Quá trình cư trú ngàn đời trong không gian làng đã quy định bản chất văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáocủa người Việt. Làng dù có thể ổn định cấu trúc nhưng vẫn luôn là một thực thể linh động, liên tục biến thiên trong lịch sử. Vì thế, các không gian của làng cũng liên tục đổi thay và việc nắm bắt tính linh động của không gian làng đòi hỏi phải tiếp cận làng như một thực thể sống động. Trong quá trình đô thị hóa, làm biến đổi sâu sắc cấu trúc không gian làng xã từ gốc rễ, người ta khó tránh được lối mã hóa trong nhìn nhận từ ấn tượng, trải nghiệm không gian mang tính kinh nghiệm chủ nghĩa. Việc chọn lựa một làng cụ thể, làng Ngọc Than, quan sát từ cái nhìn không gian, là cách thức để từ đó nghiên cứu tiếp cận không gian làng cổ truyền.
Hình dung một cách đại quan về không gian làng quê, có ý kiến cho rằng: “Sau mỗi bước đi, ta lại bắt gặp quá khứ thông qua đình, chùa, miếu, quán… hay các ngôi nhà cổ lợp ngói mũ hài, các ao tù nhỏ trên mặt phủ đầy bèo cám li ti như một lớp bụi của thời gian” (1). Đào sâu hơn vào vấn đề không gian làng quê Bắc Bộ truyền thống, cần tạo một khung phân định trong tổ chức không gian làng, cụ thể nghiên cứu này đề cập đến không gian công, không gian có sự nổi trội, chiếm một vùng rộng lớn hơn cả.
Không gian công được hiểu là không gian sinh hoạt chung, thuộc về sở hữu tập thể, hiện diện vật chất ở làng, in dấu ấn sâu đậm trong tâm thức cộng đồng. Nó là không gian phản ánh một cách đậm nét chiều sâu văn hóa của mỗi làng xưa kia. Vì là di sản của tập thể nên từ không gian công có thể đánh giá được diện mạo kinh tế, văn hóa của làng, mối quan hệ giữa các cá nhân trong làng, cũng như các cá nhân với tập thể làng. Trong làng quê bất kỳ, dạo quanh một vòng, dễ dàng nhận thấy luôn tồn tại nhiều lớp không gian thuộc về tập thể, cộng đồng. Về cơ bản, có 11 không gian công gồm: đình; chùa; chợ; văn từ, văn chỉ; đền, am, miếu, điện; công quán, điếm sở; giếng làng, ao làng; cổng làng; hệ thống đường làng; nghĩa trang làng; xứ đồng. Tuy nhiên, ta có thể mở rộng hay thu hẹp hệ thống các không gian công tùy theo đặc thù bản địa của từng làng, ý đồ cụ thể của các nghiên cứu.
Đình là không gian công quan trọng nhất, biểu trưng cho Nho giáo ở làng xã Việt Nam, với 3 chức năng chính: tôn giáo, hành chính, văn hóa. Đình thờ thành hoàng, là không gian công thuộc về nam giới, nơi thực thi quyền lực, luật pháp làng, nơi tiến hành các sinh hoạt vì mục đích chung của làng. Bởi thế, ngôi đình như một yếu tố hữu hình của văn hóa làng Việt Bắc Bộ. Kiến trúc rất riêng của đình đã phản ánh vai trò lưỡng nguyên của nó trong sinh hoạt làng xã. Đình Ngọc Than xây dựng năm Đức Nguyên thứ nhất, Giáp Dần, 1674, dưới thời vua Lê Gia Tông (1672 - 1675), thờ Lý Bí cùng bộ tướng là Phạm Tu. Đình kiến trúc kiểu chữ quốc trên mảnh đất 1,2 mẫu, ở phía tây bắc thôn, được mở rộng hai lần, rồi giữ nguyên cho đến nay. Đương thời có nhiều ngôi đình như thế nhưng đến nay, có lẽ chỉ còn Ngọc Than là ngôi đình duy nhất với kiểu dáng kiến trúc thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788) còn bảo tồn khá nguyên vẹn.
