KHÔNG GIAN SÁNG TẠO VỚI VAI TRÒ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP

Sáng tạo là tiềm năng vô tận của con người, đồng thời là một trong những yếu tố cốt lõi của nền kinh tế sáng tạo mà các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang ưu tiên phát triển. Việc xây dựng các không gian sáng tạo (KGST), nơi thực hành hoạt động nghệ thuật, kết nối nghệ sĩ với nghệ sĩ, nghệ sĩ với cộng đồng là bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Qua nghiên cứu tài liệu và thực tế hoạt động của một số KGST tại Hà Nội, bài viết tập trung làm rõ vai trò hỗ trợ khởi nghiệp cho những người trẻ trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.


Hiện nay, khuyến khích sáng tạo được xem là chiến lược cơ bản để phát triển kinh tế, tạo việc làm mới. Với ưu thế là nền văn hóa lâu đời, đa dạng, cơ cấu dân số trẻ có khả năng sáng tạo mạnh mẽ, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp sáng tạo. Trong đó, KGST - không gian khởi nghiệp cho những người trẻ, đóng vai trò nền tảng trong chiến lược phát triển chung.

1. Khái niệm

Trên thế giới, thuật ngữ KGST đã trở nên khá quen thuộc, phổ biến, đặc biệt với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng. Nhiều KGST ở Việt Nam đang được hình thành dưới nhiều hình thức, quy mô, mô hình hoạt động, lĩnh vực hoạt động… mà ở đó “mỗi không gian là một ví dụ độc đáo cho khái niệm KGST” (1).

Từ năm 2008, Hội đồng Anh Việt Nam đã triển khai dự án các ngành công nghiệp văn hóa trong đó đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ tạo lập, thúc đẩy và phát triển các KGST. Họ đã có một chuỗi liên tiếp những sự kiện truyền thông, tăng cường nhận thức về công nghiệp sáng tạo nói chung và KGST nói riêng. Tháng 12 - 2014, Hội đồng Anh tổ chức công bố báo cáo Không gian sáng tạo tại Việt Nam do nhà báo Trương Uyên Ly thực hiện. Báo cáo cho thấy sự phát triển nhanh, mạnh về số lượng KGST, đưa ra cái nhìn tổng thể, từ đó đề xuất một số giải pháp hỗ trợ phát triển KGST. Tiếp nối những nghiên cứu ban đầu, ngày 7,8 - 3 - 2016, hội thảo Kiến tạo không gian sáng tạo được Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức tại Học viện Academy, TP.HCM với sự góp mặt của gần 30 KGST tại Việt Nam. Nhiều chủ đề thu hút sự quan tâm chung được thảo luận như: đầu tư và nguồn thu bền vững cho KGST, phát triển cộng đồng và các hoạt động hợp tác, công nghệ thông tin trong thành lập và quản lý KGST, lập bản đồ KGST…(2).

Theo Hội đồng Anh, KGST được định nghĩa là hạ tầng cơ sở hay một địa điểm trong đó sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích của nó để cho thuê hoặc phục vụ cho hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh đối với các ngành công nghiệp sáng tạo. Đó là nơi gặp gỡ, trao đổi công việc, chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm của nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thiết kế, người làm phim… Các không gian này giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển nền kinh tế sáng tạo (3).

Trong báo cáo Không gian sáng tạo tại Việt Nam, nhà báo Trương Uyên Ly cho rằng: “Tất cả các KGST ở Hà Nội và TP.HCM đều khác nhau về quy mô, loại hình và lĩnh vực hoạt động” (4). Trong sự nở rộ muôn màu muôn vẻ đó, có 3 tiêu chí nổi trội để nhận diện và định danh các KGST: kết nối, sáng tạo, có định hướng kinh doanh.

Hiện nay, do ảnh hưởng lan tỏa của các KGST trên thế giới, cùng với quá trình giao lưu, trao đổi được thúc đẩy mạnh mẽ, người trẻ coi sáng tạo là tiếng nói chung để liên kết nhau, việc tìm đến các KGST là điều tất yếu. Các không gian thường đa dạng về cách thức tổ chức (không gian làm việc chung, cơ sở đào tạo, phòng tranh, xưởng sáng tác, quán bar, địa điểm chia sẻ, thảo luận các vấn đề về văn hóa hay có thể là các diễn đàn chia sẻ thông tin trực tuyến); mô hình hoạt động (lợi nhuận, phi lợi nhuận); lĩnh vực hoạt động (âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật thị giác, nghề thủ công truyền thống, phim ảnh…). Đến với các KGST, những người trẻ có cơ hội cùng làm việc trong một môi trường, tạo cơ hội hợp tác, chia sẻ đam mê chung.

