HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KHÁN GIẢ ĐỐI VỚI NGHỆ THUẬT XIẾC

Hiện nay, vấn đề marketing cho các loại hình nghệ thuật biểu diễn được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học, bài báo… trong đó nhấn mạnh đến hoạt động phát triển khán giả. Thực chất, đó là việc xác định các nhóm đối tượng mục tiêu cho mỗi loại hình nghệ thuật. Ví dụ, khán giả mục tiêu của nghệ thuật múa rối, xiếc là thiếu nhi, còn đối với tuồng, chèo, cải lương là khán giả lứa tuổi trung niên... Như vậy, phát triển khán giả gồm hoạt động nghiên cứu nhu cầu khán giả mục tiêu, cung cấp các sản phẩm nghệ thuật, xác định giá vé, địa điểm biểu diễn cũng như hình thức truyền thông marketing phù hợp.

Phát triển khán giả đóng vai trò rất quan trọng đối với các loại hình nghệ thuật nói chung và xiếc nói riêng. Các chương trình nghệ thuật xiếc đã được dàn dựng, thiết kế theo nhu cầu của khán giả, kết hợp với năng lực sở trường của từng đơn vị nghệ thuật xiếc. Nhờ hoạt động phát triển khán giả mà các đơn vị nghệ thuật xiếc luôn ở thế chủ động trong việc sáng tạo các tiết mục đặc sắc cũng như tìm kiếm các cách thức làm hài lòng khán giả. Điều đó đã tạo vị thế, thương hiệu cho các đơn vị nghệ thuật xiếc.

Mặc dù phát triển khán giả có vai trò to lớn như vậy, song không phải tất cả các đơn vị đều chú ý đến hoạt động này, bởi đa số họ không có phòng marketing độc lập mà chỉ có một bộ phận nhỏ nằm trong phòng nghệ thuật biểu diễn. Do đó, các hoạt động dành cho việc phát triển, thu hút khán giả còn gặp nhiều khó khăn, chưa mang tính chuyên nghiệp. Hoạt động nghiên cứu thị trường chưa được tiến hành thường xuyên; sản phẩm, giá cả, địa điểm biểu diễn, hệ thống bán vé, truyền thông marketing chưa được các đơn vị sử dụng đồng bộ, có hiệu quả.

Để có thể duy trì được số lượng khán giả hiện có và thu hút được khán giả mới, các đơn vị nghệ thuật xiếc cần quan tâm, chú trọng đến việc phát triển khán giả trên cơ sở thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp về tổ chức

Nâng cao nhận thức về vai trò của việc phát triển khán giả

Muốn hoạt động phát triển khán giả của các đơn vị nghệ thuật xiếc có hiệu quả, trước tiên Ban giám đốc phải là những người nhận thức rõ về tầm quan trọng của hoạt động này. Họ phải là người giúp cho đội ngũ viên chức, diễn viên nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển khán giả. Mỗi đơn vị cần thành lập phòng marketing độc lập với những nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Diễn viên là nhân vật chính của các tiết mục nên họ cần hiểu bản thân cũng chính là công cụ marketing để thu hút khán giả. Một mặt, họ phải tạo cho mình phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng nghệ thuật tốt nhất đồng thời phù hợp với thị hiếu của công chúng. Mặt khác, họ phải hiểu sản phẩm có chất lượng chính là yếu tố marketing rất quan trọng để thu hút, phát triển khán giả. Do đó, diễn viên cần ý thức được việc phải luôn luôn đổi mới, sáng tạo các tiết mục biểu diễn.

Đối với đội ngũ nhân viên phục vụ - những người góp phần không nhỏ trong việc gây ấn tượng hài lòng cho khán giả trong đêm biểu diễn. Hơn ai hết, họ cần hiểu thái độ niềm nở, ân cần chu đáo với khán giả là một trong những đòi hỏi không thể thiếu đối với việc tạo nên phong cách mang đậm chất văn hóa, góp phần ghi dấu ấn trong tâm trí khán giả. Bởi vậy, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ này về marketing là việc làm góp phần quan trọng trong quá trình thu hút khán giả.

