1. Vai trò và định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH)
Hoạt động NCKH có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục, đào tạo của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Đối với giáo viên, NCKH giúp họ có điều kiện tìm hiểu sâu, nắm bắt chặt chẽ kiến thức chuyên môn đang trực tiếp giảng dạy, đồng thời sửa đổi, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng. Ngoài ra, NCKH còn tăng thêm sự hiểu biết trong sáng tạo nghệ thuật và tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả cho giáo viên. Như vậy, NCKH được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật xiếc có chất lượng cao và đào tạo ra những diễn viên xiếc chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của xã hội.
Bản chất hoạt động NCKH của Trường là nghiên cứu các phương pháp, giải pháp hữu ích, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến trong công tác huấn luyện, đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp, khôi phục và nâng cao chất lượng nhiều thể loại tiết mục xiếc truyền thống, dàn dựng thể loại xiếc mới, hiện đại mang tính thể nghiệm... Thông qua hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng và đạt hiệu quả tối ưu trong lĩnh vực đào tạo diễn viên xiếc, dàn dựng những tác phẩm nghệ thuật xiếc có nội dung kỹ thuật, nghệ thuật ở trình độ cao, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Mặc dù NCKH đối với công tác đào tạo có ý nghĩa quan trọng, song từ khi thành lập Trường cho tới năm 2006, hoạt động này chưa phát triển mạnh. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mở cửa và hội nhập quốc tế cần phải đặc biệt chú trọng, quan tâm và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hoạt động này. Cụ thể, Trường đã triển khai các phương pháp, giải pháp hữu ích, ứng dụng KHCN tiên tiến trong công tác đào tạo và định hướng cơ bản cho cho hoạt động NCKH như xây dựng kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng KHCN phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển đào tạo của Trường trong từng giai đoạn; các đề tài nghiên cứu ứng dụng KHCN phải được tổ chức thực hiện theo đúng quy chuẩn, tiến độ và được xác định trong kế hoạch NCKH của Trường. Trong đó ưu tiên thực hiện các đề tài về thiết kế đạo cụ luyện tập và biểu diễn xiếc, sáng tác đề án tiết mục xiếc mới mang tính thể nghiệm, đổi mới phương pháp huấn luyện cơ bản xiếc bằng thị phạm hình ảnh thông qua hệ thống video kỹ thuật số, khôi phục, dàn dựng lại các thể loại tiết mục xiếc truyền thống; nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống giáo trình và tài liệu phục vụ giảng dạy, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch bổ sung tài liệu mới; nghiên cứu những nội dung chương trình, giáo trình môn học của các chuyên ngành đào tạo mới, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch biên soạn các bộ giáo trình cho các môn học này; nghiên cứu chuẩn hóa và hệ thống hóa đề án các thể loại tiết mục xiếc đã được xây dựng, huấn luyện và dàn dựng cho học sinh của trường...
2. Quá trình thực hiện công tác NCKH của Trường
Vào đầu năm học, Trường tổ chức triển khai công tác NCKH trong toàn trường, cụ thể:
Thông báo đăng ký sáng kiến cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với chuyên môn nghiệp vụ cho từng năm học. Các đăng ký sáng kiến cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phải ứng dụng trực tiếp vào công tác huấn luyện và đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Các đề tài NCKH cấp Trường, cấp Bộ phải ứng dụng được vào thực tiễn tại cơ sở và phải phục vụ công tác đào tạo của Trường.
Sau khi có kết quả đăng ký, Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Trường tiến hành thẩm định đề cương chi tiết những sáng kiến, đề tài NCKH của cá nhân, sau đó gửi thông báo kết quả thẩm định tới các đơn vị để chủ nhiệm đề tài có cơ sở chỉnh sửa, bổ sung trong quá trình nghiên cứu. Các sáng kiến, đề tài NCKH hoàn thiện gửi về Hội đồng Khoa học và Đào tạo để tiến hành thẩm định cấp. Các sáng kiến, đề tài NCKH sau khi đã được thẩm định, phê duyệt sẽ được tiến hành triển khai thực hiện theo đúng trình tự.
