Kịch noh là một dạng nghệ thuật biểu diễn cổ điển Nhật Bản kết hợp những yếu tố múa, tuồng, âm nhạc và thơ ca vào thành một bộ môn nghệ thuật sân khấu có thẩm mỹ cao.
Kịch noh ra đời từ TK XIV-XV và phát triển thành mô hình nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của người biểu diễn, nhà soạn kịch thiên tài Kannami (1333-1384) và con trai của ông, Zeami (1363-1443). Kịch noh bao gồm 2 yếu tố chủ chốt: múa và diễn kịch bằng điệu bộ. Kịch noh đã phát triển rất thịnh vượng vào thời kỳ ông Zeami, dưới sự bảo trợ của tướng quân Ashikaga Yoshinitsu. Sau này, vào thời kỳ Edo (1603-1868), kịch noh trở thành một bộ môn nghệ thuật biểu diễn chính thức.
Các yếu tố nghệ thuật được thể hiện trong kịch noh (ít dùng lời, trừu tượng, tinh tế và khơi gợi) nảy sinh từ 3 ảnh hưởng chính trong đời sống người Nhật vào TK XIV: nguyên tắc về luân thường đạo lý của chế độ phong kiến đối với các chiến binh Samurai; phong cách tao nhã của giới quý tộc và chủ nghĩa khổ hạnh của phái Thiền, đạo Phật. Mặc dù một phần là đạo Phật, rất nhiều câu chuyện trong kịch noh thể hiện truyền thuyết các tôn giáo khác vào thời điểm đó.
Trong kịch noh, mặt nạ là thứ không thể thiếu. Các diễn viên không trang điểm mà sử dụng mặt nạ được làm rất công phu, tuyệt đẹp và là phương tiện diễn cảm tuyệt vời. Bất cứ nhân vật nào không phải là đàn ông trung niên sống trong thời hiện tại, đều đeo mặt nạ. Do đó, tất cả các nhân vật: phụ nữ, đàn ông già cả, bóng ma, các vị thần, quỷ sứ và các sinh vật siêu phàm, đều đeo mặt nạ. Nhìn chung, nhiều hay ít, mặt nạ có sự biểu cảm trung tính hay mối xúc cảm mạnh mẽ. Thực tế, việc biểu cảm trung tính cho phép mặt nạ có thể thay đổi các hình thức truyền cảm khác nhau dưới sự tác động của ánh sáng và bóng tối trên mặt nạ khi diễn viên nghiêng một chút theo nhiều góc độ khác nhau. Có rất nhiều loại mặt nạ tùy thuộc vào các nhân vật khác nhau của kịch noh.
Trang phục kịch noh được làm bằng lụa lộng lẫy đủ màu sắc, biểu lộ típ nhân vật được miêu tả và tuân theo những quy định bắt buộc về việc sử dụng. Một số trang phục, đặc biệt là của những nhân vật đại diện cho tầng lớp quý tộc, rất lộng lẫy, được may bằng chỉ vàng và bạc. Trang phục trong kịch noh vô cùng đa dạng, chi tiết thiết kế, sự phối hợp màu sắc, chất liệu vải quý hiếm, và sức mạnh của hình thức mang đến cho khán giả kịch noh một ấn tượng thật độc đáo, thật mạnh mẽ. Tất cả các nhân vật, giàu hay nghèo, trẻ hay già, đàn ông hay đàn bà, đều phục trang rất đẹp. Quy trình phục trang cũng rất phức tạp. Người diễn viên không thể tự phục trang một mình mà phải nhờ 2 đến 3 người khác giúp.
Kịch noh sử dụng sân khấu không rèm, hình vuông với chiếc cầu nhỏ từ đằng sau sân khấu dẫn lên được dùng cho diễn viên ra vào sân khấu. Sân khấu kịch noh, theo truyền thống, là ở ngoài trời và được che bằng mái che nghiêng dài. Vào thế kỷ trước, sân khấu đã được chuyển vào trong nhà. Vào thời Ashikaga (TK XIV), sân khấu được mở về các phía và có hình vuông như hình dạng ngày nay với 4 cột. Khán giả vây quanh sân khấu theo một vòng tròn lớn như sàn đấu Sumo.
Nhìn chung, những vở kịch noh không mang tính kịch lắm, mặc dù chúng rất đẹp, bởi lẽ kịch bản kịch noh đầy thơ ca và múa, mặc dù chậm nhưng rất tao nhã. Chính vẻ đẹp này đã làm cho noh trở thành một hình thái nghệ thuật sống đến hơn 600 năm sau khi được sáng tạo ra, và điều này đã làm cho các hình thái sân khấu ra đời sau noh phải học theo. Kịch noh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển sân khấu đương thời, như phong cảnh, cách sử dụng hình tượng các đồ dùng biểu diễn, phục trang, sân khấu... và sự xuất hiện của các phụ tá không phải là diễn viên trên sân khấu. Kịch noh vẫn được ưa chuộng với khán giả ngày nay, nó thực sự là hình thái nghệ thuật không chịu ảnh hưởng của thời gian.
(tổng hợp)
Nguồn : Tạp chí VHNT số 318, tháng 12-2010
Tác giả : Bích Hiền