Như vậy, khái niệm KGST và sự phát triển của các KGST trong thực tế cho thấy, có nhiều cách tiếp cận về lĩnh vực này nhằm đáp ứng các mục tiêu trong từng bối cảnh cụ thể. Mặc dù giữa các KGST có những sự khác biệt nhưng tựu chung lại đều có đặc điểm như sau: thứ nhất, đó là những không gian, địa điểm được sử dụng với mục đích kết nối các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo; thứ hai, các KGST này có định hướng kinh doanh; thứ ba, các KGST tập trung hỗ trợ cho những người làm công việc sáng tạo trong giai đoạn khởi nghiệp, có thể xem đây như các doanh nghiệp vi mô trong lĩnh vực sáng tạo, một bước đệm quan trọng để tiến tới xây dựng các tập đoàn, các doanh nghiệp sáng tạo lớn mạnh; thứ tư, các KGST có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế địa phương như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập…

2. Vai trò hỗ trợ khởi nghiệp của các KGST

Các KGST hướng đến phát triển con người thông qua việc nâng cao đời sống tinh thần, đưa các hoạt động nghệ thuật đến gần hơn với khán giả mọi lứa tuổi. KGST cũng truyền cảm hứng cho người trẻ trong việc phát triển nghệ thuật đương đại, là điểm nhấn thu hút khách du lịch, gia tăng kinh tế địa phương, làm bộ mặt đô thị trở nên hiện đại, năng động hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng, mở rộng và phát triển các KGST chính là bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, hướng đến xây dựng thành phố sáng tạo, những đặc khu dành cho nghệ thuật, thủ công truyền thống giống như mô hình đang được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Một trong những giải pháp quan trọng đối với ngành công nghiệp sáng tạo ở nước ta đó là phát hiện, nuôi dưỡng, phát triển tài năng, đặc biệt ưu tiên tập trung vào giai đoạn khởi nghiệp và giai đoạn đỉnh cao của nghề nghiệp. Về lâu dài, việc phát triển công nghiệp sáng tạo ở nước ta chủ yếu dựa vào các tập đoàn lớn, nhưng trước mắt, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vi mô được xem là bước đệm cần thiết. Các KGST một mặt cung cấp những dịch vụ sáng tạo, mặt khác cung cấp không gian và địa điểm cho sự tồn tại, duy trì và kết nối của các hoạt động sáng tạo. Chức năng hỗ trợ khởi nghiệp của các KGST có thể được xem xét trên hai phương diện: cung cấp mặt bằng, cơ sở hạ tầng và cơ hội trao đổi, chia sẻ về nghề nghiệp.

Trước hết, các KGST là những địa điểm cụ thể cung cấp cơ sở hạ tầng, mặt bằng hay địa điểm làm việc cho những người sáng tạo. Những người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thường gặp khó khăn trong việc tìm không gian làm việc. Phần lớn họ là những cá nhân, nhóm nghệ sĩ tự do, đặc thù công việc ít ổn định, không thường xuyên hoặc có thể đến với nghệ thuật như nghề tay trái. Hơn nữa chi phí cho việc thuê địa điểm tại các khu vực trung tâm khá cao nên họ khó có thể tiếp cận được, KGST trở thành một giải pháp hỗ trợ thiết thực. KGST mang đến cơ sở hạ tầng phù hợp cho công việc sáng tạo như studio, phòng họp, không gian dành cho các sự kiện… Ít mang dáng dấp của một công sở hay văn phòng hành chính thông thường, các không gian này thường thoải mái, nhiều phá cách độc đáo trong thiết kế, sử dụng nhiều màu sắc… tạo tâm thế tự do và truyền cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số KGST hoạt động tương đối hiệu quả, được nhiều người biết đến như: Heritage Space, Hanoi    Creative City, Manzi, Doclab… Heritage Space (số 28 Trần Bình), là một sân chơi dành cho những người yêu nghệ thuật, đam mê sáng tạo, có diện tích trên một nghìn mét vuông nằm trong công trình kiến trúc Dolphin Plaza. Heritage Space bao gồm không gian làm việc chung (co-working) hiện đại với nhiều tiện ích văn phòng, tài liệu về kiến trúc, nghệ thuật, phòng triển lãm, không gian triển lãm ngoài trời, không gian cho hội thảo, tọa đàm… Còn Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên) được xem là một tổ hợp sáng tạo nghệ thuật quy mô lớn bao gồm nhiều KGST nhỏ, có định hướng phát triển thành một quận nghệ thuật. Ngoài các không gian chức năng (văn phòng cho thuê, khu trưng bày, triển lãm, các studio, các lớp học đào tạo…), Hanoi Creative City còn có những không gian tiện ích (cửa hàng thời trang, khu giải trí, các quán café…), khu vực dành riêng cho các hoạt động nghệ thuật đường phố, chương trình biểu diễn ngoài trời. Hanoi Creative City ưu tiên những bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp bằng công việc sáng tạo. Dù vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện nhưng dự án xã hội này chắc chắn sẽ là điểm quy tụ của nhiều nhóm nghệ thuật.