Chùa là không gian tôn giáo, văn hóa truyền thống lâu đời, biểu trưng cho Phật giáo (xen ghép tôn giáo dân gian thờ Mẫu) ở làng, hiện hữu rõ nét từ thời Bắc thuộc. Vào TK XIV, khi Nho giáo lên ngôi, gắn với sự lên ngôi của thiết chế đình, thuộc về nam giới, thì chùa chính là nơi cân đối trở lại trong sinh hoạt cộng đồng làng quê, thuộc về nữ giới. Nếu ở đình, người phụ nữ không được lai vãng, thì ngôi chùa làng lại là nơi người phụ nữ thôn quê được tự do thể hiện tín ngưỡng. Chùa Ngọc Than là không gian công quan trọng trong làng. Chùa trước kia được xây dựng ở xóm Chùa, ban đầu chỉ là ngôi nhà tranh nhỏ, khung mái bằng tre, nứa, về sau được mở mang, xây dựng lại theo kiểu nhà gỗ, lợp ngói. Vào khoảng nửa cuối TK XVII, khi chuyển về xóm Ô, chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc, lấy tên là Vĩnh Khánh Tự. Không gian chùa Ngọc Than xưa vốn rộng, ngày nay, như phần lớn ngôi chùa làng Bắc Bộ, đã bị dân cư lấn chiếm khá nhiều. Kiến trúc ban đầu của chùa qua các lần tu tạo vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, gồm: cổng chùa, tiền đường, hậu cung, nhà thờ mẫu, nhà thờ tổ. Chùa là nơi sinh hoạt chủ đạo của các vãi, chủ yếu là người già trong làng.
Chợ là không gian công của thương mại làng mạc, dùng để buôn bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa. Nhưng ngoài việc duy trì quan hệ buôn bán, không gian chợ còn là nơi duy trì hàng loạt mối quan hệ phức tạp khác đặc trưng cho chính trị, tôn giáo, tâm lý tập thể của người nông dân ở làng. Do đó, chợ là không gian công nhưng có hướng vươn ra ngoài lũy tre xanh, cổng làng, điếm canh để tạo thành mối liên hệ liên làng, siêu làng. Chợ Ngọc Than xưa từng họp ở sân đình, rồi gần cổng chùa. Ngày nay, chợ làng Ngọc Than có quy mô nhỏ, với lán dựng đơn sơ, ở ngã tư lớn đầu làng, từ hướng chợ Phủ Quốc lại. Nó là một nhánh chợ nhỏ của chợ trung tâm Phủ Quốc.
Văn từ, văn chỉ là không gian biểu trưng cho sự sùng thượng giáo dục, học vấn của làng. Văn từ làng Ngọc Than là nơi thờ Khổng Tử, những bậc tiên hiền, khoa bảng trong làng theo truyền thống Nho giáo, nằm ở xóm Giữa. Kiến trúc gồm hai ngôi nhà song song, mỗi nhà gồm ba gian, bào trơn, đóng bén đơn giản. Không gian văn từ xưa có cảnh quan đẹp, có ao cá, giả sơn, vườn cây. Ngày nay, nó đã bị các hộ dân lấn chiếm gần hết, chỉ còn lại khu trung tâm. Sau năm 1954, văn từ có khi được sử dụng làm lớp học. Trước đây, vào những ngày trước khoa thi, sĩ tử trong làng đến văn từ làm lễ cầu may, nếu thi đỗ thì trở lại làm lễ tạ, truyền thống ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Năm 2007 văn từ được tu bổ. Để biểu dương truyền thống hiếu học làng quê, các bậc đỗ đạt xuất thân ở làng Ngọc Than hiện nay khi làm lễ trình làng đều được cộng đồng làng vinh danh, ghi tên, lưu giữ tại văn từ.
