Núi Cô Tô, còn gọi là núi Tô, có tên chữ là Phụng Hoàng Sơn, bởi nhìn xa giống như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông.
Cô Tô nằm trong hệ thống dải Thất Sơn thuộc địa phận huyện Tri Tôn (An Giang), cao 614m, người Khmer gọi là “Phnom-Kto”. Núi có cấu tạo giống như một mâm trứng đá. Những khối đá, hòn đá to, nhỏ xếp chồng lên nhau, còn gọi là “lò ảng”. Tích xưa kể lại rằng: các nàng tiên nữ thường hay xuống vùng núi Thất Sơn những đêm trăng sáng để dạo chơi và vui đùa. Một hôm, các nàng chơi trò ném đá. Sáng hôm sau, nơi ấy xuất hiện một trái núi nhỏ nằm lẻ loi, đá chồng chất lên nhau thành muôn vạn dáng hình kỳ vĩ. Cũng có sách nói rằng, xa xưa, núi Tô là nơi trú ngụ của loài chim Phượng Hoàng.
Một ngày nắng đẹp đầu mùa hè, chúng tôi ghé chợ Tri Tôn (An Giang) thưởng thức hương vị cháo bò tuyệt vời - món ẩm thực độc đáo ở Tri Tôn, thường do người Khmer nấu, ăn với rau thơm như quế, ngò ôm, ngò gai và gừng ngâm giấm. Sau khi giải khát với nước thốt nốt ướp lạnh - cũng là một đặc sản của Thất Sơn, chúng tôi tiếp tục hành trình từ phố núi Tri Tôn theo tỉnh lộ 943 đến với núi Tô. Xe chạy tốc độ vừa phải, đường sá rất tốt, hai bên là những cánh đồng lúa chín vàng dọc dài theo núi. Những ngôi nhà thấp thoáng, ẩn hiện trong bóng tre xanh, dưới tàn thốt nốt, xa hơn chút nữa là dãy núi sừng sững, cây cối thâm u, đá dựng lưng trời. Những con lạch nhỏ chảy từ trên núi xuống, len lỏi qua muôn ngàn khối đá với thiên hình vạn trạng, nước suối trong xanh biêng biếc… Cảnh vật trông thật thanh bình, yên ả với những đàn bò gặm cỏ và những chú bé mục đồng ngất nghểu, khua lục lạc leng keng trên con đường sơn cước.
Chúng tôi ghé Tức Dụp, cách thị trấn Tri Tôn khoảng 18km. Đây là một ngọn đồi đá nổi tiếng, được báo chí hồi ấy gọi là đồi “hai triệu đô” (số bom đạn của Mỹ dội xuống đây tính ra USD). Do cấu tạo địa chất đặc biệt, nên bên trong đồi đá Tức Dụp là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong vĩ đại, rất kiên cố và vững chắc. Đây là căn cứ của quân dân An Giang trong thời chống Mỹ. Chúng tôi đi theo hành lang được xây dựng sau này, dọc theo “sơn đạo thép” năm xưa. Xuyên qua những lối quanh co lúc rộng, lúc hẹp, chập chùng đá núi, cheo leo với nhiều hình dạng kỳ vĩ, lạ mắt như có bàn tay ai sắp đặt từ lúc mới tạo sơn. Chúng tôi thâm nhập vào hang và nhìn thấy được tận mắt những di tích lịch sử, những hội trường, trạm xá, nơi ăn chốn ở của những người giữ núi. Người ta có cảm giác như bóng dáng của một thời hào hùng còn phảng phất đâu đây. Hội trường C.6 trong lòng núi có thể chứa 150 khách.
Tức Dụp ngày nay đã được đầu tư thành một khu du lịch sinh thái, truyền thống với khá nhiều hạng mục, công trình phục vụ khách tham quan. Theo thông tin của ngành du lịch, hằng năm có hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đã đến với Tức Dụp.
Rời Tức Dụp, chúng tôi vòng qua xã Núi Tô ở sườn phía Tây có núi Cô Tô mịt mù cát bụi. Bởi khúc đuôi của “Phụng Hoàng Sơn” hiện nay là một công trường khai thác đá có thể nói lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Những vạt núi bị “nạo” nham nhở, lở lói như những vết thương của núi. Tiếng thuốc nổ phá đá thỉnh thoảng ầm ì như sấm rền.
