Hồng Hà nữ sĩ khắc họa chân dung Đoàn Thị Điểm

Là một trong 3 nhà thơ nữ nổi tiếng của thời phong kiến, nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm đã để lại cho văn chương Việt Nam nhiều tác phẩm hay. Trong gia tài văn học đó, có tác phẩm bà dịch từ tiếng Hán và nhiều bài thơ do bà tự sáng tác.

Biên kịch, giám đốc sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát và đạo diễn Nguyễn Đức Việt

Trong văn học thời phong kiến, bên cạnh các thi sĩ, văn nhân là nam giới thì bộ ba: Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương là những người được nhắc đến nhiều qua các tác phẩm để lại. Nếu Hồ Xuân Hương nổi tiếng với các bài thơ đố tục giảng thanh, Bà Huyện Thanh Quan với bài Qua Đèo Ngang thì nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm nổi tiếng với bản dịch từ chữ Hán sang chữ nôm các tác phẩm Chinh phụ ngâm cùng truyện ký Truyền kỳ tân phả và một số bài thơ, văn câu đối chữ Hán, chữ Nôm.

Trong quan điểm của thời phong kiến thì việc nữ nhân làm thơ, viết văn chưa được ủng hộ. Với quan điểm trọng nam khinh nữ thì việc các nữ văn sĩ vượt lên cái nhìn định kiến của thời đại để sáng tác, phả nỗi niềm nữ nhân vào trong văn thơ vẫn là câu hỏi tò mò với các thế hệ sau. Câu hỏi đó đã thôi thúc nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tìm hiểu và viết lên kịch bản về cuộc đời của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm với tên gọi Hồng Hà nữ sĩ. 

Chia sẻ về hoàn cảnh tìm đến đề tài này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kiêm Giám đốc sản xuất của bộ phim cho biết: Thật ra tôi không chọn đề tài lịch sử này mà chính đề tài này đã chọn tôi. Tôi là người con của đất Hưng Yên nên hay về Phố Hiến chơi với các bạn văn thân thiết. Có một lần, người bạn làm giám đốc Đài Truyền hình Hưng Yên bảo tôi: quê mình có nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - danh nhân văn hóa nổi tiếng chị đưa lên phim đi. Thoạt đầu tôi cũng lo ngại - không phải việc ngồi viết vất vả mà là viết xong kinh phí đâu để làm. Anh giám đốc cũng là người tốt nghiệp khoa Văn - Sử Trường Đại học Tổng hợp đã chỉ cho tôi một số đầu sách và tác phẩm bà Đoàn Thị Điểm viết.

Thấy đề tài và việc làm này có ý nghĩa, tôi lao vào tìm sử liệu. Càng đọc tôi càng thích thú và khâm phục một phụ nữ sống trước mình 3 thế kỷ mà vừa giỏi vừa tài hoa với công - dung - ngôn - hạnh vẹn toàn. 

 Quốc Toàn và Anh Đào trong vai Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm

Sau một thời gian miệt mài say mê, tôi dựng xong được đề cương kịch bản cho 10 tập phim truyền hình. Anh bạn đọc rất thích và trình lãnh đạo tỉnh nhưng thật buồn, tỉnh bảo không có tiền để làm phim. Thế là đề cương phim về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm nằm im trên giấy.

Hai năm sau, Cục Điện ảnh kêu gọi các nhà biên kịch có đề cương gửi lên để lựa chọn đặt hàng viết kịch bản. Tôi tiếc công, tiếc của và như có tâm linh thôi thúc nên bố cục lại đề cương về bà Đoàn Thị Điểm. Và kịch bản phim Hồng Hà nữ sĩ đã ra đời, Hội đồng duyệt quốc gia thông qua và được Bộ VHTTDL quyết định đặt hàng HONGNGAT Film sản xuất năm 2022-2023.

Quá trình xây dựng, viết kịch bản tôi và êkip đã nhiều lần đến viếng mộ vợ chồng nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội. Khu mộ của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm và phu quân của bà TS. Nguyễn Kiều giờ là di tích quốc gia. Di tích do chị Sơn - một người cháu hiện chịu trách nhiệm chăm sóc. Tôi rất vui khi được họ hàng hậu duệ của gia đình bà và hậu duệ của phu quân bà - TS Nguyễn Kiều luôn ủng hộ nhiệt tình. Khi viết kịch bản, tôi phải giữ sự kiện xảy ra trong đời nữ sĩ mà sử liệu đã ghi lại cộng với sự sáng tạo mà nghệ thuật biên kịch cho phép - miễn sao hợp lý và hay. 

Làm phim về một nhân vật có thật, ngoài những dữ liệu văn học, lịch sử để lại thì sáng tạo của nghệ thuật điện ảnh cho phép hư cấu, thêm vào những chi tiết, các điểm mờ trong cuộc đời nhân vật để lý giải con đường họ đến với văn chương cũng như khát khao vượt qua hạn chế của thời đại để thể hiện tài năng văn chương qua các bài thơ, bản dịch. Các yếu tố sáng tạo, hư cấu phải thật ăn khớp, nhuyễn với các chi tiết có thật nhằm tạo sự hấp dẫn, chân thực và dung hòa giữa sáng tạo và sự thật. Yêu cầu này luôn có ở mỗi người cầm bút sáng tác, nhất là khi họ viết về các nhân vật lịch sử có thật. Viết sao cho hay, cho hấp dẫn lại trung thực với lịch sử là điều không dễ dàng. 

