Thời gian qua, hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người (TPMBN) trên các tuyến biên giới nước ta diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Trước thực tế này, các đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với TPMBN.
Tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp
Hơn một năm qua, BĐBP đã tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vừa kịp thời ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập nước ta. Chính vì vậy, hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có TPMBN qua biên giới phần nào được kiềm chế, ngăn chặn. Tuy nhiên, do nguồn lợi nhuận lớn, các đường dây tổ chức mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, nhất là các địa bàn trọng điểm thuộc tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia. Các đối tượng ở nội địa, khu vực biên viễn móc nối với người Việt Nam cư trú ở nước ngoài tạo thành đường dây lừa đảo, đưa nạn nhân qua biên giới bán trục lợi.
Tham gia các đường dây tội phạm, ngoài những đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động chuyên nghiệp còn có một số người từng là nạn nhân hoặc người lấy chồng nước ngoài trở về nước tiếp cận, dụ dỗ lừa bán các nạn nhân khác. Bên cạnh đó, các đối tượng cư trú, buôn bán, kinh doanh trên tuyến biên giới lợi dụng việc thông thuộc địa hình cũng tham gia tiếp tay, đưa dẫn nạn nhân xuất, nhập cảnh trái phép.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, các đường dây, tổ chức tội phạm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng, như: lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động để đưa nạn nhân ra nước ngoài bán; môi giới cho - nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh; môi giới việc làm để mua bán nam thanh niên xuống các tàu đánh cá trên biển...
Đáng chú ý, TPMBN triệt để lợi dụng mạng xã hội, tạo tài khoản ảo để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Đặc biệt, thời gian qua, nổi lên các hoạt động quảng cáo tuyển lao động là người Việt Nam làm việc tại Campuchia, sau đó bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến và các động mại dâm. Lực lượng chức năng cũng phát hiện trường hợp các đối tượng cho nạn nhân sử dụng chất ma túy, ép viết giấy ghi nợ để khống chế, buộc nạn nhân phải lao động ở các tàu đánh cá trên biển.
Nhìn chung, nạn nhân của TPMBN chủ yếu là phụ nữ, các em gái từ 15 đến 28 tuổi, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Một số người muốn có việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài... nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, khống chế để bán ra nước ngoài. Ngoài ra, một số nam thanh niên mong muốn tìm việc làm với thu nhập cao cũng dễ bị các đối tượng dụ dỗ để ép buộc, cưỡng bức lao động trên các tàu cá.
Kết hợp tuyên truyền với đấu tranh triệt phá
Các đơn vị BĐBP trên toàn tuyến biên giới đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, triển khai các biện pháp phòng ngừa, tích cực đấu tranh, ngăn chặn TPMBN. Đối với công tác phòng ngừa, bộ chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”; chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống TPMBN đối với nhóm có nguy cơ cao bị mua bán như phụ nữ, trẻ em sinh sống tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, các trường học ở khu vực biên giới...
Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Theo ghi nhận, từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị BĐBP đã tuyên truyền gần 12.900 buổi với hơn 373.000 lượt người tham gia; xây dựng, đăng phát 4 phóng sự, hơn 1.000 tin, bài viết về kết quả phòng, chống tội phạm; cấp phát hơn 4.600 tờ rơi; tổ chức cho hàng nghìn hộ dân khu vực biên giới ký cam kết tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép...
Các đơn vị BĐBP cũng triển khai 48 kế hoạch nghiệp vụ, phát hiện 21 đường dây mua bán người và nghi vấn mua bán người từ Việt Nam ra nước ngoài nhằm mục đích bóc lột lao động trên các tàu khai thác hải sản. Trên cơ sở đó, đã đấu tranh bắt giữ 21 vụ với 18 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 34 nạn nhân (tăng 5 vụ, 15 đối tượng, 16 nạn nhân so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, các đơn vị BĐBP cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị bảo vệ biên giới của các nước bạn để tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống TPMBN.
Công tác tuyên truyền hiệu quả của các đơn vị đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng và các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới trong phòng, chống TPMBN. Các tầng lớp nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp BĐBP và các lực lượng chức năng xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây TPMBN và bắt giữ đối tượng phạm tội đạt hiệu quả cao. Cùng với công tác tuyên truyền, các đơn vị BĐBP còn tích cực, chủ động tăng cường lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình địa bàn, trao đổi thông tin, điều tra, xác minh hoạt động của TPMBN, khai thác nạn nhân được giải cứu và tiếp nhận để triển khai các biện pháp đấu tranh.
Mặc dù đã được kiềm chế nhưng hoạt động của TPMBN trên các tuyến biên giới của nước ta vẫn diễn biến rất phức tạp. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của BĐBP, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Cùng với công tác đấu tranh ngăn chặn tội phạm, cần chú ý tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, khả năng tự phòng ngừa cho người dân để họ có thể tự bảo vệ mình trước loại TPMBN.
(Nguồn: Cục phòng chống tệ nạn)
HÀ LAM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021