Qua hết con đường và không gian đầy cát bụi của những công trường khai thác đá, chúng tôi đi ngược đường những chiếc xe tải rù rụ, kềnh càng, tải đá xuôi về hướng kênh đào - ở đó có bến bãi tập kết, sơ chế, phân loại đá. Có khá nhiều thợ thủ công các nơi đến kiếm sống, làm thuê, gia công những vật dụng bằng đá núi Cô Tô như: cối đá, trụ đá, bia đá, tán đá…
Chúng tôi lại bắt gặp màu xanh đến nao lòng ở sườn phía Đông Cô Tô. Qua những xóm làng yên ắng, qua những cánh đồng có những đàn bò gặm cỏ, gặp những cô gái Khmer gánh, chở rau củ, bầu bí, có đôi mắt đẹp, liến thoắng, cười tươi tắn khi chúng tôi đưa máy ảnh lên tác nghiệp.
Một con đường nhỏ như đường làng, rợp bóng cây, dẫn vào thắng cảnh Suối Vàng Xoài So. Hai bên là những hàng quán của dân địa phương mở ra để làm dịch vụ. Vé vào cửa 15.000 đồng cho xe gắn máy, 5.000 đồng cho khách bộ hành.
Chúng tôi bất ngờ trước vẻ đẹp hoang sơ của Xồi So. Một hồ nước xanh biếc, phẳng lặng, rộng chừng 5ha. Hồ có dung tích 400.000 m3, còn được sử dụng tưới tiêu cho hàng trăm ha ruộng rẫy và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng phụ cận. Một con suối nhỏ chảy róc rách từ trên núi xuống, nước trắng xóa như bạc, len giữa một hòn đá rất to như trái bầu hồ lô của các vị tiên. Cây rừng xanh tốt, soi bóng xuống mặt hồ lung linh, huyền ảo. Những hàng thốt nốt đứng trầm tư ven hồ. Có một số mộ táng cổ hình tháp, dáng vẻ thâm nghiêm, rải rác vài nơi trong khu vực. Tiếng chim hót líu lo trên những nhánh sung rừng cành lá um tùm, rậm rạp. Rừng xoài Thanh Ca đều như cặm cọc, nhiều lớp ở ven đồi, đung đưa những chùm trái sai trĩu quả… Cuối hồ, có bóng một vài đôi nam nữ chở nhau, chầm chậm ngắm cảnh, rồi khuất cuối con đường mòn. Hương Ngọc lan hoang dã, thoang thoảng mùi thơm quyến rũ, say đắm lòng người…
Một điều đáng nói là ở Tức Dụp, Suối Vàng Xoài So, chùa Xvay -Ton và một số nơi thuộc khu vực núi Phụng Hoàng Sơn, vấn đề vệ sinh môi trường khá tốt. Không thấy rác sinh hoạt vứt bừa bãi như ở một vài nơi khác, cũng không thấy ăn xin, hành khất và những người mua bán đeo bám, chèo kéo khách. Dân ở đây rất nhiệt tình, chỉ đường cặn kẽ cho bạn nơi muốn đến. Khách sạn, nhà nghỉ thường có giá dao động từ 100.000 đồng đến không quá 200.000 đồng một ngày. Tại thị trấn Tri Tôn, các vùng phụ cận và các khu du lịch, giá sinh hoạt khá bình dân. Hủ tiếu, cháo, phở, cơm tấm từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/một suất, chất lượng tương đối. Nếu bạn ăn cơm, bạn sẽ cảm nhận một điều khác biệt ngay. Gạo ở vùng này thường được sản xuất bằng giống lúa rẫy địa phương, ít sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, do đó hương vị của gạo , nếp ở đây có nét đặc trưng độc đáo của nó ngon, thơm, dẻo. Đường thốt nốt sản xuất theo quy trình thủ công truyền thống , cũng là một sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, giá từ 12.000 đến 15.000 đồng một kg.
Chúng tôi từ giã Cô Tô, vùng bán sơn địa thơ mộng, trù phú, xa xôi phía Tây Nam Tổ quốc. Cô Tô với non xanh, nước biếc để lại trong lòng những ai một lần qua nơi này, nhiều lưu luyến, khó quên!
ĐẶNG HOÀNG THÁM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023