Giám đốc sản xuất tặng hoa hai NSND Lê Khanh và Trung Anh

Chính vì lý do đó mà ngay từ kịch bản, tôi cũng đã tham khảo ý kiến từ gia đình, hậu duệ của nữ thi sĩ bởi: Cần góp ý gì phải góp từ khi đọc kịch bản, phim đã xong khó sửa chữa trừ những lỗi nhỏ. Khi viết, tác giả đã tự là người biên tập và rất biết cái gì nên làm, cái gì nên tránh. Khắc họa nguyên cuộc đời thật của bà đã rất đẹp và hay khi đó là một con người hiếu thảo, tình nghĩa, đầy đức hy sinh lại tài hoa mẫn tiệp. Phim làm về người xưa để soi lại đời nay. Tuy nhiên do tầm vóc, các tác phẩm văn học họ để lại đã tạo ấn tượng sâu đậm trong công chúng, độc giả nên làm phim về các nhân vật lịch sử có thật luôn là một thách thức. 

Chuyện phim bắt đầu từ khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, gặp Đặng Trần Côn cho đến khi gia đình gặp biến cố lớn. Bà phải trở về quê dạy học, bốc thuốc, viết văn nuôi dạy các cháu, rồi lấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều, thay chồng nuôi dạy con riêng của chồng, chờ đợi ông đi sứ trở về. Bà đã mất ở tuổi 43 khi trên đường theo chồng vào làm Tổng trấn Nghệ An. Phim khắc họa chất văn tiềm ẩn trong con người Đoàn Thị Điểm. “Mối tình” thơ văn lãng mạn giữa bà và Đặng Trần Côn được chú trọng khai thác, thể hiện sự đồng cảm giữa người viết thơ và người dịch thơ Chinh phụ ngâm. Những câu thơ thể hiện thân phận người phụ nữ gắn với những dấu mốc, bước ngoặt cuộc đời Đoàn Thị Điểm được lồng ghép, tạo chiều sâu cảm xúc.

Đoàn phim đã mời nữ diễn viên trẻ Anh Đào (người ghi dấu ấn qua các phim Lối về miền hoa, Đấu trí) vào vai nữ thi sĩ. Chia sẻ về vai diễn, Anh Đào cho biết: Vai diễn đến với tôi như một cơ duyên. Từng tham gia nhiều vai trên sân khấu, phim truyền hình, nhưng Hồng Hà nữ sĩ là vai diễn điện ảnh đầu tiên của tôi. Tôi đã khóc khi lần đầu tiên đọc kịch bản. Một cuộc đời quá nhiều thăng trầm mà nếu vai diễn lột tả thành công, về tài năng, sáng tạo, những tâm tư và đặc biệt là tư tưởng của danh nhân Đoàn Thị Điểm, chắc chắn sẽ khiến người xem rất yêu thích. Tôi đã tâm niệm điều đó và cố gắng hết sức trong từng cảnh quay…”.

Phục dựng lại cảnh sĩ tử lều chõng đi thi

Ngoài ra, phim còn mời một số diễn viên gạo cội như NSND Lê Khanh, NSUT Đức Lưu, NSND Trung Anh, NSUT Vĩnh Xương… tham gia một số vai trong phim. Phim còn có sự tham gia của nhà thiết kế phục trang, TS. Đoàn Thị Tình với sự tư vấn, đảm nhiệm về trang phục xưa cho các diễn viên. Bối cảnh chính được thực hiện tại Bắc Ninh, Hưng Yên và Thái Bình - nơi đoàn phim hy vọng có được bối cảnh gần nhất với thời đại nữ sĩ sinh sống nhờ vào thực địa cũng như khả năng tái tạo của êkip dàn dựng. Quá trình làm, phim nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo ngành, địa phương thực hiện cũng như nhiều nghệ sĩ. Đây cũng là bộ phim thứ hai cùng với phim Đào, phở và piano được Bộ VHTTDL đặt hàng trong kế hoạch sản xuất phim 2022 - 2023. Hồng Hà nữ sĩ đánh dấu sự trở lại của đề tài phim lịch sử do Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh đặt hàng. Êkíp làm phim hầu hết là những người từng làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam như đạo diễn Nguyễn Đức Việt, quay phim Vũ Quốc Tuấn. Phim có một số cảnh đông người như phục dựng lại cảnh “sĩ tử lều chõng đi thi” với 30 thí sinh là những học sinh trường THPT Hưng Yên. Bối cảnh được quay tại Văn miếu Xích Đằng, thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên.

Phim dự kiến sẽ ra rạp vào cuối năm nay. Với cá nhân biên kịch, giám đốc sản xuất bộ phim Hồng Hà nữ sĩ thì làm phim về Đoàn Thị Điểm - một trong số các nữ thi sĩ hiếm hoi của thời xưa là cách tìm về nguồn cội, lấy gương sáng đời xưa để công chúng soi mình trong hôm nay.

THU HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023

;