Như vậy, để nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển khán giả cho nguồn nhân lực của các đơn vị nghệ thuật xiếc, các đơn vị này nên tạo điều kiện cho tất cả các diễn viên, viên chức, đặc biệt là các nhân viên phụ trách hoạt động marketing đi đào tạo, bồi dưỡng các khóa học căn bản dài hạn, ngắn hạn trong nước hoặc nước ngoài về marketing, PR...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động phát triển khán giả đối với nghệ thuật biểu diễn nói chung và các đơn vị nghệ thuật xiếc nói riêng là một trong những giải pháp quan trọng đối với việc mở rộng thị trường, thu hút công chúng.

Đầu tư kinh phí cho hoạt động phát triển khán giả

Kinh phí hạn chế là yếu tố gây khó khăn cho hoạt động marketing, phát triển khán giả của các đơn vị. Để đầu tư ngân sách giành cho các hoạt động này, Ban giám đốc nên có dự toán cụ thể dựa trên doanh thu bán vé.

Trước tiên là xây dựng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ vật chất cho diễn viên. Các đơn vị nghệ thuật xiếc cần có chế độ thù lao, bồi dưỡng thích hợp cho diễn viên sau mỗi đêm diễn nhằm động viên, khuyến khích họ. Bởi xiếc là loại hình nghệ thuật đặc biệt, ở đó diễn viên cần có sức bền bỉ, dẻo dai, kỹ năng, kỹ xảo chính xác, thành thục, đòi hỏi cả sự dũng cảm, mạo hiểm...

Bên cạnh đó, cần nâng cấp cơ sở vật chất cho đơn vị nghệ thuật xiếc. Để có địa điểm đẹp, hấp dẫn khán giả, một mặt, các rạp xiếc cần đầu tư cho âm thanh, ánh sáng, thiết bị, đạo cụ, trang phục biểu diễn; mặt khác, cần cải tạo lại không gian như tổ chức nơi vui chơi giải trí, bài trí cây cảnh, hình nộm chú hề, con thú để thu hút sự tò mò, khám phá của trẻ em; tổ chức nơi phục vụ ăn uống…

Nhóm giải pháp về chuyên môn

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường

Nghiên cứu thị trường là khâu đầu tiên của hoạt động phát triển khán giả. Nếu thực hiện tốt, các đơn vị nghệ thuật xiếc sẽ nắm được các thông tin về khán giả của mình đặc biệt là khán giả mục tiêu; từ đó chủ động lập kế hoạch dàn dựng, biểu diễn các chương trình, tiết mục đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của khán giả.

 Muốn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường, các đơn vị nghệ thuật xiếc cần lên kế hoạch nghiên cứu, đầu tư về thời gian, kinh phí. Khi đã xác định được đối tượng khán giả mục tiêu, các đơn vị nghệ thuật xiếc cần triển khai các chiến lược sản phẩm, chiến lược giá cả, chiến lược địa điểm và chiến lược truyền thông phù hợp.

Cung cấp các sản phẩm nghệ thuật

Các sản phẩm nghệ thuật phù hợp là các sản phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả. Các chương trình, tiết mục đặc sắc cần hội tụ đủ yêu cầu về hình thức và nội dung. Ý tưởng, trang phục, đạo cụ… vừa bám sát cuộc sống đương đại, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, kết hợp với kỹ thuật, kỹ xảo xiếc điêu luyện. Như vậy, sáng tạo sản phẩm nghệ thuật xiếc không chỉ do ngẫu hứng mà đã vươn tới tầm chiến lược. Bên cạnh đó, xiếc cần được kết hợp với các loại hình sân khấu như: kịch hình thể, kịch câm, balê, nhảy, âm nhạc hiện đại, múa rối, ca nhạc để tạo ra chương trình nghệ thuật tổng hợp, phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả là người lớn. Đồng thời, các đơn vị nghệ thuật xiếc nên tổ chức thêm các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu với khán giả.

