KỸ THUẬT NỀN TẢNG TRONG PHƯƠNG PHÁP BIỂU DIỄN KÈN DĂM KÉP


Ở Việt Nam, công tác nghiên cứu sâu về những lý luận chuyên ngành chính là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo nhạc cụ. Trong bối cảnh như vậy, việc đề cập tới vấn đề xây dựng nền tảng kỹ thuật trong phương pháp diễn tấu kèn dăm kép là hết sức cần thiết.

Trong đời sống biểu diễn âm nhạc tại Việt Nam nói chung và kèn dăm kép nói riêng, nhiều năm qua thường xuất hiện những cách nhìn nhận phiến diện và đôi lúc còn mang tính cực đoan. Khi đề cao khả năng biểu hiện những cảm xúc âm nhạc, người ta thường xem nhẹ yếu tố kỹ thuật trong diễn tấu các nhạc cụ. Tuy nhiên, gần đây, các giảng viên kèn dăm kép đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng nền tảng kỹ thuật biểu diễn. Dù độc tấu, hòa tấu thính phòng, hay chơi trong dàn nhạc giao hưởng thì yếu tố kỹ thuật thường được coi như trình độ đạt được của người nghệ sĩ kèn dăm kép. Người chỉ huy dàn nhạc hay khán thính giả âm nhạc sẽ không chấp nhận khi người nghệ sĩ chơi kèn rất có xúc cảm âm nhạc nhưng mắc lỗi kỹ thuật quá nhiều. Mặt khác, để thể hiện những xúc cảm cũng như những chi tiết tinh tế nhất trong phong cách âm nhạc thì người nghệ sĩ phải sử dụng kỹ năng cao cấp nhất để thể hiện.

Như một thiết kế kiến trúc, phần thiết kế móng tạo nên sự an toàn cho toàn bộ công trình, thì trong lĩnh vực âm nhạc, xây dựng được nền tảng kỹ thuật cũngcó ý nghĩa như vậy. Trên cơ sở những kinh nghiệm đã đúc kết được trong phương pháp đào tạo kèn dăm kép trên thế giới (Nhạc viện Quốc gia Sofia, Nhạc viện F.Liszt - Hungary, Nhạc viện Quốc gia Paris và một số nhạc viện, học viện ở châu Âu…), chúng tôi cho rằng, để xây dựng nền tảng kỹ thuật, chúng ta cần phải lưu ý một số yếu tố như: thày giỏi và có kinh nghiệm, học sinh phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những yêu cầu cơ bản của thày, học theo phương thức chậm và chắc

Việc xây dựng nền tảng kỹ thuật cho phương pháp diễn tấu kèn dăm kép là một vấn đề học thuật cao, cần có sự nghiên cứu chuyên sâu của giảng viên các nhạc viện, học viện trên phạm vi toàn quốc. Người thày thể hiện phương pháp sư phạm thông qua các yếu tố như: khẳng định được những tiêu chí của nền tảng kỹ thuật,biết cách truyền thụ bằng lý thuyết cho học sinh những tiêu chí đó, tìm những giải pháp ứng dụng lý thuyết vào thực tế giảng dạy (bao gồm cả gamme, etudes và tác phẩm cũng như các bài hòa tấu thính phòng và dàn nhạc giao hưởng).

Ngoài những yếu tố như đã nói ở trên, trong thực tế giảng dạy kèn dăm kép ở Việt Nam cũng như trên thế giới, những cố tật thường xuyên phát sinh trong quá trình học tập của học sinh, người thày phải hết sức tỉnh táo và nhận biết.

Giống như người bác sĩ chữa bệnh, người thày phải tìm ra những giải pháp để khắc phục.

Tiếp tục vòng xoáy trôn ốc như đã thực hiện ở trên, việc xây dựng nền tảng kỹ thuật trong đào tạo kèn dăm kép là một quá trình mang tính tổng hợp và hệ thống. Bởi vì, nếu sửa chữa cố tật một cách thiếu cân nhắc thì từ cố tật này sẽ phát sinh những cố tật khác. Người thày phải theo dõi học sinh, sinh viên chặt chẽ trong suốt quá trình lên lớp. Chỉ có như vậy thì nền tảng kỹ thuật mới có thể được duy trì và phát triển trong suốt thời gian 15 năm học tập.

Nền tảng kỹ thuật không phải là một quá trình bất biến, trước đòi hỏi của những trường phái âm nhạc, phong cách âm nhạc mới, nghệ sĩ kèn dăm kép phải thích ứng kịp thời. Ví dụ, trong phương pháp rung tiếng, phải đảm bảo gồm cả rung cơ hoành cách, rung môi, rung ngón, rung họng. Theo nền tảng cổ điển thì phương pháp rung hơi được coi là phương pháp đúng cơ bản nhất. Tuy nhiên, trong những tác phẩm âm nhạc đương đại, tất cả những yếu tố rung trên đều được coi là những yếu tố kỹ thuật nền tảng, sử dụng tùy từng trường hợp cụ thể.

