Triển lãm Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace tổ chức lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật loạt tác phẩm chưa từng được công bố của cố họa sĩ Phan Kế An - một trong những Cây đại thụ của làng hội họa Việt Nam. Với phần giám tuyển của họa sĩ Vũ Đỗ, triển lãm diễn ra từ ngày 11/3 đến ngày 15/4/2022.
Những chứng nhân lịch sử
Điểm đặc biệt của Triển lãm Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu chính là việc lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật những tác phẩm có giá trị cả về nghệ thuật lẫn lịch sử và tham gia một số sự kiện song hành với triển lãm.
Họa sĩ Vũ Đỗ (The Painter’s Studio) - giám tuyển của triển lãm cho biết: “Điểm đặc biệt của triển lãm lần này là những tác phẩm được trưng bày tại đây chưa từng được công bố, ẩn giấu trong những tài liệu được tìm thấy ở tư gia của nghệ sĩ, và là những tác phẩm dang dở, chưa hoàn thiện, nhưng không vì thế mà mất đi giá trị. Bản thân chúng là nhân chứng của lịch sử, chứa đựng câu chuyện, kỷ niệm riêng của người họa sĩ”.
Theo đó, Triển lãm giới thiệu một chuỗi di sản nghệ thuật của cố nghệ sĩ Phan Kế An, bao gồm ba bức tranh sơn mài, một bức tranh sơn dầu, một bức tranh lụa và một loạt tranh ký họa đặc sắc của nghệ sĩ. Đây là các tác phẩm hội họa đa chất liệu, gồm các tác phẩm học tập và nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin (Liên Xô cũ) và những ký họa văn nghệ sĩ, danh nhân nửa cuối thế kỷ 20. Tất cả đều được gia đình bảo quản, lưu giữ cẩn trọng qua nhiều năm tháng tới tận ngày nay. Những bức tranh được ví như “kho tàng ẩn giấu” này sẽ hé lộ nhiều điều bất ngờ về hành trình sáng tác của họa sĩ nói riêng và đời sống nghệ thuật nói chung những năm 1945-1960.
Họa sĩ Vũ Đỗ đánh giá: “Những bức tranh này phản ánh quá trình làm việc, những trăn trở, suy nghĩ, thậm chí là sự thất vọng trong hành trình sáng tác gian khổ của một người nghệ sĩ, đồng thời hé lộ nhiều manh mối, câu chuyện về cuộc đời sáng tác của ông. Đặc biệt, tất cả đều có giá trị về mặt nghệ thuật với sức rung cảm và gây ấn tượng mạnh mẽ, cho thấy sự sáng tạo và thể nghiệm không ngừng của một cây đa, cây đề trong giới hội họa”.
Hé lộ một "Kho tàng ẩn giấu"
Thuộc thế hệ các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Phan Kế An (1923-2018) được đánh giá là một họa sĩ đa tài, một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20. Ông từng là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương - École des Beaux-Arts de l’Indochine (1944-1945) và là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957.
Phan Kế An sáng tác ở nhiều thể loại và sử dụng thành thạo nhiều chất liệu như: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ nhưng ông thành công nhất ở thể loại tranh sơn mài, sơn dầu và ký họa. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Bác Hồ làm việc ở lán Nà Lừa, Nhớ một chiều Tây Bắc, Gặt ở Việt Bắc, Những đồi cọ, Cánh đồng bản Bắc, Bụi nứa miền xuôi, Gác chuông, Hà Nội tháng 12 năm 1972...Tranh của ông mang phong cách hiện thực, xoay quanh nhiều đề tài gắn bó với lãnh tụ, kháng chiến, sinh hoạt của các dân tộc miền núi, trung du… được thể hiện bằng cảm xúc chân thực.
Họa sĩ Phan Kế An là người đầu tiên được ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1948. Trong thời gian này, ông đã sáng tác hơn 20 bức tranh về Bác, những tác phẩm này được in lên báo Sự thật số tháng 12 năm 1948. Hầu hết các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời ấy như Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông,Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Anh Thơ đều được Phan Kế An ký họa.
