúng, nhưng cần nói thêm: Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công phi thường, ngoạn mục, Hiệp định Genève về Đông Dương, Hiệp định Paris về Việt Nam là tổng hòa của thời cơ, vận nước, của sức mạnh chính trị và quân sự, của ngoại giao và văn hóa, vừa đánh vừa đàm, vừa xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân, vừa dang rộng vòng tay thương thuyết. Đó chính là phép biện chứng, là minh triết của binh pháp truyền thống để giữ nước, giữ dân, là những bài học cho văn hóa ngoại giao hiện đại.
Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng (1-2021) cũng nhấn mạnh: “Xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”.
_________________
1. W.J.Duiker, Ho Chi Minh: a life, Hyperion, New York, 2000, tài liệu do Phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao dịch tháng 5 năm 2001.
Tác giả: Hồ Sĩ Vịnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021