Theo truyền thuyết, tục đón Tết của dân ta còn lưu giữ đậm nét nhất chính là sự tích “Bánh chưng bánh dày” thời Hùng Vương. Còn trong thư tịch cổ thì tục đón Tết được ghi lại sớm nhất vào thời Sĩ Nhiếp làm thái thú, đóng trị sở ở Luy Lâu. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Nước ta thông thi thư, tập lễ nhạc là bắt đầu từ thời Sĩ Vương”. Sĩ Nhiếp cai trị từ năm 185 đến năm 225. Thời kì này,nhà Hán suy yếu đang loạn Tam Quốc nhưng phần đất của Sĩ Nhiếp cai trị vẫn yên ổn phát triển suốt mấy chục năm. Lễ Tết, hội hè vùng Luy Lâu bấy giờ bề thế, nền nếp và được coi là mẫu mực cho các địa phương khác.
Cây cầu đá cổ tuyệt đẹp bắc sang đền thờ Sĩ Nhiếp ở trung tâm thành Luy Lâu
Ảnh: THÁI LỘC
Tiêu biểu nhất là hội Tứ Pháp. Thời Sĩ Vương có sư Khâu Đà La từ Tây Trúc sang truyền bá đạo Phật. Sĩ Vương cho tạc tượng Tứ Pháp, đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, giao cho bốn ngôi chùa thờ, lấy chùa Dâu đặt tượng Pháp Vân làm trung tâm. Lễ hội vào ngày mồng Tám tháng Tư liên quan đến nhiều làng trong vùng Dâu. Danh tiếng chùa Dâu càng được thiên hạ biết. Thời Tùy, chùa Dâu còn được nhận xá lị Phật làm bảo bối trấn chùa. Thời Lý vua thường về chùa Dâu cầu mưa, cầu con. Mô hình lễ hội Tứ Pháp được nhiều nơi “thờ vọng” nhưng quy mô nhỏ hơn, nay có chùa Pháp Vân, chùa Đậu ở Hà Nội; chùa thờ Pháp Vũ ở Hà Nam…
Thái thú Sĩ Nhiếp sau khi qua đời, do có công với dân nên được thờ phụng chu đáo. Các bậc học giả tôn ngài là “Nam Giao học tổ”. Lễ hội ngài vào ngày mồng bảy tháng giêng cũng là một lễ hội lớn, thời xưa vua chúa thường cử quan đại thần về tế, coi đây là lễ hội đế vương. Lễ hội Sĩ Nhiếp là biểu tượng của sự tôn sư trọng đạo và hiếu học khoa bảng.
Vùng Luy Lâu - Thuận Thành còn một lễ hội đế vương quan trọng khác là lễ hội Kinh Dương Vương ngày mười bảy tháng giêng. Đây là biểu tượng lập nước đáng tự hào của dân tộc. Thời trước, triều đại nào cũng cử quan đại thần về tế lễ. Ngày nay, khu di tích Kinh Dương Vương đang được mở rộng, nâng cấp và trở thành lễ hội lớn đầu năm, thu hút khách hành hương du xuân. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng về dự lễ hội. Bên cạnh phần tế lễ, hội Kinh Dương Vương còn có nhiều môn thi văn hóa - thể thao như đấu vật, đấu cờ, đấu bóng chuyền, đấu cầu lông, đánh đu, chơi tổ tôm điếm…
Vùng Dâu - Thuận Thành đất đai màu mỡ, địa hình không quá cao cũng không quá trũng, thời tiết thuận hòa, bão lớn ít, mưa úng nắng hạn không quá gắt gao nên kinh tế nông nghiệp sớm phát triển. Một nét hội xuân đặc sắc rất riêng của vùng quê này là tục thi gà đầu xuân. Làng Hồ (Lạc Thổ) thi gà giống tốt, cả gà trống và gà mái, vào ngày hội làng mồng Chín tháng Hai. Gà trống có con nặng tới gần 7 kg, gà mái nặng gần 5 kg. Giống gà Hồ được coi là nguồn gen quý đang được bảo trợ đặc biệt để giữ gìn và phát triển. Từ xưa, gà Hồ đã đi vào tranh dân gian Đông Hồ với nhiều mẫu khác nhau và đều được yêu thích. Làng Bưởi Cuốc (Nghi Khúc) lại có tục thi xôi gà chín. Để có được con gà ăn giải của làng thì phải đạt rất nhiều yêu cầu: cân nặng, dáng đẹp, luộc chín không bị nứt da. Khâu luộc gà rất kì công, có khi kéo dài cả đêm. Tục thi gà đầu xuân là một hình thức triển lãm thành tựu nông nghiệp thời xưa, đến nay còn được duy trì.