Giáo viên giảng dạy tiết mục xiếc cho học sinh các khóa phải xây dựng Đề án tiết mục xiếc để Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường thẩm định, phê duyệt. Các đề án tiết mục xiếc sau khi được phê duyệt phải sử dụng ngay để giảng dạy cho học sinh, có điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình tập luyện.
3. Kết quả công tác NCKH của trường từ năm 2006 đến nay
Kết quả công tác NCKH của trường từ năm 2006 đến nay được chia thành 4 nhóm chính:
Đề tài NCKH cấp Bộ và cấp Trường
Đề tài NCKH cấp Bộ: có 7 đề tài NCKH cấp Bộ, trong đó có 2 đề tài đã nghiệm thu xong và áp dụng vào công tác đào tạo, giảng dạy của trường, 5 đề tài đã nghiệm thu cấp cơ sở, 1 đề tài đang triển khai thực hiện.
Giáo trình Đại cương nghệ thuật xiếc của tác giả Hoàng Minh Khánh đã nghiệm thu và xuất bản thành sách phục vụ công tác đào tạo.
Đề tài nghiên cứu Nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động marketing đối với nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ hội nhập của nhóm tác giả do bà Nguyễn Thị Lan Thanh, làm chủ nhiệm đề tài đã nghiệm thu và bảo vệ xong.
5 đề tài do ông Hoàng Minh Khánh làm chủ nhiệm đã nghiệm thu cấp cơ sở, 1 đề tài đang triển khai thực hiện. Cụ thể: Giáo trình cơ bản nhào lộn, Giáo trình cơ bản thể thao, Giáo trình lịch sử xiếc, Giáo trình cơ bản tung hứng, Giáo trình cơ bản thăng bằng, đã nghiệm thu cấp cơ sở; phim khoa giáo Giáo trình cơ bản nhào lộn, đang triển khai thực hiện.
Đề tài NCKH cấp Trường: đề tài NCKH Mẫu đề án tiết mục là sản phẩm khoa học có giá trị và ý nghĩa thực tiễn do ông Hoàng Minh Khánh nghiên cứu thực hiện. Kết quả nghiên cứu của đề tài giúp cho các giáo viên có căn cứ để xây dựng các thể loại tiết mục xiếc đã được áp dụng đại trà tại trường.
Biên dịch, biên soạn giáo trình và sách chuyên luận
Có 5 bộ sách chuyên luận và giáo trình nước ngoài đang được biên soạn lại như Giáo trình huấn luyện đu vòng, Giáo trình huấn luyện đu dây, Giáo trình huấn luyện đu tiên, Tiên phong đi - nghề xiếc ơi, Bách khoa toàn thư xiếc khổ nhỏ.
Bài viết khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành
Nhiều bài viết của ông Hoàng Minh Khánh và một số tác giả khác đã được đăng tải trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, thông báo khoa học và các kỷ yếu hội thảo khoa học như: Sự cần thiết của việc quản lý nhà nước về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Từ trò chơi dân gian đến nghệ thuật xiếc, Vài suy nghĩ từ những biểu hiện của xiếc cổ truyền, Nghiên cứu nghệ thuật xiếc trên phương diện lý luận, Cơ sở đánh giá chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật xiếc Việt Nam, Trường Trung học Xiếc Việt Nam - thực trạng và giải pháp quản lý đào tạo, Nghệ thuật xiếc và một số thuật ngữ liên quan, Một số yếu tố tương đồng và dị biệt giữa nghệ thuật xiếc với nghệ thuật sân khấu kịch, Hề xiếc và vấn đề đào tạo diễn viên hề cho xiếc Việt Nam, Thái độ ứng xử đối với thú làm xiếc - nhìn từ góc độ đào tạo...
