Diễn ra từ ngày 10-10 đến 31-12-2023 với nhiều hoạt động sôi nổi và bổ ích, Liên hoan phim (LHP) Khoa học năm nay do Viện Goethe tại Việt Nam phối hợp cùng các đối tác và trường học tại Việt Nam tổ chức.
Chung tay bảo vệ và vực dậy các hệ sinh thái trên khắp thế giới
Năm 2023, LHP Khoa học trở thành đối tác hỗ trợ chính thức của Thập kỷ về Phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp Quốc (kéo dài từ năm 2021 đến 2030). Chủ đề là lời kêu gọi chúng ta chung tay bảo vệ và vực dậy các hệ sinh thái trên khắp thế giới. Phục hồi hệ sinh thái có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị phá hủy hoặc suy thoái, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái hiện còn nguyên vẹn.
Đây là chương trình thường niên do Viện Goethe phối hợp tổ chức cùng các đối tác và trường học ở từng địa phương, LHP Khoa học nhằm mục đích bồi dưỡng khả năng thông hiểu khoa học và nâng cao nhận thức về các vấn đề đương thời thông qua những bộ phim quốc tế và chuỗi hoạt động giáo dục đi kèm. Hàng loạt tiến bộ khoa học cũng như vấn đề môi trường được trình bày một cách hấp dẫn và gần gũi đến đông đảo khán giả, nhất là các khán giả thanh thiếu niên. LHP còn giúp cho việc giảng dạy của các thầy cô trong trường học trở nên phong phú hơn, tăng tính ứng dụng liên ngành và nâng cao nhận thức của giới trẻ về các vấn đề trong Khoa học xã hội và tự nhiên. Các phim trong liên hoan hướng đến truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học, nhà môi trường, kỹ sư tương lai.
Chủ đề của LHP Khoa học 2023 là lời kêu gọi chúng ta chung tay bảo vệ và vực dậy các hệ sinh thái trên khắp thế giới
Năm nay, có 12 bộ phim tham dự LHP bao gồm: Rắc rối loại bò; Dòng giấy lũ; Bọt biển - vì đâu đất liền hóa bãi bọt tràn?; Tái hấp thụ Cacbon; Thử thách đồ nhựa; Phục hồi - Bờ lún bãi chìm; Lõi táo - dấu chân sinh thái của Hà Lan; Tobi tìm tòi: Tìm hiểu về rác thải; Pia và thiên nhiên hoang dã: Những sinh vật kỳ diệu của hoang mạc Namib; Hy vọng hoang sơ - Cà phê và nước sạch; Bình yên về nào; Hy vọng nguyên tử - Bên trong phong trào ủng hộ điện hạt nhân.
Hướng đến khán giả đại chúng, 12 bộ phim tham dự LHP sẽ được đưa lên nền tảng trực tuyến phục vụ truy cập theo nhu cầu. Một phần không thể thiếu của LHP Khoa học là các hoạt động bổ trợ đề tài được đào sâu trong mỗi phim thông qua các thí nghiệm trực quan, dự án, các hoạt động học mà chơi, chơi mà học dành riêng cho khán giả nhỏ tuổi.
Từ lần đầu tổ chức năm 2005 đến nay, liên hoan đã phát triển đáng kể, trở thành sự kiện phim khoa học lớn nhất thế giới với hơn nửa triệu khán giả mỗi năm. Chương trình có tính quốc tế đa dạng và phong phú về thể loại, gồm phim hoạt hình ngắn, phim giải trí giáo dục dài tập và phim tài liệu từ khắp mọi nơi trên thế giới. Phim được dịch sang ngôn ngữ của mỗi nước tham gia liên hoan, tạo điều kiện để mọi khán giả có thể tiếp cận cũng như mở ra không gian bàn luận các thách thức cấp bách về khoa học và môi trường.
LHP Khoa học còn nêu bật tầm quan trọng của hướng tiếp cận sinh thái trong quản lý tích hợp đất đai, nước và tài nguyên sinh vật cũng như đòi hỏi tăng cường nỗ lực giải quyết tình trạng hoang mạc hóa, suy thoái đất, xói mòn và hạn hán, sụt giảm đa dạng sinh học và khan hiếm nước sạch - những thách thức lớn về môi trường, kinh tế và xã hội đối với phát triển bền vững toàn cầu.
Khởi động Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững
Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững là sáng kiến của Viện Goethe, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu độc lập, để kể những câu chuyện về phát triển bền vững thông qua các thước phim tài liệu. Với kinh nghiệm và kỹ năng của mình, các nhà làm phim được khuyến khích đóng góp vào việc thúc đẩy xã hội hướng tới các mục tiêu bền vững toàn cầu. Qua đó, dự án cũng hỗ trợ các nhà làm phim tài liệu Việt Nam tham gia vào các LHP quốc tế với những bộ phim tài liệu chất lượng.
Poster LHP Khoa học năm 2023
Dự án sẽ được triển khai trong năm 2023-2024. Đây là dự án hợp tác giữa ba Tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu. Ba tổ chức phi chính phủ tham gia dự án lần này đang tìm kiếm đội ngũ làm phim. Họ mong đợi được kể những câu chuyện của mình và thể hiện bản thân thông qua các bộ phim tài liệu. Các nhà làm phim được khuyến khích cung cấp kiến thức, kỹ năng tốt nhất của mình và sử dụng những chất liệu do các tổ chức xã hội cung cấp, để tạo ra những tác phẩm góp phần thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu. Các nhà làm phim được khuyến khích hướng tới sản xuất những bộ phim có thể thu hút sự chú ý của quốc tế trong các liên hoan phim tài liệu được thực hiện ở Việt Nam.
Với sự hợp tác cùng GreenViet, Trung tâm phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), trong năm 2023-2024, chủ đề của dự án sản xuất phim tài liệu tập trung vào: Bảo tồn đa dạng sinh học; Hành động chống đói nghèo; Quyền của phụ nữ và Quản lý rác thải.
Năm nay, Viện Goethe và Trung tâm TPD (Hội Điện ảnh Việt Nam) sẽ cùng hỗ trợ sản xuất phim trong dự án Sản xuất Phim tài liệu về Phát triển bền vững; đồng tổ chức hai hội thảo với các nhà làm phim tài liệu của Đức để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực về cách kể chuyện sáng tạo cũng như cách làm phim.
Phó giám đốc của GreenViet Hoàng Quốc Huy chia sẻ: “Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị quan và tầm quan trọng của việc bảo tồn loài Chà vá chân xám nói riêng và đa dạng sinh học nói chung. Đồng thời khơi dậy tình yêu thiên nhiên, tinh thần trách nhiệm, và sự sẵn sàng chung tay trong bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam”.
Chị Thái Huyền Nga - cán bộ Truyền thông của CRED nhấn mạnh: “Thông qua bộ phim, cộng đồng trong nước và quốc tế có thể hiểu rõ hơn về các dự án mà các tổ chức phi lợi nhuận đang thực hiện, đó là các dự án phát triển bền vững “cho cần câu và kỹ thuật câu, không phải cho con cá”, không phải dự án từ thiện.
Thành viên Ban giám khảo của Dự án là những đạo diễn, nhà sản xuất phim giàu kinh nghiệm: NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương; đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (từng là Giảng viên khoa sản xuất của trường Đại học Hoa Sen TP.HCM), đạo diễn Hà Lệ Diễm (Đồng sáng lập “Doc Cicada”). Họ sẽ góp phần mang đến cái nhìn đa chiều hơn về việc sản xuất phim tài liệu trong lĩnh vực phát triển bền vững ở Việt Nam.
NGÔ HỒNG VÂN