Tối ngày 3-10-2023, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức ra mắt khán giả Thủ đô vở hài kịch “Quan thanh tra” - vở kịch trào phúng của nhà văn Nikolai Vasilyevich Gogol. Vở kịch được biên tập và đạo diễn bởi NGƯT, TS Lê Mạnh Hùng, do Giám đốc - NSƯT Xuân Bắc chỉ đạo nghệ thuật.
Khán giả Thủ đô nồng nhiệt đón nhận đêm ra mắt đầu tiên vở hài kịch "Quan thanh tra" - Ảnh: Liên Hương
Nikolai Vasilyevich Gogol (1/4/1809 – 4/3/1852) là một nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình người Nga gốc Ukraina - Ba Lan, vô cùng nổi tiếng cuối thế kỷ XIX trong làng văn học Nga và Ukraina. Không chỉ là cây bút văn xuôi xuất sắc hàng đầu trong lịch sử văn học Nga và được công nhận là nhà văn hiện thực vĩ đại, ông còn là một trong số ít những nhà văn đóng vai trò quyết định trong việc đặt nền móng phát triển cho sân khấu kịch Nga và châu Âu hiện đại ngay từ thập niên thứ ba của thế kỷ XIX. Danh tiếng của ông được Bách khoa toàn thư Anh quốc mô tả là: “chiến thắng vĩ đại của nghệ thuật châm biếm Gogol”. Cùng với tác phẩm văn học tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Những linh hồn chết, được xem là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Nga và Ukraina, vở hài kịch Quan thanh tra của Gogol ngay từ khi ra mắt đã gây được tiếng vang với công chúng yêu sân khấu đương thời.
Nikolai Vasilyevich Gogol bắt đầu viết Quan thanh tra vào mùa thu năm 1835 và mất khoảng 6 tháng để hoàn thành. Quan thanh tra được xuất bản lần đầu năm 1836. Với giọng văn mỉa mai, châm biếm, tác phẩm của ông ngay sau khi xuất bản đã nhận được khá nhiều cuộc tranh luận.
Những vị quan tham muốn giữ chiếc ghế của mình bằng mọi giá - Ảnh: Liên Hương
Vở kịch dựa theo một số gợi ý của bậc văn tài đàn anh Puskin (một nhà văn tiền bối của Gogol): Câu chuyện kể về một tay công chức quèn lang thang tên là Khlextakop (do NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thủ vai) đến một thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát. Vốn là những kẻ thường xuyên sách nhiễu dân chúng và tham nhũng, cánh quan chức ở đây lo sợ, cuống quýt tìm cách mua chuộc, hối lộ cho “quan lớn thanh tra”. Nhân dịp đó, kẻ nọ tố cáo người kia, nói xấu lẫn nhau để nâng công trạng. Tệ hơn nữa, ngay đến viên thị trưởng Anton (do NSƯT Trịnh Mai Nguyên đóng) còn định lợi dụng dâng cả vợ và con gái cho “quan thanh tra” hòng leo cao hơn lên bậc thang danh vọng, chiếm một địa vị cao hơn, chắc hơn để bóc lột dân chúng được nhiều.
Ấn tượng nhất trong vở kịch này, chính là nhân vật Khlextakop. NSƯT Xuân Bắc đã thể hiện thành công vai diễn này. Từ một tên thua cờ bạc, nợ đầm đìa, đang vạ vật trong tầng hầm ẩm thấp của một khách sạn, bị bỏ đói vì không có tiền trả cho khách sạn… thì bỗng được quan chức của thành phố đến hối lộ. Từ Thị trưởng đến các quan chức nắm giữ tòa án, tế bần, giáo dục, bưu vụ… đều tôn “hắn” là “Quan thanh tra”. Chính sự láu cá đã khiến cho Khlextakop nhanh nắm bắt được vấn đề, lợi dụng tình huống để trục lợi. Điều đặc biệt là nhân vật Khlextakop chưa bao giờ nói mình là ai nhưng các quan lại nghĩ chắc chắn “hắn” chính là “Quan thanh tra”.
NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã thể hiện thành công vai diễn Khlextakop - Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam
Tác phẩm Quan thanh tra đã chế diễu những thói hư tật xấu trong đám quan lại tham nhũng không chừa một ai, từ trí thức đến bình dân, từ giới địa chủ đến giới nông nô, tất cả đều là đối tượng biếm họa đầy hài hước qua ngòi bút phê phán của ông.
NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Đây là vở hài kịch rất nổi tiếng trên thế giới và cũng rất khó dàn dựng, kịch bản có thời lượng 4 tiếng nhưng chúng tôi phải làm sao cô đọng lại chỉ còn 2 tiếng. Ở đó, khán giả sẽ theo vị quan thanh tra giả đi vi hành, gặp đủ loại người với đủ mọi tình huống dở khóc, dở cười và cả những bài học đắt giá. Khán giả được cười, được thoải mái nhưng bên cạnh tiếng cười, chúng ta sẽ có nhiều điều suy ngẫm”.
NGƯT, TS Lê Mạnh Hùng đã rất khéo léo khi dùng hình ảnh những chiếc ghế để biểu trưng cho lòng tham của các quan chức địa phương như: ngài Thị trưởng Anton, Nhà kiểm học Luka, Chánh án Ammot, Viện Trưởng Viện Tế bần Actemy, Chủ sự bưu vụ Ivan… Họ giữ chiếc ghế của mình bằng mọi giá. Bối cảnh sân khấu cũng được thiết kế tối giản với những cặp mắt mèo, những lỗ cống và hình ảnh đàn chuột. Đây chính là hình ảnh ẩn dụ cho sự đục khoét, chui lủi, qua đó thể hiện sự cống nạp, hối lộ đang diễn ra hàng ngày trong xã hội.
Sân khấu được thiết kế tối giản với những cặp mắt mèo, đàn chuột nhằm thể thiện sự đục khoét, cống nạp, hối lộ trong xã hội - Ảnh: Liên Hương
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam NSƯT Xuân Bắc đánh giá đây là một vở thật sự khó đối với các diễn viên, kể cả những diễn viên kỳ cựu. Cách dàn dựng của vở rất mới, góc nhìn đạo diễn cũng rất mới… cho nên diễn viên cũng buộc phải thoát khỏi cách làm việc cũ để tiếp cận với cái mới. Vở diễn có sự góp mặt của hàng loạt các tên tuổi nghệ sĩ lớn như: NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, NSƯT Hoàng Lâm Tùng, nghệ sĩ Hồ Liên, Hồng Quang... và các gương mặt nghệ sĩ trẻ đầy tài năng của Nhà hát: Hồng Phúc, Hà Vy...
Vở hài kịch Quan thanh tra sẽ tiếp tục công diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam vào các ngày 13, 14, 15, 19-10 và tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 18-10-2023.
LIÊN HƯƠNG