Vinh dự là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của Việt Nam giành giải thưởng Homestay ASEAN năm 2023, điểm du lịch xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã và đang khẳng định thương hiệu du lịch, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách.
Nơi hội tụ những tiềm năng du lịch
Thung lũng Nghĩa Đô thuộc xã Nghĩa Đô, cách trung tâm huyện Bảo Yên khoảng 30km, là nơi quần tụ, sinh sống của những bản làng người dân tộc Tày từ lâu đời. Thung lũng nằm bên dòng Nặm Luông hiền hòa và những ngọn núi Khau Ái, Khau Rịa, Khau Choong cao sừng sững, trập trùng. Nơi đây, trải qua hàng thế kỷ những cư dân bản xứ đã tích lũy cho mình vốn sống, phong tục, tập quán, văn hóa dân gian để hình thành, lưu giữ kho tàng văn hoá mang đậm bản sắc của dân tộc. Nghĩa Đô từ lâu được biết đến là nơi hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
Tiềm năng du lịch ở Nghĩa Đô khá độc đáo và phong phú. Ở đây, có sự hội tụ của cảnh sắc tự nhiên, văn hóa bản làng, ẩm thực, phong tục, tập quán và văn hóa dân gian. Bản Tày Nghĩa Đô đẹp và ấn tượng bởi những căn nhà sàn truyền thống, lưng tựa vào núi đồi, mặt hướng nhìn ra cánh đồng và dòng Nặm Luông, đã tạo nên một khung cảnh hữu tình, thơ mộng. Vẻ đẹp sinh thái ở Nghĩa Đô là một yếu tố góp phần tạo nên sức hút cho một vùng đất. Nghĩa Đô hội tụ những dòng thác tuyệt đẹp, kỳ vĩ chảy từ trên núi cao xuống tựa như những dải lụa đang buông mình giữa bạt ngàn rừng xanh. Điển hình là thác Bản Hốc, thác Phạ Phuân, thác Vằng Kheo.
Nghĩa Đô là một lòng chảo rộng lớn, tuyệt đẹp bởi cánh đồng lúa bát ngát, xen giữa là những con đường nhỏ xinh đi vào các bản, dòng suối Nặm Luông trong mát, uốn lượn quanh các bản làng. Giàn cọn nước truyền thống của người Tày được dựng lên với nhịp quay đều đều đã tạo nên một bức tranh vừa truyền thống vừa độc đáo. Xung quanh là những triền núi nhấp nhô với thảm thực vật xanh thẳm đã tạo nên một không gian tươi mát và thanh bình.
Vùng đất Nghĩa Đô lưu giữ các di tích lịch sử, văn hóa như phế tích Thành cổ Nghị Lang, di tích Đồn Nghĩa Đô, di tích Đền Nghĩa Đô. Vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên nơi đây vô cùng độc đáo và đặc sắc, là một khu văn hóa du lịch điển hình của huyện Bảo Yên dành cho du khách.
Ngày 8/7/2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên đã ban hành Nghị quyết số 8-NQ/HU “Về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên giai đoạn 2019-2025 và định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở định hướng chung trong chủ trương và đường lối phát triển du lịch cộng đồng của huyện Bảo Yên, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Nghĩa Đô đã và đang bắt tay vào lộ trình xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác những tiềm năng vốn có, nhằm “biến di sản thành tài sản”. Đó là hướng đi đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Hấp dẫn các dịch vụ du lịch
Ngày 9/9/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND công nhận xã Nghĩa Đô là điểm du lịch. Nơi đây đã và đang sẵn sàng chào đón du khách mọi miền, là điểm du lịch cộng đồng lý tưởng để du khách lựa chọn khám phá.
Một trong những thành công bước đầu trong phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Đô là dịch vụ homesaty. Với sự hướng dẫn về nghiệp vụ du lịch cộng đồng, người dân trong các bản làng đã nhanh chóng bắt tay vào thiết kế và phát triển dịch vụ Homestay ngay tại ngôi nhà sàn của gia đình. Hiện tại, cả xã có 28 hộ dân đăng ký làm dịch vụ Homestay, trong đó, có 17 hộ với 17 căn nhà đi vào hoạt động hiệu quả. Để có được không gian du lịch Homestay sạch đẹp, thân thiện, mang đậm bản sắc văn hoá bản địa, đồng bào Nghĩa Đô đã thường xuyên làm những công việc như vệ sinh đường làng ngõ xóm, nơi ở, trang trí nhà sàn cho sạch đẹp, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách, tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương.
Để tạo nên sức hấp dẫn cho du khách khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ homestay, nhiều mô hình do người dân tham gia thực hiện đã được hình thành như Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, Câu lạc bộ hát Then, phong trào “Nghĩa Đô suối sạch, đồng xanh”, những con đường hoa, cổng chào, biểu tượng cây đàn tính, con đường trồng cọ, những điểm check in tại cánh đồng lúa, chợ đêm... Cùng với đó là việc khôi phục, duy trì và phát huy những nghề truyền, lễ hội truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, đan lát, lễ hội cốm, trò chơi đánh yến, nghi lễ lấy nước thiêng đầu năm mới đã góp phần tạo nên sự hòa kết linh hoạt và độc đáo của các loại hình văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng.