Phan Kế An, Nhớ một chiều Tây Bắc, sơn mài
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bức Nhớ một chiều Tây Bắc (1950), bức tranh đã gợi cho hoạ sĩ - nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh phổ nhạc cho ca khúc Nhớ một chiều Tây Bắc. Cùng với các họa sĩ đàn anh như Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Phan Thông..., họa sĩ Phan Kế An từng là chiến sĩ cách mạng và tham gia Việt Minh từ tháng 4 năm 1945 trong phong trào Sinh viên cứu quốc. Ông từng công tác tại Hội Văn hoá Cứu quốc Trung ương (1945-1947); Ủy viên tòa soạn, hoạ sĩ báo Sự thật (1947-1951); Ủy viên Ban Mĩ thuật Trung ương (1951 -1957); Phó Tổng thư ký (1958 - 1978) và Ủy viên Ban chấp hành Hội Mĩ thuật Việt Nam khoá I (1957- 1983); Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Ban chuyên ngành, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành đồ hoạ khoá II (1983- 1989) Hội Mĩ thuật Việt Nam; Ủy viên Ban Kiểm tra khoá III (1989-1994) Hội Mĩ thuật Việt Nam; hoạ sĩ tổ sáng tác Hội Mĩ thuật Việt Nam; Ủy viên Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá V và VI.
Ngoài ký họa chân dung, Phan Kế An còn nổi tiếng trong các thể loại tranh châm biếm với bút danh Phan Kích và nhiều bài viết tâm huyết về chuyên ngành mĩ thuật.
Ba bức tranh sơn mài, một bức tranh sơn dầu, một bức tranh lụa và một loạt tranh ký họa đặc sắc được giới thiệu trong triển lãm lần này là một phần trong kho tàng sáng tác đồ sộ của họa sĩ. Bà Phan Mai Thanh Thúy - con gái cố họa sĩ Phan Kế An cho biết: “Từ xưa đến nay, bố tôi hầu như không có triển lãm riêng, trừ hồi đi kháng chiến. Thực tế là vì hầu hết tranh của ông đều được bán hết ngay, có bức chưa ráo mực đã có người mua rồi. Một vài lần triển lãm chung ở 16 Ngô Quyền, bố tôi phải đi mượn lại tranh đã bán để trưng bày. Đó là lý do tôi ao ước thực hiện một buổi triển lãm riêng cho ông, nhưng chưa làm được vì điều kiện chưa cho phép. Chính vì vậy, ngay khi Vũ Đỗ đề đạt, tôi rất mừng, bởi tôi tin tưởng rằng, họa sĩ trẻ này là một người có tâm, được đào tạo bài bản và Viện Pháp tại Hà Nội cũng tạo điều kiện rất nhiều và là một đơn vị uy tín. Đây là cơ hội để đưa các tác phẩm của ông đến với công chúng”.
Song hành với triển lãm là tọa đàm cùng tên được tổ chức với mong muốn giới thiệu cho công chúng một góc nhìn mới về bảo tồn và kế thừa di sản nghệ thuật. Họa sĩ Vũ Đỗ - giám tuyển của triển lãm là một họa sĩ, nhà giáo dục về nghệ thuật tại Hà Nội. Mục tiêu của các nghiên cứu, chương trình giảng dạy của anh là chia sẻ kiến thức và lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến công chúng. Là nhà sáng lập của The Painter’s Studio - trường dành cho những người yêu thích và muốn tìm hiểu về nghệ thuật, Vũ Đỗ hiện đang tập trung nghiên cứu về hạt màu, kỹ thuật hội họa cổ Bắc Việt từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm - Ảnh: Huy Nguyễn
GIẢI THƯỞNG:
●Huân chương Độc lập hạng Ba
●Huân chương Kháng chiến hạng Nhì
●Giải thưởng ở Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám năm 1946
●Giải Nhất tranh đả kích Triển lãm Hội hoạ năm 1951
●Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc: Giải Nhất năm 1955, Giải Ba năm 1958 và năm 1985
●Giải thưởng mỹ thuật hoạ sĩ cao tuổi Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1998
●Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001
HỒNG NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 493, tháng 3-2022