Không gian triển lãm, studio được các nghệ sĩ trẻ quan tâm, tìm kiếm nhiều nhất, bởi qua đó họ có thể giới thiệu những tác phẩm, thể nghiệm của mình. KGST là nơi trưng bày, trân trọng những thể nghiệm sáng tạo “rụt rè” ban đầu, để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo có thể nhận ra tài năng và có hỗ trợ thiết thực về tài chính. Sự phát triển, liên kết các KGST nhỏ lẻ như vậy có thể mang đến hy vọng về sự ra đời của chợ nghệ thuật ở Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, KGST còn là sân chơi, diễn đàn để trao đổi các vấn đề chuyên môn, từ đó hướng tới xây dựng những cộng đồng chia sẻ niềm đam mê chung. Heritage Space được biết đến như một không gian khá đa dạng các lĩnh vực như âm nhạc, văn học, nghệ thuật thị giác… nhưng sau khi hợp tác cùng ashui.com, không gian này chú trọng đặc biệt đến cộng đồng những người đam mê kiến trúc. Còn Hanoi Creative City được xem như tổ hợp sáng tạo với không gian tích hợp, quy tụ những cá nhân từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau. Đến với không gian này, các cá nhân tìm thấy sự gắn kết với cộng đồng khởi nghiệp, khả năng làm việc cộng tác, từ đó phát triển khả năng sáng tạo trong lĩnh vực mình đam mê. Bên cạnh đó, KGST Manzi thiên hướng về nghệ thuật thị giác, Doclab hoạt động như một trung tâm thử nghiệm phim tài liệu, nghệ thuật video.

Ngoài chuyên môn, các KGST còn là nơi để phát triển kỹ năng quản lý, kinh doanh. Đây là điểm hạn chế đối với những người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, bởi hầu hết họ đều quản lý dựa trên kinh nghiệm thực tế. Tại các KGST, những cuộc gặp gỡ, kết nối giữa người nghệ sĩ sáng tạo với các nhà sản xuất, nhà tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư, đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến phát triển sản phẩm sáng tạo, mở rộng quy mô sáng tạo… Những kỹ năng như phân tích thị trường, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, đầu tư, gây quỹ, thiết kế dự án… hay việc nâng cao nhận thức về bản quyền, sở hữu trí tuệ… được các KGST chú trọng nhằm hướng đến hình thành thị trường lao động năng động, thích nghi, hòa nhập với khu vực và trên thế giới. Hanoi Creative City còn có tham vọng biến không gian này thành sàn giao dịch ý tưởng, thông qua các hoạt động triển lãm, hội chợ để mời gọi các nhà đầu tư. Chính việc trang bị những hiểu biết nền tảng về quản lý và kinh doanh sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp mở ra thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp để họ tiếp tục theo đuổi giấc mơ sáng tạo.

3. Một số biện pháp phát triển các KGST

Mô hình các KGST được ví như bà đỡ, vườn ươm của các tài năng có mong muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Hoạt động của các KGST còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế tài chính (còn phải dựa vào các khoản tài trợ, ủng hộ…), khung pháp lý (chưa nhận được sự quan tâm hỗ trợ đúng mức từ phía chính quyền, phải kiên trì theo đuổi để có giấy phép hoạt động, sự bất ổn định của các không gian…), sự ủng hộ của cộng đồng (tâm lí e ngại, dè chừng những sự cố, luôn để mắt kiểm soát…). Đây chính là những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò hỗ trợ căn bản, nền tảng của các KGST, làm chậm lại sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.

Do vậy, cần xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá về KGST bằng việc thúc đẩy nghiên cứu mô hình, những tác động tới nền kinh tế và đóng góp của các KGST cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ việc phân tích bối cảnh trong và ngoài nước, nhận diện những khuynh hướng phát triển mới, nước ta cần quan tâm hơn đến việc xây dựng cơ sở pháp lý cho các hoạt động của KGST.

Trong giai đoạn hiện nay, truyền thông để gây dựng niềm tin của cộng đồng với các KGST là việc làm được ưu tiên. Bởi, nhiều người vẫn xem KGST thuần là những “chốn ăn chơi” của thanh niên, truyền thông chính là cách để cộng đồng hiểu hơn và có những hỗ trợ tích cực đối với các hoạt động của KGST.

Trong thời kì khởi nghiệp, hỗ trợ về mặt tài chính là yếu tố tiên quyết. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo cần có những hình thức hỗ trợ như đầu tư, cho vay nhỏ, xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm… Ngoài ra, cần đa dạng hóa các mô hình tài trợ, thay vì dồn gánh nặng đầu tư vào vai trò của nhà nước, có thể tìm đến sự đầu tư của các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các chương trình hợp tác quốc tế…

Về lâu dài, các KGST sẽ là những đơn vị trung tâm trong mô hình thành phố sáng tạo. Các không gian này một mặt tạo ra sản phẩm, một mặt cung cấp nhân lực tiềm năng cho các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Mô hình KGST với vai trò hỗ trợ và truyền cảm hứng khởi nghiệp cần được mở rộng, ưu tiên phát triển, tiến tới tạo dựng một mạng lưới, một hệ sinh thái KGST trong tương lai.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : PHẠM THỊ HƯƠNG

;