Khơi dậy tiềm năng du lịch thành phố Trà và Tơ lụa Bảo Lộc

Bảo Lộc là một “vùng đệm” khá quan trọng trong tương quan phát triển du lịch của tỉnh Lâm Đồng. Cùng với các huyện phía Nam, Bảo Lộc đang phát huy vai trò, lợi thế của vùng cửa ngõ đón du khách đến với Lâm Đồng. Ngoài việc được thiên nhiên ban tặng về khí hậu, cảnh quan thì sự cần cù, lao động sáng tạo của nhiều thế hệ con người trên mảnh đất B’Lao - Bảo Lộc trong suốt quá trình hình thành và phát triển, đã xây đắp nên một thành phố Bảo Lộc hôm nay, thành phố có thương hiệu trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc nổi tiếng trong nước và thế giới. Đây chính là nguồn lực để động viên nhân dân Bảo Lộc nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để xây dựng thành phố Bảo Lộc phát triển toàn diện và bền vững, trở thành đô thị sinh thái, đô thị hạt nhân phía Nam Tây Nguyên và sớm trở thành đô thị loại hai.

 

Lợi thế về du lịch

Bảo Lộc có lợi thế về khí hậu  quanh năm mát mẻ, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, cảnh quan phong phú với các thác, hồ, suối đẹp như thác ĐamB’ri, thác bảy tầng, hồ Nam Phương, suối Đá bàn, đèo Bảo Lộc, núi Sa Pung… Nơi đây còn là vùng sản xuất cây công nghiệp truyền thống và chế biến trà, cà phê trồng dâu nuôi tằm sẽ tạo điều kiện cho phát triển các điểm tham quan du lịch ngành nghề… Chính vì vậy, Bảo Lộc xác định lợi thế phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, dã ngoại và khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên. Trong những năm qua, tỉnh đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch và xem Bảo Lộc là vùng trọng điểm phía Nam của Lâm Đồng. 

Ngoài những ưu thế về tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn thành phố đang ngày càng phát triển. Đến nay, toàn thành phố  có 119 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 1 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao và 14 khách sạn 1 sao; 1 công ty kinh doanh lữ hành nội địa (Công ty cổ phần thương mại du lịch Nam Tây Nguyên); 2 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế (Công ty TNHH đầu tư Bảo Tâm An, Công ty TNHH Du lịch thương mại dịch vụ và tư vấn Du học Đại Bình). Các doanh nghiệp lưu trú du lịch thời gian qua đã tích cực chủ động trong việc đón tiếp và phục vụ khách, tạo được ấn tượng tốt. Lượng khách du lịch đến Bảo Lộc tham quan và lưu trú tăng dần  qua các  năm gần đây, đặc biệt là trong Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt với nhiều hoạt động trên địa bàn thành phố. Hệ thống nhà hàng, các dịch vụ văn hóa giải trí, đường giao thông nội thị phát triển. Các dịch vụ du lịch đã  được xã hội hóa và quan tâm đầu tư. Hiện nay, với 1 công ty kinh doanh lữ hành nội địa và 2 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế đang hoạt động trên địa bàn, đã góp phần kết nối du lịch Bảo Lộc đến du khách trong và ngoài địa phương.

Các dịch vụ giới thiệu, mua bán đặc sản địa phương: trà, cà phê, lụa tơ tằm, thổ cẩm, tranh thêu, tranh bướm, tranh đá, trái cây đặc sản… được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư phục vụ du khách như hệ thống các cơ sở Đôi dép, Siêu thị Công ty Tâm Châu, siêu thị Co.opmart Bảo Lộc, Vincom, doanh nghiệp Trà Trâm Anh và một số cửa hàng nhỏ lẻ khác trên địa bàn… đã thu hút, tạo điều kiện để du khách đến với Bảo Lộc tham quan và nghỉ dưỡng.

Những năm qua, Bảo Lộc đã tranh thủ sự hỗ trợ và các nguồn lực của trung ương, của tỉnh cũng như các nguồn lực của địa phương để tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông của thành phố, phục vụ yêu cầu liên kết phát triển du lịch với các vùng và địa phương trong khu vực. Hệ thống giao thông vào các khu du lịch, điểm du lịch được cải thiện đáng kể. Thiết lập các hệ thống biển báo, hướng dẫn du lịch cho phương tiện vận chuyển du khách và khách du lịch. Triển khai trên địa bàn các panô quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh và thành phố… góp phần quảng bá hoạt động du lịch ở địa phương. Cùng với đó, thành phố đã tích cực triển khai, thu hút đầu tư vào một số dự án phát triển du lịch trên địa bàn như Khu du lịch ĐamB’ri; Doidep Tea ReSort Bảo Lộc; Đôi dép villa, Công viên hồ Nam Phương II...