Điểm mới trong giới thiệu, quảng bá dịch vụ du lịch cộng đồng ở Nghĩa Đô là sự chuyển đổi số của chính quyền và người dân nơi đây. Trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội như hiện nay, các trang Fanpage được lập nên thu hút hàng ngàn lượt theo dõi, chia sẻ như “Nghĩa Đô xanh”, “Nghĩa Đô suối sạch, đồng xanh”, “Nghĩa Đô hôm nay”... Người dân còn giới thiệu dịch vụ Homestay và các sản phẩm du lịch trên trang cá nhân để góp phần tạo nên hiệu quả truyền thông du lịch trên không gian mạng.
Ngay từ giai đoạn đầu phát triển du lịch Homestay, Nghĩa Đô đã thu hút khá đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Hầu hết du khách đến Nghĩa Đô đều có chung cảm nhận khí hậu nơi đây trong lành, mát mẻ, cảnh sắc thơ mộng, hữu tình, con người hồn hậu, cởi mở và mến khách, món ăn đậm đà dư vị. Những sản phẩm du lịch của Nghĩa Đô đã để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng du khách mọi miền.
Trong không gian nhà sàn truyền thống ở những bản làng Nghĩa Đô, các gia đình người Tày vừa tạo nơi thoáng mát, thân thiện để du khách nghỉ ngơi, vừa tham gia biểu diễn cho du khách xem những tiết mục hát Then, hát Yếu, hát Cọi truyền thống, kể cho khách nghe về văn hóa bản địa, phong tục, tập quán. Nhờ thế, du khách không chỉ được nghỉ ngơi thư giãn mà còn được khám phá vốn văn hóa mỗi khi đến Nghĩa Đô.
Bà Lương Thị Quyên, dân tộc Tày, chủ Homestay số 4 ở bản Hón chia sẻ: “Đến Nghĩa Đô vào thời điểm nào, mùa nào trong năm, du khách cũng có cơ hội trải nghiệm những món ăn ngon như lợn cắp nách, vịt quay, cá suối lam, thịt trâu sấy, canh gà nấu gừng kiệu, măng rừng, xôi ngũ sắc...Và ngay từ đầu, du khách đã cảm thấy ấn tượng, tự nhiên và ấm cúng. Bước qua cầu thang nhà sàn là du khách được đến với một không gian ấm áp và gần gũi, sẽ là nơi mang đến cho con người giấc ngủ sâu sau một ngày trải nghiệm”.
Trái ngọt đầu mùa Homestay
Năm 2022, với sự chung tay của chính quyền và nhân dân địa phương trong việc phát triển và phát triển du lịch cộng đồng, du lịch Homestay, điểm du lịch xã Nghĩa Đô đã được Bộ VHTTDL tặng Bằng khen thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức du lịch tại địa phương. Đặc biệt, đầu năm 2023, tại Diễn đàn du lịch Đông Nam Á - ATF 2023 tổ chức ở Indonesia, Nghĩa Đô vinh dự là một trong hai điểm du lịch Homestay của Việt Nam giành giải thưởng “Homestay ASEAN”. Đó là cụm dịch vụ gồm 5 đơn vị homestay liên kết là Homestay số 1 - bản Hón, Homestay số 2 - bản Mường Kem, Homestay số 4 - bản Hón, Homestay số 5 - bản Nà Khương, Homestay số 6 - bản Thâm Mạ. Sự kiện này được coi là dấu ấn quan trọng cho sự khởi đầu tốt đẹp trong lộ trình xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng ở Nghĩa Đô.
Trước đó không lâu, nghi lễ truyền thống của dân tộc Tày Nghĩa Đô mang tên “Nghi lễ Then cốm mới” (Then Pang Mẫu), kịch bản Phùng Quang Mười, do ông Ma Văn Đồng, Ma Văn Đạt ở bản Hốc cùng nhóm nghệ nhân dân tộc Tày xã Nghĩa Đô trình diễn đã đoạt giải A của Bộ VHTTDL tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 tổ chức tại tỉnh Phú Thọ.
Ông Cổ Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: “Năm 2022, đầu năm 2023, hàng ngàn du khách đã lựa chọn Nghĩa Đô là điểm đến. Hiện tại, địa phương đang hoàn thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch để phát huy hiệu quả tiềm năng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về trải nghiệm của du khách mọi miền”.
Giành giải thưởng ASEAN về du lịch là tín hiệu vui, tạo động lực để Nghĩa Đô đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, một hướng đi đúng đắn trong quá trình làm thay đổi diện mạo cuộc sống nơi đây. Sự phát triển của hình thức du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô đã và đang góp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023