 
 
 
Ảnh Hoàng Nam 
 

Chiến lược giá linh hoạt

Xây dựng chiến lược giá cả là một trong những giải pháp hữu hiệu đối với việc phát triển khán giả. Các đơn vị nghệ thuật xiếc cần có chiến lược phân biệt giá vé theo đoạn thị trường, số lượng mua, mua vé trước…

Đối với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp..., phân đoạn khán giả này thường mua vé với số lượng lớn, tập trung. Họ thường quan tâm đến tỷ lệ chiết khấu, bởi vậy các đơn vị nghệ thuật xiếc nên giành mức % có lợi cho người mua để kích thích tiêu thụ.

Đối với cá nhân, nhu cầu của nhóm đối tượng này rất đa dạng. Họ không chỉ quan tâm đến chất lượng chương trình nghệ thuật mà còn quan tâm đến giá vé, chương trình khuyến mại. Các đơn vị nghệ thuật xiếc nên có chiến dịch giảm giá vé cho các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm… Có thể nói, các hình thức khuyến mại đối với phân đoạn thị trường này có tác dụng đặc biệt trong việc kích thích nhu cầu mua vé.

Khuyến khích việc bán vé trước, bán vé tập thể, bán vé qua các đại lý trên mạng internet.

Chiến lược bán vé và địa điểm biểu diễn

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khán giả mua vé, ngoài quầy bán vé tại rạp, các đơn vị nghệ thuật xiếc cần phải có một chiến lược bán vé đa dạng. Để đạt được điều đó ngoài việc bán vé trọn gói theo hợp đồng, bán vé trực tiếp đến trường học, các cơ quan, doanh nghiệp, trên địa bàn thông qua đội ngũ tiếp thị... các đơn vị nghệ thuật xiếc nên tổ chức một hệ thống bán vé qua: website, điện thoại, tại nhà…

Để làm được điều này các đơn vị nghệ thuật xiếc cần: nâng cao trình độ quản lý số lượng vé bán ra, số lượng vé tồn đọng; phối kết hợp các hình thức bán vé.

Cùng với việc tổ chức hệ thống phân phối vé, các đơn vị nghệ thuật xiếc cần mở rộng địa điểm biểu diễn bằng cách: kết hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn theo hình thức Sân khấu học đường, kết hợp với các đơn vị nghệ thuật khác để cùng biểu diễn, tổ chức biểu diễn di động theo hợp đồng với các địa phương…

Chiến lược truyền thông marketing

Chiến lược truyền thông marketing là chiến lược thuyết phục công chúng, khán giả tiêu dùng các sản phẩm có trên thị trường. Trong đó, các đơn vị nghệ thuật xiếc phải xác định rõ đối tượng, mục tiêu, phương tiện, ngân sách giành cho một chương trình truyền thông.

Trước mắt các đơn vị nghệ thuật xiếc cần phối hợp thực hiện đồng bộ một số phương tiện truyền thông như: quảng cáo trên internet, đăng tải, cập nhật trên website các chương trình biểu diễn, thời gian, giá vé… liên kết quảng cáo với một số trang mạng xã hội khác có số lượng người truy cập cao; tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí, giảm giá vé, trao phần thưởng khi khán giả mua vé....; tổ chức các cuộc họp báo nhân các chương trình lớn, mời hội thảo, giao lưu giữa đội ngũ diễn viên giỏi với khán giả…

Như vậy, với việc tăng cường các chiến lược sản phẩm, giá cả, địa điểm bán vé, biểu diễn cũng như truyền thông marketing, các đơn vị nghệ thuật xiếc sẽ không phải trăn trở về việc các rạp xiếc vắng khán giả.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi mà xuất hiện càng nhiều loại hình giải trí mới thì vai trò của hoạt động phát triển khán giả cho nghệ thuật biểu diễn trong đó có nghệ thuật xiếc ngày càng trở nên quan trọng. Để làm được điều này, ngoài sự cố gắng của các đơn vị nghệ thuật xiếc, còn cần sự vào cuộc của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện tốt cơ chế tự chủ ngân sách 43/CP, 16/CP của chính phủ. Có như vậy mới mong nhà hát, rạp biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật nói chung và nghệ thuật xiếc nói riêng có thể đỏ đèn hàng đêm để phục vụ đông đảo công chúng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ LAN THANH - HOÀNG TÙNG

;