Là cửa ngõ du lịch của Lâm Đồng nhưng Bảo Lộc vẫn chỉ đóng vai trò là trạm dừng chân, điểm trung gian để du khách ghé qua trong chuyến hành trình từ các tỉnh đến với Lâm Đồng. Dù hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch nhưng đến nay, du lịch Bảo Lộc vẫn chỉ dừng ở mức "tiềm năng", chưa có sự đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; hiệu quả kinh doanh du lịch tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp so với các địa phương trong tỉnh, lượng khách tham quan, nhất là khách du lịch nội địa có chiều hướng tăng nhưng không đáng kể. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 phần nào đã ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch ở thành phố Bảo Lộc. Lượt khách đăng ký lưu trú trên địa bàn trong năm 2021 ước đạt 63.915 lượt khách, giảm 16% so với cùng kỳ, trong đó 63.532 lượt khách trong nước và 383 lượt khách quốc tế; tổng ngày khách đăng ký lưu trú 106.738, trong đó khách trong nước là 105.742 ngày và 996 ngày khách quốc tế; số ngày lưu trú bình quân người/ngày đạt 1,67.

Giải pháp khơi dậy tiềm năng du lịch thành phố trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Thiết thực hưởng ứng kế hoạch hành động phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022, để vực dậy ngành Du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của ngành Du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế trung tâm thành phố, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, xứng đáng là trung tâm du lịch phía Nam của tỉnh, thực sự là điểm đến lý tưởng - an toàn - thân thiện, nơi hội tụ của xứ sở “chè, cà phê và dâu tằm vùng phía Nam Tây Nguyên”, thành phố Bảo Lộc cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung thúc đẩy phát triển ngành du lịch, dịch vụ để phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và các điều kiện tự nhiên của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư phát triển du lịch; tích cực phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để kịp thời tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch, thế mạnh của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đi đôi với phát triển, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn theo hướng nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Thứ hai, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, kết hợp các sản phẩm dịch vụ mới riêng có của thành phố nhằm nâng cao sức hút khách du lịch với các sản phẩm đặc sắc, nhất là du lịch mạo hiểm, du lịch canh nông, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch tâm linh gắn với các công trình tôn giáo trên địa bàn như Nhà thờ Thánh Mẫu (Lộc Phát), Tu viện Bát Nhã, Nhà thờ Bảo Lộc… Hình thành các tour cho du khách tham quan vườn trà chất lượng cao, tham quan các dây chuyền sản xuất trà, cà phê, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa gắn với các chương trình du lịch dã ngoại. Trong đó, đưa vào các sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách như tham quan núi Sa Pung, quy trình công nghệ dệt lụa tơ tằm; nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ mua sắm cho du khách…

Thứ ba, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, xúc tiến đầu tư vào các dự án du lịch trên địa bàn, trong đó chú trọng tập trung huy động đầu tư cho dự án giai đoạn 2021-2025 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng khóa XI đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/11/2021 về phát triển thành phố Bảo Lộc giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đó là dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí hồ Nam Phương 1, hồ Nam Phương 2; khu liên hợp thể thao Bảo Lộc; tổ hợp khách sạn (tiêu chuẩn 5 sao); Trung tâm thương mại dịch vụ (vành đai phía Nam); sân gofd Lộc Phát; khu du lịch sinh thái núi Sa Pung; dự án khu đô thị du lịch Thiên đường mắc ca; dự án trung tâm nghỉ dưỡng-chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng dưới tán rừng ở thôn 12 xã ĐamB’ri; dự án hồ thủy lợi kết hợp du lịch sinh thái ở hồ B’Lao Sirê xã Đại Lào… Đồng thời, tiến hành rà soát quy hoạch phát triển du lịch để có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Thứ tư, thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao của địa phương như Tuần lễ văn hóa Trà và Tơ lụa theo định kỳ nhằm thu hút khách nội địa đến với Bảo Lộc - Lâm Đồng; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đăng cai tổ chức các giải thể thao khu vực tại thành phố Bảo Lộc.

Thứ năm, tăng cường tạo cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện phối hợp quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch cũng như kịp thời phản ánh những kiến nghị, đề xuất, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động du lịch để cơ quan quản lý kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các hoạt động du lịch trên địa bàn.

Thứ sáu, nhằm đảm bảo cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn hoạt động trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, thành phố tiếp tục kịp thời hướng dẫn, chia sẻ những khó khăn cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn đảm bảo các điều kiện trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Với thương hiệu trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc, và sự ưu đãi về khí hậu cùng những thắng cảnh đẹp như ĐamB’ri, Đasara, hồ Nam Phương; Đôi dép - Tea resort… và việc đưa vào những sản phẩm du lịch mới, Bảo Lộc đang ngày có thêm nhiều công trình, dự án về du lịch quy mô và hiện đại được triển khai. Bằng những định hướng đúng, trong thời gian tới, du lịch Bảo Lộc sẽ có bước phát triển mới, trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến với Lâm Đồng.

 

NGUYỄN ĐÌNH HOÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

;