Qua hội thi gà là hội thi tranh của làng tranh dân gian Đông Hồ. Nghề tranh có từ thời Đường. Trước đây, làng Đông Hồ chủ yếu làm tranh phục vụ ngày Tết và trang trí ở các ban thờ. Tác phẩm “Tứ thời khúc vịnh” của thượng thư Hoàng Sĩ Khải viết đầu thời Lê Trung Hưng đã mô tả khá kĩ về tục treo tranh thờ ngày Tết. Về sau, tranh thờ được mở rộng sang tranh chơi và cải tiến thành tranh điệp trên giấy dó thì nghề tranh ngày càng thịnh đạt. Hầu như nhà nào cũng có một vài bức tranh treo Tết. Rồi tranh còn xuất khẩu ra nước ngoài. Ngày hội làng mười lăm tháng ba là ngày hội thi tranh của làng. Tranh điệp Đông Hồ là nét độc đáo của quê hương Thuận Thành, Bắc Ninh và của cả đất nước. Thi sĩ Hoàng Cầm rất sâu sắc khi viết: “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Hội xuân Luy Lâu có nét độc đáo nữa là hội đền Đồng Ngư trình diễn rối nước ngày Rằm tháng Tư. Rối nước Đồng Ngư có từ thời Lý và liên tục được phường rối của làng duy trì đến nay. Hiện bên cạnh phường rối còn có đoàn rối do nghệ nhân Nguyễn Thành Lai đứng đầu. Rối nước Đồng Ngư tham gia trình diễn ở các hội làng, ở các sàn diễn chuyên nghiệp và tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa quan trọng như Festival Huế, Festival Bắc Ninh…
Trảy hội xuân Luy Lâu, du khách không nên bỏ qua tiếng đàn tiếng phách của làng ca trù Thanh Tương. Theo nghiên cứu, ca trù Thanh Tương có từ thời Hán, phục vụ các hoạt động của cơ quan cai trị trong thành Luy Lâu. Nữ tướng Biểu Nương thời Hai Bà Trưng là người làng Thanh Tương có công đánh thành thắng lợi. Hiện làng ca trù còn có tượng thờ tổ nghề. Những năm thịnh đạt, ca trù Thanh Tương làm mưa làm gió ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) và phố Thành Bắc (Bắc Ninh). Ngày nay, phường ca trù Thanh Tương vẫn hoạt động, với đầu tàu là nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp, một ca nương thời xưa còn lại. Lớp nhạc công, ca nương mới ngày một đông làm cho làng nghề có cơ hội hồi sinh.
Vùng Luy Lâu còn một di tích đặc biệt là chùa Bút Tháp. Chùa dựng quy mô từ giữa thế kỉ 17 đến nay vẫn còn nguyên trạng. Chùa có những kiến trúc độc đáo là tháp Báo Nghiêm, tòa Cối Kinh, cầu đá, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay… Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay là bảo vật quốc gia. Nhà nước từng chế phiên bản làm quà tặng các nước bạn bè sau ngày đất nước thống nhất 1975. Tháp Báo Nghiêm là biểu tượng truyền thống hiếu học và khoa bảng của Bắc Ninh - Kinh Bắc. Khách hành hương thăm viếng đại danh lam chùa Bút Tháp đông không dứt, đặc biệt là vào Hội chùa Bút Tháp ngày hai mươi tư tháng ba.
Du xuân Luy Lâu là lạc vào một miền lịch sử, miền cổ tích và được thưởng lãm nhiều loại hình văn hóa đặc sắc, độc đáo. Dư âm của truyện trăm trứng, của Phật mẫu Man Nương, của niềm tin ban mưa Tứ Pháp cho mùa màng bội thu, của “Lưỡng quốc trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi xây chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp chuộc lỗi cho mẹ, của hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc về chùa Bút Tháp viết sách “Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa”… vẫn luôn theo mỗi bước đi. Ngày nay, tỉnh Bắc Ninh mở ra tuyến xe buýt Đền Đô - Phật Tích - Bút Tháp kết nối ba vùng du lịch tâm linh quan trọng đã tạo nhiều thuận lợi hơn cho du khách du xuân.
PHẠM THUẬN THÀNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022