Đền, am, miếu, điện đều là những không gian thờ nhiên thần hoặc nhân thần trong làng, thuộc về tín ngưỡng bản địa, vật linh đa thần Việt Nam. Làng Ngọc Than có đền Ngọc Giang ở xóm Cống, có miếu thờ ở các xóm, có ba ngôi điện được nhắc đến nhiều hơn cả là điện nhà ông Hai Lạc (xóm Trại), điện Bà (Hạ Khê), điện nhà ông Tiểu (xóm Ô).
Điếm sở là không gian cho dân làng, khách qua đường nghỉ chân, vừa là thờ thổ thần của xóm, vừa là nơi tuần phiên sử dụng canh gác cho xóm, lại cũng là điểm sinh hoạt công cộng nhỏ của cư dân. Làng Ngọc Than có 10 điếm canh nằm trong lẫn ngoài làng. Trong điếm có bàn thờ, dân trong xóm vào các ngày mùng 1, rằm hoặc các tiết khai xuân, khai hạ… đều mang hương, hoa, quả, oản ra làm lễ. Đây là nơi thanh niên thường xuyên tập trung vào các dịp có phong trào thể dục thể thao của xóm. Nếu trước đây, điếm là nơi canh phòng, nghỉ ngơi ban đêm của các tráng đinh làng khi phiên tuần thì cho đến nay vẫn là không gian thuộc về tầng lớp thanh niên. Đây còn là nơi trưng bày thành tích như cờ giải, cúp của nam thanh niên trong xóm khi đoạt giải tại các cuộc thi bóng đá, là nơi tổ chức ăn khao của cả đội bóng, dân làng khi có giải.
Công quán là nơi cư trú của tuần phu canh ban đêm, cũng có thể sử dụng như điếm sở vào ban ngày.
Giếng làng, ao làng là những không gian mặt nước, thường có vị trí trung tâm ở làng, nằm trong quần thể kiến trúc đình, chùa…, cũng có khi nằm độc lập. Trước kia, làng Ngọc Than có rất nhiều ao, luôn đầy nước. Ao làng không chỉ để cấp nước sinh hoạt, giặt, rửa, nuôi cá, thả bèo nuôi lợn mà còn như những hào sâu tăng thêm khả năng bảo vệ làng, đồng thời tiêu nước để tránh ngập úng. Sau đó, nhiều ao bị lấp, cho đến nay thì hầu như trong làng không còn ao nữa.
Cổng làng phân định không gian trong, ngoài làng, là biểu trưng cho sức mạnh, lòng tự hào về làng. Kiến trúc, tình trạng của cổng là dấu hiệu bên ngoài của sự thịnh vượng, hình ảnh của làng, là hình tượng biểu trưng của tính tự trọng tập thể, đồng thời mang yếu tố tâm linh với con người sinh sống trong làng. Xưa kia, Ngọc Than có ba cổng làng. Cổng ở xóm Chùa, đi ra cầu Hữu, là cổng hai tầng kiểu thượng gia hạ môn (trên nhà, dưới cổng). Phần cổng có cổng chính, ngách. Tầng trên cổng dùng làm nơi cho tuần phiên ngủ. Trong đêm, nếu có người làng đi đâu về, sau khi phiên kiểm tra thì chỉ mở cửa ngách cho vào. Cổng làng xóm Chùa bị phá vỡ năm 1930, đến năm 1949 thì được làm lại kiểu cổng vòm, đến năm 1956 lại bị phá dỡ. Một cổng làng nữa nằm ở ngang vị trí góc tường bao sau đình, nơi có cổng nhỏ xây đá ong, đi lên đình từ phía sau. Cổng làng ở xóm Trại chỉ có hai trụ lớn hai bên. Tất cả nay đã không còn.