Trong nghệ thuật biểu diễn kèn dăm kép, trên thế giới thường phân chia thành phương pháp diễn tấu và phương pháp biểu hiện âm nhạc.

Phương pháp diễn tấu: cần phải nắm chắc những yếu tố kỹ thuật của kèn dăm kép. Trong đó, bao hàm cả yếu tố về cấu trúc, tính năng nhạc cụ và những yếu tố kỹ thuật nhằm thể hiện phong cách. Phong cách âm nhạc có được thể hiện tốt hay không là nhờ phương pháp diễn tấu của mỗi nghệ sĩ.

Phương pháp biểu hiện: tập trung để thể hiện  nội dung âm nhạc, phong cách thời đại, phong cách tác giả. Như vậy, ở phương pháp biểu hiện cũng có những điểm chung so với phương pháp diễn tấu. Tuy nhiên, thuật ngữ điểm giao tiếp mờ giữa phương pháp diễn tấu và phương pháp biểu hiện nhiều khi chỉ được trả lời bằng cảm xúc âm nhạc.

Đối với nghệ sĩ kèn dăm kép, chuyển tải được những âm thanh của tác giả tới thính giả là nhiệm vụ quan trọng nhất. Đó không phải là lý luận đơn thuần về những khái niệm thuật ngữ nói trên, mà qua âm thanh làm xúc động lòng người, đồng thời chuyển tải những tư tưởng nhân văn của tác phẩm về cái đẹp tới mọi người và toàn xã hội. Mặt khác, chúng ta cũng không thể làm tốt phương pháp biểu hiện âm nhạc khi không có phương pháp diễn tấu tốt. Nói cách khác, trong phương pháp diễn tấu có phương pháp biểu hiện và trong phương pháp biểu hiện có phương pháp diễn tấu. Điều này, chúng ta có thể liên hệ với thuyết âm dương trong triết học cổ Trung Hoa trong dương có âm và trong âm có dương. Sự kết hợp âm dương chính là động lực để phát triển nghệ thuật biểu diễn kèn dăm kép tới đỉnh cao.

Để có nền tảng kỹ thuật trong phương pháp biểu diễn kèn dăm kép, chúng ta cần xác định các tiêu chí cụ thể. Nếu xác định sai tiêu chí, con đường phát triển sẽ hoàn toàn lệch lạc. Nếu xác định thiếu tiêu chí thì nội dung phát triển sẽ bị hạn chế. Nếu xác định quá nhiều tiêu chí sẽ dẫn tới sự hoang mang của cả thày và trò trong quá trình hướng dẫn, đào tạo. Như vậy, việc xác định những tiêu chí nền tảng kỹ thuật trong phương pháp diễn tấu cần phải được xem xét một cách khoa học, đi liền với thực tế. Trong thực tế, mỗi học sinh, sinh viên có những điểm mạnh, yếu riêng, không nên máy móc, rập khuôn khi ứng dụng các phương pháp. Sự sáng tạo của người thày, học sinh, sinh viên trong quá trình áp dụng những tiêu chí là điều quyết định đối với tiến bộ của học thuật.

Những tiêu chí cơ bản bao gồm: tư thế biểu diễn, nghệ thuật sử dụng hơi, kỹ thuật phát âm, kỹ thuật ngón, biểu cảm âm nhạc… Bên cạnh đó, còn có những yêu cầu chi tiết, như trong nghệ thuật sử dụng hơi gồm lấy hơi, giữ hơi, nhả hơi, truyền hơi…; biểu cảm âm nhạc với các tác phẩm cổ điển, tác phẩm Việt Nam, tác phẩm theo phong cách tác giả từng thời kỳ…

Ngoài ra còn phải nói đến các tiêu chí quan trọng khác như sự đổi mới về chương trình, giáo trình giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật tư liệu…

Tóm lại, cũng như các nhạc cụ phương Tây khác, việc tiếp cận với những phương pháp sư phạm đỉnh cao trong đào tạo nhạc cụ nói chung và kèn dăm kép nói riêng cũng là một vấn đề khoa học cần phải được nhiều nhà nghiên cứu xem xét. Đặc biệt việc nghiên cứu về giáo dục học âm nhạc cho các chuyên ngành biểu diễn là điều phải thực sự được đẩy mạnh trong TK XXI.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : PHẠM NGỌC DOANH

;