Các sáng tạo, sáng kiến khoa học phục vụ công tác đào tạo
Có 3 sáng tạo, sáng kiến khoa học phục vụ công tác đào tạo của trường: cải tiến đạo cụ cầu bật để sáng tạo thể loại tiết mục xiếc mới cầu bật đạp người (còn gọi là nhào lộn trên chân) của tác giả Hoàng Minh Khánh (thể loại tiết mục này cho đến nay vẫn chưa trùng lặp với bất kỳ tiết mục xiếc nào đã có ở Việt Nam cả về hình thức đạo cụ cũng như kỹ thuật biểu diễn); cải tiến đạo cụ cây sào gánh để sáng tạo và huấn luyện thành công động tác đế 5 tầng của tác giả Hoàng Minh Khánh (nhờ cải tiến này lần đầu tiên trong lịch sử xiếc Việt Nam, Trường đã sáng tạo và huấn luyện thành công động tác đế 5 tầng là động tác kết thúc của tiết mục xiếc, trong đó động tác phức tạp nhất là diễn viên đi xe đạp một bánh trên sào gánh trong tư thế đế trụ trán); sáng tạo động tác xiếc vừa đi xe đạp 1 bánh vừa trụ đế trán, trên đỉnh trụ có một người trồng đầu của tác giả Hoàng Minh Khánh (động tác này được đưa vào huấn luyện và giảng dạy thành công cho học sinh khóa 25 của Trường).
4. Đánh giá công tác NCKH từ năm 2006 đến nay
Công tác NCKH được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Trường. Chính vì vậy, Hội đồng Khoa học và Đào tạo đã cố gắng đổi mới hoạt động để có những định hướng cụ thể, rõ ràng trong việc triển khai công tác NCKH trong từng năm học.
Hội đồng Khoa học và Đào tạo của trường đã kịp thời nhắc nhở các đơn vị thực hiện đúng kế hoạch từ việc tổ chức đăng ký đề tài, thẩm định đề cương chi tiết, thẩm định đề tài và tổ chức hội nghị khoa học... Đặc biệt việc xây dựng đề án tiết mục xiếc cho học sinh phải đúng thời gian, phù hợp với từng đối tượng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng tiết mục. Nhờ vậy, các đề tài đều bám sát vào định hướng chung và ứng dụng vào thực tiễn phục vụ cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục của Trường.
Tuy nhiên, công tác đào tạo, NCKH của Trường còn nhiều hạn chế. Hiện nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy về chuyên ngành xiếc có 1 TS, 1 Ths, 4 cử nhân đạo diễn sân khấu chuyên ngành xiếc, 14 cử nhân các chuyên ngành khác, 3 trung cấp. Hầu hết các giáo viên của khoa Xiếc không tham gia công tác NCKH, nhiều công trình NCKH, bài viết khoa học chỉ tập trung vào một vài cá nhân cụ thể. Ngoài ra, Trường chưa có chuyên viên phụ trách NCKH, đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ đào tạo chủ yếu thuộc chuyên ngành khác không liên quan đến chuyên ngành xiếc.
Là trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật mang đậm tính đặc thù, vì thế độ tuổi tuyển sinh của Trường dao động từ 11 - 18 tuổi. Bên cạnh việc tham gia vào các buổi luyện tập xiếc, các em còn được học tập kiến thức cơ bản của những môn học trong chương trình bổ túc văn hóa hệ THCS và THPT. Như vậy, có thể thấy, tất cả học sinh nhà trường không đủ năng lực để tham gia công tác NCKH. Để giải quyết những hạn chế này, Trường cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH:
Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên là công tác có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động NCKH của Trường. Trường cần xây dựng lộ trình và biện pháp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ giảng viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và NCKH. Cụ thể, quy hoạch đội ngũ giảng viên cần được đào tạo nâng cao trình độ sau đại học, gửi đi đào tạo tại các trường đại học về sân khấu, văn hóa, hay tại những nước có trình độ xiếc chuyên nghiêp cao như Nga, Trung Quốc, Pháp...
Có chính sách kêu gọi, khuyến khích đội ngũ giáo viên giảng dạy ở các bộ môn tham gia NCKH nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa nghiên cứu lý thuyết với thực tiễn đào tạo, giữa kết quả nghiên cứu lý luận với ứng dụng kỹ năng thực hành của giáo viên, học sinh trên lớp và trên sân khấu biểu diễn. Ngoài ra, cần đầu tư, hoàn thiện hệ thống giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo trong và ngoài nước phục vụ cho công tác NCKH.
Tóm lại, hoạt động NCKH đối với các trường đào tạo nói chung và Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam nói riêng là công tác quan trọng. Vì vậy, thời gian tới, Trường cần thực hiện các giải pháp khắc phục những hạn chế một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho hoạt động NCKH phát triển, góp phần đào tạo nhiều tài năng xiếc cho đất nước.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : HOÀNG TÙNG