Hệ thống đường làng, ngõ xóm là huyết mạch giao thông của làng; bên cạnh đó, nó còn không gian công quan trọng của cả làng, gồm đường đi lối lại, cầu cống. Đường làng Ngọc Than tiêu biểu cho cấu trúc đường xương cá, đồng thời là một làng cổ mật tập nên hệ thống đường đi lối lại hẹp, chằng chịt, rất phức tạp. Đường làng còn nhiều nơi lát gạch cổ, tường đá ong bao quanh, tạo nên sắc thái cổ kính, vẻ đẹp đặc trưng của một làng bán sơn địa.
Nếu khu vực bên trong làng là không gian cõi sống, thì nghĩa trang là không gian của cõi chết. Nghĩa trang nằm xen lẫn trong các xứ đồng, ở ngoài làng. Vị trí nghĩa trang không thay đổi theo thời gian vì quan niệm động mồ mả là đại kỵ với văn hóa Việt. Ngày nay, nghĩa trang vẫn là nơi không thể xâm phạm trong làng.
Xứ đồng được tạo bởi hệ thống thuỷ lợi, công điền. Đồng làng từ xưa là nơi diễn ra các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích canh tác của làng đến trước năm 2010 là 702 mẫu Bắc Bộ. Sau 4 lần sử dụng một phần đất canh tác để làm đường giao thông, chuyển giao cho các doanh nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì diện tích canh tác của làng Ngọc Than bị thu hẹp tương đối nhiều. Các xứ đồng cổ của làng Ngọc Than gồm có: Đồng Sính, Đồng Mang, Đìa Vàng, Cống Cái, Đìa Ngải, Thanh Tre, Đìa Mè, Đồng Sộp, Cửa Đình, Cửa Ngòi, Đồng Chòi, Hốc Thốp… Cho đến trước năm 1966, người Ngọc Than vẫn gọi các xứ đồng theo tên cũ. Năm 1966, các cánh đồng được quy hoạch lại, gọi tên mới nhưng vẫn gắn với tên gọi truyền thống. Các xứ đồng giờ đây đang thu hẹp dần vì tốc độ đô thị hóa, sự mở rộng Hà Nội, đã khiến một phần lớn đất các xứ đồng giờ trở thành đại lộ hay đất nhà máy.
Không gian truyền thống làng Việt được tái hiện lại qua trường hợp làng Ngọc Than cho thấy tính nổi trội của không gian công trong làng. Đó không chỉ đơn thuần là nơi cư trú mà còn là nơi thể hiện những đặc trưng văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo, tập tính của người nông dân ở làng quê. Điều này tương thích với nhận định của các nhà nghiên cứu văn hóa về mẫu người văn hóa làng xã là mẫu người của cộng đồng; còn làng xã là một khối cộng đồng tập thể, tồn tại lâu đời. Tất cả cho thấy tính cộng đồng, sự cố kết mạnh mẽ của người Việt trong lịch sử là có căn nguyên biện chứng với cư trú trong không gian công.
Nhịp sống của thời đại, nhất là quá trình đô thị hóa hiện nay đã, đang làm biến đổi sâu sắc cấu trúc không gian làng xã từ trong gốc rễ, không gian làng chuyển thành không gian phố, với đặc tính giảm dần không gian công mà gia tăng không gian tư. Điều này cho thấy những đứt gãy giữa hiện đại, truyền thống. Với tất cả sự phức tạp ấy về làng, quan sát từ không gian, cho thấy hướng tiếp cận này là cấp thiết ở thời điểm hiện tại. Phát triển là xu thế tất yếu, tuy thế, cần quy hoạch để đạt tới một sự quân bình của việc duy trì không gian công, không gian tư ở làng, đó chính là cách kết nối bền vững giữa quá khứ với hiện tại, tương lai.
______________
1. Nguyễn Tùng, Mông Phụ, một làng ở đồng bằng sông Hồng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016
Tác giả : NGÔ THỊ CHANG